Nhu cầu vàng toàn cầu đạt mức hơn 4.000 tấn trong năm 2021
Theo Báo cáo xu hướng nhu cầu vàng mới nhất của Hội đồng vàng thế giới, nhu cầu tiêu dùng vàng toàn cầu (không bao gồm thị trường OTC) đã phục hồi sau nhiều tổn thất do COVID-19 gây ra từ năm 2020 và đạt 4.021 tấn trong cả năm 2021.
- 08-02-2022Giá vàng lập đỉnh mới
- 08-02-2022Những ai may mắn mua vàng ngày Thần Tài năm ngoái, giờ cầm chắc lãi đậm
- 07-02-2022Giá vàng vượt 63 triệu đồng, mua vàng ngày vía Thần tài thế nào để không thua lỗ?
Nhu cầu về trang sức ở Việt Nam ghi nhận đạt 12 tấn trong năm 2021, cao hơn 11% so với con số 11 tấn trong năm 2020. Tuy nhiên, nhu cầu vàng trong quý 4 giảm còn 2 tấn, thấp hơn 12% so với cùng kỳ năm ngoái do thị trường bị ảnh hưởng nặng nề bởi COVID-19.
Đầu tư bán lẻ trong quý 4 tại Việt Nam giảm 11% so với cùng kỳ năm ngoái xuống còn 6 tấn. Mặc dù tình hình phong tỏa bắt đầu bớt căng thẳng vào tháng 10, nhưng niềm tin của người tiêu dùng vẫn cần thời gian để phục hồi hoàn toàn. Nhu cầu bán lẻ theo quý tăng một phần do mối lo ngại về lạm phát, lãi suất tiết kiệm giảm và đồng Việt Nam giảm giá trị. Nhu cầu cả năm về vàng miếng và tiền xu ở Việt Nam đạt 31 tấn, tăng nhẹ so với 29 tấn được mua trong năm 2020.
Ông Andrew Naylor, Giám đốc điều hành khu vực châu Á – Thái Bình Dương (không bao gồm Trung Quốc) tại Hội đồng vàng thế giới, cho biết: “Dù nhiều người tiêu dùng Việt Nam tỏ ra thận trọng khi mua hàng hóa giá trị cao do ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch, doanh số bán hàng tăng mạnh vào tháng 11/2021 nhờ các chiến dịch khuyến mại và mùa cưới. Các cột mốc quan trọng về văn hóa, cùng với sự phục hồi niềm tin của người tiêu dùng đã khiến nhu cầu tiêu dùng vàng cả năm của Việt Nam tăng lên đáng kể".
Theo Hội đồng vàng thế giới, trên toàn cầu, nhu cầu đối với vàng đạt 1.147 tấn trong quý 4 năm 2021, mức cao nhất theo quý kể từ quý 2 năm 2019 và tăng gần 50% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nhu cầu vàng miếng và vàng xu đạt 1.180 tấn, tăng 31% lên mức cao nhất trong 8 năm, khi các nhà đầu tư bán lẻ đều tìm kiếm tài sản trú ẩn an toàn trong bối cảnh lạm phát gia tăng và bất ổn kinh tế đang diễn ra do đại dịch Covid-19.
Trong khi đó, dữ liệu của Hội đồng vàng thế giới ghi nhận sự dịch chuyển 173 tấn vàng ra khỏi các quỹ hoán đổi danh mục (ETF) được hỗ trợ bằng vàng trong năm 2021 khi một số nhà đầu tư chiến thuật hơn đã giảm phòng ngừa rủi ro vào đầu năm trong bối cảnh vaccine COVID-19 được triển khai, trong khi lãi suất tăng khiến việc nắm giữ vàng trở nên đắt đỏ hơn.
Tuy nhiên, lượng vàng rút ròng này chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng số 2.200 tấn ETF vàng đã tích lũy trong 5 năm trước đó, cho thấy các nhà đầu tư vẫn tiếp tục chú trọng việc đưa vàng vào danh mục đầu tư của mình.
Về nhu cầu tiêu dùng cả năm, ngành trang sức đã phục hồi và đạt mức 2.124 tấn trước đại dịch của năm 2019. Nhu cầu cao trong quý 4 năm 2021 góp phần tạo nên sự hồi phục này khi đạt mức cao nhất kể từ quý 2 năm 2013 – thời điểm giá vàng thấp hơn 25% so với giá so sánh trung bình vào năm 2021; tiếp tục khẳng định nhu cầu tiêu dùng mạnh mẽ trong quý vừa qua.
