MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhức nhối “tín dụng đen” ở Lâm Đồng

12-06-2018 - 18:14 PM | Tài chính - ngân hàng

Từ cuối năm 2017 đến nay, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã diễn ra nạn cho vay nặng lãi tràn lan, để lại nhiều hậu quả khôn lường trong người dân, đặc biệt ở các vùng đồng bào các dân tộc thiểu số. Các cơ quan chức năng đang vào cuộc quyết liệt, nhằm triệt thoái hiện tượng đáng lo ngại nói trên.

“Vay tiền nhanh, không cần thế chấp”

Đó là nội dung của những tờ quảng cáo, được dán nhiều tại khu vực công cộng từ thành thị đến nông thôn trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Thậm chí, những tờ giấy rao vặt này còn len lỏi tới tận thôn, buôn xa xôi của bà con dân tộc thiểu số. Được biết, các đối tượng tổ chức cho vay nặng lãi chủ yếu từ các tỉnh phía Bắc vào. Chiêu trò quen thuộc của nhóm người trên là rải tờ rơi, dán khắp các trụ điện, bờ tường,… tại các hẻm, đường phố nơi có người lao động, sinh viên tập trung sinh sống. Đồng thời, để người dân vay tiền, các đối tượng trên thường quảng cáo thủ tục cho vay hết sức đơn giản, thời gian cho vay nhanh, không cần thế chấp.

Nhẹ dạ, cả tin, nhiều người dân trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng lâm vào cảnh ôm nợ, con cái bỏ học, tan nhà nát cửa vì “tín dụng đen”, “vay không thế chấp”. Thậm chí với nhiều hình thức khác nhau như dụ dỗ đánh bạc, nhiều người thua trắng tay, phải vay tiền của các “tổ chức” này, sau đó bị chúng truy lùng, đe dọa giết cả nhà vì không có tiền trả nợ.

Tại thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng, chúng tôi thử gọi điện theo số điện thoại ghi trên tờ giấy dán ở bờ tường để đặt vấn đề vay tiền. Một người đàn ông tên H cho biết điều kiện: “Chỉ cần hộ khẩu phôtô, chứng minh nhân dân hoặc cà vẹt xe, tiền tôi đưa anh trong ngày luôn!..”. Theo ông H, hiện nay ông cho vay trả góp chứ không thu “một cục” như trước. Ví dụ, nếu vay 10 triệu đồng người vay sẽ trả lãi “đứng” 50 ngàn đồng/ngày, tiền nợ gốc vẫn giữ nguyên. Nếu trả lãi “nằm” sẽ tính ra lãi suất mỗi tháng 1,5 triệu đồng (khoảng 15%/tháng). Tuy nhiên, ông H gợi ý, nếu cần tiền gấp nên vay trong ngày, lãi suất chỉ khoảng từ 10% tới 20%, tùy số tiền muốn vay và phạm vi giải quyết hồ sơ là trên địa bàn huyện Đức Trọng. Khi được hỏi, địa chỉ công ty ở đâu để tìm tới đưa giấy tờ, người đàn ông này nói chỉ cần khách có địa chỉ rõ ràng, đích thân ông sẽ tìm tới kiểm tra sau đó quyết định có cho vay hay không.

Những người chúng tôi tiếp xúc từng vay “nóng” tại TP.Đà Lạt cho biết, hiện nhiều chủ tại đây cho vay theo ngày với mức lãi suất từ 5.000 - 7.000 đồng cho 1 triệu đồng, lãi suất năm lên gần 200%/năm. Một gói vay khác, nếu khách hàng vay 10 triệu đồng thì phải trả 350.000 đồng/ngày.

Nhức nhối “tín dụng đen” ở Lâm Đồng - Ảnh 1.

Tờ quảng cáo "tín dụng đen" được dán nhiều ở các khu vực công cộng trên địa bàn TP. Đà Lạt. Ảnh: PV

Cơ quan chức năng quyết liệt

Mới đây, Công an huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng đã triệu tập Lê Tiến Đ (18 tuổi) và Bùi Đức D (31 tuổi, đều tạm trú tại TP.Bảo Lộc) để làm rõ hành vi phát tờ rơi cho vay nặng lãi. Công an huyện Di Linh cũng đã thu giữ 4.200 tờ rơi, 1 xe gắn máy và hơn 10 triệu đồng dùng để cho vay của 2 đối tượng này.

Qua công tác nắm tình hình, chính quyền và các cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng đã xác định 22 đối tượng có biểu hiện hoạt động “tín dụng đen”, cho vay không thế chấp với lãi suất cao; đã phát hiện 20 vụ việc liên quan đến “tín dụng đen” xuất phát từ việc đòi nợ thuê dẫn tới các hành vi vi phạm pháp luật. Cơ quan điều tra đã khởi tố 3 vụ với 8 bị can với các tội danh cướp tài sản, cưỡng đoạt tài sản, gây rối trật tự công cộng; lập hồ sơ xử lý hành chính 4 vụ với 7 đối tượng về hành vi xâm hại sức khoẻ người khác, đập phá tài sản công dân và hiện đang lập hồ sơ tiếp tục xử lý 3 vụ.

Thượng tá Phan Tất Chí - Phó trưởng Công an TP.Đà Lạt (Lâm Đồng) - cho biết: Lãi suất huy động cho vay cao hơn rất nhiều so với lãi suất ngân hàng, thủ tục đơn giản, đôi khi không cần điều kiện đảm bảo nào. Đó là loại giao dịch dân sự đã bị vô hiệu một phần, ví dụ như vay 70 triệu đồng, sau 3 tháng cả gốc và lãi tăng lên 100 triệu đồng thì 2 bên làm giấy vay nợ 100 triệu đồng chứ không ghi tỉ lệ lãi suất vay. Bởi vậy, cơ quan chức năng rất khó xử lý. Các đối tượng này thậm chí thuê người dán quảng cáo “cho vay không cần thế chấp” cùng với số điện thoại giao dịch trên các cột điện, bờ tường khắp nơi trong thành phố.

Mới đây, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Lâm Đồng đã yêu cầu các nhà mạng di động khóa cả 2 chiều 28 thuê bao di động có liên quan đến hoạt động tín dụng đen, cho vay không cần thế chấp trên địa bàn TP.Đà Lạt. Đây là những thuê bao được các đối tượng thường xuyên sử dụng để phục vụ hoạt động tín dụng đen, cho vay nặng lãi, 28 thuê bao di động thuộc 3 nhà mạng là Viettel, Vinaphone và Mobiphone. Bên cạnh đó, Công an TP.Đà Lạt đang điều tra để xử lý thêm 2 tổ chức cho vay nặng lãi, hoạt động tín dụng đen nhưng núp bóng dưới dạng công ty dịch vụ tài chính. Đồng thời, đẩy mạnh việc truy xét các tổ chức, cá nhân trên các tờ rơi quảng cáo sai phép, cho vay nặng lãi nhằm giảm tới mức thấp nhất nạn cho vay tín dụng đen trong thời gian tới.

Theo Phú Sơn

Lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên