Nhựa Đồng Nai (DNP) hoàn tất phát hành 457 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi cho đối tác ngoại
Việc đẩy mạnh thâu tóm trong mảng mới khiến tình hình tài chính của Nhựa Đồng Nai (DNP) kém sắc, áp lực nợ vay lớn, trong bối cảnh ngành nhựa nói chung đang gặp khó. Kết thúc 9 tháng đầu năm, áp lực lãi vay lớn với 190 tỷ, lợi nhuận sau thuế của Công ty vỏn vẹn 17 tỷ đồng, giảm 60%.
- 02-07-2018Nhựa Đồng Nai (DNP) chốt quyền trả cổ tức và chào bán cổ phiếu cho cổ đông tổng tỷ lệ 56%
- 19-07-2017Cổ phiếu DNP liên tục phá đỉnh, chủ tịch Vũ Đình Độ vẫn quyết mua vào hơn 4,5 triệu cổ phiếu
CTCP Nhựa Đồng Nai (DNP Corp, DNP) vừa công bố kết quả phát hành gần 457 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi, không kèm chứng quyền và có tài sản đảm bảo. Đây là lô trái phiếu chào bán trực tiếp cho nhà đầu tư Aep II Holdings Pte. Ltd được thông báo trước đó vào tháng 4/2019.
Lãi suất chi trả 5%/năm, có thề được điều chỉnh theo các quy định hợp đồng cũng như các điều khoản, điều kiện cụ thể khác. Trái phiếu có kỳ hạn 3 năm, có thể gia hạn một năm theo đề nghị của trái chủ.
Phương thức phát hành cháo bán trực tiếp để tái cơ cấu khoản nợ trái phiếu thường không chuyển đổi của Nhà đầu tư AEP II Holdings tại Công ty. Thời gian thực hiện nhằm ngày 20/11/2019. DNP Corp cho biết, giá chuyển đổi dự kiến 20.698 đồng/cp, giá chuyển đổi có thể được điều chỉnh theo các trường hợp điều chỉnh giá. Trái phiếu được đảm bảo toàn bộ bằng tài sản, cổ phiếu; trong đó giá trị tài sản, cách tính và định giá theo thoả thuận với nhà đầu tư.
Mới đây, Sam Holdings (SAM) đã mua thành công gần 3,4 triệu cp DNP Corp. Trong đó, SAM là đơn vị liên quan đến ông Hồ Anh Dũng - Thành viên HĐQT của DNP Corp. Sau giao dịch, SAM đã nâng tỷ lệ sở hữu tại DNP lên 3,37% trong thời gian từ 31/10-15/11/2019.
Áp lực nợ vay lớn 'lấn át' tăng trưởng từ mảng nước
Điểm qua về DNP Corp, Công ty có tiền thân là đơn vị Diêm Đồng Nai sớm thành lập vào năm 1993, sau đó đổi tên thành Nhựa Đồng Nai vào năm 1998; chuyên sản xuất ống nhựa xây dựng (ống HDPE, ống uPVC) và bao bì sản xuất theo phương thức gia công cho thị trường châu Âu. Ngoài ra, DNP Corp cũng kinh doanh nguyên vật liệu, phụ gia ngành nhựa, phụ kiện cho cấp thoát nước.
Đến giai đoạn 2013-2014, DNP Corp bắt đầu chuyển hướng sang sản xuất, cung ứng nước sạch sau thương vụ đầu tư vào Tổng công ty Đầu tư nước và Môi trường Việt Nam (Viwaseen) và CTCP Bình Hiệp. Liên tục tăng vốn lên 70 tỷ vào năm 2014, năm tiếp theo tăng lên 135 tỷ đồng... nhằm M&A các doanh nghiệp mảng nước. Tính đến nửa đầu năm 2019, vốn điều lệ của DNP Corp đã đạt hơn 1.000 tỷ - gấp hơn 30 lần mức vốn chủ năm 2013 sau 5 lần thực hiện tăng.
Hiện, hệ thống DNP Corp gồm 10 công ty con và công ty liên kết mảng nước, bao gồm: Bình Hiệp (86,36%%), Nhà máy nước Đồng Tâm (52,68%), Cấp thoát nước Bình Thuận (57,26%), CTCP Sản xuất kinh doanh nước sạch số 3 Hà Nội (86,36%)… với tổng công suất thiết kế lên đến 1 triệu m3/ngày đêm (ghi nhận tại BCTN 2018). Song song, DNP Corp cũng đầu tư 2 dự án nhà máy nước sạch có tổng công suất 160.000 m3/ngày đêm tại Bắc Giang và Long An.
Việc đẩy mạnh thâu tóm trong mảng mới khiến tình hình tài chính của DNP Corp kém sắc, áp lực nợ vay lớn, trong bối cảnh ngành nhựa nói chung đang gặp khó. Kết thúc 9 tháng đầu năm, DNP Corp đạt doanh thu thuần 2.020 tỷ đồng, tăng 41% so với cùng kỳ do hợp nhất kết quả kinh doanh với nhiều doanh nghiệp ngành nước. Tuy nhiên, áp lực lãi vay lớn với 190 tỷ, lợi nhuận sau thuế của Công ty vỏn vẹn 17 tỷ đồng, giảm 60%. Được biếtm tính đến cuối quý 3/2019, nợ vay ngắn hạn của Công ty này ở mức 1.496 tỷ, dư nợ vay dài hạn 2.889 tỷ đồng.
Trí Thức Trẻ