MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Những "chúa đất" nắm giữ vài chục ngàn m2 đất công giữa Thủ đô

28-06-2016 - 12:27 PM | Bất động sản

Bãi sông Hồng, địa bàn quận Hoàng Mai, TP Hà Nội, đang trở thành “miếng ngon” của các doanh nghiệp sân sau. Là đất công giữa trung tâm TP mà cán bộ các phường cấu kết với DN xà xẻo chia nhau ít thì vài ngàn mét, nhiều lên đến vài chục ngàn mét vuông.

Chưa hết, nơi đây còn được coi như thiên đường của hoạt động sản xuất kinh doanh trái phép, xây dựng trái phép và đương nhiên sẽ có những cán bộ được hưởng lợi từ việc cố tình làm ngơ, dung túng cho các hoạt động này.

Trong nhiều năm qua, việc UBND các phường thuộc quận Hoàng Mai tùy tiện kí hợp đồng cho thuê đất trái thẩm quyền với các doanh nghiệp đã hình thành những ông chủ lớn nắm “quyền sử dụng đất” lên tới vài chục ngàn m2 ngay giữa Thủ đô Hà Nội.

Điều đáng nói là những ông chủ này sau khi kí hợp đồng thuê đất công, đất bãi với các UBND phường đã tự ý cải tạo, xây dựng nhiều công trình kiên cố làm biến đổi hiện trạng đất và không trực tiếp sử dụng mà cho các doanh nghiệp khác thuê lại với giá cao hơn rất nhiều lần.

Hoạt động cho thuê đất công này của các doanh nghiệp khiến người dân địa phương có cảm giác họ giống như những “chúa đất” thời xưa được hưởng đặc quyền, đặc lợi về đất đai, điền sản.

Phường Thanh Trì, quận Hoàng Mai, là một trong những địa phương điển hình trong việc xây dựng nên các “chúa đất” như vậy.

Nằm ở phía đông bắc của quận Hoàng Mai, một phần giáp với sông Hồng nên diện tích đất nông nghiệp, đất bãi ven sông chưa sử dụng ở phường Thanh Trì còn khá rộng. Trong tổng diện tích 333,8 ha đất tự nhiên thì phường Thanh Trì còn tới 157 ha quỹ đất chưa sử dụng đến (số liệu thống kê tính đến năm 2013). Quỹ đất rộng chính là lợi thế, là "mỏ" tài nguyên để các cán bộ lãnh đạo phường tận dụng khai thác triệt để.


Đất bãi sông Hồng khu vực địa bàn quận Hoàng Mai (Hà Nội) đang trở thành thiên đường hoạt động SXKD trái phép

Đất bãi sông Hồng khu vực địa bàn quận Hoàng Mai (Hà Nội) đang trở thành "thiên đường" hoạt động SXKD trái phép

Trong vòng 8 năm, từ 2005 – 2013, UBND phường Thanh Trì đã kí hợp đồng cho thuê đất với 21 doanh nghiệp, tổng diện tích lên tới 254 ngàn m2.

Theo đó, trung bình mỗi doanh nghiệp sẽ “khoanh” lấy vài ngàn m2 nhưng cá biệt có doanh nghiệp được UBND phường ưu ái liên tục kí hợp đồng giao đất và nắm giữ quyền sử dụng diện tích rộng tới xấp xỉ 70 ngàn m2 đất ngay giữa lòng thủ đô. Nghiễm nhiên những doanh nghiệp này trở thành chủ cho thuê mặt bằng bất động sản. Như trường hợp Cty CP TM và XD Hồng Anh, địa chỉ tại tổ 21, phường Thanh Trì, do ông Nguyễn Văn Hồng làm GĐ.

Vào tháng 9/2005, ông Hồng kí hợp đồng giao khoán xấp xỉ 17.000 m2 đất bãi sông Hồng với phường. Mục đích sử dụng đất ghi trong hợp đồng là để đầu tư trồng cây sinh thái nhưng sau khi kí hợp đồng thuê đất Cty Hồng Anh chỉ sử dụng 4.503 m2. Phần diện tích còn lại Cty này kí hợp đồng cho 2 Cty khác thuê lại đất và kí hợp đồng hợp tác kinh doanh với 8 Cty nữa.

Chỉ dựa vào hợp đồng thuê đất với phường, các Cty thuê đất cũng như hợp tác kinh doanh với Hồng Anh không cần quan tâm đến mục đích thuê đất ghi trong hợp đồng mà mặc nhiên coi phần diện tích được thuê như đất đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng, từ đầu tư san lấp, làm sân bê tông, làm bãi tập ô tô, xây dựng các công trình nhà văn phòng...

