MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Những chính sách kinh tế nổi bật nào bắt đầu có hiệu lực từ tháng 9/2021?

Những chính sách kinh tế nổi bật nào bắt đầu có hiệu lực từ tháng 9/2021?

Từ tháng 9/2021, rất nhiều chính sách mới bắt đầu có hiệu lực như: người tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) có thêm quyền lợi, nghị định mới về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư,…

Nghị định mới về cải tạo, xây dựng nhà chung cư

Nghị định 69/2021/NĐ-CP của Chính phủ đã mở ra giai đoạn mới, “cởi trói” cho công tác xây dựng lại hàng nghìn nhà chung cư cũ. Góp phần nâng cao đời sống của người dân tại khu vực đô thị, nhất là tại TP. Hà Nội, TP. HCM.

Đáng chú ý, Nghị định 69 giao cơ quan nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch chi tiết của khu vực nhà chung cư cần cải tạo, xây dựng lại thay vì để chủ đầu tư thực hiện lập như quy định trước đây nhằm đảm bảo tính khả thi, thống nhất. Nghị định cũng giải quyết những “nút” thắt trong quy định về phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và bố trí chỗ ở tạm thời cho các chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư một cách rõ ràng và cụ thể hơn.

Người tham gia BHXH có thêm nhiều quyền lợi

Ngày 1/9/2021 là thời điểm Thông tư 06/2021/TT-BLĐTBXH bắt đầu có hiệu lực. Thông tư có nhiều quy định mới liên quan trực tiếp đến quyền lợi của người tham gia BHXH bắt buộc, như:

Bổ sung thêm trường hợp vợ tham gia bảo hiểm xã hội nhưng không đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản thì chồng vẫn được hưởng trợ cấp một lần khi vợ sinh con (trước đây chỉ quy định vợ không tham gia bảo hiểm xã hội thì chồng mới được nhận khoản tiền này).

Bổ sung thêm trường hợp phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc là người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, đồng thời là người giao kết hợp đồng lao động từ 01 tháng trở lên.

Trường hợp lao động nữ mang thai đôi trở lên thì chế độ thai sản được hưởng tính theo số lượng con đã sinh, không kể còn sống hay đã mất (trước đây chỉ giải quyết chế độ thai sản cho con còn sống)...

Quy định về hỗ trợ khi thu hồi đất

Thông tư 09/2021/TT-BTNMT sửa đổi, bổ sung 9 thông tư hướng dẫn thi hành Luật Đất đai 2013 bắt đầu có hiệu lực từ 1/9/2021. Một trong những điểm mới của thông tư là bổ sung các quy định liên quan đến hỗ trợ sau khi thu hồi đất.

Thông tư đã bổ sung thêm một số trường hợp đất nông nghiệp được hỗ trợ ổn định đời sống; hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm khi Nhà nước thu hồi đất.

Ngoài ra, thông tư đã quy định thêm về hồ sơ sang tên khi chuyển nhượng, tặng cho đất. Cụ thể, dù vẫn giữ nguyên thành phần hồ sơ đăng ký khi sang tên nhà đất nhưng khi chuyển nhượng, tặng cho đất nông nghiệp thì tại đơn đề nghị theo Mẫu số 09/ĐK phải ghi rõ thông tin tổng diện tích đất nông nghiệp nhận chuyển nhượng, tặng cho.

Mức thu phí trong công tác an toàn thực phẩm

Từ ngày 19/9/2021, Thông tư số 67/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí trong công tác an toàn thực phẩm bắt đầu có hiệu lực thi hành.

Đối tượng nộp phí gồm tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu,… Thông tư quy định cụ thể các mức phí thẩm định cấp phép lưu hành, nhập khẩu, xác nhận, công bố trong lĩnh vực an toàn thực phẩm. Đồng thời, thông tư cũng có quy định mới về mức thu phí đối với cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập.

Hướng dẫn xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 2022

Thông tư số 61/2021/TT-BTC được Bộ Tài chính ban hành có hiệu lực thi hành kể từ ngày 9/9/2021, thông tư hướng dẫn xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 và kế hoạch tài chính-ngân sách nhà nước 3 năm 2022 - 2024.

Cụ thể, phấn đấu dự toán thu nội địa năm 2022 không kể thu tiền sử dụng đất, thu xổ số kiến thiết, lợi nhuận sau thuế và chênh lệch thu, chi của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam bình quân cả nước tăng khoảng 6 - 8% so với đánh giá ước thực hiện năm 2021 (đã loại trừ các yếu tố tăng, giảm thu do thay đổi chính sách).

Theo thông tư, dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2022 phải được xây dựng ở mức phấn đấu tích cực, khả thi. Đồng thời, gắn với việc triển khai chủ trương sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, đầu mối khu vực sự nghiệp công lập.

Giảm 50% phí giao dịch thanh toán điện tử liên ngân hàng đến 30/6/2022

Mới đây, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Thông tư 13/2021/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 26/2013/TT-NHNN ngày 5/12/2013 ban hành Biểu phí dịch vụ thanh toán qua Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Thông tư mới sẽ có hiệu lực từ 1/9/2021 và được bổ sung một số quy định sau:

Giảm 50% mức phí thanh toán qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng, thanh toán trong nước,...

Thông tư này bãi bỏ Thông tư số 19/2020/TT-NHNN ngày 30/12/2020 của Ngân hàng Nhà nước sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 26/2013/TT-NHNN ngày 5/12/2013 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Biểu phí dịch vụ thanh toán qua Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Theo Ngân hàng Nhà nước, mới này được ban hành để tiếp tục có chính sách hỗ trợ các đối tượng gặp khó khăn do dịch Covid-19. Đồng thời, thực hiện chủ trương nhà nước về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022.

Hồng Nhuận

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên