MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhóm ngành nào được dự báo có tăng trưởng lợi nhuận tốt trong quý 1/2023?

Nhóm ngành nào được dự báo có tăng trưởng lợi nhuận tốt trong quý 1/2023?

Bức tranh kinh doanh quý 1/2023 đang hé mở với nhiều gam màu không mấy tươi sáng trước áp lực của lạm phát thế giới và động thái tăng lãi suất. Tuy vậy cũng sẽ có một số nhóm ngành duy trì KQKD tích cực.

Bước sang năm 2023, các doanh nghiệp vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức nhưng sẽ xen lẫn cơ hội. Những khó khăn đến từ diễn biến phức tạp của thị trường TPDN trong nước, nguy cơ suy thoái kinh tế và rủi ro hệ thống tài chính toàn cầu.

Mặc dù vậy, một số thông tin tích cực đang dần xuất hiện có thể hỗ trợ các doanh nghiệp như (1) Nghị định 08/2023 sửa đổi Nghị định 65/2022 về phát hành TPDN riêng lẻ được ban hành; (2) Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh giảm các loại lãi suất điều hành để hỗ trợ nền kinh tế.

Bức tranh kinh doanh quý 1/2023 đang hé mở với nhiều gam màu không mấy tươi sáng trước áp lực của lạm phát thế giới và động thái tăng lãi suất. Tuy vậy cũng sẽ có một số nhóm ngành duy trì KQKD tích cực. Vậy xu hướng vận động của các nhóm ngành trong quý 1 được dự báo như thế nào?

Trong báo cáo mới đây, Agriseco Research đã đưa ra dự báo về triển vọng lợi nhuận nhiều nhóm ngành trong quý 1.

Thứ nhất, nhóm ngành bất động sản. Agriseco Research cho rằng triển vọng lợi nhuận trong quý 1 có thể suy giảm do mức nền cao của cùng kỳ năm ngoái. Đồng thời, nhu cầu sụt giảm trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn và nguồn huy động vốn thắt chặt trong môi trường lãi suất cao.

Trong Q1/2023, các thông tin hỗ trợ từ Nghị định và Nghị quyết của Chính phủ tập trung vào nhóm các doanh nghiệp có dự án nhà ở xã hội nhưng triển vọng chưa phản ánh vào KQKD.

Về trung và dài hạn các chính sách hỗ trợ tháo gỡ thúc đẩy thị trường BDS bao gồm: NĐ08 về trái phiếu phát hành riêng lẻ, NQ33 giãn hoãn nợ lãi vay, lãi suất cho vay giảm, các luật đất đai, nhà ở, kinh doanh BDS dự kiến ban hành từ 7/2024 sẽ giúp thị trường BDS ấm dần lên từ nửa cuối năm 2024.

Thứ hai, nhóm ngân hàng. Đội ngũ phân tích cho rằng lợi nhuận của ngành có thể tăng chậm lại so với mức nền cao cùng kỳ năm ngoái khi các ngân hàng gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn, nhu cầu mua nhà sụt giảm đáng kể trong môi trường lãi suất cao. Theo số liệu NHNN, tốc độ tăng trưởng tín dụng tới ngày 24/2/2023 mới chỉ đạt mức khá khiêm tốn là 0,77% so với đầu năm.

Mặt khác, chất lượng tài sản của các ngân hàng có khả năng suy giảm khi nợ xấu có xu hướng gia tăng trong bối cảnh thị trường BĐS và TPDN bị kiểm soát chặt chẽ hơn, khả năng trả nợ của khách hàng bị ảnh hưởng.

Thứ ba, nhóm thép. Các doanh nghiệp thép vẫn gặp nhiều khó khăn trong Q1.2023 bởi (1) Nhu cầu trong nước tiếp tục suy yếu do thị trường bất động sản trầm lắng; (2) Thị trường xuất khẩu vẫn chưa thuận lợi do suy thoái kinh tế.

Lợi nhuận toàn ngành thép trong Q1.2022 đạt 9.856 tỷ đồng, đây là mức nền cao của cùng kỳ. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp thép có thể tiếp tục gặp khó khăn và đối mặt với nguy cơ thua lỗ trong quý đầu năm nay.

Mặc dù vậy, có một số tín hiệu khả quan đã dần xuất hiện đối với ngành thép như (1) Giá thép đã phục hồi khá tích cực từ đầu năm khi Trung Quốc mở cửa trở lại; (2) Kỳ vọng đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công trong năm 2023.

Thứ tư, nhóm xây dựng hạ tầng. Triển vọng ngành xây dựng hạ tầng: Tích cực - Chính phủ có nhiều biện pháp thúc đẩy lĩnh vực thi công hạ tầng giao thông, trong đó đáng chú ý là việc khởi công 25 gói dự án thành phần thuộc cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2.

KQKD Quý 1 sẽ được hỗ trợ nhờ các dự án trọng điểm trong giai đoạn trước đưa vào hạch toán, như cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 1, Metro Bến Thành - Suối Tiên,...

Mặc dù vậy, giá nguyên vật liệu đầu vào tăng cao cũng sẽ ảnh hưởng nhất định tới tiến độ triển khai dự án trong các quý đầu năm, từ đó có thể ảnh hưởng tới dòng tiền hoạt động. Thêm vào đó, giá cổ phiếu nhóm xây dựng hạ tầng đều đã tăng 100-200% so với đáy tháng 11/2022, tiềm ẩn rủi ro chốt lời.

Thứ năm, nhóm dầu khí . Agriseco Research chia làm hai nhóm nhỏ (1) Thăm dò khai thác dầu khí có triển vọng lợi nhuận Q1 khả quan. Sau 2 năm 2021-2022 giá dầu bước vào xu hướng tăng và duy trì ở mức cao, giá các dịch vụ dầu khí như giá cho thuê dàn khoan, giá cho thuê kho chứa dầu nổi đang tăng khá tốt. Dự án Lô B - Ô Môn cũng sẽ mang lại triển vọng tích cực cho các doanh nghiệp thăm dò khai thác dầu khí trong trung dài hạn.

(2) Chế biến, phân phối xăng dầu và khí đốt, đối với doanh nghiệp sản xuất, chế biến như Bình Sơn, triển vọng lợi nhuận khả quan trong quý 1 khi Crack Spread đang tăng khá tốt. Về phía các doanh nghiệp phân phối, bán lẻ xăng dầu, nhóm này bị tác động lớn bởi diễn biến giá dầu thế giới, và có thể bị ảnh hưởng bởi việc giá dầu giảm mạnh trước lo ngại về suy thoái kinh tế.

Ngoài những ngành quen thuộc kể trên, Agriseco Research cũng đánh giá một số nhóm như BĐS KCN, điện, vận tải dầu, hàng không, lương thực - gạo, CNTT viễn thông hay dược sẽ ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực trong Q1 tới.

Ngược lại, nhóm phân bón, hoá chất, dệt may, thuỷ sản, bán lẻ sẽ có diễn biến kém khả quan trong Q1 do chịu áp lực từ nhiều yếu tố về lãi suất, lạm phát cao, xuất khẩu suy giảm,…

Hạ Anh

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên