MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhu cầu lao động của ngành dệt may rất lớn

29-05-2016 - 16:46 PM | Doanh nghiệp

Thông tin trên được đại diện Tập đoàn dệt may Việt Nam cho biết tại "Ngày hội việc làm năm 2016” do Trường Cao đẳng kinh tế - Kỹ thuật Vinatex TP.HCM (VETC) vừa tổ chức tại TP.HCM.

Theo ông Mai Văn Thiên, Phó trưởng Ban Quản lý nguồn nhân lực, Tập đoàn dệt may Việt Nam, nhu cầu tuyển dụng nhân lực của Tập đoàn dệt may Việt Nam rất lớn vì tại hầu hết các tỉnh, thành trên cả nước Tập đoàn đều đã và đang đầu tư xây dựng các nhà máy lớn, thu hút hàng ngàn lao động. Điển hình như Nhà máy may Vinatex An Biên đã khởi công tại Kiên Giang, dự kiến cần 1.500 lao động; Nhà máy May Vinatex tại Cần Thơ đang hoạt động và có quy mô khoảng 1.500 lao động…

Riêng tại TP.HCM, ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM cho biết, thị trường lao động TP.HCM đang tăng trưởng tới 19% so với các năm trước, trong đó nhóm ngành công nghiệp dệt may có mức tăng trưởng cao nhất.

Dự báo trong 6 tháng cuối năm nay, thị trường lao động tại TP.HCM sẽ cần tuyển 165.000 lao động, tập trung vào nhiều ngành, trong đó có dệt may. Đáng chú ý là các nhà tuyển dụng đang chú trọng tới các sinh viên mới ra trường và ưu tiên cho những em có kỹ năng, kiến thức cũng như khả năng làm việc theo nhóm tốt.

Tham gia ngày hội việc làm năm 2016 có gần 50 doanh nghiệp tổ chức và 1.800 học sinh, sinh viên. Trong đó có nhiều doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng cao như các Công ty may: Hữu Nghị, Việt Tiến, Nhà Bè, Phương Đông, xuất khẩu Việt Thành, Khataco, Tổng công ty Việt Thắng…

Theo ông Hồ Ngọc Tiến, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Vinatex, "Ngày hội việc làm” là sự kiện được tổ chức thường niên nhằm đem đến cho thầy và trò những thông tin về việc làm đầy ý nghĩa, qua đây giúp cho các em học sinh- sinh viên có được cơ hội tìm kiếm việc làm sau khi tốt nghiệp ra trường. Đồng thời giúp nhà trường tiếp nhận thông tin phản hồi từ phía doanh nghiệp về kỹ năng làm việc của người lao động nhằm điều chỉnh bổ sung nội dung, chương trình đào tạo phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động hiện tại và trong tương lai.

Theo Nguyễn Huế

Hải quan

Trở lên trên