Đến nay tổng cộng có tới 33 công trình xây dựng trái phép trên đất bãi sông Hồng này và diện tích xây dựng trên 6.600 m2.

Thêm 35 công trình và 4.700 m2 xây dựng nâng tổng số công trình xây dựng trên đất Cty Hồng Anh thuê của phường thành 68 công trình xây dựng trái phép, tổng diện tích xây dựng trên 11.000 m2. Với thành tích thuê tới gần 70.000 m2 đất công để cho thuê lại, ông Nguyễn Văn Hồng – GĐ Cty Hồng Anh không chỉ trở thành “chúa đất” được hưởng “đặc quyền” cho thuê bất động sản mà còn được "phong danh hiệu" người sở hữu nhiều công trình trái phép nhất quận Hoàng Mai.


Sau khi được giao đất Cty Thành Long liên kết với trạm trộn bê tông không phép của Cty Sông Đà Việt Đức

Sau khi được giao đất Cty Thành Long liên kết với trạm trộn bê tông không phép của Cty Sông Đà Việt Đức

Cùng ở phường Thanh Trì còn nhiều doanh nghiệp khác cũng tham gia sử dụng quỹ đất công với diện tích lớn như: Cty CP Thương mại Sơn Thanh thuê tới gần 30 ngàn m2 đất bãi để tập kết VLXD; Cty TNHH Linh Dao do bà Phạm Nữ Quỳnh Dao làm GĐ cũng sử dụng trên 35.000 m2 làm trạm trộn bê tông và kinh doanh than đốt.

Tương tự, tại phường Lĩnh Nam nổi lên cái tên Vũ Văn Thảo – GĐ Cty TNHH Xây dựng và Thương mại Thành Long (Cty Thành Long). Mặc dù, không có được nhiều đặc quyền thuê đất công như doanh nghiệp Hồng Anh ở phường Thanh Trì, tổng diện tích đất công mà ông Thảo thuê được của phường Lĩnh Nam "chỉ" xấp xỉ 10.000 m2 nhưng ông vẫn sớm vươn lên hàng “chúa đất”, bởi vẫn tranh thủ được sự ủng hộ của các cán bộ lãnh đạo phường và khéo chèo kéo thuê lại đất nông nghiệp của dân.

Cụ thể, năm 2006, ông Thảo thuê 16.720 m2 trong đó có 9.720 m2 đất công do UBND phường Lĩnh Nam quản lý và 7.000 m2 đất đã giao cho các hộ dân theo Nghị định 64 của Chính phủ.

Sau khi kí hợp đồng thuê đất với phường và thỏa thuận thành công với các hộ dân, ông Thảo sử dụng toàn bộ diện tích đất này như một nguồn vốn để liên kết với hàng loạt doanh nghiệp khác như: Cty Việt Nhật, Cty CP thiết bị giao thông vận tải Viettra Co; Cty Trung Hiếu; Cty Nam Anh, Cty Tùng Linh... Tùy theo hợp đồng nhưng trung bình mỗi doanh nghiệp được ông Thảo “khoanh” cho từ 2.000-2.500 m2 đất để hoạt động.

Vào khoảng năm 2010, nhận thấy hoạt động kinh doanh trạm trộn bê tông có thể cho thu lợi nhuận lớn nên ông Thảo đã thỏa thuận thuê đất của dân thêm 21.422 m2 đất nông nghiệp và liên kết với Cty Cổ phần Sông Đà Việt Đức để lắp đặt trạm trộn bê tông tươi với công suất 180 m3/giờ. Mở rộng mô hình này ông Thảo lại thuê thêm 8.200 m2 đất nông nghiệp nữa để liên kết với Cty TNHH một thành viên Công trình Giao thông Hà Nội. Như vậy, tổng diện tích đất công, đất nông nghiệp ông Thảo được UBND phường Lĩnh Nam làm ngơ cho sử dụng sai mục đích khoảng trên 40.000 m2.

Tuy rằng, "thành tích" thôn tính đất công, đất nông nghiệp của “chúa đất” Vũ Văn Thảo chưa bằng “chúa đất” Nguyễn Văn Hồng, số công trình trái phép cũng ít hơn nhưng đổi lại ông Thảo lại gây được tiếng vang khi ngang nhiên xây hẳn một dinh thự cao tầng hoành tráng nằm ở bãi sông, trong tuyến thoát lũ của đê sông Hồng đoạn K74 + 030. Công trình trụ sở Cty Thành Long vượt trên cả Luật Đê điều, Luật Xây dựng không chỉ để lại danh tiếng mà còn chứng tỏ mối quan hệ của ông chủ với cán bộ các cấp và địa phương là không hề nhẹ...

PV

Nông Nghiệp Việt Nam

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên