Nhu cầu vay vốn sụt giảm, ngân hàng lo “ế" tiền huy động lãi suất cao
"Có ngân hàng huy động lên tới 10 – 11%/năm cho khoản tiền gửi kỳ hạn 12 tháng hồi cuối năm 2022 thì vẫn phải trả mức lãi suất này trong vài tháng nữa mới hết kỳ hạn", CEO một ngân hàng chia sẻ.
- 30-05-2023Hàng nghìn tỷ đồng tiền gửi tiết kiệm lãi suất cao sắp đáo hạn sẽ dịch chuyển tới đâu?
- 30-05-2023Người vay mua nhà ngóng giảm lãi suất
- 30-05-2023Lãi suất ngày 30/5: Lãi suất huy động liên tục giảm sâu, gửi tiền ở ngân hàng nào có lãi cao nhất?
Mặc dù Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã và đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp song tăng trưởng tín dụng những tháng đầu năm vẫn rất thấp. Theo số liệu mới nhất của NHNN, tăng trưởng tín dụng đến giữa tháng 5 mới đạt 2,72% so với cuối năm 2022. Đây là mức tăng trưởng thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây và thấp hơn nhiều so với mục tiêu tăng trưởng 14-15% của năm 2023.
Thậm chí, nếu so với mức tăng trưởng đạt được vào cuối tháng 4 là 2,75% thì quy mô tín dụng toàn nền kinh tế đang có xu hướng thu hẹp.
Theo lý giải của đại diện Ngân hàng Nhà nước, tăng trưởng ở mức thấp do cầu tín dụng giảm khi ba động lực đầu tư, tiêu dung, xuất khẩu suy yếu, giải ngân đầu tư công chậm. Ngoài ra, thị trường bất động sản tiếp tục khó khăn (chủ yếu liên quan đến vấn đề pháp lý dự án) khiến tín dụng bất động sản tăng chậm, ảnh hưởng tới tăng trưởng tín dụng chung.
Đồng quan điểm với NHNN, ông Nguyễn Đình Tùng – Tổng Giám đốc OCB – nhận định nhu cầu tín dụng yếu do cả doanh nghiệp bất động sản cũng như các ngành sản xuất cơ bản, bán lẻ đều chứng kiến xu hướng sụt giảm về doanh thu, lợi nhuận. Bên cạnh đó, cầu tín dụng tiêu dùng của người dân cũng đi xuống thể hiện qua chỉ số tiêu dùng (CPI) liên tục giảm. Cộng hưởng với đợt tăng lãi suất mạnh cuối năm ngoái khiến cho giá cả tín dụng tăng, qua đó làm giảm nhu cầu tín dụng.
Tại Hội nghị về công tác tín dụng hồi cuối tháng 4, lãnh đạo các ngân hàng lớn cũng cho rằng nguyên tín dụng tăng trưởng thấp đến từ khả năng hấp thụ của nền kinh tế.
Theo Phó Tổng giám đốc Agribank, trừ Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ. phần lớn các khu vực khác đều báo tăng trưởng tín dụng âm. Khả năng hấp thụ của nền kinh tế như việc các doanh nghiệp xuất khẩu gặp khó khăn là nguyên nhân chính được chỉ ra, không phải do thiếu vốn hay chính sách từ phía ngân hàng.
Lãnh đạo BIDV cũng nhận định sức hấp thụ vốn giảm, đặc biệt ở các doanh nghiệp xuất khẩu, khách hàng cá nhân sản xuất kinh doanh và cho vay tiêu dùng…
Một lý do khác được ông Nguyễn Hoàng Dũng - Phó Tổng Giám đốc phụ trách Điều hành VietinBank chỉ ra đến từ nhu cầu đi vay của các cá nhân khi chưa biết rằng thu nhập tương lai như thế nào. Trong khi, theo lãnh đạo MB, các khách hàng doanh nghiệp khó khăn nên cũng thận trọng trong quyết định đầu tư kinh doanh.
Ngân hàng "chật vật" tìm đầu ra cho “hàng tồn kho” giá vốn cao
Trong bối cảnh nhu cầu vay vốn sụt giảm, nhiều ngân hàng vẫn đang phải trả lãi suất cao cho số tiền huy động trong giai đoạn cuối năm 2022 – đầu năm 2023. Điều này khiến các ngân hàng chưa thể giảm mạnh lãi suất cho vay, để kích cầu tín dụng.
Báo cáo tài chính quý I/2023 cho thấy chi phí trả lãi tiền gửi của các ngân hàng vào khoảng 129,5 nghìn tỷ đồng, tăng 83,43% so với cùng kỳ năm trước. Đồng thời, có 27/28 ngân hàng trên sàn chứng khoán có chi phí này tăng trên 50%. Trong đó, có 9 nhà băng ghi nhận chỉ tiêu này tăng trên 100%.
“Lượng tiền để cho vay hiện nay đến từ giai đoạn các ngân hàng phải huy động phải lãi suất cao trong cuối năm 2022 và đầu quý I/2023, và các ngân hàng vẫn đang phải trả lãi cao cho số tiền huy động này nên chưa thể giảm lãi suất cho vay ngay lập tức”. Tổng Giám đốc một ngân hàng tư nhân chia sẻ.
“Có ngân hàng huy động lên tới 10 – 11%/năm cho khoản tiền gửi kỳ hạn 12 tháng hồi cuối năm 2022 thì vẫn phải trả mức lãi suất này trong vài tháng nữa mới hết kỳ hạn”, Vị CEO này nhấn mạnh: “Hàng tồn kho giá vốn cao vẫn còn rất nhiều, nếu giảm lãi suất cho vay đột ngột sẽ ảnh hưởng rất lớn đến kết quả kinh doanh của các ngân hàng”.
Dù vậy theo vị lãnh đạo này, lãi suất cho vay trong thời gian tới sẽ có xu hướng giảm do định hướng điều hành của Nhà nước cũng như xu hướng kích cầu tín dụng của các ngân hàng.
“Cầu tín dụng không có thì tiền huy động được để trong ngân hàng làm gì! Cho vay rẻ một chút còn hơn”, CEO này chia sẻ.
Phát biểu tại cuộc họp giữa các bộ, ngành và một số ngân hàng thương mại mới đây, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi, cũng cho rằng, trong thực tế, bên cạnh câu chuyện về khả năng tiếp cận của doanh nghiệp với ngân hàng, còn có một câu chuyện khác là "các ngân hàng cũng đang đỏ mắt tìm doanh nghiệp để cho vay. Ngân hàng nào cũng muốn tìm khách hàng tốt để giải ngân. Chẳng có ngân hàng nào muốn giữ tiền trong két. Bởi nếu khư khư ôm vốn thì ngân hàng cũng "khó mà sống khỏe".
"Tiếp cận tín dụng là điểm giữa của con đường, cả doanh nghiệp và tổ chức tín dụng phải chủ động tìm đến nhau, phải có sự chủ động từ cả 2 phía", Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi ví von.
Thực tế, trong những tháng gần đây, một loạt ngân hàng đã thông báo triển khai các gói tín dụng ưu đãi lãi suất với tổng quy mô lên tới hàng trăm nghìn tỷ. Tuy nhiên, đối tượng mà các gói tín dụng này hướng tới chủ yếu là các khách hàng vay vốn mới. Trong khi lãi suất cho vay đối với các khách hàng hiện hữu vẫn ở mức cao.
Ngày 25/5 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã có cuộc họp với lãnh đạo các ngân hàng thương mại tìm cách giảm lãi suất cho vay, tập trung vào các khách hàng cũ.
Sau cuộc họp với NHNN, nhiều ngân hàng đã đồng thuận giảm lãi suất cho vay 0,3-0,5% đối với tất cả khách hàng hiện hữu, áp dụng từ đầu tuần tới. Nhóm dự kiến giảm lãi suất tuần tới sẽ tập trung ở các ngân hàng tư nhân từ đầu năm đến nay chưa điều chỉnh lãi với những khoản vay cũ.
Nhịp sống Thị trường