MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Những chuyện kì lạ về mentor ở Vietnam Alumi Mentoring

28-09-2024 - 22:03 PM | Sống

Những chuyện kì lạ về mentor ở Vietnam Alumi Mentoring

Chương trình mentoring của VAM không chỉ đơn thuần là nơi truyền đạt kiến thức mà còn là hành trình giúp các bạn trẻ "Chuyển hóa tư duy, thay đổi cuộc sống".

Vietnam Alumni Mentoring (VAM) là một tổ chức phi lợi nhuận nhằm mục đích hỗ trợ sinh viên có cái nhìn đúng đắn về nghề nghiệp, có những kinh nghiệm cần thiết để phát triển bản thân. Hàng ngàn mentees đã nhận được sự dẫn dắt của VAM thuộc các trường  ĐHKT TP HCM, Đại học Bách Khoa, Đại học Ngân hàng TP HCM, ĐH Ngoại Thương cơ sở II (Tp.HCM),  Chương trình Hanoi Alumni Mentoring… 

Thất bại nhưng vẫn ở lại!

Một buổi sáng, khi mọi người vừa mới thức dậy thì đã thấy tiếng "ting ting" liên tục trong nhóm chat. Thì ra, có một bạn gửi tin nhắn về việc tuyển dụng mentor cho mùa mới và ngay lập tức nhận được phản hồi từ một mentor: “Thôi mùa này em không làm nữa đâu, em chỉ dành thời gian cho những người thật sự cần và thấy đúng giá trị của em thôi”. 

Ngay sau đó, hàng chục người nhảy vào can ngăn: "Sao vậy chị?", "em thấy có bạn thế này cũng có bạn thế khác mà!", "Hồi trước em cũng bị một bạn giống vậy, nhưng năm nay bạn mentee mới rất cam kết và đã thay đổi rất nhiều"… Mặc cho mọi người can ngăn và động viên, mentor ấy vẫn lẳng lặng rời khỏi nhóm. 

Đây không phải trường hợp bỏ cuộc duy nhất. Mỗi năm, hội Mentor của Vietnam Alumni Mentoring có từ vài chục đến hàng trăm người rời đi, hay chỉ đơn giản: “Không nhận mentee năm nay!”  Mặc dù ai cũng tràn đầy nhiệt huyết những ngày đầu đăng ký tham gia. 

Có rất nhiều nguyên nhân đằng sau những sự rời đi ấy. Có người bận việc gia đình hay phải tập trung cho nhiều dự án trong năm, có người đổi địa điểm làm việc đi thành phố khác hay đi nước ngoài, có người bận rộn vì lấy chồng, lấy vợ... Và không ít trong số ấy rời đi, đơn giản là vì thấy "nản". 

Anh Nguyễn Công Hạo, Giám đốc Tài chính Tập đoàn Kido, kể về một trong hai mentee của anh năm ngoái. Cuộc gặp lần thứ nhất bạn cho anh leo cây vì… quên. Lần thứ hai, bạn không đến điểm hẹn vì hỏng xe. Lần 3, bạn cho anh ngồi chờ 30 phút. Và những cuộc gặp sau đó đã không diễn ra, cả hai cùng bỏ cuộc. 

Những chuyện kì lạ về mentor ở Vietnam Alumi Mentoring- Ảnh 1.

Chị Liễu, Giám đốc Tài chính của Công ty dược Boston, cũng bị một trong hai mentee của mình “sa thải” trước đó một năm bằng cách không tiếp tục các cuộc gặp hàng tháng theo yêu cầu của chương trình. 

"Nản lắm chứ, cũng suy nghĩ xem mình có sai ở đâu không", chị tâm sự. "Buồn thì có, nhưng giận thì không. Vì mình nghĩ có lẽ mình và bạn đó không có duyên với nhau", chị mỉm cười, không giấu vẻ tiếc nuối.

"Cũng trong mùa đó, mình còn một mentee khác. Bạn hơi trầm, buổi gặp đầu tiên, Liễu nghĩ bạn có dấu hiệu trầm cảm. Sau một số lần, gần đây, bạn có chia sẻ rằng bạn đã cảm thấy những khoảnh khắc hạnh phúc khi được yêu thương", chị vừa nói vừa ngập ngừng khi nhớ lại lời giao hẹn của mentee rằng bạn sẽ không viết recap và không chia sẻ câu chuyện của mình.

Cả anh Hạo và chị Liễu đều đã đi cùng Vietnam Alumni Mentoring và UEH Mentoring tới năm nay là mùa thứ 5. Có lẽ bất kỳ mentor nào cũng không ngoại lệ, sẽ có những lần cảm thấy thất bại khi những cuộc gặp lần 3, lần 4 với mentee, thậm chí ngay lần thứ 2 đã không diễn ra, vì mentee lẳng lặng chia tay. 

Nhưng trong số hàng trăm người đã bỏ cuộc, vẫn còn hơn 500 mentors ở lại với Vietnam Alumni Mentoring qua nhiều mùa. Riêng chương trình UEH Mentoring của ĐH Kinh tế thành phố HCM năm nay sẽ có hơn 350 mentors hướng dẫn cho hơn 600 sinh viên, tức mentees. 

Mentoring là gì?

Tổ chức Mentoring gồm các anh chị có trên 5 năm kinh nghiệm làm việc (mentors). Ở Vietnam Alumni, số năm kinh nghiệm trung bình của mentors là 10 năm. Mỗi anh chị nhận 1 đến 3 sinh viên (mentees) để hướng dẫn trong suốt một mùa mentoring từ 6 đến 8 tháng, bắt đầu từ tháng 11 đến hè năm sau.  

Yêu cầu bắt buộc là mỗi cặp mentor-mentee cần gặp nhau hàng tháng, tối thiểu 6 lần trong mùa. Mentee đưa ra những vấn đề của mình đang cần thay đổi hay cải thiện, hay đang không có giải pháp. Mentor có vai trò như một người bạn, lắng nghe, thấu hiểu, chia sẻ, đặt các câu hỏi giúp mentee tìm được câu trả lời. Mentor có thể đồng hành cùng mentee giúp bạn đưa ra kế hoạch giải quyết vấn đề và phát triển bản thân. 

Các vấn đề được thảo luận trong một hành trình mentoring khá đa dạng. Từ định hướng nghề nghiệp, lộ trình để các bạn khi ra trường có được công việc tốt nhất và phù hợp nhất, đến các vấn đề cá nhân như cải thiện sự tự tin, vốn tiếng anh, các vấn đề về quan hệ với gia đình, bạn bè…, hay đơn giản là giúp đỡ bạn vượt qua những khó khăn biến cố của cuộc đời. 

Mục đích chung mà tất cả đều hướng tới là làm sao mentee trở thành một phiên bản tốt nhất của chính mình, để bạn có năng lực để sống một cuộc sống hạnh phúc. 

Những chuyện kì lạ về mentor ở Vietnam Alumi Mentoring- Ảnh 2.

Mentor không có lương, chương trình hoàn toàn miễn phí cho các bạn sinh viên. Mentor không có quyền. Một trong những điều kiện quan trọng của một quan hệ mentoring thành công là người mentor có khả năng truyền cảm hứng và không áp đặt đối với mentee, và xây dựng được mối quan hệ thân thiện như bạn bè với mentee. Qua sự hướng dẫn và nhờ được tạo động lực, mentee biết cách lên kế hoạch, có sự quyết tâm và thực hiện, thay đổi chính bản thân.

Mentor không được khen. Có những mentor không bao giờ kể về mentee của mình đã trưởng thành như thế nào và vì thế không ai cảm nhận được những tình cảm, tâm huyết và kiến thức, kinh nghiệm mà mentor đã trao gửi tới mentee của mình, ngoài chính bạn mentee đó và sự trưởng thành của bạn ấy. Thế nên không ai khen mentor cả. Các Mentor cũng thường chia sẻ những lá thư cảm ơn và những thành tích từ mentee của mình, và cùng vui mừng với các mentor khác. Chẳng ai khen ai, nhưng hạnh phúc, và cùng học hỏi nhau. Và thấy cuộc sống thật ý nghĩa. 

“Mình mong muốn giúp được các bạn, cũng là cách mình trả ơn cho những người đã từng hướng dẫn và giúp đỡ mình trước đây”, anh Hạo chia sẻ. “Nhìn các em mentee trưởng thành hơn qua mỗi mùa là tụi mình thấy vui và hạnh phúc rồi”. 

“Làm việc với các em, mình cũng học được nhiều từ các bạn gen Z. Mình biết cách cải thiện quan hệ với các bạn nhỏ gen Z trong gia đình”, chị Lan Anh, một cố vấn chiến lược ngân hàng, chia sẻ. 

“Mình phải cảm ơn các bạn mentee, nhờ sự nỗ lực, quyết tâm muốn thay đổi để tốt hơn của các bạn mà tụi mình có cơ hội làm được những điều tốt đẹp”, chị Liễu tâm sự. 

Những chuyện kì lạ về mentor ở Vietnam Alumi Mentoring- Ảnh 3.

Mentees được gì?

Cẩm Tú, một sinh viên vốn còn nhút nhát khi vào năm 3, tham gia chương trình vì được bạn rủ. Được một mentor giới thiệu chỗ thực tập phù hợp với lĩnh vực mình quan tâm, bạn ngay lập tức hẹn các mentor khác có chuyên môn trong lĩnh vực này để học hỏi. Nhờ học hỏi được nhiều từ thực tập, Tú trúng tuyển vào một vị trí quản trị viên tập sự ở hai doanh nghiệp đa quốc gia lớn tại HCM. Sau hai năm, bạn có một mức lương mơ ước, và dành nhiều thời gian rảnh rỗi để hỗ trợ chương trình và chia sẻ kinh nghiệm cho các bạn sinh viên chưa ra trường.  

Với Lê Ngọc Ka Thy, ở buổi thứ 8 với mentor của mình là anh Lê Anh Thi - một cựu giám đốc tài chính của Mekong Cappital, các bạn có buổi thuyết trình 5-10 phút theo slides tự chuẩn bị về những điều quan trọng học được, những bài học mà mình tâm đắc, ứng dụng được những gì và kế hoạch, mục tiêu trong tương lai. Ở mỗi phần thuyết trình, các bạn tự thấy rõ sự thay đổi và trưởng thành của từng người so với buổi Mentoring đầu tiên. Với những gì đã trao đổi từ những buổi trước, các bạn mentee đều ứng dụng rất tốt và hiệu quả những bài học, có mục tiêu và định hướng cụ thể cho tương lai.

Còn với Hậu Nguyễn, mặc dù là mentee mùa 6 (2020) nhưng mỗi khi có vấn đề cần tham vấn, bạn vẫn hẹn gặp mentor của mình để trao đổi. Lần này, bạn tham vấn mentor Thắng- Giám đốc điều hành Red Square Capital với chủ đề Chuyển ngành - Research yourself trước khi bạn có dự định chuyển việc.

Vào buổi sáng cuối tháng 9/2024, một nhóm khoảng 30 mentee tới thăm văn phòng của Vietjet, và được các anh chị trưởng phòng ban giới thiệu về doanh nghiệp và quy trình vận hành các bộ phận nghiệp vụ của công ty. Cũng trong một cuộc gặp khác, hơn 30 mentee ngành kế toán kiểm toán được thăm KPMG Việt Nam để tìm hiểu về nghề kiểm toán viên và các hoạt động phòng ban. 

“Cứ bước, phía sau có Mentor", câu nói ấy đã trở thành kim chỉ nam cho mình trong suốt hành trình Mentoring của nhiều mentee. Nó nhắc nhở mình rằng, dù có vấp ngã bao nhiêu lần, mình vẫn có thể đứng lên và tiếp tục bước đi. Bởi vì phía sau mình luôn có Mentor, người sẽ giúp tìm lại cân bằng và định hướng lại con đường phía trước mình đi. 

“Với Thương, Mentor không chỉ là một người thầy, mà còn là một người bạn, một người chị lớn, luôn sẵn sàng lắng nghe và chia sẻ những khó khăn của mình”, Quách Bùi Hoài Thương tâm sự về mentor của mình - chị Nguyên Ánh, một giám đốc marketing. 

“Thời gian qua, đã có lúc em chênh vênh trước những quyết định, cũng có lúc em tràn đầy năng lượng khi được làm điều mình thích, rồi lại đôi khi không tránh khỏi những cảm xúc bồng bột hay vồn vã với những cơ hội mới. Thật may mắn, chị Thuỷ là người cho em góc nhìn sâu sắc và chín chắn hơn, cái nào nên và không nên. Chị chưa bao giờ áp đặt suy nghĩ của chị lên em cả, chị nhẹ nhàng lắng nghe, phân tích, chia sẻ để bản thân em tự chiêm nghiệm và tự tìm thấy lối riêng của mình. 

May mắn là em đã đạt được mục tiêu đặt ra ngày từ đầu khi tham gia UM. Mong muốn của em sau khi kết thúc mùa 9 là sẽ tìm được chỗ thực tập ưng ý và hiện tại em được mãn nguyện rồi”. Mentee Phạm Thị Như Ý chia sẻ trên bài recap của bạn về mentor Nguyễn Hoàng Thủy- một nhà quản lý nhân sự tại một doanh nghiệp ở TP HCM.

Những chuyện kì lạ về mentor ở Vietnam Alumi Mentoring- Ảnh 4.

10 ngàn cuộc gặp mentor-mentee là mười ngàn chủ đề khác nhau ở Vietnam Alumni Mentoring. Sau mỗi cuộc gặp, các bạn mentee được yêu cầu viết lại một bản recap về nội dung cuộc gặp và các kế hoạch hành động, như một báo cáo bắt buộc của chương trình. Các mentee có đủ số lượng cuộc gặp và recap sẽ nhận được chứng chỉ của chương trình. 

Có vẻ như, chứng chỉ này bây giờ là một tờ giấy có nhiều giá trị với các nhà phỏng vấn, vì hầu hết các bạn tham gia, không chỉ được học hỏi, rèn luyện cùng Mentor của mình, còn được tham gia rất nhiều buổi training thực chiến trong các lĩnh vực chuyên ngành bởi các anh chị Giám đốc, trưởng phòng từ các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp đa quốc gia. 

Nhờ vậy, các bạn tự tin và được trang bị những năng lực cần thiết để ứng tuyển. Các buổi training, cross-mentoring nhóm nhỏ, nhóm lớn diễn ra hàng tuần và đáp ứng được đa dạng nhu cầu của sinh viên trong nhiều lĩnh vực, từ marketing, tài chính, kiểm toán, quản trị dự án, nhân sự… đến thương hiệu và quản lý tài chính cá nhân. 

Chuyện của những người sáng lập

“Nếu mình 40 tuổi và mình vẫn chưa thể dành một chút thời gian cho cộng đồng, thì mình sẽ không bao giờ làm được điều đó”, chị Lê Thúy, giám đốc kinh doanh Déntsu sport- một thành viên coreteam của Vietnam Alumni Mentoring, đồng Chủ tịch chương trình UEH Mentoring thuộc Hội Cựu sinh viên ĐH kinh tế TP HCM chia sẻ. “Khi mình nghe chị Loan nói điều này cách đây 5 năm thì mình ngay lập tức quyết định tham gia”. 

Chương trình Vietnam Alumni Mentoring (VAM) đồng sáng lập bởi anh Nguyễn Đức Thắng - Giám đốc điều hành Red Square Capital, anh Nguyễn Văn Hoàng - sáng lập Embassy English, và chị Đặng Phạm Minh Loan - cựu Phó Giám đốc Điều hành, VinaCapital. VAM đến nay đã hỗ trợ thành lập, vận hành các chương trình Mentoring ở các trường ĐHKT TP HCM, Đại học Bách Khoa, Đại học Ngân hàng TP HCM, ĐH Ngoại Thương cơ sở II (Tp.HCM), Chương trình Hanoi Alumni Mentoring…

Những chuyện kì lạ về mentor ở Vietnam Alumi Mentoring- Ảnh 5.

“Được sống và làm việc cùng một cộng đồng tử tế và luôn mong muốn cho đi, tạo ra những giá trị tốt đẹp với xã hội, mình thấy cuộc sống thật ý nghĩa và đó cũng là hạnh phúc và may mắn”, anh Thắng chia sẻ.  

Chương trình mentoring của VAM không chỉ đơn thuần là nơi truyền đạt kiến thức mà còn là hành trình giúp các bạn trẻ "Chuyển hóa tư duy, thay đổi cuộc sống" (transform your mind, transform your life). Trên hết, đó là thái độ sống tạo giá trị, muốn đem đến lợi ích cho xã hội và sự rèn luyện, nỗ lực không ngừng đồng thời cân bằng các yếu tố hạnh phúc và đời sống tinh thần. 

Hà Lan

Đời sống pháp luật

Trở lên trên