Nhôm Sông Hồng chào sàn ngày 31/7, lãi đột biến 6 tháng đầu năm 2017
Ngày 31/7/2017, CTCP Nhôm Sông Hồng sẽ chính thức niêm yết 20,693,437 cổ phiếu NSH trên Sở GDCK Hà Nội (HNX), giá trị niêm yết tương ứng là trên 206 tỷ đồng, giá chào sàn là 12.500đồng/CP. Với hệ thống máy móc, nhà xưởng đã đầu tư, đây là DN sản xuất thanh nhôm định hình lớn nhất hiện nay, đạt sản lượng 1.400 tấn/năm.
Lợi nhuận đột biến nhờ “găm” nguyên liệu đầu vào giá rẻ
Theo báo cáo tài chính soát xét bán niên 2017, 6 tháng đầu năm NSH đạt doanh thu 510 tỷ đồng (cùng kỳ đạt 562 tỷ đồng), lợi nhuận trước thuế 13,2 tỷ đồng (cùng kỳ đạt 7,2 tỷ đồng), lợi nhuận sau thế đạt 10,5 tỷ đồng cùng kỳ đạt 6,05 tỷ đồng.
Đáng chú ý, doanh thu giảm nhưng lợi nhuận của Nhôm Sông Hồng tăng đột biến nhờ giảm giá vốn hàng bán 60 tỷ đồng so với cùng kỳ. Cụ thể, nguyên liệu đầu vào là phôi nhôm được Công ty tích lũy từ cuối năm 2016 trong khi sang năm 2017 giá phôi nhôm tăng mạnh. 6 tháng đầu năm, tổng tài sản của Công ty đạt 827 tỷ đồng trong đó tài sản ngắn hạn đạt 622 tỷ đồng, tài sản dài hạn 205 tỷ đồng.
Đưa hàng loạt dây chuyền mới vào hoạt động
Nhôm Sông Hồng tiền thân là DNNN do Bộ Xây dựng sở hữu 100% vốn. Được thành lập năm 1998, sau gần 20 năm hoạt động, Công ty đã trải qua 3 giai đoạn phát triển gắn với những bước ngoặt tăng trưởng mạnh sản lượng và doanh thu.
Bước ngoặt đầu tiên diễn ra vào năm 2004 khi Công ty thực hiện cổ phần hóa; Bước ngoặt thứ 2 diễn ra vào năm 2010 với việc tăng vốn lên 80 tỷ đồng giúp Công ty có nguồn lực tài chính đầu tư dây chuyền sản xuất mớ; Bước ngoặt thứ 3 là diễn ra vào năm 2016 khi DN đầu tư hàng loạt dây chuyền mới nâng cao sản lượng của Shalumi.
Cụ thể vào tháng 1/2017, Nhôm Sông Hồng đã đưa vào vận hành 2 dây chuyền mới: đúc hợp kim nhôm và sơn vân gỗ, sơn tĩnh điện. Dây chuyền đúc hợp kim nhôm mới được Shalumi đầu tư có trị giá 28 tỷ đồng, công suất 1.800 tấn năm.
Đặc điểm vượt trội của dây chuyền này là công nghệ hiện đại giúp tiết kiệm nhiên liệu (tiêu hao 60 lít dầu FO/tấn thay vì 160 lít như trước đây) và bảo vệ môi trường (công nghệ đúc không khói). Dây chuyền đúc hợp kim của Shalumi có công suất lớn nhất hiện nay không chỉ đáp ứng nhu cầu của Công ty mà có thể phục vụ nhu cầu của các doanh nghiệp sản xuất nhôm thanh định hình khác.
Dây chuyền sơn tĩnh điện và sơn vân gỗ được đưa vào hoạt động từ tháng 1/2017 có tổng mức đầu tư 11 tỷ đồng. Dây chuyền nhập khẩu công nghệ và thiết bị từ Mỹ có công suất 5000 tấn/năm tự động hoàn toàn và tiết kiệm vật tư tiêu hao.
Nhôm Sông Hồng được thị trường biết đến với thương hiệu Shalumi. Nhà máy có tổng diện tích hơn 6 ha nằm tại vị trí rất đắc địa tại Phường Bến Gót, Tp Việt Trì, Phú Thọ. Đây là đất sử dụng dài hạn (thuê 50 năm) tại khu vực trung tâm sản xuất công nghiệp của tỉnh Phú Thọ, rất thuận lợi lớn trong vận tải hàng hóa bằng đường bộ, đường thủy và đường sắt. Trải qua nhiều giai đoạn đầu tư, đến nay công ty đang vận hành 1 xưởng đúc, 9 máy cán ép, 3 dây chuyền sơn tĩnh điện và vân gỗ, 1 dây chuyền đánh bóng inox, 2 dây chuyền xi mạ.
Chia sẻ về khả năng hoàn thành mục tiêu 25 tỷ đồng LNST năm 2017, ông Nguyễn Minh Kế cho biết hoàn toàn có thể đạt và vượt do DN đã đưa vào dây chuyền mới hoạt động mới từ đầu năm. Do đó đã nâng doanh thu nhà máy lên 1.400 tỷ đồng/năm. Mặt khác, Nhôm Sông Hồng vừa ký kết với đối tác Mỹ đảm bảo nguồn cung cấp nguyên liệu đầu vào ổn định và có tính cạnh tranh cao.
Đánh giá về tình hình tiêu thụ, ông Kế cho biết nhôm thanh định hình đang được lựa chọn thay thế vật liệu gỗ, nhựa do giá rẻ đảm bảo thẩm mỹ và độ bền. 6 tháng đầu năm, Nhôm Sông Hồng tiêu thụ đạt 7 nghìn tấn, tăng 8-10 % so với cùng kỳ. Dự kiến, 6 tháng cuối năm khi vào mùa xây dựng, sản lượng sẽ vượt 14.000 tấn tăng 8-10% so với cùng kỳ.