MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ăn uống khoa học, tập thể dục chăm chỉ nhưng vẫn mắc gút ở tuổi 32, hóa ra đây là ‘thủ phạm’

28-09-2024 - 20:50 PM | Sống

Là người có thói quen ăn uống khoa học, chăm tập thể dục nhưng người đàn ông này vẫn bị chẩn đoán mắc bệnh gút.

Nội dung chính:

  • Bệnh nhân mắc gút tại vị trí hiếm gặp.
  • Nguyên nhân gây ra bệnh gút.
  • Phòng ngừa bệnh gút ở người trẻ.

Bệnh nhân Đ.C.K (32 tuổi, Hà Nội) cho biết mình luôn ăn uống rất khoa học, chăm tập luyện thể dục thể thao, không bị thừa cân. Một tháng gần đây, khi liên tục bị đau âm ỉ phần thắt lưng, đau tăng về đêm, bệnh nhân đã đi khám. Vào thời điểm thăm khám, khớp 1 ngón chân trái của bệnh nhân có biểu hiện sưng nóng nhẹ, ấn thấy đau.

Kết quả xét nghiệm của anh K cho thấy chỉ số acid uric tăng cao vượt ngưỡng cho phép. Kết quả chụp CT cột sống phát hiện hình ảnh lắng đọng tinh thể urat ở bờ trái xương cùng, chụp CT cổ bàn chân hai bên thấy lắng đọng tinh thể urat ở xương đốt ngón 3 chân trái. Từ những dữ liệu quan trọng đó, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân mắc gút cột sống - căn bệnh gút hiếm gặp trong lâm sàng.

ThS.BSNT Trịnh Thị Nga, Chuyên khoa Cơ xương khớp, Bệnh viện Đa khoa Medlatec cho biết: “Nguyên nhân trường hợp bệnh nhân K trẻ tuổi nhưng đã mắc gút là do rối loạn chuyển hóa sớm. Trước kia bệnh gút thường mắc ở người già thì nay gặp ở cả người trẻ tuổi. Nghiên cứu cho thấy có khoảng 25% người bệnh gút khởi phát bệnh ở tuổi dưới 40, thay vì trên 40 tuổi như trước kia”, bác sĩ Nga cho hay.

Sau 5 ngày điều trị tích cực bằng thuốc theo phác đồ của bác sĩ, bệnh nhân hết đau hoàn toàn, tuy nhiên vẫn cần tuân thủ các chế độ dinh dưỡng dành riêng cho bệnh nhân gút.

Ăn uống khoa học, tập thể dục chăm chỉ nhưng vẫn mắc gút ở tuổi 32, hóa ra đây là ‘thủ phạm’- Ảnh 1.

Bệnh nhân K bị gút cột sống tại vị trí mũi tên (Ảnh: BSCC).

Gút cột sống dễ bị nhầm lẫn

Bác sĩ Nga thông tin, bệnh gút từng được mệnh danh là “bệnh của nhà giàu” nhưng ngày nay, gút không còn hiếm gặp khi tỷ lệ mắc bệnh ngày càng gia tăng và trẻ hóa.

Gút là một dạng viêm khớp phổ biến. Người bệnh thường chịu những cơn đau đột ngột và dữ dội ở các khớp ngón chân cái, cổ chân, khớp gối, thậm chí cổ tay, bàn ngón tay, khuỷu tay. Người bệnh thường thấy khớp sưng, nóng, đỏ trong đợt đau, kèm theo hạn chế vận động.

“Gút tại cột sống là bệnh lý tương đối hiếm gặp trong thực tế thăm khám. Bệnh dễ bị bỏ sót, chẩn đoán nhầm lẫn với các bệnh lý xương khớp khác như thoát vị đĩa đệm, viêm cột sống dính khớp... Một vài nghiên cứu đã chỉ ra rằng, khoảng hơn 60% bệnh nhân gút cột sống đã có tiền sử gút tại khớp ngoại vi. Đây là dữ liệu quan trọng giúp các bác sĩ chẩn đoán chính xác bệnh nhân mắc gút cột sống”, bác sĩ Nga cho hay.

Theo bác sĩ Nga, các nguyên nhân phổ biến gây bệnh gút gồm:

- Thói quen sinh hoạt và ăn uống không lành mạnh (lạm dụng rượu bia, thuốc lá, các chất kích thích; tiêu thụ nhiều đạm động vật trong khẩu phần ăn);

- Yếu tố di truyền;

- Tăng acid uric máu do mắc một số bệnh lý về máu như bệnh đa hồng cầu, Leukemia kinh dòng bạch cầu hạt, hodgkin, sarcome hạch, đau tủy xương, hoặc do quá trình sử dụng thuốc điều trị bệnh lý ác tính;

- Thừa cân, béo phì.

Bác sĩ Nga cho rằng, cách phòng ngừa bệnh gút hiệu quả nhất là chú ý đến chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt hàng ngày, cụ thể:

- Kiểm soát cân nặng: Cân nặng có ảnh hưởng đến tiến triển của bệnh. Giữ cân nặng hợp lý giúp giảm tình trạng tăng acid uric và giảm sức ép lên các khớp.

- Chế độ dinh dưỡng hợp lý: Hạn chế thực phẩm chứa nhiều purine (thịt đỏ, nội tạng động vật, hải sản...) là ưu tiên hàng đầu; hạn chế sử dụng rượu, bia, nước có gas; bổ sung đủ nước và chất xơ cũng như nguồn protein từ đậu, trứng, sữa.

- Lối sống lành mạnh: Duy trì tập luyện thể thao hợp lý, phù hợp với thể trạng.

Bên cạnh đó, bác sĩ nhấn mạnh, nếu gia đình có người thân bị gút, người dân cần lưu tâm thực hiện thăm khám sức khỏe định kỳ để tầm soát, chủ động phòng ngừa, kiểm soát bệnh.

Theo Ngọc Minh

Đời sống & pháp luật

Trở lên trên