Tôi tiết kiệm được 300 triệu trong chưa đầy 3 năm nhờ quyết tâm chấm dứt thói xấu này
Những thói quen xấu chính là “thủ phạm” bào mòn ví tiền của tất cả chúng ta.
- 08-04-2025Vợ chồng tôi 1 năm nữa về hưu, lương hưu 10 triệu, tiết kiệm 7 tỷ thì có nên chuyển về Đà Nẵng ở không?
- 06-04-20255 kiểu tiết kiệm nếu còn làm sẽ khiến bạn nghèo mãi
- 06-04-2025Tôi không mua quần áo trong 3 tháng và số tiền tiết kiệm được đã giúp tôi mua 1 chỉ vàng!
Tôi vốn không phải là người chi tiêu quá trớn, tôi chẳng ham mua sắm, cũng không ham ăn hàng hay đi du lịch sang chảnh. Nhưng điều khó hiểu là tôi vẫn chẳng có nổi 100 triệu trong tài khoản tiết kiệm, dù lúc đó tôi đã đi làm được gần 4 năm.
Tiền của tôi cứ vơi đi một cách khó hiểu, ban đầu, tôi không hiểu được tại sao. Nhưng sau khi soi xét lại bản thân, tôi mới nhận ra mình đã "rơi vào những hố đen tài chính" đáng sợ hơn cả việc nghiện mua sắm.
Ảnh minh họa
Chỉ sau khi nhận ra những "hố đen" ấy và quyết tâm thay đổi để thoát ra, tôi mới bắt đầu tiết kiệm thành công. Trong vòng chưa đầy 3 năm, từ năm 2022 đến hiện tại, tôi đã tiết kiệm được 300 triệu! Với mọi người, có thể đó không phải số tiền quá lớn, nhưng với tôi, đó là thành quả không thể phủ nhận.
Và dưới đây chính là 2 "hố đen" mà tôi đã từng chôn chân trong đó, nên mới chẳng dư được đồng nào.
1 - Đam mê đầu tư với suy nghĩ mù quáng "mình sẽ lấy lại được"
Cái mác "đầu tư" nghe thật kêu, thật thời thượng. Tôi cũng không nằm ngoài vòng xoáy đó. Nghe đâu có "kèo thơm", có dự án hứa hẹn lợi nhuận khủng trong thời gian ngắn, là tôi ngay lập tức đổ tiền vào đó. Từ cổ phiếu "penny" không rõ nguồn gốc, đến những thị trường, nền tảng đầu tư mà tôi còn chẳng hiểu cơ chế hoạt động, tôi vẫn cứ mạnh dạn "rót vốn".
Lý do ư? Đơn giản là lòng tham và sự thiếu kiên nhẫn. Tôi mơ về những khoản lợi nhuận kếch xù chỉ sau vài tuần, vài tháng. Tôi bỏ qua những lời khuyên về việc tìm hiểu kỹ lưỡng, về sự ổn định lâu dài. Tôi cứ say mê lướt sóng để rồi bị sóng cuốn đi lúc nào chẳng hay.
Kết quả thì khỏi cần nói cũng biết: Tôi hết sạch tiền. Có những lần tôi "ăn may" được chút đỉnh, nhưng phần lớn là những cú "sập sàn" đau đớn. Tiền bạc cứ thế đội nón ra đi, để lại trong tôi sự tiếc nuối và cả sự bực bội với chính mình. Nhưng trong cái rủi cũng có cái may. Chí ít là tôi vẫn còn tỉnh táo để không đi vay tiền đầu tư. Tiền tôi mất là tiền tôi có, chứ không phải tiền vay mượn.
Cũng phải mất một khoảng thời gian, tôi mới chấp nhận được sự tham lam có phần ngốc nghếch, khờ dại của bản thân. Tôi dần từ bỏ suy nghĩ "phải gỡ cho bằng được", và từ đó, tôi mới tỉnh ngộ ra.
2 - Tính cả nể mỗi khi "được" hỏi vay tiền
Tôi là người trọng tình nghĩa, điều đó không sai. Nhưng đôi khi, sự cả nể và lòng tốt đặt không đúng chỗ lại trở thành "gánh nặng" cho túi tiền của tôi. Cứ hễ có ai đó mở lời vay mượn, dù là bạn bè lâu năm, đồng nghiệp mới quen, hay thậm chí là người họ hàng xa ít khi liên lạc, tôi đều không dám từ chối.
Ảnh minh họa
Tôi cảm thấy dằn vặt vô cùng nếu lúc đó đang có tiền mà lại từ chối giúp đỡ, không cho họ vay. Và quả thực, tôi cũng sợ bị đánh giá là keo kiệt.
Thế là tôi tặc lưỡi, rút điện thoại ra và chuyển khoản. Ai vay tôi cũng đồng ý, miễn là lúc đó tôi có tiền. Tôi vốn nghĩ "sởi lởi thì trời cho", nhưng tôi lại quên mất việc đánh giá khả năng trả nợ của người vay, quên mất việc đặt ra những điều khoản rõ ràng.
Và rồi, những lời hứa hẹn trả nợ cứ dần trôi vào quên lãng. Những cuộc gọi, tin nhắn hỏi thăm lịch trả nợ trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Tôi dần nhận ra rằng, lòng tốt của mình đang bị lợi dụng. Số tiền cho vay cứ tích tụ, trở thành một khoản "nợ khó đòi" khổng lồ, gặm nhấm sự an tâm và kế hoạch tài chính của tôi. Tôi chợt hiểu ra, giúp đỡ người khác là tốt, nhưng phải dựa trên sự tỉnh táo và khả năng thực tế của bản thân.
Làm gì thì làm, cũng phải có tiền tiết kiệm mới an tâm được!
Đến một ngày, khi nhìn vào tài khoản ngân hàng trống rỗng sau bao nhiêu năm làm việc chăm chỉ, tôi chợt giật mình. Tôi nhận ra mình không thể tiếp tục sống như vậy được nữa. Những "hố đen" sai lầm đang kéo tôi xuống, cản trở mọi dự định tương lai.
Sau một thời gian kiên trì thay đổi bằng đổ tiền vào tài khoản tiết kiệm thay vì các thị trường đầu tư, và học cách "nói không" mỗi khi bị vay tiền, tôi ngày càng cảm thấy an tâm hơn về tương lai tài chính của mình. Tôi cũng có thêm động lực để thực hiện những mục tiêu dài hạn như mua nhà hay đi du lịch.
Quan trọng hơn, tôi cảm thấy tự chủ và tự tin hơn trong việc quản lý tài chính của mình. Tôi không còn bị cuốn vào những cơn lốc đầu tư vô vọng hay những mối quan hệ mà trong đó, tôi là người bị lợi dụng.
Nhìn lại hành trình đã qua, tôi nhận ra rằng việc từ bỏ những thói quen xấu không hề dễ dàng, đòi hỏi sự kiên trì và quyết tâm cao độ. Nhưng những lợi ích mà nó mang lại là vô cùng to lớn và xứng đáng để tôi cố gắng.
Phụ nữ số