Những câu chuyện thú vị về một think tank đặc biệt ở Việt Nam
“Từ quá khứ đến hiện đại, ở đâu, think tank cũng luôn đóng một vai trò quan trọng”, bà Phạm Chi Lan nói và chia sẻ với Trí Thức Trẻ những kỷ niệm về thời kỳ đẹp của giới think tank Việt Nam.
- 21-08-2018Think tank Việt Nam ở đâu trên bản đồ thế giới?
- 20-08-2018Think tank và cuộc khủng hoảng của "những cỗ xe tăng biết nghĩ"
Think tank là thuật ngữ khá rộng chỉ các tổ chức tư vấn chính sách (gồm cả cá nhân độc lập) mà ở đó các chuyên gia có trình độ hiểu biết sẽ hỗ trợ cho những người ra quyết định chính sách giải quyết những vấn đề mà họ phải đương đầu, bà Phạm Chi Lan nói.
Người phụ nữ có dáng người bé nhỏ này đã trải qua nhiều thăng trầm cùng các câu chuyện chính sách tại Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Ban Nghiên cứu của Thủ tướng, và nay ở tuổi 75, bà vẫn hoạt động với tư cách chuyên gia độc lập.
Theo bà Lan một trong những yếu tố quan trọng nhất để think tank phát huy tốt vai trò của mình là sự cởi mở của lãnh đạo. Bởi, chỉ khi được tự do nghiên cứu, trao đổi, được lắng nghe, được tôn trọng ý kiến, các trí thức mới có động lực để hoạt động, cống hiến hết mình.
Thời nào, ở đâu lãnh đạo tỏ ra thờ ơ, khó chịu, thậm chí có thái độ trù dập đối với những tiếng nói phản biện, thì think tank sẽ không có đất dụng võ. Tác động này không chỉ với một vài cá nhân, tổ chức nghiên cứu mà sẽ lan rộng ra toàn giới trí thức và xã hội.
“Thái độ của người lãnh đạo sẽ quyết định vai trò, chức năng và đóng góp của các think tank”, bà Chi Lan nói. Và hình ảnh của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Thủ tướng Phan Văn Khải, luôn được bà Lan nhắc đến với đầy cảm xúc kính trọng.
Năm 1993, Thủ tướng Võ Văn Kiệt thành lập Tổ tư vấn cải cách. Thời điểm đó, tổ có 8 thành viên thường trực. Tổ trưởng là ông Lê Xuân Trinh, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ khi đó. Số lượng chuyên gia hơn 60 người.
Theo bà Lan, thực tế không phải đến năm 1993 Thủ tướng Kiệt mới quan tâm, lắng nghe giới trí thức. Nhiều năm trước đó, khi ông Kiệt còn là Bí Thư thành uỷ TP. HCM, ông đã tìm kiếm sự tư vấn của “Nhóm thứ sáu”.
“Nhóm thứ sáu” là cách gọi một nhóm trí thức ở miền Nam thường tụ họp vào chiều thứ sáu hàng tuần, nói chuyện, thảo luận, bàn bạc, đề xuất... các giải pháp gỡ thế bí cho nền kinh tế, chứ nhóm không có tên, không chủ quản, điều lệ, chức vụ, kinh phí.
Thứ quý nhất mà họ có là tri thức, kinh nghiệm và lòng nhiệt thành, muốn đóng góp cho nhà lãnh đạo và cống hiến cho đất nước. Thành viên của nhóm là những tên tuổi như Huỳnh Bửu Sơn, Phan Tường Vân, Trần Trọng Thức, Trần Bá Tước, Phan Chánh Dưỡng...
Sau này, nhiều người trong Nhóm thứ sáu vẫn tham gia hoặc đóng góp ý kiến với Tổ tư vấn của Thủ tướng Kiệt.
Sự đa dạng, nhiều năng lực chuyên môn khác nhau trong Tổ tư vấn đã giúp cho ông Kiệt có được những thông tin, kiến thức, ý tưởng và cách làm cần thiết để chèo lái, đưa nền kinh tế Việt Nam theo con đường đổi mới, vượt ra khỏi khủng hoảng từ bối cảnh đất nước chịu hậu quả nặng nề của chiến tranh, cơ chế bao cấp cũng như tình trạng bị cô lập.
“Cách tập hợp của Thủ tướng Kiệt rất hay”, bà Lan bình luận. Bởi trong tổ có một số người là trí thức, nhà kỹ trị ở miền Nam trước năm 75, cũng như những người miền Bắc dưới thời bao cấp nhưng có tư duy đổi mới và một số chuyên gia đang sinh sống ở các nước phương Tây. Chính điều này đã tạo ra sự bổ trợ cho nhau, nhằm giúp nền kinh tế chuyển đổi mà không gặp nhiều trở ngại do sự không tương thích với thực tế.
Giữa các thành viên là sự lắng nghe, tôn trọng, trân quý nhau. Những cuộc tranh luận, hẳn nhiên là không thể thiếu, nhưng được dựa trên những nguyên tắc đó và trên lòng yêu nước, trên tinh thần cống hiến của mọi người mà tạo nên sự đồng thuận.
“Họ cũng hiểu rõ tinh thần, ý chí của Thủ tướng Kiệt và mục tiêu Thủ tướng đặt ra. Họ thực sự cảm kích, tin tưởng và yêu quý, kính trọng Thủ tướng để tận tâm làm việc, đóng góp cho Thủ tướng những ý kiến rút từ ruột gan, trí não của mình”, bà Lan nói và gọi đó là thời kỳ đẹp của think tank ở nước ta.
