MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhóm nông sản xuất khẩu chủ chốt của VN đồng loạt trượt giá trên thị trường thế giới

09-05-2017 - 16:05 PM | Thị trường

Tháng 4 giá một số mặt hàng nông sản như cà phê, cao su, hạt tiêu… đồng loạt sụt giảm trên thị trường thế giới và lập những “kỷ lục thấp” với nguyên nhân chủ yếu do nhu cầu yếu. Xuất khẩu nông sản nước ta vốn suy yếu suốt 5 năm qua tiếp tục lâm vào khó khăn trong năm 2017.

Cao su: Giá thấp nhất 5 tháng

Sau khi giảm 7% trong quý 1/2017, giá cao su thiên nhiên tiếp tục giảm trong tháng 4 do nhu cầu yếu trong khi nguồn cung vẫn dồi dào. Đóng cửa phiên giao dịch 28/4, cao su giao tháng 10 trên sàn Tokyo ở mức 217,3 yen/kg, giảm 15% so với một tháng trước đó. Cùng xu hướng, hợp đồng giao tháng 9 trên sàn Thượng Hải cũng giảm xuống 14.760 NDT (2.141 USD)/tấn (từ mức 16.336 NDT tương đương 2.371 USD một tháng trước đó); hợp đồng giao tháng 5 trên sàn Singapore ở mức 162 US cent/kg so với 173,5 USD một tháng trước. Giá hiện đang thấp nhất 5 tháng bởi lo ngại dư cung tràn ngập tại châu Á.

Ông Suksaard cho biết sản lượng cao su Thái Lan năm nay dự báo giảm bởi mưa lớn kéo dài ở miền nam nước này hồi đầu năm nay. Về nhu cầu, ông cho biết tiêu thụ ô tô tăng ở những nước tiêu thụ cao su thiên nhiên chính và tăng trưởng tiêu dùng cao su ở Trung Quốc sẽ có lợi cho thị trường cao su. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng dự báo tăng trưởng kinh tế của Mỹ, EU và Nhật Bản vẫn đang hướng đi lên sẽ giúp đẩy tăng kinh tế toàn cầu, và tăng trưởng của ngành ô tô thế giới năm nay dự báo sẽ khoảng 7% đến 12%.

Cà phê: Giá thấp nhất 7 tháng rưỡi

Giá cà phê đã giảm 13 – 15% chỉ trong vòng 10 ngày do hoạt động bán tháo diễn ra mạnh mẽ. Arabica kỳ hạn giao tháng 7/2017 trên sàn New York từ mức 145,93 US cent/lb phiên 19/4 tụt xuống chỉ 129,07 trong phiên 28/4 (-13%), kéo theo robusta cùng kỳ hạn trên sàn London giảm từ 2.163 USD/tấn xuống 1.878 USD/tấn (-15%).

Cooxupé (Brazil), doanh nghiệp xuất khẩu cà phê arabica lớn nhất thế giới, dự kiến doanh số bán cà phê trong năm nay sẽ tăng 7% đạt 6,2 triệu bao ) (1 bao = 60 kg) mặc dù sản lượng dự báo sẽ giảm. Người trồng cà phê Brazil đang tăng cường xuất bán sau khi Toà án Tối cao Liên bang ra phán quyết sẽ đánh thuế đối với khoản tiền thu được từ bán cà phê và các loại ngũ cốc khác. Sản lượng Brazil dự báo sẽ giảm 15-20% trong năm 2017 nhưng sẽ hồi phục mạnh trong năm 2018.

Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO) đưa tin xuất khẩu cà phê thế giới trong tháng 3/2017 giảm nhẹ 2% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống 10,72 triệu bao, nhưng tính chung trong 6 tháng đầu niên vụ 2016/17 (bắt đầu từ 1/10/2016) đã tăng 4,8% lên 60,08 triệu bao. Xuất khẩu robusta trong tháng 3 giảm 5,4% xuống 4,10 tgriệu bao nhưng cộng dồn trong 6 tháng qua tăng 4,2% lên 21,89 triệu bao, trong khi đó xuất khẩu arabica tăng 0,3% trong tháng 3 lên 6,62 triệu bao và tăng 5,1% trong 6 tháng lên 38,19 triệu bao.

Giá cà phê châu Á biến động ít hơn so với phương Tây bởi nông dân găm hàng lại khi thấy giá xuống thấp. Tại Việt Nam, giá robusta xuất khẩu loại 5% đen vỡ hiện cao hơn 40-50 USD/tấn so với hợp đồng giao tháng 7 tại London, so với mức trừ lùi 20 – 30 USD/tấn một tháng trước đây. Giá trên thị trường nội địa hiện ở mức 43.000 đồng (1,89 USD)/kg, so với 47.300-48.000 đồng (2,08-2,11 USD) một tháng trước đây. Xuất khẩu cà phê Việt Nam 4 tháng đầu năm 2017 ước đạt 604.000 tấn (10,1 triệu bao), giảm 8,8% so với cùng kỳ năm trước.

Hạt tiêu: Giá giảm mạnh và có thể sẽ giảm nữa

Giá hạt tiêu thế giới cũng đang sụt giảm do nhu cầu yếu. Tại Ấn Độ, giá giao ngay loại đen xô hiện chỉ 555 rupee/kg, giảm khoảng 5% so với một tháng trước đây, loại đen chọn hiện khoảng 579 rupee/kg, giảm khoảng 4,5% khi các kho trữ và doanh nghiệp bán lẻ giảm mua. Trên thị trường Việt Nam, giá tiêu đen xuất khẩu đạt chuẩn chất lượng FAQ, giá hiện tại chỉ vào khoảng 4.800 USD/tấn, giá nội địa cũng giảm mạnh, tuần qua có lúc xuống mức thấp kỷ lục khi có nơi chỉ 94.000 đồng/kg. Mức giá này đã giảm khoảng 40 - 50% so với mức giá "đỉnh cao" mà hồ tiêu Việt Nam lập được từ cách đây 2 năm.

Các thương gia Ấn Độ cho biết giá tiêu tại nước này đã giảm khoảng 100 rupee/kg so với mức trung bình của vụ vừa qua, và dự báo giá sẽ còn giảm thêm nữa trong thời gian tới khi Karnataka vào vụ thu hoạch và lượng nhập khẩu tăng lên, nguồn cung theo đó sẽ càng tăng. Được biết, một số khu vực của bang Karnataka đã thu hoạch và có nông dân bán giá chỉ khoảng 450 rupee/kg.

Trang Financialexpress dẫn lời một trong những nhà xuất khẩu lớn đồng thời là thành viên của Hiệp hội Thương mại Gia vị và Hạt tiêu Ấn Độ (IPSTA), ông Kishore Shamji, dự báo giá tiêu tại nước này sẽ giảm thêm 100 rupee/kg trong vài tháng tới do lượng nhập tăng từ Sri Lanka và Việt Nam vào vụ thu hoạch với sản lượng dự báo đạt trên 200.000 tấn.

Nông dân và giới thương lái Ấn Độ đã kêu gọi Chính phủ của họ áp giá sàn nhập khẩu đối với mặt hàng này của Việt Nam với mức 6.000 USD/tấn. Theo Hiệp hội Thương mại Tiêu và Gia vi Ấn Độ (IPSTA), người trồng tiêu và giới thương lái Ấn Độ đang rất lo ngại về khả năng tiêu đen Việt Nam khi nhập khẩu vào nước này có thể bị khai man hoặc không có hóa đơn trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ ngày càng tăng mà giá trong nước vẫn ở mức cao.

Một số nhà kinh doanh tiêu ở Ấn Độ cho rằng vì thuế nhập khẩu tiêu Việt Nam đã tăng lên 54% nên rất nhiều doanh nghiệp nhập khẩu Ấn Độ đang cố tìm cách mang mặt hàng này về nước. Theo họ, lợi dụng thời điểm giá tiêu nội địa tăng mạnh, nhiều doanh nghiệp nhập khẩu Ấn Độ đã chấp nhận khai man hóa đơn mua hàng, gây tổn thất lớn cho doanh thu của chính phủ cũng như lợi ích của người trồng tiêu nước này.

Uỷ ban Hạt tiêu Quốc tế (IPC) dự báo sản lượng tiêu thế giới năm 2017 sẽ đạt 418.604 tấn so với 397.153 tấn năm2016. IPC dự báo sản lượng của Ấn Độ sẽ đạt 55.000 tấn, so với 45.500 tấn năm 2016, và tiêu thụ sẽ tăng lên 51.500 tấn.

Đường: Giá thấp nhất 1 năm

Đóng cửa phiên 26/4, đường thô giao tháng 7 trên sàn New York đã xuống mức 15,57 US cent/lb; trong phiên có lúc giá chỉ 15,52 US cent, thấp nhất kể từ ngày 28/4/2016. Đường trắng giao tháng 8 trên sàn London cùng phiên cũng giảm xuống chỉ 453,30 USD/tấn vào lúc kết thúc phiên. Như vậy chỉ trong vòng 2 tháng rưỡi, đường đã mất gần 30% giá trị.

Sau 2 năm thiếu hụt, thị trường đường thế giới đang chuyển hướng sang dư thừa, với dự báo sẽ dư khoảng 3 triệu tấn trong niên vụ 2017/18. Ấn Độ sẽ không nhập khẩu nhiều đường như những dự đoán trước đây khiến thị trường đường mất động lực tăng giá kể từ giữa tháng 2/2017. Thông tin từ Ấn Độ cho biết sau khối lượng 500.000 tấn đường thô cấp phép nhập khẩu vào đầu tháng 4/2017 thì nước này sẽ không nhập thêm nữa từ nay tới cuối năm do sản lượng trong nước đang dần cải thiện và nhu cầu tăng chậm lại.

Hiệp hội các nhà máy đường Ấn Độ (ISMA) ngày 25/4 cho biết doanh số bán đường tại nước tiêu thụ lớn nhất thế giới này sẽ giảm 1 triệu tấn trong niên vụ bắt đầu từ tháng 10/2016, xuống khoảng 23,8 đến 24 triệu tấn, so với mức thông thường khoảng 25 triệu tấn. Trong khi đó, tháng 10 tới Liên minh châu Âu (EU) sẽ xoá bỏ hạn ngạch sản xuất đường, nguồn cung từ thị trường này ra thế giới được nhận định sẽ tăng mạnh, khiến lượng dư cung trên thế giới gia tăng thêm nữa.

Gạo: Dư cung thiếu cầu

Tháng 4 giá gạo xuất khẩu của các nước xuất khẩu chủ chốt biến động trái chiều nếu tính theo USD: Tăng ở Ấn Độ và Thái Lan và giảm ở Việt Nam, nhưng tính theo nội tệ thì giá đồng loạt giảm bởi tỷ giá đồng rupee và baht đều tăng so với USD.

Ấn Độ, Thái Lan, Việt Nam… đồng loạt vào vụ thu hoạch đẩy nguồn cung tăng lên, trong khi đó nhu cầu tiếp tục yếu. Trung Quốc giảm nhập khẩu gạo cả chính ngạch lẫn tiểu ngạch, Philippines tạm dừng nhập khẩu gạo nhằm bảo hộ sản xuất trong nước, Indonesia sẽ giảm nhập khẩu...

Ngày 30/3 Bộ trưởng Nông nghiệp Philippines Emmanuel Piñol thông báo sản lượng vụ lúa này dự báo sẽ bộ thu và có thể không cần thiết phải nhập khẩu thêm 250.000 tấn gạo như dự kiến nữa. Nhất trí với ý kiến của Bộ Nông nghiệp, ngày 10/4 Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã chỉ thị cho NFA tiến hành thu mua lúa của nông dân trong nước để làm đầy kho dự trữ, và nói rằng sẽ không hay nếu nhập khẩu gạo vào lúc này. Ông Duerte chỉ thị chỉ vài giờ sau khi NFA cho biết họ rất cần mua 490.800 tấn gạo để làm đầy kho dự trữ – đã bị giảm sút xuống dưới mức cần thiết quy định khi sắp vào mùa giáp hạt.

Indonesia cũng thông báo năm nay dư thừa gạo và có thể xuất khẩu một khối lượng nhỏ. Tùy viên Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) ở Indonesia ngày 30/3 dự báo sản lượng gạo Indonesia năm 2017 sẽ tăng 2,6% lên 37,15 triệu tấn “do diện tích lúa tăng” và do vậy nhập khẩu gạo vào nước này năm 2017 sẽ giảm một nửa xuống 500.000 tấn.

Việc Indonesia giảm nhập khẩu và Philippines hoãn nhập khẩu đều có ảnh hưởng bất lợi tới xuất khẩu của Việt Nam, bởi đây là 2 khách hàng lớn truyền thống của nước ta.

Giá gạo xuất khẩu loại 5% tấm của Việt Nam hiện ở mức khoảng 350 USD/tấn, thấp nhất so với cùng kỳ của 5 năm gần đây, giảm khoảng 10 USD/tấn so với đầu năm và khoảng 25 USD/tấn so với cùng kỳ năm trước.

Vân Chi

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên