MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Những chính sách nổi bật, “có 1 không 2” của ngành ngân hàng 2021

30-12-2021 - 21:39 PM | Tài chính - ngân hàng

Những chính sách nổi bật, “có 1 không 2” của ngành ngân hàng 2021

Năm 2021 chính thức khép lại – một năm đầy biến động với kinh tế thế giới. Tại Việt Nam, cả nước phải tập trung mọi nguồn lực để ứng phó trước làn sóng “trỗi dậy” lần thứ 4 của Coronavirus. Ngành ngân hàng trong năm 2021 là một trong những ngành đã luôn đồng hành trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, giữ vững vai trò “xương sống, huyết mạch” của nền kinh tế.

Thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tiền tệ và ngân hàng, Ngân hàng nhà nước Việt Nam (NHNN) đã có những chính sách hỗ trợ nền kinh tế, hỗ trợ người dân vượt qua đại dịch – những chính sách “có 1 không 2” từ trước tới nay, tác động trực tiếp đến các ngân hàng trong hệ thống năm qua.

Những chính sách nổi bật, “có 1 không 2” của ngành ngân hàng 2021 - Ảnh 1.

Trước những ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, NHNN đã ban hành Thông tư 01/2020/TT-NHNN (Thông tư 01) quy định về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Trong năm 2021, NHNN tiếp tục ban hành hai văn bản sửa đổi, bổ sung Thông tư 01. Khi "làn sóng" thứ ba của dịch bệnh gần kết thúc, ngày 02/4/2021 NHNN ban hành Thông tư 03/2021/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung Thông tư 01. Thông tư 03 bổ sung thêm điều kiện và kéo dài việc thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khách hàng đến hết ngày 31/12/2021.

Thông tư 03 vừa được ban hành thì "làn sóng" thứ tư của dịch bệnh bùng phát tại Việt Nam với diễn biến phức tạp, tốc độ lây lan nhanh và càn quét hầu hết các tỉnh, thành phố. Ngày 07/9/2021, NHNN ban hành Thông tư 14/2021/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung Thông tư 01 để phù hợp với diễn biến mới của dịch bệnh. Thông tư 14 sửa đổi, bổ sung điều kiện và kéo dài việc thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khách hàng đến hết ngày 30/06/2022.

Theo số liệu của NHNN, tính đến ngày 20/12/2021 các TCTD đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ với giá trị nợ lũy kế từ khi có dịch khoảng 607.000 tỷ đồng, hiện có khoảng 775.000 khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch được cơ cấu lại nợ, với dư nợ trên 296.000 tỷ đồng. Miễn, giảm, hạ lãi suất cho trên 1,96 triệu khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch với dư nợ hơn 3,87 triệu tỷ đồng; tổng số tiền lãi lũy kế đến nay TCTD đã miễn, giảm, hạ cho khách hàng khoảng 34.900 tỷ đồng. Cho vay mới lãi suất thấp hơn so với trước dịch với doanh số lũy kế từ 23/01/2020 đến nay đạt trên 7,4 triệu tỷ đồng cho khoảng trên 1,3 triệu khách hàng.

Những chính sách nổi bật, “có 1 không 2” của ngành ngân hàng 2021 - Ảnh 2.

Ngày 21/7/2021, NHNN ban hành Thông tư số 10/2021/TT-NHNN (Thông tư 10) quy định về tái cấp vốn đối với Ngân hàng Chính sách xã hội (VBSP) theo Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Thông tư 10 quy định số tiền tái cấp vốn tối đa cho VBSP là 7.500 tỷ đồng với lãi suất tái cấp vốn là 0%/năm và lãi suất tái cấp vốn quá hạn là 0%/năm. Đây là khoản vay tái cấp vốn không có tài sản bảo đảm với thời hạn tái cấp vốn là 364 ngày, thời hạn giải ngân tái cấp vốn từ ngày ký khế ước nhận nợ đầu tiên đến hết ngày 31/3/2022 hoặc đến khi giải ngân hết 7.500 tỷ đồng.

Theo số liệu của NHNN, tính đến ngày 10/12/2021 VBSP đã giải ngân khoảng 1.570 tỷ đồng cho 2.064 đơn vị sử dụng lao động để trả lương cho hơn 428.402 lượt người lao động trên toàn quốc.

Những chính sách nổi bật, “có 1 không 2” của ngành ngân hàng 2021 - Ảnh 3.

Ngày 23/8/2021, NHNN ban hành Thông tư số 13/2021/TT-NHNN, tiếp tục duy trì chính sách giảm 50% mức phí giao dịch thanh toán qua Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng (quy định tại Thông tư 26/2013/TT-NHNN) từ ngày 01/9/2021 đến hết ngày 30/6/2022. Cụ thể, Thông tư 26 quy định mức phí giao dịch thanh toán qua Tiểu hệ thống thanh toán giá trị cao đối với lệnh thanh toán trước 15h30 trong ngày là 0,01% x số tiền thanh toán (tối thiểu 2.000 đồng/món, tối đa 50.000 đồng/món); lệnh thanh toán sau 15h30 trong ngày là 0,02% x số tiền thanh toán (tối thiểu 4.000 đồng/món, tối đa 100.000 đồng/món). Trước đó, NHNN cũng áp dụng mức giảm phí tương tự từ 01/01/2021 đến hết ngày 30/6/2021 được quy định tại Thông tư 19/2020/TT-NHNN.

Ngày 30/7/2021 NHNN có Công văn số 5517/NHNN chỉ đạo các ngân hàng điều chỉnh giảm phí giao dịch trên ATM, POS xử lý qua NAPAS và phí giao dịch chuyển khoản liên ngân hàng 24/7 cho khách hàng với mức giảm tối thiểu bằng mức giảm phí mà NAPAS điều chỉnh giảm áp dụng với các ngân hàng (giảm 50% phí dịch vụ chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử cho các giao dịch trên ATM, POS; giảm tối thiểu 75% phí dịch vụ chuyển mạch điện tử và bù trừ điện tử cho các giao dịch chuyển khoản liên ngân hàng 24/7 so với mức phí đang áp dụng). Thời gian áp dụng tối thiểu từ 01/8/2021 đến 31/12/2021.

Thực hiện chỉ đạo của NHNN, các ngân hàng như BIDV, Vietcombank, Agribank, Techcombank, MB, SHB, VIB, VPBank, SeABank, Sacombank… đã triển khai miễn, giảm phí chuyển tiền trực tuyến đến hết ngày 31/12/2021 nhằm hỗ trợ cá nhân, doanh nghiệp trong giai đoạn dịch Covid-19. Trong những ngày cuối năm 2021, các ngân hàng tiếp tục công bố chính sách miễn phí giao dịch qua kênh ngân hàng số áp dụng từ ngày 1/1/2022.

Những chính sách nổi bật, “có 1 không 2” của ngành ngân hàng 2021 - Ảnh 4.

Triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông để thanh toán cho các dịch vụ có giá trị nhỏ là một trong những nhiệm vụ, giải pháp mà Thủ tướng Chính phủ đặt ra cho NHNN tại Chỉ thị 11/CT-TTg để đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt và ứng phó với dịch Covid-19.

Ngày 18/11/2021, NHNN ban hành Quyết định số 1818/QĐ-NHNN và Quyết định số 1818/QĐ-NHNN chấp thuận triển khai thí điểm dịch vụ Mobile Money cho hai nhà mạng Mobifone và Vinaphone (VNPT Media). Ngày 26/11/2021, Vietel được chấp thuận triển khai thí điểm dịch vụ Mobile Money theo Quyết định số 1916/QĐ-NHNN. Thời gian thí điểm: đến hết ngày 18/11/2023.

Mobile Money là dịch vụ dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ. Mục tiêu Chính phủ đặt ra đối với Mobile Money là góp phần phát triển hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, tăng cường việc tiếp cận và sử dụng các dịch vụ tài chính, đặc biệt tại khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa,…thông qua việc tận dụng hạ tầng, mạng lưới viễn thông để mở rộng kênh thanh toán không dùng tiền mặt trên thiết bị di động.

Mobile Money áp dụng thí điểm đối với khách hàng cá nhân là chủ sở hữu thuê bao di động đã kích hoạt và sử dụng liên tục từ 3 tháng trở lên tính đến thời điểm đăng ký dịch vụ. Sau khi đăng ký thành công, khách hàng có thể nạp, rút tiền mặt tại các điểm kinh doanh của doanh nghiệp thực hiện thí điểm. Thanh toán mua hàng hóa, dịch vụ hoặc chuyển tiền giữa các tài khoản Mobile Money, giữa tài khoản Mobile Money với tài khoản ngân hàng hoặc Ví điện tử do chính doanh nghiệp cung ứng. Trong thời gian thí điểm, hạn mức giao dịch của khách hàng không quá 10 triệu đồng/tháng/tài khoản Mobile Money cho tổng các giao dịch rút tiền, chuyển tiền và thanh toán. Mỗi khách hàng chỉ được mở 01 tài khoản Mobile Money tại mỗi doanh nghiệp.

Điểm khác biệt giữa Mobile Money với Ví điện tử hoặc ngân hàng số của các ngân hàng là người dân có thể thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt đối với hóa đơn điện, nước, hàng hóa, các giao dịch chuyển tiền với số tiền nhỏ bằng hình thức USSD và SMS thông qua sim điện thoại. Như vậy, khách hàng không cần phải có điện thoại thông minh (smartphone), không cần cài đặt ứng dụng, không cần phải có tài khoản ngân hàng, không cần có kết nối internet vẫn có thể thực hiện các giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt. Tuy nhiên, sử dụng Mobile Money bằng hình thức USSD và SMS sẽ bị giới hạn một số tính năng.