Ông Phan Văn Khải kế nhiệm ông Võ Văn Kiệt năm 1997 và tiếp tục phát huy những di sản mà người tiền nhiệm để lại, trong đó có Tổ tư vấn, lúc này đã được điều chỉnh, tổ chức lại gọn nhẹ hơn thành Tổ nghiên cứu đổi mới kinh tế - xã hội và hành chính, gọi tắt là Tổ tư vấn đổi mới vào năm 1996. Sau này, Tổ được đổi tên thành Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ.
Năm 1996 cũng là thời điểm bà Phạm Chi Lan tham gia vào Tổ. Như vậy, bà Lan có 1 năm được làm việc với Thủ tướng Võ Văn Kiệt và hầu hết thời gian sau đó là với Thủ tướng Phan Văn Khải.
Thủ tướng Phan Văn Khải và Ban nghiên cứu của Thủ tướng
Theo đó, hàng loạt các chính sách và văn bản pháp quy được hình thành, hoàn thiện hơn, phù hợp hơn với nguyên tắc thị trường và tương thích dần với các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới WTO, tạo cơ chế cho khu vực tư nhân phát triển.
Nhờ vậy, trong hai nhiệm kỳ của Thủ tướng Khải, nền kinh tế nước ta đã vượt qua cuộc khủng hoảng tài chính trong khu vực, đạt được mức tăng trưởng cao, ổn định tốt và mở rộng hội nhập với thế giới bên ngoài, hoàn tất việc đàm phán gia nhập WTO.
“Think tank của Thủ tướng Khải cũng như tinh thần Thủ tướng Kiệt trước đây, ngoài việc phát huy trí tuệ của từng cá nhân còn tích cực thúc đẩy việc kết nối với cộng đồng, lắng nghe trí thức và người dân”, bà Lan nói.
Một điều rất đáng quý, theo bà Lan, là mọi công việc mà Tổ Tư vấn hay Ban Nghiên cứu làm đều vì mục tiêu chung, không vụ lợi. Nhóm chuyên trách phần lớn là những người đã về hưu, “vui vẻ với đồng hưu, không sợ mất ghế”, cùng một số chuyên gia kiêm nhiệm rất đồng lòng với cơ chế 5 không: không biên chế, không lương, không chức vụ, không có cấp trên cấp dưới và quan trọng nhất là không bị ràng buộc, hạn chế gì khi góp ý kiến với Thủ tướng.
“Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là người năng động, chịu khó đi thực tế, gặp gỡ để lắng nghe tiếng nói của doanh nghiệp, của người dân. Ngay từ đầu, Thủ tướng đã rất quan tâm thúc đẩy cải cách, đặc biệt về cải thiện môi trường kinh doanh”, bà Lan đánh giá.
Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gồm 15 người, đến nay đã hoạt động được một năm. Tuy nhiên bà Lan vẫn bày tỏ băn khoăn xung quanh cơ chế hoạt động của think tank này.
Theo bà, Tổ tư vấn hơi “kín tiếng”, ít thông tin ra xã hội về hoạt động của mình. Những thông điệp của Tổ cho tới nay được thể hiện chủ yếu qua một số diễn đàn, hội thảo. Trong khi đó, xã hội đang rộng mở hơn với nhiều thông tin đa chiều, nhiều ý kiến đa dạng và còn rất nhiều vấn đề trăn trở. Mọi người mong đợi tiếng nói mạnh mẽ, thường xuyên, kịp thời hơn của các thành viên Tổ tư vấn.
Theo bà, để phát huy tối đa tiềm năng trí thức của Tổ tư vấn, nên có cơ chế để các thành viên có thể lên tiếng mà không nhất thiết đại diện ý kiến “chính thống” của Tổ. Tức là họ được hoạt động ở hai vai trò, là thành viên của Tổ, và cũng là người nghiên cứu, nhà trí thức có suy nghĩ độc lập của mình, sẵn sàng trao đổi, thảo luận, chia sẻ với xã hội.
“Ý kiến có thể đúng, có thể sai, nhưng cần được đưa ra để tranh luận. Trước đây, think tank của ông Kiệt, ông Khải được như vậy. Điều đó càng thúc đẩy mọi người cố gắng học hỏi, suy nghĩ, lên tiếng một cách có trách nhiệm hơn”, bà Lan nói.
Sau khi Ban Nghiên cứu giải thể giữa năm 2006, những người thuộc nhóm think tank thời ông Kiệt, ông Khải vẫn tiếp tục đóng góp cho xã hội qua các kênh khác nhau. Một số vẫn là những chuyên gia có uy tín thường được xã hội tham vấn mỗi khi các chính sách kinh tế, mới hình thành.
Một số vị như các ông Đào Xuân Sâm, Vũ Quốc Tuấn, Nguyễn Trung, Tương Lai, Võ Đại Lược, Huỳnh Bửu Sơn,… thì đúc kết lại những năm tháng đóng góp chất xám của mình bằng các cuốn sách với nhiều khuyến cáo vẫn còn nguyên giá trị. Hay ông Vũ Quang Việt ở nước ngoài vẫn liên tục gửi về nước những phân tích, đánh giá cập nhật, đầy tâm huyết và trí tuệ.
“Không ai trả công cho họ. Ở tuổi hơn 70, thậm chí là 90, họ vẫn không nguôi trăn trở với sự phát triển của đất nước và bền bỉ cố gắng đóng góp thêm”, bà Lan nói.
Kết thúc câu chuyện, bà nói rằng tinh thần của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Phan Văn Khải vẫn luôn rực cháy trong lòng những người từng có cơ hội góp sức trong think tank ngày ấy. Bà cũng mong, nhiệt huyết và trí tuệ của các thế hệ trí thức Việt, sẽ được phát huy mạnh mẽ vì sự phát triển của đất nước Việt Nam, đặc biệt trong thời đại kinh tế trí thức ngày nay.