Nhu cầu tăng đột biến, giá nhân công thu hái cà phê tăng
Tại khu vực Tây Nguyên, nhu cầu nhân công thu hái cà phê hiện tăng đột biến do người dân đang bước vào vụ thu hoạch.
- 02-11-2017Khởi nghiệp từ nuôi chồn hương đến làm cà phê chồn, thu 500 triệu/năm
- 11-10-2017Xuất khẩu cà phê sẽ cải thiện trong quý IV?
- 09-10-2017Ngày tận thế của ngành bán lẻ truyền thống Mỹ và cốc cà phê của người Việt
Huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum, địa phương có diện tích trên 8.400ha cà phê, trong đó hơn 5.500ha đang trong thời kỳ kinh doanh. Từ những ngày cuối tháng 10, tại các xã chuyên canh cây cà phê, như Hà Mòn, Đăk Mar, Đăk Hring, thị trấn Đăk Hà… của huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum đã bắt đầu hình thành những chợ lao động đáp ứng nhu cầu nhân công cho vụ thu hoạch cà phê.
Cà phê Đăk Hà chuẩn bị vào mùa thu hái (ảnh: Báo Kon Tum)
Nhà có gần 3ha cà phê, năm nào cũng phải thuê nhân công, ông Đào Xuân Liêm, thôn Thống Nhất, xã Hà Mòn cho biết, mới đầu vụ mà giá thuê đã rục rịch tăng từ 75.000 đồng lên 80.000 đồng/tạ quả tươi: “Dân đi làm thuê người ta toàn nâng giá lên. Gia đình không có nhân công mà cần hái ồ ạt, đại trà thì bắt buộc phải theo”.
Để thu hái được diện tích gần 1.700ha cà phê, cùng với nhân lực của gia đình, hơn 1.200 hộ dân ở xã Hà Mòn, huyện Đăk Hà cần thuê thêm trên 1.300 lao động cho vụ thu hoạch này. Với giá thuê 80.000 đồng/tạ quả tươi như hiện nay, trung bình một ngày hái được từ 6 đến 8 tạ quả, mỗi lao động có thu nhập khoảng 500.000 đồng.
Cùng với việc phải trả tiền công cho lao động phổ thông với mức rất cao, người sử dụng còn phải chiều lao động cả lời ăn tiếng nói và cũng phải có hình thức động viên, khen thưởng kịp thời.
Ông Nguyễn Thái Lâm, Phó Chủ tịch UBND xã Hà Mòn, cho biết: “Chủ sử dụng lao động trong khi hái phải nhỏ nhẹ. Lúc hái xong về rồi cũng có cái này cái kia để động viên người ta thì người ta mới chịu hái cho mình. Còn nếu như chủ lao động nói những gì không vừa lòng thì người ta sẽ bỏ đi. Cái này là một cái rất khó khăn cho người thuê lao động ở đây. Ngoài ra có một số áp lực nữa là một số bà con muốn gia đình mình thu nhanh gọn nên người này người kia sẽ đội giá lên”.
Để đủ lượng nhân công thu hái trên 5.500ha cà phê, tránh tình trạng khan hiếm cũng như nhân công tăng giá, từ cuối tháng 9, UBND huyện Đăk Hà đã xây dựng kế hoạch điều tiết lao động trên địa bàn. Trong đó yêu cầu UBND các xã, thị trấn có nhu cầu lao động và cung ứng lao động phải có sự phối hợp chặt chẽ đảm bảo giữ vững an ninh nông thôn, trật tự an toàn xã hội và lợi ích giữa các bên. Bên cạnh đó chính quyền địa phương cũng xây dựng đơn giá nhân công thu hái cà phê để người dân tham khảo.
Cụ thể như đối với địa hình bằng phẳng, cự ly đi lại trong 5km, giá nhân công là 80.000 đồng/tạ cà phê tươi; địa hình đồi núi có độ dốc 20%, cự ly đi lại từ 5 đến 10km là 85.000 đồng; địa hình đồi núi có độ dốc từ 30% trở lên, cự ly từ 10 đến 20km là 90.000 đồng.
Mặc dù đã lường trước, chủ động trong điều tiết, cung ứng và quản lý nguồn lao động, song theo ông Nguyễn Tường Thắng, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Đăk Hà: “Nhân công niên vụ này tiếp tục khó khăn vì các năm trước có nhân công phía Bắc vào, rồi dưới đồng bằng lên. Tuy nhiên hai vụ vừa rồi dưới các vùng đồng bằng, phía Bắc có nhiều công ty, doanh nghiệp nước ngoài thu hút lao động phổ thông cho nên lượng lao động ở dưới đồng bằng lên là hạn chế. Năm nay nhận định là tiếp tục sẽ khó.”./.
VOV