Bên cạnh việc triển khai thí điểm Mobile Money, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt tăng trưởng tương đối tốt. Theo số liệu của NHNN, 10 tháng đầu năm 2021 so với cùng kỳ năm 2020 số lượng và giá trị giao dịch của các giao dịch qua POS tăng tương ứng 14,25% và 12,6%; qua kênh Internet tăng tương ứng 49,39% và 29,14%; qua kênh điện thoại di động tăng tương ứng 72,67% và 85,09%; thanh toán qua kênh QR code tăng tương ứng 54,24% và 120,64% với hơn 90.000 điểm chấp nhận thanh toán qua QR code.

Những chính sách nổi bật, “có 1 không 2” của ngành ngân hàng 2021 - Ảnh 5.

Ngày 31/12/2020 NHNN ban hành Thông tư số 22/2020/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung Thông tư số 19/2016/TT-NHNN. Thông tư 22 quy định đến ngày 31/12/2021, 100% ATM và thiết bị chấp nhận thẻ tại điểm bán đang hoạt động tại Việt Nam của tổ chức thanh toán thẻ tuân thủ Tiêu chuẩn cơ sở về thẻ chip nội địa. Từ ngày 31/3/2021 các Tổ chức phát hành thẻ thực hiện phát hành thẻ có BIN do NHNN cấp phải tuân thủ Tiêu chuẩn cơ sở về thẻ chip nội địa. Sau ngày 31/12/2021 các thẻ từ chưa chuyển đổi sang thẻ chip vẫn có thể sử dụng để thực hiện các giao dịch thẻ tại ATM, POS, kênh Internet (Internet Banking), di động (Mobile Banking), quầy giao dịch. Đây là nội dung truyền đạt của NHNN tại Công văn số 8458/NHNN-TT nhằm bác bỏ thông tin "các thẻ ATM từ sẽ chính thức bị ngừng hỗ trợ và không được chấp nhận trên các điểm giao dịch trên toàn quốc".

Mặc dù lộ trình chuyển đổi thiết bị chấp nhận thẻ và việc phát hành thẻ theo Tiêu chuẩn cơ sở về thẻ chip nội địa đã được NHNN đưa ra cách đây 03 năm tại Thông tư 41/2018/TT-NHNN. Thời hạn cuối để tổ chức thanh toán thẻ và tổ chức phát hành thẻ thực hiện lộ trình chuyển đổi là 31/12/2021. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện vì nhiều yếu tố khác nhau việc chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip vẫn chưa đạt được kết quả như kỳ vọng. Bằng chứng, một số ATM của các ngân hàng không "đọc" được thẻ theo Tiểu chuẩn cơ sở về thẻ chip nội địa.

Những chính sách nổi bật, “có 1 không 2” của ngành ngân hàng 2021 - Ảnh 6.

Ngày 11/5/2021, NHNN ban hành Quyết định số 810/QĐ-NHNN phê duyệt "Kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030". Đây được xem là "kim chỉ nam" cho hệ thống ngân hàng thực hiện việc ứng dụng những thành tựu của Cách mạng 4.0 vào hoạt động tài chính, tiền tệ, ngân hàng. NHNN đã đặt ra cho các TCTD những mục tiêu cụ thể, định lượng cho hai cột mốc quan trọng 2025 và 2030. Mục tiêu cơ bản đến năm 2025, quá nửa các nghiệp vụ ngân hàng, giao dịch với khách hàng được thực hiện trên môi trường số, tỷ lệ này sẽ tăng dần và đạt từ 70% đến năm 2030.

Một số NHTM như Nam A Bank, Kien Long Bank, TPBank, OCB, LienVietPostBank, Viet Capital Bank… đã khởi động "chiến dịch" chuyển đổi số của mình. Điển hình trong năm 2021, Nam A Bank đã triển khai và giới thiệu đến khách hàng các điểm giao dịch OneBank. Theo giới thiệu của nhà băng này, OneBank là mô hình giao dịch hiện đại, không tiếp xúc, khách hàng sẽ tự thao tác trên máy VTM của Nam A Bank để thực hiện các giao dịch như mở thẻ ATM, nộp tiền, chuyển tiền,…mà không có sự xuất hiện của nhân viên như mô hình giao dịch truyền thống. Trong tháng 11/2021, Kien Long Bank cũng cho ra mắt mô hình "Ngân hàng không ngủ" bằng việc đưa máy giao dịch tự động thế hệ mới (STM) vào phục vụ các giao dịch tự động với khách hàng. Viet Capital Bank trong khi đó triển khai ngân hàng số Digimi hoàn toàn mới mẻ, trẻ trung, hay VPBank cũng cho ra mắt VPBank NEO…

Nhìn chung, các chính sách, giải pháp trong năm 2021 của NHNN tập trung hướng tới tháo gỡ các khó khăn, hỗ trợ cá nhân, tổ chức chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 theo đúng tinh thần của Chính phủ đã nêu trong Chỉ thị 11/CT-TTg như: tiếp tục thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí giữ nguyên nhóm nợ; giảm phí dịch vụ thanh toán điện tử, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt thông qua triển khai thí điểm Mobile Money,…các chính sách trên đã tác động đáng kể đến hoạt động của ngành ngân hàng trong năm 2021.

Lê Hồng Thái

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên