MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhóm quốc doanh: Vietcombank cách biệt lợi nhuận, VietinBank, BIDV tích cực dự phòng

07-11-2021 - 20:45 PM | Tài chính - ngân hàng

Nhóm quốc doanh: Vietcombank cách biệt lợi nhuận, VietinBank, BIDV tích cực dự phòng

Ba ngân hàng quốc doanh đang niêm yết trên sàn có bức tranh tài chính khác nhau trong 9 tháng đầu năm. Vietcombank (HoSE: VCB) vẫn kiên định với kiểm soát rủi ro, trong khi BIDV (HoSE: BID) và VietinBank (HoSE: CTG) cũng dùng lợi nhuận thuần từ kinh doanh để đẩy mạnh trích lập, trong bối cảnh nợ xấu tiềm ẩn tăng.

Vietcombank vượt xa về lợi nhuận

Kết thúc quý III, Vietcombank ghi nhận lãi trước thuế 19.311 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ năm trước, tương đương 77% kế hoạch năm. Con số này dẫn đầu toàn ngành ngân hàng.

Ở phía sau, VietinBank đừng thứ hai với 13.910 tỷ đồng lợi nhuận, tăng 34% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, BIDV mang về 10.733 tỷ đồng, tăng 53%, tương đương 83% kế hoạch năm. Đây là lần đầu tiên ba ngân hàng quốc doanh đều có lợi nhuận vượt 10.000 tỷ đồng chỉ sau 9 tháng.

Nhóm quốc doanh: Vietcombank cách biệt lợi nhuận, VietinBank, BIDV tích cực dự phòng - Ảnh 1.

Lợi nhuận trước thuế các ngân hàng. Đơn vị: tỷ đồng, %.

Lãi thuần vẫn là nguồn đóng góp chính cho các nhà băng. BIDV là ngân hàng tăng trưởng nguồn thu cao nhất trong 9 tháng với 43% (35.964 tỷ đồng), trong khi VietinBank tăng 24% (đạt 31.392 tỷ đồng) và Vietcombank gần 22% (đạt 31.605 tỷ đồng).

Với mảng thu từ dịch vụ, Vietcombank dẫn đầu tăng trưởng 41%, đạt gần 5.000 tỷ đồng, trong khi đó BIDV đứng thứ hai với hơn 4.770 tỷ đồng, tăng 30%. VietinBank chỉ tăng 18% đạt 3.794 tỷ đồng.

Những khác biệt tăng trưởng ở hai mảng lớn trên phần nào cho thấy những dịch chuyển trong kinh doanh. Hiện nay, phần lớn ngân hàng đều hướng hoạt động sang mảng bán lẻ, và xác định là mục tiêu chính trong tương lai. Chiến lược này không chỉ giúp ngân hàng tăng cho vay và phân tán rủi ro, còn mở ra cơ hội tăng trưởng thu nhập dịch vụ và lợi thế khi tham gia thị trường bancassurance.

Khác biệt về dự phòng và nợ xấu

BIDV là nhà băng trích lập dự phòng lớn nhất trong 9 tháng, với hơn 23.194 tỷ đồng, tăng 44% so với cùng kỳ năm trước. Trong 3 năm gần đây, chi phí dự phòng thường lấy đi 62-66% lợi nhuận thuần từ kinh doanh. Điều này một phần đến từ cơ cấu nợ xấu. BIDV là đơn vị có nợ xấu, nợ có khả năng mất vốn lớn nhất trong 3 ngân hàng quốc doanh.

Tính đến 30/9, cho vay khách hàng của BIDV tăng 9,4% so với đầu năm, lên 1,33 triệu tỷ đồng. Tổng nợ xấu tính tương đương đầu năm, với 21.432 tỷ đồng, trong đó nợ có khả năng mất vốn giảm 16%, và nợ dưới tiêu chuẩn tăng 85%. Tuy nhiên, nợ có khả năng mất vốn vẫn chiếm 64% nợ xấu - dù cải thiện so với mức hơn 78% cuối năm trước. Tính chung, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay giảm từ mức 1,76% đầu năm xuống còn 1,61%. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu duy trì ở mức 140%, tương đương đầu năm.

Sau BIDV, VietinBank là một trong những nhà băng trích lập dự phòng lớn trong 9 tháng với hơn 14.000 tỷ đồng, tăng 22% so với năm trước. Cá biệt trong quý II, chi phí này tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ năm trước. Đây là một trong những nguyên nhân khiến lợi nhuận năm nay tăng chậm lại. 

Nhóm quốc doanh: Vietcombank cách biệt lợi nhuận, VietinBank, BIDV tích cực dự phòng - Ảnh 2.

Nợ xấu của các ngân hàng. Đơn vị: tỷ đồng, %


Việc tăng trích lập được cho là do nợ xấu tăng cao, cùng với sự dịch chuyển về tỷ trọng cơ cấu nhóm nợ. Đến 30/9, cho vay khách hàng ở mức 1,8 triệu tỷ đồng, tăng 6,8% so với đầu năm nhưng nợ xấu nhân đôi, lên mức 18.096 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu nâng từ 0,89% lên 1,67%. Riêng nợ có nghi ngờ tăng hơn 6 lần, ở mức 11.630 tỷ đồng, trong khi nợ dưới tiêu chuẩn tăng 61%, chỉ riêng nợ có khả năng mất vốn giảm 42% về 3.543 tỷ đồng.  Riêng nợ nghi ngờ chiếm 61% lượng nợ xấu. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu giảm từ 138% xuống 119%.

Chủ tịch VietinBank cho biết dự kiến cuối năm 2021, ngân hàng sẽ đưa tỷ lệ nợ xấu về 1,4%, tỷ lệ bao phủ nợ xấu đạt 169%. Chi phí dự phòng rủi ro dự kiến 17.000 tỷ đồng.

Với Vietcombank, ảnh hưởng từ dịch bệnh cũng khiến nợ xấu nhân đôi lên 10.884 tỷ đồng. Trong đó, nợ nghi ngờ tăng 13 lần lên 3.122 tỷ đồng. Nợ dưới tiêu chuẩn tăng 122% lên 1.483 tỷ đồng. Nợ nhóm 5 nợ có khả năng mất vốn tăng 45% lên 6.279 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu nâng từ 0,62% lên 1,16%. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu quanh 242%, giảm so với mức 368% của cuối năm trước. 

Theo Trâm Anh

NDH

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên