Nhóm ngành nào dự báo có tăng trưởng lợi nhuận vượt trội trong quý 2/2024?
Sang quý 2/2024, cơ hội tìm kiếm các nhóm ngành tăng trưởng lợi nhuận cao dần khan hiếm hơn, yếu tố nền KQKD thấp cùng kỳ sẽ không còn là câu chuyện chính. Dù vậy, Agriseco Research tiếp tục sàng lọc và lựa chọn ra các nhóm ngành được kỳ vọng có tăng trưởng lợi nhuận cao.
Thị trường chứng khoán đang trong xu hướng tăng giá kể từ đầu năm 2024 với mức tăng của VN-Index đạt gần 14%. Đi cùng với sự đi lên của điểm số là sự tăng trưởng KQKD quý 1 của các doanh nghiệp niêm yết trên sàn với một số nhóm ngành tiêu biểu như ngành thép (+451%), ngành bán lẻ (+367%), ngành chứng khoán (+103%).
Hiện nay, với việc mặt bằng định giá của VN-Index vẫn đang ở mức hợp lý với P/E khoảng 14x lần và P/B 1,8x lần, thị trường chứng khoán vẫn còn dư địa tăng điểm với trọng tâm tập trung vào các nhóm ngành KQKD tăng trưởng cao trong Quý 2/2024.
Bước sang quý 2/2024, cơ hội tìm kiếm các nhóm ngành tăng trưởng lợi nhuận cao dần khan hiếm hơn, yếu tố nền KQKD thấp cùng kỳ sẽ không còn là câu chuyện chính. Dù vậy, Agriseco Research tiếp tục sàng lọc và lựa chọn ra các nhóm ngành được kỳ vọng có tăng trưởng lợi nhuận cao.
Thứ nhất, nhóm bán lẻ. Trong Quý 2 tới đây, ngành bán lẻ vẫn có dư địa tăng trưởng mạnh trên mức nền thấp trong quý 2/2023 - giai đoạn các doanh nghiệp bán lẻ tạo đáy về lợi nhuận. Agriseco kỳ vọng trong quý tới, lợi nhuận toàn ngành tiếp tục tăng trưởng so với cùng kỳ và tăng trưởng so với quý trước đó nhờ nền kinh tế có tín hiệu khởi sắc, tổng mức bán lẻ hàng hoá tăng mạnh, lượng khách du lịch cải tiện kích thích nhu cầu tiêu dùng và mặt bằng lãi suất duy trì ở mức thấp cùng các chính sách như giảm thuế VAT.
Thứ hai, nhóm thép. Trong Quý 2/2024, sản lượng bán hàng thép tiếp tục phục hồi, ước tính tăng 15% so với cùng kỳ và đạt gần 10,5 triệu tấn và kênh xuất khẩu dự báo tiếp tục khả quan nhờ các thị trường xuất khẩu như Mỹ, châu Âu đẩy mạnh xây dựng hạ tầng.
Bên cạnh đó, biên lợi nhuận gộp nhóm thép cũng được cải thiện so với cùng kỳ nhờ các doanh nghiệp duy trì chính sách hàng tồn kho thấp giúp giá thành diễn biến sát với giá nguyên vật liệu (cùng kỳ năm ngoái các doanh nghiệp phải chịu hàng tồn kho giá cao trong khi giá bán giảm khiến biên lợi nhuận gộp bị thu hẹp)
Thứ ba, nhóm xuất khẩu. Trong đó, xuất khẩu gỗ, dệt may, cá tra, cao su chất dẻo kỳ vọng sẽ có KQKD quý 2 khởi sắc do kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh nhờ nhu cầu từ nhiều thị trường lớn tăng lên.
Thứ tư, nhóm xây dựng. Ngành xây dựng hạ tầng kỳ vọng tăng trưởng mạnh so với mức nền thấp năm 2023 nhờ kỳ vọng khối lượng thi công sẽ tăng cao trong quý 2 năm 2024 do năm 2024 là năm cao điểm giải ngân đầu tư công và tỷ lệ giải ngân tính đến tháng 4/2024 tích cực hơn so với cùng kỳ.
Theo Agriseco Research tổng hợp, các doanh nghiệp có khối lượng backlog chuyển tiếp năm 2024 cao hơn đáng kể so với doanh thu xây dựng năm 2023 (gấp khoảng 2-3 lần), từ đó tạo dư địa ghi nhận KQKD giai đoạn tới.
Thứ năm, công nghệ thông tin và viễn thông kỳ vọng duy trì đà tăng trưởng nhờ nhu cầu chi tiêu cho chuyển đổi số toàn cầu và trong nước dự báo tiếp tục tăng trên 15%. Xu hướng phát triển AI, Big Data, Cloud sẽ tiếp tục dẫn dắt thị trường. Các doanh nghiệp CNTT kỳ vọng hưởng lợi trong khâu sản xuất, gia công, lắp ráp & thử nghiệm nếu Việt Nam thu hút các nhóm ngành công nghệ cao như chip, chất bán dẫn, năng lượng tái tạo trong dài hạn.
Thứ sáu, nhóm dầu khí cũng được hưởng lợi tích cực nhờ giá cho thuê giàn khoan tiếp tục duy trì ở mức cao khi nguồn cung toàn cầu đang hạn chế. Các đại dự án dầu khí ở Việt Nam tiếp tục được thúc đẩy triển khai trong năm 2024 đem về khối lượng công việc rất lớn cho các doanh nghiệp thượng nguồn dầu khí