Trong 12 năm liên tiếp, các ngân hàng trung ương đã mua ròng vàng khiến lượng vàng nắm giữ tăng thêm 463 tấn, cao hơn 82% so với năm 2020. Nhiều ngân hàng trung ương từ các thị trường mới nổi và phát triển đã bổ sung vàng vào kho dự trữ, nâng tổng số vàng toàn cầu lên mức gần cao nhất trong 30 năm.
Năm 2021, vàng được sử dụng trong lĩnh vực công nghệ tăng 9%, đạt mức cao nhất trong ba năm với 330 tấn. Mặc dù nhu cầu trong lĩnh vực công nghệ tương đối ít hơn so với các lĩnh vực khác, nhưng các ứng dụng này đang vươn xa và phổ biến cho nhiều loại thiết bị điện tử, từ thiết bị di động đến kính viễn vọng James Webb tinh vi được đưa vào quỹ đạo gần đây.
Theo dự kiến, thị trường vàng năm 2022 sẽ đối mặt với những động lực tương tự trong năm vừa qua, với các lực cạnh tranh sẽ thúc đẩy cũng như làm suy yếu tình hình thị trường. Trong thời gian tới, giá vàng có thể sẽ tác động đến tỷ giá thực, theo đó sẽ ảnh hưởng tới tốc độ các ngân hàng trung ương toàn cầu thắt chặt chính sách tiền tệ và hiệu quả của chính sách trong việc kiểm soát lạm phát.
Trước đây, những động lực thị trường này đã tạo ra những “cơn gió ngược” cho vàng. Tuy nhiên, tình hình lạm phát gia tăng vào đầu năm nay và khả năng thị trường điều chỉnh sẽ có thể duy trì nhu cầu đối với vàng như một biện pháp phòng ngừa rủi ro. Ngoài ra, thị trường vàng có thể tiếp tục tìm kiếm sự hỗ trợ từ nhu cầu của người tiêu dùng và ngân hàng trung ương.
Bà Louise Street, chuyên gia phân tích thị trường cấp cao khu vực châu Âu, Trung Đông và châu Phi của Hội đồng vàng thế giới nhận xét: “Các hoạt động liên quan đến vàng trong năm nay thực sự làm nổi bật giá trị tính chất kép độc đáo của kim loại quý này và các yếu tố thúc đẩy nhu cầu đa dạng. Về phía đầu tư, cuộc chiến giằng co giữa lạm phát dai dẳng và tỷ giá tăng đã tạo ra một bức tranh trái chiều về nhu cầu. Lãi suất tăng đã thúc đẩy tâm lý thích mạo hiểm ở một số nhà đầu tư, được phản ánh qua lượng vàng rút ròng của ETF.
Mặt khác, mong muốn tìm kiếm các tài sản trú ẩn an toàn khiến nhu cầu mua vàng miếng và vàng xu tăng cao, điều này được thúc đẩy khi ngân hàng trung ương mua vàng. Lượng vàng sụt giảm của các ETF cũng được bù đắp khi nhu cầu trong các lĩnh vực khác gia tăng. Nhu cầu đối với trang sức đạt mức cao nhất trong gần một thập kỷ khi các thị trường chủ chốt như Trung Quốc và Ấn Độ khôi phục nền kinh tế sôi động".
“Chúng tôi kỳ vọng các động lực tương tự sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của thị trường vàng trong năm 2022 với các yếu tố thúc đẩy nhu cầu dao động theo sự chi phối tương đối của các biến số kinh tế chính. Cách các ngân hàng trung ương đối phó với mức lạm phát cao liên tục sẽ là yếu tố quan trọng tác động tới nhu cầu của các tổ chức và hoạt động bán lẻ trong năm 2022. Trong khi đó, tiềm lực hiện tại của thị trường trang sức có thể bị cản trở nếu các biến thể COVID-19 mới hạn chế người tiêu dùng tiếp cận mua hàng hoặc tiếp tục phát triển nếu nền kinh tế phục hồi" - bà Louise Street nhấn mạnh./.
VOV