MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Những bất ngờ ở tuyến tàu trên cao đầu tiên Trung Quốc xây dựng tại Việt Nam sau 2 năm hoạt động

Hình ảnh dòng người đứng chật kín các khoang tàu trên cao Cát Linh-Hà Đông, Hà Nội vào giờ cao điểm là một trong những điểm sáng của giao thông thủ đô 2 năm qua.


Sau 2 năm hoạt động, tàu Cát Linh-Hà Đông luôn đông kín hành khách?

7h30 sáng thứ Hai ngày 6/11/2023, tròn 2 năm kể từ ngày tuyến đường sắt trên cao Cát Linh-Hà Đông, Hà Nội chính thức khai thác thương mại, tại ga Yên Nghĩa, Hà Đông, dòng người nối đuôi nhau vội vã lên tàu, khiến hai hàng ghế ngồi trên các khoang không còn chỗ trống. Đoàn tàu rời ga Yên Nghĩa, lần lượt đến ga Văn Khê, Hà Đông đón thêm hàng chục hành khách và hầu hết các khoang chật kín không còn chỗ để đứng.

Những bất ngờ ở tuyến tàu trên cao đầu tiên Trung Quốc xây dựng tại Việt Nam sau 2 năm hoạt động - Ảnh 1.

Từ 6h30 sáng đến 8h, tàu Hà Đông - Cát Linh luôn chật kín người ở tất cả các toa - Ảnh: TA

Là hành khách thường xuyên đi tàu Cát Linh-Hà Đông hơn 1 năm qua, chị Phùng An Kh. (36 tuổi) nhà ở Văn Phú, Hà Đông, cho biết, chị làm việc ở Hoàng Cầu, Đống Đa, trước kia thường đi xe máy đi làm để tiện tranh thủ đi chợ, mua sắm đồ cho gia đình sau giờ làm, tuy nhiên, năm 2022 sau khi bị tai nạn giao thông phải nằm viện cả tháng trời, chị đã quyết định sử dụng loại phương tiện công cộng này.

"Hàng ngày tôi đi xe đạp từ nhà ra ga để gửi rồi đi tàu đến ga Hoàng Cầu sau đó đi bộ vào cơ quan. Mặc dù tổng thời gian đi làm không ít hơn đáng kể nhưng rất an toàn, nhất là những ngày mưa nắng, không phải bon chen mệt mỏi giữa đường”, chị Kh. nói.

Đang ngồi chờ tàu ở ga Cát Linh, Bùi Khánh Linh (18 tuổi), sinh viên năm nhất trường Đại học Hà Nội cho biết, tuy nhà ở Tây Hồ, nhưng mỗi sáng thường đi xe máy đến ga gửi sau đó đi tàu xuống ga Phùng Khoang rồi đi bộ vào trường. "Em thấy tàu khá tiện lợi vì có nhiều chuyến, không phải chờ lâu, đi vào giờ cao điểm không bị ùn tắc như xe buýt và đặc biệt rất an toàn", Linh chia sẻ và nhấn mạnh, chính vì sự an toàn, nhanh nên đã chọn sử dựng phương tiện này ngay từ khi nhập học.

Sau 2 năm chính thức khai thác thương mại, tàu Cát Linh-Hà Đông dần đã góp phần thay đổi thói quen từ sử dụng phương tiện cá nhân sang phương tiện công cộng, đặc biệt số lượng hành khách sử dụng tàu trên cao theo chiều hướng tăng dần. Theo thống kê của Công ty TNHH một thành viên Đường sắt Hà Nội (Hanoi Metro) cho thấy tỷ lệ hành khách sử dụng vé tháng đến hết tháng 8/2023 là khoảng 60% trên tổng số lượt hành khách.

Những bất ngờ ở tuyến tàu trên cao đầu tiên Trung Quốc xây dựng tại Việt Nam sau 2 năm hoạt động - Ảnh 2.

Anh Dương (bìa trái) kiểm soát an ninh, an toàn mỗi khi tàu đi và đến ga - Ảnh: T.A

Là nhân viên làm việc tại ga Thượng Đình từ những ngày đầu tuyến hoạt động, anh Nguyễn Văn Dương - thuộc đội an toàn đội vận hành ga cho biết, lượng người đi tàu ngày càng đông hơn, phần lớn là hành khách đi vé tháng. Rất nhiều người chọn phương tiện này để đi học, đi làm mỗi ngày.

Anh Dương cho biết, "thông thường, buổi sáng chiều từ Hà Đông đi Cát Linh đông hơn chiều ngược lại vì mọi người di chuyển vào khu trung tâm làm việc. Tương tự, đến giờ cao điểm chiều thì phía Cát Linh đi Hà Đông lại chật kín người. Khá nhiều nhân viên văn phòng lựa chọn mang xe đạp gấp lên tàu sau đó di chuyển đến chỗ làm".

Những bất ngờ ở tuyến tàu trên cao đầu tiên Trung Quốc xây dựng tại Việt Nam sau 2 năm hoạt động - Ảnh 3.

Đường Nguyễn Trãi giờ cao chật kín người, các phương tiện di chuyển chậm hơn - Ảnh: TA

Ông Vũ Hồng Trường, Tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên Đường sắt Hà Nội (Hanoi Metro) từng chia sẻ với báo chí rằng khi tuyến đường sắt đi vào hoạt động một thời gian và người dân nhận thấy tiện lợi, ổn định, không bị ảnh hưởng tắc đường... nên dần hình thành văn hóa tham gia giao thông công cộng bằng đường sắt đô thị. Đặc biệt, hành khách sử dụng đường sắt đô thị làm phương tiện đi lại đã chấp nhận đi bộ xa hơn trước đây và sau đó có thể chuyển loại hình xe buýt được kết nối ở các nhà ga trên tuyến đường sắt đô thị.

Những con số biết nói-tín hiệu vui cho giao thông thủ đô

Ngày 3/9/2023, Tổng Giám đốc Hanoi Metro Vũ Hồng Trường cho hay, đúng vào ngày Quốc khánh 2/9, tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông tiếp tục xác lập kỷ lục vận chuyển kể từ ngày tuyến chính thức đi vào vận hành với tổng cộng 55.980 lượt hành khách.

Con số 55.210 lượt hành khách chiếm giữ kỷ lục là ngày đạt sản lượng vận chuyển cao nhất kể từ khi tuyến chính thức đi vào vận hành (ngày 6/11/2021) cho đến khi bị phá vào ngày Quốc khánh năm nay.

Những bất ngờ ở tuyến tàu trên cao đầu tiên Trung Quốc xây dựng tại Việt Nam sau 2 năm hoạt động - Ảnh 4.

Người làm văn phòng lựa chọn đi phương tiện này ngày càng nhiều - Ảnh: T.A

Trong dịp nghỉ lễ Quốc khánh kéo dài 4 ngày năm nay (từ 1 đến 4/9), tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông mở tuyến từ lúc 5 giờ 30 phút và đóng tuyến lúc 22 giờ với tần suất chạy tàu 10 phút/chuyến.

Theo thống kê sơ bộ, trung bình mỗi ngày, tuyến đường sắt Cát Linh-Hà Đông có hơn 10.000 người đi vé tháng, ngày bình thường có khoảng 32-34.000 lượt hành khách, ngày cuối tuần dao động từ 28-30.000 lượt khách; lượng khách đi lại thường xuyên là 6-8.000người.

Theo đánh giá của ông Vũ Hồng Trường tuyến đường sắt đô thị đi vào hoạt động một thời gian đã phát huy hiệu quả cao, người dân nhận thấy tiện lợi, ổn định, không bị ảnh hưởng tắc đường,... nên hình thành thói quen và văn hóa tham gia giao thông công cộng bằng đường sắt đô thị.

Hành khách sử dụng đường sắt đô thị làm phương tiện đi lại đã chấp nhận đi bộ xa hơn trước đây và sau đó có thể chuyển loại hình xe buýt được kết nối ở các nhà ga trên tuyến đường sắt đô thị.

Số liệu từ Bộ Giao thông vận tải đến hết tháng 8/2023 cho thấy, sau 22 tháng khai thác thương mại, đường sắt Cát Linh - Hà Đông vận chuyển được gần 16 triệu lượt khách, bình quân khoảng 30.000 lượt khách/ngày. Trong đó, đa số khách sử dụng vé tháng (khoảng 60%), riêng giờ cao điểm tỷ lệ khách sử dụng vé tháng lên tới 80% (doanh thu từ vé tháng năm 2022 đạt hơn 66 tỷ đồng).

Tổng doanh thu từ bán vé mang lại cho Hanoi Metro gần 120 tỷ đồng. Trong đó, hai tháng cuối năm 2021 tuyến đường sắt này vận chuyển hơn 870.000 lượt khách, doanh thu hơn 5 tỷ đồng; năm 2022, lượng khách đi tàu tăng lên hơn 8,2 triệu lượt, doanh thu hơn 66 tỷ đồng; trong 8 tháng năm nay, vận chuyển hơn 6,7 triệu lượt khách, doanh thu gần 48,3 tỷ đồng.

Những bất ngờ ở tuyến tàu trên cao đầu tiên Trung Quốc xây dựng tại Việt Nam sau 2 năm hoạt động - Ảnh 5.

Thời điểm gần 1 năm sau khi đi vào hoạt động, đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã thường xuyên kín người giờ cao điểm - Ảnh: Tổ Quốc

Tuy nhiên, doanh thu từ bán vé mang lại này không đủ bù chi phí vận hành của tuyến đường sắt. Cụ thể, theo báo cáo tài chính của Hanoi Metro, tính tới hết tháng 6 năm 2023, công ty có tổng tài sản hơn 3.077 tỷ đồng, nhưng nợ phải trả lên tới hơn 3.100 tỷ đồng (tăng 52 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm), tất cả nợ này đều là nợ ngắn hạn. Do đó, công ty đang âm vốn chủ sở hữu hơn 23 tỷ đồng.

Tính riêng 6 tháng đầu năm 2023, doanh thu từ bán hàng và cung cấp dịch vụ của của Hanoi Metro đạt hơn 254 tỷ đồng, thu từ hoạt động tài chính hơn 14 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí vận hành (hơn 247 tỷ đồng) và chi phí quản lý (hơn 13 tỷ đồng), công ty có lãi 8,5 tỷ đồng.

Năm 2023, Hanoi Metro đặt mục tiêu vận chuyển hơn 10,6 triệu lượt khách, doanh thu gần 74 tỷ đồng. Riêng chi phí quỹ lương hơn 97 tỷ đồng, nên nếu xét riêng hoạt động chính công ty lỗ hơn 23,5 tỷ đồng.

Với doanh thu từ các hoạt động khác và trợ giá từ ngân sách Hà Nội, mục tiêu doanh thu tổng cả năm nay của Hanoi Metro đặt ra khoảng 519 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hơn 5,9 tỷ đồng.

Mục tiêu của Hanoi Metro năm 2023 gồm nhiều vấn đề trong đó có ổn định cơ cấu tổ chức của công ty, thực hiện tốt các chỉ tiêu kế hoạch được giao; Đáp ứng tốt nhu cầu lao động cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Ngoài ra cũng nâng cao năng lực quản lý và chuyên môn nghiệp vụ cho bộ máy quản lý và nhân viên để nâng cao chất lượng phục vụ.

Về đời sống vật chất và tinh thần của cán bộ nhân viên, công ty cũng đặt mục tiêu cải thiện và nâng cao để phù hợp với mặt bằng chung thu nhập của ngành và TP. Năm 2023, đường sắt Hà Nội cũng tiếp tục phối hợp cùng các bên có liên quan nâng cao chất lượng công tác duy tu, sửa chữa hệ thống công trình, hạ tầng, thiết bị và phương tiện...

Cuối cùng là mục tiêu tuyển dụng, đào tạo cơ bản, chuẩn bị các điều kiện để tiếp nhận, vận hành tuyến ĐSĐT số 3.1, Nhồn - ga Hà Nội (đoạn trên cao).

An toàn ‘tuyệt đối’, chưa từng xảy ra tai nạn

Báo cáo tại cuộc họp của Thường trực Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia mới đây, Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2023 (từ 15/12/2022 đến 14/9/2023), toàn quốc xảy ra 8.335 vụ tai nạn giao thông, làm chết 4.765 người, bị thương 5.802 người. Các vụ tai nạn giao thông chủ yếu xảy ra trên đường bộ, với 8.237 vụ, làm chết 4.695 người, bị thương 5.777 người.

Trước đó, khi tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông chuẩn bị đưa vào khai thác, có nhiều người đặt câu hỏi về độ an toàn của phương tiện lần đầu ở Việt Nam này thì Bộ GTVT khẳng định, đây là dự án cấp đặc biệt, có tính chất đặc thù, kỹ thuật cao, công nghệ hoàn toàn mới và là tuyến đường sắt đô thị đầu tiên hoàn thành đưa vào vận hành, khai thác tại Việt Nam.

Vì vậy, Bộ GTVT nhận thức rõ trách nhiệm trong quá trình triển khai thực hiện dự án. Bộ GTVT đã thuê tư vấn đánh giá an toàn hệ thống là một đơn vị độc lập của Pháp là Liên danh Apave-Certifier-Tricc. Trong đó Apave là tư vấn có uy tín châu Âu về đánh giá an toàn đường sắt đô thị.

Theo thống kê, trong 2 năm đi vào vận hành, tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông chưa xảy ra tai nạn, tuy nhiên từng có 2 lần gặp sự cố nhỏ khiến hành trình bị gián đoạn. Lãnh đạo Metro Hà Nội cho rằng các sự cố nằm trong kịch bản ứng phó của đơn vị và được xử lý chỉ trong thời gian rất ngắn, không gây thiệt hại về người.

Cụ thể, sự cố lần 1 xảy ra vào ngày 23/5/2022, trong lúc vận hành, một đoàn tàu Cát Linh-Hà Đông bất ngờ dừng lại giữa đường. Thời điểm đó, nhiều người đi trên tàu bị bất ngờ nên lo lắng. Tuy nhiên, tàu tiếp tục di chuyển sau ít phút. Metro Hà Nội giải thích do gặp trời mưa, đường ray trơn sẽ khiến hệ thống tự động dừng đỗ không đúng ga nên sẽ phải chuyển sang chế độ lái thủ công. Do thời gian chuyển đổi chỉ mất khoảng một vài phút và lái tàu đã không phát loa thông báo.

Sự cố lần 2 được xác định vào 10 giờ sáng 11/2/2023, một đoàn tàu bất ngờ dừng lại tại khu vực địa phận quận Thanh Xuân trong quá trình di chuyển hướng vào nội thành.

Đại diện Metro Hà Nội cho biết do ga Cát Linh gặp sự cố nên tàu bị dừng lại. Sự cố này nằm trong kịch bản ứng phó của đơn vị. Sau khi sự việc xảy ra, Metro Hà Nội đã huy động xe buýt để đưa hành khách có nhu cầu đi từ ga Thượng Đình tới ga Cát Linh.

Sau khoảng gần 1 giờ khắc phục sự cố, các đoàn tàu của tuyến đường sắt Cát Linh-Hà Đông hoạt động bình thường trở lại.

Những bất ngờ ở tuyến tàu trên cao đầu tiên Trung Quốc xây dựng tại Việt Nam sau 2 năm hoạt động - Ảnh 6.

Một số người chọn mang theo xe đạp gấp đi tàu sau đó di chuyển đến nơi làm việc - Ảnh: TA

Trước đó, vào tối 7/12/2021, máy đếm trục tín hiệu ga Cát Linh bất ngờ xảy ra sự cố. Sau 30 phút "đóng cửa" xử lý sự cố, có nhiều chuyến tàu không thể đến/đi từ nhà ga này.

Ngay tối cùng ngày, Tổng Giám đốc Metro Hà Nội cho biết sự cố này chỉ là tình huống diễn tập bất ngờ mà Sở GTVT Hà Nội đưa ra trong quá trình vận hành khai thác và không báo trước cho hành khách.

Vì vậy mà theo đánh giá của Bộ GTVT và các chuyên gia, đường sắt Cát Linh - Hà Đông có ưu việt an toàn, tiện nghi, thoải mái, đặc biệt là thời gian di chuyển nhanh, đảm bảo đúng giờ.

Ngày 6/11/2021, dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông được Bộ Giao thông Vận tải chính thức bàn giao cho Thành phố Hà Nội đưa vào vận hành sau 10 năm khởi công xây dựng. Dự án được Chính phủ giao Bộ Giao thông Vận tải là chủ đầu tư, tổng thầu là Công ty TNHH Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc.

Dự án được phê duyệt năm 2008 với tổng mức đầu tư ban đầu là 8.769 tỷ đồng (tương đương 552,8 triệu USD), tổng chiều dài 13 km đi trên cao, gồm 12 ga, tốc độ tối đa 80 km/h. Kế hoạch ban đầu là xây dựng trong 5 năm, sẽ hoàn thành vào năm 2013.

Tuy nhiên, 13 năm sau, đến năm 2021, tuyến đường mới chính thức đi vào hoạt động, chậm tiến độ 8 năm so với kế hoạch ban đầu. Quá trình triển khai phát sinh một số bất cập, buộc phải thay đổi thiết kế, trượt giá đã làm tăng tổng mức đầu tư dự án 316 triệu USD (từ 552 triệu USD lên 868 triệu USD), trong đó vốn vay Trung Quốc tăng từ 419 lên 669 triệu USD, vốn đối ứng trong nước tăng từ 133 lên 199 triệu USD.

Phát biểu tại buổi lễ khánh thành cuối năm 2021, lãnh đạo Bộ GTVT nhấn mạnh, "Cát Linh - Hà Đông là dự án đường sắt đô thị được triển khai thí điểm đầu tiên của cả nước cũng như tại TP Hà Nội bằng vốn vay của Chính phủ Trung Quốc và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam".

Đây cũng là dự án đường sắt đô thị đầu tiên của Việt Nam sử dụng tiêu chuẩn công nghệ kỹ thuật của Trung Quốc và do doanh nghiệp Trung Quốc làm Tổng thầu xây dựng. Dự án biểu tượng, cùng nhau xây dựng vành đai và con đường giữa hai nước trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng.


     

Theo Trang Anh

Đời sống và Pháp luật

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên