Những câu hỏi quanh nhà máy nước sông Đuống
Để phục vụ nhà máy nước sạch sông Đuống, Hà Nội đã có nhiều ưu đãi đối với nhà đầu tư, thậm chí xác định “móc tiền túi” bù giá cho nước sông Đuống. Thế nhưng, khi vừa khánh thành giai đoạn một, 34% cổ phần nhà máy nước đã được sang tay cho doanh nghiệp Thái Lan.
- 02-11-2019Hà Nội mỗi ngày “bù lỗ” tiền tỉ cho Nhà máy Nước mặt Sông Đuống
- 29-10-2019Nhà máy nước sông Đuống chưa nghiệm thu đã bán nước cho dân là không ổn
Công ty cổ phần Nước mặt sông Đuống (Công ty sông Đuống) vừa có sự thay đổi cổ đông với sự xuất hiện của nữ tỷ phú Thái Lan Jareeporn Jarukornsakul, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn WHA.
Theo thông tin từ Ủy ban Chứng khoán Thái Lan, bà Jarukornsakul đã chi hơn 2.000 tỷ đồng nắm giữ 34% cổ phần của Công ty sông Đuống. Sau thương vụ này, nữ tỷ phú Thái Lan trở thành cổ đông lớn thứ hai tại công ty.
Cty CP Aqua One (cổ đông chiếm 51% cổ phần tại Cty CP Sông Đuống) xác nhận: WHAUP (SG) 2DR PTE. LIMITED của Thái Lan nắm giữ 34%. Các cổ đông còn lại là Aqua One 51%; Newtaco 5%; Công ty nước sạch Hà Nội 10%.
Như vậy, Hà Nội hiện đang có 2 “ông lớn bán buôn” nước sạch là Cty CP nước mặt sông Đuống và Công ty CP Đầu tư nước sạch sông Đà, cả hai đều là doanh nghiệp tư nhân.
Nếu nước sạch sông Đà cung cấp nước cho khu dân cư các quận Hà Đông, Thanh Xuân, Nam Từ Liêm và một phần nhiều quận, huyện của Hà Nội…, nước sạch sông Đuống cấp cho 1/3 dân số Hà Nội (khoảng 3 triệu dân tại 168 xã, phường của 8 quận, huyện khu vực đông bắc và phía nam). Dự kiến tổng công suất đạt 1,2 triệu m3/ngày đêm sau năm 2030, gấp 4 lần công suất của công ty nước sông Đà. Nhà máy giai đoạn 1 đã được khánh thành vào ngày 5/9, có công suất 300.000 m3/ngày đêm.
“Siêu” ưu đãi
Để phục vụ dự án nước sạch sông Đuống, UBND thành phố Hà Nội liên tục “thúc” UBND huyện Gia Lâm thực hiện nhanh việc giải phóng mặt bằng, bàn giao mặt bằng sạch cho chủ đầu tư. Kết quả khu vực nhà máy 65ha đã được bàn giao sớm hơn kế hoạch ban đầu, những hỗ trợ mạnh mẽ của Hà Nội được Chủ tịch HĐQT Cty CP Aqua One Đỗ Thị Kim Liên khẳng định tại các hội nghị xúc tiến đầu tư thành phố.
Khi nhà máy chưa đi vào hoạt động, UBND thành phố Hà Nội đã có văn bản 3310 ngày 6/7/2017 chấp thuận giá bán nước sạch tạm tính và lộ trình điều chỉnh giá nước cho dự án nhà máy nước sạch sông Đuống để triển khai thực hiện dự án.
Theo đó, giá nước sạch tối đa của nhà máy nước sạch sông Đuống tạm tính năm 2017 là 10.246 đồng/m3 (chưa bao gồm thuế VAT). Lộ trình tăng giá nước tối đa 7%/năm nhưng không vượt quá khung giá nước sạch sinh hoạt theo quy định của Bộ Tài chính.
Sau khi nhà máy đi vào hoạt động cấp nước, nguyên tắc điều chỉnh giá nước sẽ căn cứ vào chính sách, pháp luật tại từng thời kỳ để thực hiện; giao Sở Xây dựng hoàn thiện thỏa thuận dịch vụ cấp nước và ký kết với Công ty Cổ phần nước mặt sông Đuống, văn bản nêu.
Hiện nay, giá nước sinh hoạt trên địa bàn Hà Nội được tính theo Quyết định 38 của thành phố, ban hành năm 2013. Kể từ năm 2015, giá là 5.973 đồng/m3 (đối với 10 m3 đầu tiên); từ trên 10 m3 đến 20 m3 là 7.052 đồng; trên 20 m3 đến 30 m3 là 8.669 đồng và trên 30 m3 là 15.929 đồng.
Tất cả các doanh nghiệp cấp nước áp theo khung giá này để các đơn vị phân phối bán lẻ nước tới người dân. Tuy nhiên, trong 2 “ông lớn” cấp nước, giá của sông Đuống đang gấp đôi sông Đà nhờ những ưu đãi riêng mà Hà Nội dành cho sông Đuống.
Cụ thể, tại quyết định phê duyệt phương án giá thành sản xuất, giá bán buôn nước sạch và phương án bù giá của sông Đà được UBND thành phố Hà Nội đưa ra ở các mức: năm 2013 là 4.612,22 đồng/m3; 2014 là 4.658,90 đồng/m3; 2015 là 4.726,54 đồng/m3.
Lộ trình tăng giá giai đoạn năm 2013 - 2015 dao động từ-400 đồng/m3 cho đến +200 đồng/m3. Lộ trình giá bán buôn nước sạch từ năm 2014 - 2016 cụ thể ở các mức từ 3.600 - 4.658,90 - 5.069,76 đồng/m3.
Trong khi đó, với sông Đuống, Hà Nội khi đó đã chấp thuận mua nước với giá gấp 2 lần so với một số nhà cung cấp nước khác.
Theo một số đơn vị bán lẻ nước trên địa bàn, giá bán buôn nước của sông Đuống hiện nay cao hơn giá bán lẻ cho người dân. Do đó, UBND thành phố đã có buổi họp với các đơn vị bán lẻ để xem xét điều kiện bù giá nước của Nhà máy nước mặt sông Đuống.
So với mức giá tạm tính là 10.246 đồng/m3 đưa ra ban đầu, nước sông Đuống hiện nay đang áp dụng mức giá bán buôn 7.700 đồng/m3. Còn mức giá bán của nước sông Đà là 5.069,76 đồng/m3.
Với mức giá bán buôn và bán lẻ hiện nay, nếu bán nước sông Đà thì Hà Nội đang có lãi; còn với nước sông Đuống thì UBND thành phố Hà Nội phải bù giá nước. Đặc biệt khi nhà máy nước sông Đuống vận hành đủ 100% giai đoạn 1 (300.000m3/ngày, đêm) thì áp lực về tài chính là rất lớn.
Đại diện Sở Tài chính Hà Nội cho biết, mức giá 10.246 đồng/m3 được đưa ra dựa trên cách tính giá nước của Bộ Tài chính. Đây mới chỉ là mức giá tạm tính, Sở Tài chính đang điều chỉnh mức giá gửi HĐND, UBND thành phố thẩm định để có mức giá cuối cùng.
Tháng 5/2019, tại hội nghị đối thoại với công nhân Khu công nghiệp Nội Bài, khi giải đáp vấn đề khó khăn nước sạch của công nhân, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, thành phố đang triển khai chương trình phát triển nước sạch, cung cấp cho toàn bộ người dân, cả khu nội thành và ngoại thành. Để làm được điều này, ông Chung cho biết, trước đây, theo các nghị định của Chính phủ, việc cung cấp nước sạch trên địa bàn thành phố do các công ty nhà nước làm. Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu của người dân, từ tháng 6/2016, thành phố đã đề nghị Chính phủ thay đổi Nghị định, mở đường cho các doanh nghiệp tư nhân đầu tư trên địa bàn. Thời điểm đó, theo ông Chung, thành phố đã kêu gọi được 24 nhà đầu tư vào 28 dự án nước sạch, cung cấp hệ thống mạng lưới nước sạch trên địa bàn thành phố.
Trường Phong
Không nên để nhà đầu tư nước ngoài cung cấp nước sạch
Trong tọa đàm về an ninh nước sạch tổ chức tại báo Tiền Phong, TS Trần Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Hạ tầng Kỹ thuật Bộ Xây dựng bày tỏ quan điểm cần xem xét lại việc quy định nước là ngành nghề kinh doanh có điều kiện (trước đây quy định là dịch vụ công). Ông Tuấn cho rằng, cổ phần hóa là chủ trương đúng, giảm được vốn đầu tư, minh bạch hóa, nhưng đối với ngành cấp nước thì có hạn chế, vì tài sản thuộc về doanh nghiệp, mục tiêu an sinh an toàn xã hội xếp sau lợi nhuận. Mục tiêu an sinh xã hội chưa phải là mục tiêu đầu tiên. Cần đưa thành luật để có khung pháp lý, vận hành quản lý tốt hơn.
Ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và phát triển truyền thông cho rằng, đa phần các quốc gia sẽ không chọn giải pháp cho phép nước ngoài cung cấp các dịch vụ ảnh hưởng đến an ninh như mặt hàng nước sạch.
Theo ông Đồng, trong bối cảnh của Việt Nam nên cho phép tư nhân tham gia một công đoạn (có 3 công đoạn liên quan nước sạch gồm sản xuất ra nước và bán buôn, công đoạn liên quan đến truyền tải, công đoạn thứ ba là bán lẻ cho người dùng).
Theo ông, chỉ nên cho tư nhân tham gia giai đoạn đầu tiên về sản xuất, còn hai giai đoạn sau Nhà nước cần độc quyền. "Để nhà đầu tư nước ngoài tham gia cung cấp nước sạch cũng là vấn đề mới mẻ. Liên quan đến an ninh, có lẽ không nên cho phép nước ngoài cung cấp", ông Đồng nói.
Tiền Phong