Những chiếc da cá có mùi tanh "vạn người chê" được nâng tầm thành những món thời trang cao cấp mang thương hiệu Dior, Salvatore Ferragamo như thế nao?
Steinunn Gunnsteinsdóttir thừa nhận rằng gia đình cô đã thử nghiệm rất nhiều lần để có thể làm được da từ da cá. Cô cho biết: “200 lần đầu tiên, chúng tôi chỉ tạo ra món súp cá nặng mùi.”
Gunnsteinsdóttir là một giám đốc bán hàng của công ty Leather Atlantic tại Iceland, công ty sở hữu xưởng thuộc da cá duy nhất ở châu Âu. Nhìn ra một vịnh hẹp trên bờ biển phía bắc xa xôi của Iceland, xưởng này đã chế biến da từ cá hồi, cá pecca, cá tuyết và cá sói từ năm 1994.
Quá trình thuộc da kéo dài từ 3 đến 4 tuần, và 19 nhân viên hiện sản xuất 10.000 tấm da, hoặc gần 1 tấn da cá mỗi tháng. Theo Gunnsteinsdóttir – con gái của những người sáng lập, thì mùi của cá sẽ biến mất trong giai đoạn đầu và sau đó nó sẽ có mùi như bất kỳ loại da nào khác.
Tất cả cá của Leather Atlantic đều có nguồn gốc từ các nguồn cung cấp bền vững của cá đội tàu đánh cá Iceland, Na Uy và đảo Faroe. Không giống như những ví dụ tồi tệ trong ngành da bò toàn cầu, quy trình thuộc da của công ty này cố gắng thân thiện với môi trường nhất có thể.
Hoạt động sản xuất sử dụng năng lượng địa nhiệt, vốn phổ biến ở Iceland. Công ty Leather Atlantic sở hữu thiết bị cho phép nó tái sử dụng từng giọt nước từ 8 đến 9 lần trong quá trình sản xuất. Doanh nghiệp này cũng sử dụng thuốc nhuộm tự nhiên, không gây ô nhiễm. Giá da của Leather Atlantic tùy thuộc vào loại cá, nhưng da cá hồi được bán ở mức khoảng 129 USD/m2.
Công ty của Gunnsteinsdóttir hiện đang cung cấp da cho các hàng thời trang hàng đầu châu Âu như Jimmy Choo, Dior và Salvatore Ferragamo. Cô cho biết có một quan niệm sai lầm rằng da cá rất mỏng manh và dễ rách: “Da cá thực sự bền hơn 9 lần so với da cừu hoặc da bò có cùng độ dày tương tự. Điều này là do các sợi ở da cá đan chéo thay vì chỉ lên xuống…nó trở thành chất liệu da bền hơn nhiều cho các sản phẩm cần phải bền như giày, thắt lưng và túi xách.”
Mặc dù ở thời điểm hiện tại, da cá chiếm chưa đến 1% tổng doanh số da toàn cầu, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp LHQ (FAO) đang thúc đẩy cách thức sản xuất này để tăng thu nhập cho các cộng đồng ngư dân trên toàn thế giới.
Tăng sản lượng da cá cũng có thể làm giảm nhu cầu đối với da rắn và da cá sấu, do nguồn cung có thể đến từ các loài có nguy cơ tuyệt chủng. Về lâu dài, gia tăng sử dụng da cá có thể giảm nhu cầu về da bò hơn. Kể từ năm 2005, Hiệp hội thương mại Leather Working Group – có các thành viên bao gồm Adidas, Nike và Primark – cho biết họ đã thúc đẩy các hoạt động có trách nhiệm với môi trường.
Cách Iceland 8.500 km, một công ty khác cũng đang sản xuất da cá là Foods Victoria Kenya. Với sự trợ giúp từ Jackie Alder – một quan chức có thâm niên về ngành thủy sản tại Cục Thủy sản và nuôi trồng thủy sản của FAO – và nhóm của bà, doanh nghiệp này đã sử dụng da cá pecca sông Nile từ hồ Turkana, hồ sa mạc lớn nhất thế giới nằm ở phía bắc Kenya.
James Ambani, giám đốc điều hành của Victorian Foods, cho biết sau 3 năm hoạt động, công ty hiện sản xuất 400 kg da/tuần, bán được với giá gần 26 USD/m2. Da có thể được sản xuất với kích thước lớn vì cá pecca sông Nile là một loại cá khổng lồ có thể dài tới 2m.
Ông Ambani nói: “Nó đã tạo ra một tác động lớn đến cộng đồng và nguồn doanh thu mới cho chúng tôi và ngư dân địa phương, nhưng người hiện kiếm được thêm 30% cho mỗi con cá họ bán.” Công ty của ông thuê 10 phụ nữ tại xưởng thuộc và đang đào tạo thêm một nhóm để sản xuất sản phẩm từ da cá.
Nhà thiết kế thời trang Kenya, Deepa Dosaja, gần đây đã thử sử dụng một số da cá được nhuộm tự nhiên của Victoria Foods và cảm thấy thích thú về sản phẩm này: “Đó là thời trang cao cấp, nó đẹp và cân đối - thật là thú vị.”
Cục Thủy sản và nuôi trồng thủy sản của FAO hiện cũng đang hợp tác với một công ty Brazil, Coopescarte, để phát triển cách thức sản xuất xuất da cá dễ dàng và rẻ hơn.
Nhịp Sống Kinh Tế