MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Những chuyện hậu trường về nhân sự cấp cao của ông lớn di động

12-09-2016 - 00:00 AM | Doanh nghiệp

Trong 3 năm qua, cả 3 mạng di động lớn (Viettel, MobiFone, VinaPhone) đều có những thay đổi lớn về nhân sự cấp cao nhưng đằng sau đó là những câu chuyện không nhiều người biết.

MobiFone: Từ nhân sự "tạm" đến "Châu về Hợp Phố"

Ngày 26/6/2014, VNPT công bố quyết định đưa ông Lê Ngọc Minh, người từng nhiều năm gắn bó với MobiFone và góp công lớn trong việc xây dựng tên tuổi nhà mạng này, thôi giữ chức Chủ tịch công ty để trở về làm Phó Tổng giám đốc ở Tập đoàn VNPT. Ông Minh cũng đã thôi đảm trách cương vị Tổng giám đốc MobiFone vài năm trước.

Giải thích cho quyết định này, phía VNPT cho rằng Tập đoàn cần những người có kinh nghiệm, có nhiệt huyết và trách nhiệm trong việc phát triển dịch vụ di động trong hàng ngũ lãnh đạo. Vì vậy, ông Minh sẽ về làm Phó tổng giám đốc Tập đoàn VNPT để chuyên sâu hơn trong công việc.

Những chuyện hậu trường về nhân sự cấp cao của ông lớn di động - Ảnh 1.

Nhà mạng MobiFone liên tiếp có những thay đổi về bộ máy lãnh đạo trong 3 năm qua.

Trên thực tế, việc rút ông Minh khỏi vị trí lãnh đạo MobiFone nhằm giúp vị này có thời gian dưỡng bệnh. Hơn một năm sau khi rời MobiFone, ông Minh qua đời chiều 31/12/2015 sau thời gian dài chống chọi với căn bệnh ung thư. Ông Minh rời MobiFone cũng là điểm mở đầu cho những thay đổi nhân sự cấp cao diễn ra liên tục trong nội bộ nhà mạng này.

Thay thế vị trí của ông Lê Ngọc Minh ở MobiFone là ông Mai Văn Bình. Ngày 26/6/2014, ông Bình nhận chức Chủ tịch khi đang đảm trách cương vị Tổng giám đốc. Tuy nhiên, chính bản thân ông Bình cũng thừa nhận mình đảm trách cương vị mới khi MobiFone trong giai đoạn chuyển tiếp, tái cơ cấu. Nhà mạng này phải thực hiện triển khai đề án tái cơ cấu để tiến tới cổ phần hóa trong năm 2014 nhưng vẫn phải xây dựng chiến lược để sánh vai với các tập đoàn viễn thông khác.

Ông Bình sinh năm 1954, từng làm Giám đốc Trung tâm MobiFone 2. Đầu năm 2011, ông được bổ nhiệm vào chức vụ Tổng giám đốc MobiFone trước khi kiêm nhiệm chức danh Chủ tịch nhà mạng này năm 2014. Hai tháng sau, ngày 13/8/2014, Bộ Thông tin và Truyền thông công bố quyết định bổ nhiệm ông Lê Nam Trà giữ chức Tổng giám đốc MobiFone.

Ông Mai Văn Bình không còn giữ ghế CEO nhưng vẫn tiếp tục đảm nhiệm vị trí Chủ‎ tịch Hội đồng thành viên. Ở thời điểm này, ông Bình đã gần 60 tuổi và đang chuẩn bị về hưu theo chế độ của nhà nước. Về mặt bản chất, ông Bình chỉ giữ chức "tạm" chờ ngày nghỉ hưu.

Ông Lê Nam Trà sinh năm 1961, từng tham gia quân đội và được đào tạo đại học cũng như thạc sĩ tại Đại học Bách khoa. Làm việc cho VNPT từ năm 1989, đến năm 1994, ông Trà được phân công về MobiFone. Giống với người tiền nhiệm, ông Trà đảm trách cương vị lãnh đạo cấp cao của tập đoàn trong bối cảnh các hoạt động cổ phần hóa MobiFone đang được tiến hành.

Ngày 21/4/2015, ông Lê Nam Trà chính thức được bổ nhiệm giữ chức Chủ tịch thay thế ông Mai Văn Bình, với nhiệm vụ đưa tổng công ty này tăng trưởng 20% mỗi năm. Tuy nhiên, theo số liệu chính thức, doanh thu nhà mạng này chỉ đạt 36.900 tỷ đồng, lợi nhuận 7.395 tỷ đồng trong năm 2015. Trước đó, MobiFone đạt tổng doanh thu 36.605 tỷ đồng trong năm 2014 với lợi nhuận trước thuế 7.300 tỷ đồng.

Thay thế vị trí Tổng giám đốc mà ông Trà để lại là ông Cao Duy Hải - nguyên Giám đốc VinaPhone. Ông Hải sinh năm 1961, từng có nhiều năm làm việc tại MobiFone trước khi chuyển sang VinaPhone một thời gian. Việc trở lại này của ông Hải được gọi là "Châu về Hợp Phố".

Ngoài ra, các vị trí phó tổng giám đốc tại nhà mạng này cũng có rất nhiều thay đổi. Hầu hết các phó tổng giám đốc cũ thời ông Lê Ngọc Minh không được bổ nhiệm lại.

VinaPhone: Cũng có giám đốc "tạm" nhưng khó khăn tìm sự ổn định

Sự thay đổi lãnh đạo ở VinaPhone bắt đầu liên tục sau khi ông Lâm Hoàng Vinh nghỉ hưu theo chế độ sau 6 năm chèo lái VinaPhone. Tháng 8/2008, ông Vinh, khi đó là Phó tổng giám đốc tập đoàn VNPT, được giao nhiệm vụ Giám đốc VinaPhone, vị trí mà trong giới vẫn gọi là ghế nóng.

Chỉ một năm sau đó, ông Vinh đã tạo ra những thay đổi lớn cho VinaPhone. Nhà mạng này cũng trở thành đơn vị đầu tiên cung cấp dịch vụ 3G trong các nhà mạng ở Việt Nam đồng thời tiên phong trong việc phân phối iPhone chính hãng ở Việt Nam (cùng thời điểm với Viettel).

Những chuyện hậu trường về nhân sự cấp cao của ông lớn di động - Ảnh 2.

Sau hàng loạt thay đổi, VinaPhone cũng tìm được sự ổn định tương đối về mặt nhân sự nhưng mất đi một "chiến binh" quan trọng.

Ngày 26/7/2014, ông Cao Duy Hải, Phó tổng giám đốc MobiFone, được điều chuyển sang đảm nhận nhiệm vụ Giám đốc thay cho ông Lâm Hoàng Vinh nghỉ hưu theo chế độ. Ông Cao Duy Hải được bổ nhiệm trong bối cảnh VinaPhone sẽ tập trung vào kinh doanh các dịch vụ của VNPT sau khi tập đoàn này tiến hành tái cơ cấu. Trước đó, ông Hải từng kinh qua các vị trí Giám đốc Trung tâm MobiFone 1 và Phó tổng giám đốc MobiFone.

Chưa đầy một năm cống hiến cho VinaPhone, ông Hải trở lại MobiFone. Ông Hồ Đức Thắng, Phó giám đốc VinaPhone, được chỉ định "tạm" vào vị trí Giám đốc VinaPhone ngày 24/4/2015.

Giữa năm 2015, Tổng công ty VNPT – Vinaphone được thành lập sau khi hoàn thành giai đoạn một của tái cơ cấu. Cùng với đó, ông Lương Mạnh Hoàng, Giám đốc Công ty VTN, được bổ nhiệm có thời hạn giữ chức Phó tổng giám đốc Tập đoàn VNPT kiêm nhiệm chức vụ Tổng giám đốc Tổng công ty VNPT VinaPhone.

Phát biểu sau khi nhận nhiệm vụ, ông Hoàng thể hiện quyết tâm sẵn sàng chèo lái VNPT-VinaPhone trên thương trường cạnh tranh và đưa VNPT về vị trí ban đầu vốn có của nó. “Với trọng trách đứng mũi chịu sào, Tổng công ty VNPT-VinaPhone sẽ còn rất nhiều việc phải làm, làm với nhiều cách để đưa Tổng công ty phát triển, phát triển mạnh hơn và tôi đã sẵn sàng”, ông Hoàng nhấn mạnh.

Tuy nhiên, 7 tháng sau khi nhận nhiệm vụ mới, ông Hoàng được bổ nhiệm giữ chức Chủ tịch HĐTV VNPT VinaPhone nhưng vẫn đảm trách cương vị Phó Tổng giám đốc Tập đoàn VNPT. Thay thế vị trí mà ông Hoàng là ông Tô Dũng Thái, Giám đốc VNPT Hà Nội. Phát biểu khi nhận nhiệm vụ mới, ông Hoàng nhấn mạnh: "​Năm 2016 là năm bản lề quan trọng cho đổi mới, trong quá trình tái cấu trúc, sẽ là năm tạo ra đột phá cho VNPT nói chung và dịch vụ VNPT-Vinaphone".

Trong buổi lễ nhận nhiệm vụ, tân Tổng giám đốc VNPT Vinaphone, ông Tô Dũng Thái phát biểu, sẽ đưa con thuyền chở 15.000 "chiến binh" vượt lên phía trước. Ông Thái khẳng định sẽ xin từ chức nếu không đạt được mục tiêu này trong 6 tháng tới 1 năm tới.

Ông Tô Dũng Thái sinh năm 1967, Thạc sỹ Kỹ thuật điện tử viễn thông, bắt đầu làm việc tại VNPT Hà Nội từ năm 1992. Năm 2012 được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc VNPT Hà Nội. Tháng 10/2013, ông được VNPT bổ nhiệm chức vụ Giám đốc VNPT Hà Nội.

Tuy nhiên, cùng với việc bổ nhiệm ông Thái, VinaPhone cũng mất đi một "chiến binh" - ông Nguyễn Văn Hải, Phó tổng giám đốc. Ông Hải nguyên là Giám đốc VDC và sau khi được bổ nhiệm làm Phó tổng giám đốc VinaPhone - lãnh đạo này được đánh giá cao nhất về khả năng kinh doanh tại đây.

Viettel Telecom - được thăng chức nhưng phải chấp nhận thử thách đặc biệt

Trong số 3 nhà mạng di động lớn ở Việt Nam, Viettel Telecom có nhân sự cấp cao nhất phát triển khá tuần tự. Những năm gần đây, nhà mạng quân đội 3 lần thay “tướng” khi CEO được bổ nhiệm lên vị trí cao hơn trong tập đoàn. Ông Hoàng Sơn - từng là CEO Viettel Telecom và tiếp đến là Phó tổng giám đốc Tập đoàn Viettel; tiếp đến là ông Đỗ Minh Phương - CEO Viettel Telecom sau đó cũng được bổ nhiệm làm Phó tổng giám đốc tập đoàn.

Cuối tháng 11/2015, Viettel bổ nhiệm ông Nguyễn Việt Dũng làm Tổng giám đốc Viettel Telecom. Trước đó, ông Dũng từng giữ vị trí phó Tổng giám đốc Viettel Telecom và Trưởng phòng Kinh doanh Tập đoàn. Trước khi về Viettel ông Dũng làm ở Vụ Kế hoạch - Tài chính Bộ Bưu chính Viễn thông (nay là Bộ TT&TT).

Những chuyện hậu trường về nhân sự cấp cao của ông lớn di động - Ảnh 3.

Ông Tào Đức Thắng, người được cử đi Peru với lời nhắn: "Nếu không có kết quả đặc biệt thì đừng nghĩ chuyện về Việt Nam".

Cấp phó ở Viettel Telecom cũng là một câu chuyện thú vị. Có thời điểm, công ty này có tới 12 phó tổng giám đốc nhưng sau đó một số người được điều chuyển đi làm giám đốc các thị trường nước ngoài. Đây cũng là vị trí có nhiều biến động tại nhà mạng quân đội.

Tuy nhiên, cựu CEO Viettel Telecom là ông Đỗ Minh Phương cũng không ngồi ghế Phó tổng giám đốc tập đoàn lâu. Đầu năm 2016, ông Phương được cử đi phụ trách thị trường Tanzania - quốc gia đông dân nhất mà Viettel từng đầu tư. Vị lãnh đạo thuộc cấp cao nhất tập đoàn cử ông Phương đi với nhắn nhủ: "Nếu thị trường đó không có kết quả tốt đặc biệt thì bao giờ làm được mới về!". Bên cạnh thị trường Tanzania, ông Phương cũng phụ trách việc xúc tiến đầu tư và hướng phát triển chiến lược của toàn địa bàn châu Phi của Viettel.

Trong khi đó, một người đồng cấp khác - ông Tào Đức Thắng thì được cử đi Peru đầu năm 2016 cùng với lời nhắn nhủ tương tự. Nhiệm vụ phụ trách mảng đầu tư quốc tế ở Việt Nam được giao cho ông Lê Đăng Dũng - Bí thư Đảng uỷ, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Viettel.

Linh Anh

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên