MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Như chú phượng hoàng hồi sinh từ đống tro tàn, nền kinh tế này đã trở thành "con cưng" của nhà đầu tư quốc tế

27-08-2017 - 09:15 AM | Tài chính quốc tế

Những nền kinh tế vươn lên từ cảnh “hấp hối” để lọt vào nhóm có nhiều triển vọng được ví von là “nền kinh tế phượng hoàng”.

Nawaz Sharif lại trở thành cựu Thủ tướng của Pakistan. Nhiệm kỳ thứ 3 của ông kết thúc vào ngày 28/7 sau khi ông bị Tòa án tối cao Pakistan phế truất. Tuy nhiên, có lẽ Nawaz Sharif có thể tự hào mà nói rằng dưới thời của ông nền kinh tế quốc gia này đã cất cánh.

Khi người Pakistan đi bỏ phiếu lần gần đây nhất, GDP đang tăng trưởng ở mức khoảng 3% - tỷ lệ quá thấp trong bối cảnh Pakistan vẫn là nền kinh tế đang phát triển và có dân số trẻ. Tỷ lệ lạm phát trên 10%, ngân sách thâm hụt nặng và khủng hoảng đang hiện hình. 4 năm sau, lạm phát giảm xuống mức 1 con số, thâm hụt ngân sách giảm xuống chỉ còn hơn 4% GDP và tốc độ tăng trưởng là 6%. Quan trọng hơn các nhà đầu tư đã quan tâm đến điều này. Kể từ năm 2012 đến nay, giá trị vốn hóa của thị trường chứng khoán Pakistan đã tăng gấp đôi (tính theo USD).

Pakistan vẫn là nước nằm ở phía cuối bảng xếp hạng toàn cầu về mức độ phát triển con người, tình trạng tham nhũng và an ninh. Gần 30% dân số được xếp vào diện nghèo đói. Tuy nhiên, nền kinh tế này mới đây lại trở thành “con cưng” của các nhà đầu tư quốc tế.

Nguyên nhân là bởi kỳ vọng của nhà đầu tư về chính sách kinh tế vĩ mô mà nước này theo đuổi. Thông thường thì những câu chuyện vượt qua khủng hoảng để vươn lên như những gì Pakistan vừa làm được là khá hiếm do các cuộc cải cách thường đi kèm với nhiều đau đớn và ít quốc gia dám làm như vậy. Chúng ta dễ bắt gặp chúng ở các “thị trường cận biên” – nhóm các nước bị xếp hạng dưới cả các thị trường mới nổi về mức độ rủi ro khi đầu tư. Tuy nhiên hiếm có nước nào đi được đúng con đường của Pakista.

Những nền kinh tế vươn lên từ cảnh “hấp hối” để lọt vào nhóm có nhiều triển vọng được ví von là “nền kinh tế phượng hoàng”. Trên thế giới có những quốc gia nào có thể lọt vào nhóm này? Zimbabwe hay Venezuela đang ở trong khủng hoảng kinh tế, Argentina, Ai Cập và cả Nigeria thì đang ở giai đoạn đầu của công cuộc hồi phục, nhưng Pakistan và Philippines đặc biệt được chú ý. Điểm chung của các quốc gia kể trên là yếu kém trong quản lý kinh tế và tình hình chính trị bất ổn.

Giống như 1 con phượng hoàng vươn lên từ đống tro tàn, 1 “nền kinh tế phượng hoàng” sẽ trải qua 3 giai đoạn: khủng hoảng, bị “vùi tro” khi dòng vốn tháo chạy nhưng sau đó sẽ là thời kỳ các chính trị gia cải tổ (thường là có sự trợ giúp của IMF) và cuối cùng là giai đoạn tái sinh khi dòng vốn quay trở lại nhờ triển vọng kinh tế hồi phục.

Hãy bắt đầu với thời kỳ khủng hoảng. Mỗi nước rơi vào 1 hoàn cảnh khác nhau nhưng nhìn chung thì khá giống nhau. Nền kinh tế bị đè nén về mặt tài chính (có thể là thâm hụt ngân sách, thâm hụt cán cân thương mại). Các nhà đầu tư không muốn rót vốn, lãi suất tăng cao, dòng vốn đầu tư nước ngoài cạn kiệt hay tồi tệ hơn là tháo chạy. Sau đó Chính phủ sẽ can thiệp để giữ cho đồng nội tệ không giảm giá quá mạnh, dẫn đến “đốt cháy” dự trữ ngoại hối. Tất cả tạo thành 1 vòng luẩn quẩn khi đồng nội tệ mất giá, khan hiếm hàng hóa nhập khẩu thiết yếu và nền kinh tế càng tồi tệ hơn.

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến khủng hoảng. Ví dụ, ở Pakistan là do nguồn cung điện phụ thuộc quá nhiều vào dầu mỏ nhập khẩu. Khi giá dầu tăng lên mức hơn 100 USD năm 2013, chương trình trợ giá điện của Pakistan khiến ngân sách thâm hụt nặng. Trong khi đó ở Ai Cập thâm hụt cán cân thương mại tăng từ mức 0,8% của năm 2014 lên 5,6% trong năm 2016. Giá dầu giảm khiến khoản phí thu được từ kênh đào Suez sụt giảm và làm mất giá kiều hối chuyển về từ những nước láng giềng giàu dầu mỏ. An ninh bất ổn làm giảm nguồn thu từ du lịch.

Để xây lại tổ phượng hoàng, giai đoạn thứ hai thường mở ra khi các nước nhận ra rằng cần 1 cách tiếp cận khác với vấn đề tỷ giá, chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa. Điều đó đồng nghĩa với sẵn sàng để cho đồng nội tệ rơi tự do, giảm thâm hụt ngân sách bằng cách xóa bỏ những chương trình trợ giá lãng phí và sử dụng chính sách tiền tệ linh hoạt để kiểm soát lạm phát.

Nhưng từng đó là chưa đủ, tất cả cần 1 quyết tâm chính trị hoặc thậm chí là thay máu Chính phủ để có thể tạo nên những thay đổi sâu sắc về chính sách. Trong trường hợp của Argentina, Tổng thống Mauricio Macri là người thắng cử dựa trên chương trình cải cách kinh tế mạnh mẽ. Thường thì IMF sẽ hỗ trợ về tài chính và tư vấn chính sách. Ai Cập bắt đầu chương trình của IMF từ tháng 11 năm ngoái, còn Pakistan nhận khoản vay mới nhất từ IMF từ tháng 9/2013.

Đó chính là phương thuốc để đảo chiều dòng vốn quốc tế, giúp phượng hoàng hồi sinh.Dòng vốn đầu tiên sẽ đến từ những công dân đã vội vã chuyển tiền ra nước ngoài trước khi khủng hoảng nổ ra. Mức lãi suất cao (để hạ nhiệt lạm phát) và rủi ro phá giá biến mất là những yếu tố hấp dẫn họ. Miễn giảm thuế cũng là 1 cách (Argentina đã huy động được 117 tỷ USD trong năm tài khóa 2016-17 bằng cách này).

Nhà đầu tư hi vọng sau khi khủng hoảng qua đi với lạm phát đã lập đỉnh, nền kinh tế sẽ tăng trưởng trở lại, thâm hụt cũng về mức có thể kiểm soát được, tạo điều kiện thuận lợi cho cải cách. Tuy nhiên niềm hi vọng cũng có thể bị đặt nhầm chỗ.

Mối nguy hiểm ở đây là sự khó khăn và bất ổn xã hội có thể làm trật bánh quá trình cải cách. Cắt giảm trợ cấp đã khiến tỷ lệ lạm phát ở Argentina và Ai Cập lần lượt tăng lên 22% và 31%. Thậm chí ở Ai Cập giá thực phẩm tăng tới 40%. Nigeria bắt đầu hồi sinh với chiến thắng của Thống đốc NHTW Lamido Sanusi, người đã thành công trong việc kiểm soát lạm phát và cải cách hệ thống ngân hàng. TTCK nước này cũng đã bùng nổ. Tuy nhiên sau đó ông Sanusi đã bị sa thải vì cải cách chệch hướng. Đến năm 2016, kinh tế Nigeria lại gặp rắc rối.

Kể cả những chú phượng hoàng đã tái sinh cũng phải đối mặt với nhiều rủi ro. Khi tình hình đã ổn định trở lại vì động lực cải cách sẽ dần phai mờ. Pakistan chính là 1 ví dụ. Kể từ khi kết thúc chương trình của IMF vào năm ngoái, các vấn đề cũ lại nổi lên do thiếu kỷ luật trong thực thi chính sách tài khóa và tiền tệ. Giờ đây tiềm năng tăng trưởng của đất nước này phụ thuộc lớn vào khoản đầu tư của Trung Quốc trong dự án Hành lang kinh tế Trung Quốc – Pakistan dài 3.000km. Đó chính là 1 điểm yếu vì vốn đầu tư nước ngoài đôi lúc sẽ trở nên rất đắt đỏ và gây ra sự bất ổn.

Thu Hương

Economist

Trở lên trên