Những cổ phiếu nhiều năm chưa ‘về bờ’
Ảnh Internet
Trong khi VN-Index liên tục phá đỉnh, nhiều nhà đầu tư vẫn ngậm ngùi "gồng lỗ" do chọn sai cổ phiếu, hay mua nhầm thời điểm.
- 18-08-2021Nhựa An Phát Xanh (AAA) chốt danh sách trả cổ tức bằng tiền và chia cổ phiếu thưởng tổng tỷ lệ 15%
- 18-08-2021Giá than tăng có ảnh hưởng tới cổ phiếu ngành xi măng, đạm, thép?
- 18-08-2021VnIndex lùi về 1.360 điểm, cổ phiếu ngân hàng đua nhau giảm giá
Trong những phiên giao dịch gần đây, thị trường duy trì trạng thái giằng co và rung lắc. Riêng phiên ngày 17/8, VN-Index đóng cửa giảm gần 8 điểm (-0,57%) xuống 1.363,09, số mã giảm điểm cũng chiếm áp đảo hoàn toàn, các nhóm ngành "nóng" thời gian gần đây như cảng biển, phân bón, ngân hàng…chịu áp lực chốt lời mạnh.
Dù vậy, áp lực chốt lãi hiện tại là câu chuyện của một nhóm người may mắn. Bởi ngay cả khi VN-Index vượt mốc 1.400 điểm như tháng 7 vừa qua thì cũng có đó không ít nhà đầu tư "đu đỉnh" cổ phiếu ở giai đoạn trước và tại thời điểm này vẫn phải còn loay hoay với bài toán "trung bình giá" hay "cắt lỗ" cổ phiếu vì chưa thể "về bờ" (điểm hòa vốn).
Ảnh Internet
Chắc hẳn giới đầu tư, đặc biệt là những người nắm giữ cổ phiếu SAB của Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) sẽ không quên được phiên giao dịch ngày 18/12/2017. Đây là ngày mà Bộ Công Thương đã bán thành công 343 triệu cổ phiếu SAB cho Công ty TNHH Vietnam Beverage với mức giá 320.000 đồng/cổ phiếu. Thương vụ đã đưa về cho nhà nước gần 110.000 tỷ đồng. Với mức định giá này, khi đó vốn hoá của Sabeco vượt 205.000 tỷ đồng, trở thành một "trụ" vững chắc của thị trường chứng khoán khi đó.
Trước phiên đấu giá lịch sử này, cổ phiếu SAB cũng đã có chuỗi ngày leo thang về thị giá kỷ lục. Đỉnh cao nhất là ngày 29/11/2017, SAB đạt mức giá cao nhất kể từ khi niêm yết trên sàn chứng khoán với 334.500 đồng/cổ phiếu.
Tuy nhiên, SAB không giữ vững được "phong độ" đỉnh cao đó mà ngay sau phiên đấu giá, cổ phiếu này đã lao dốc mạnh. Đến nay, cổ phiếu này vẫn chưa ngừng giảm. Chốt phiên 17/8/2021, thị giá cổ phiếu SAB dừng lại ở mức 145.500 đồng/CP, giảm 56% so với mức đỉnh 4 năm trước.
Trong khoảng thời gian giá cổ phiếu SAB trong ngành đồ uống bị suy giảm thì YEG của Tập đoàn Yeah1 đã lên sàn vào tháng 6/2018 với mức giá tham chiếu 250.000 đồng. Sau khi lên sàn, YEG trở thành ngôi sao sáng chói trên thị trường chứng khoán khi từng được giao dịch với giá hơn 300.000 đồng/CP.
Dù vậy, sau khi xảy ra sự cố với YouTube vào tháng 3/2019, cổ phiếu YEG rớt giá không phanh, xuống còn 37.000 đồng vào cuối năm 2019, mất giá khoảng 9,5 lần so với mức giá đỉnh. YEG sau đó có đà hồi phục lên mức giá 52.000 đồng/CP nhờ thương vụ hợp tác chiến lược với ái nữ của ông chủ Tân Hiệp Phát. Song cho đến hiện tại, không nhiều nhà đầu tư có thể tưởng tượng cổ phiếu từng một thời “đắt đỏ” nhất sàn chứng khoán lại chỉ giao dịch quanh mức 16.000 đồng/CP và rơi vào diện kiểm soát của HOSE.
Tương tự cổ phiếu VNM của CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk) cũng đi lùi trong bối cảnh thị trường chung vẫn tăng điểm và VN-Index liên tục lập những đỉnh lịch sử mới. Với việc giao dịch quanh vùng giá 90.000 đồng/cổ phiếu như hiện tại, VNM đang ngày càng xa mức đỉnh 144.900 đồng/cổ phiếu thiết lập vào ngày 1/12/2017.
Nhắc lại một chút, từ khi niêm yết trên thị trường chứng khoán vào năm 2006, Vinamilk vốn là một trong những doanh nghiệp có thời gian nắm giữ "ngôi vương" về vốn hóa trong thời gian dài nhất.
Tuy nhiên, kể từ năm 2017 đến nay, tốc độ tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận của VNM đã chậm lại, gần như đứng yên một chỗ khiến khối ngoại gia tăng bán ròng. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến việc cổ phiếu của đại gia ngành sữa sụt giảm mạnh và thủng đáy có lúc xuống mức 70.000 đồng giữa tháng 3/2021.
Tương tự như VNM và SAB hay YEG, trong năm 2017 cổ phiếu CTD của CTCP Xây dựng Coteccons cũng là một trong những cái tên mang tới nhiều "nước mắt" cho nhà đầu tư. Sau chuỗi ngày tăng không mệt mỏi, CTD đạt đỉnh 234.800 đồng/cổ phiếu vào ngày 20/11/2017. Thế nhưng, sau khi đạt đỉnh, CTD bắt đầu hạ nhiệt. Bước sang năm 2018, cổ đông thất vọng khi CTD liên tục lao dốc, đà giảm tiếp tục nới rộng khi nội bộ công ty này xảy ra nhiều vấn đề bất cập.
Ở thời điểm hiện tại, thị giá CTD chỉ còn 66.000 đồng, giảm 168.800 đồng/cổ phiếu so với thời điểm đạt đỉnh năm 2017 và bị loại ra khỏi danh sách VN30 từ giữa năm 2020.
Với cổ phiếu BVH của Tập đoàn Bảo Việt, năm 2018 là năm thắng lợi của nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu này với mức đỉnh lên đến 107.500 đồng/cổ phiếu trong phiên 2/4/2018. Tuy nhiên, cũng như nhiều doanh nghiệp ở trên, những năm sau lợi nhuận BVH giảm dần, thị giá BVH theo đó cũng trồi sụt.
Thị giá BVH hiện tại 55.300 đồng/cổ phiếu, giảm 48% so với đỉnh năm 2018 và giảm 17% kể từ đầu năm dù 6 tháng đầu năm 2021 tập đoàn này vẫn lãi ròng hơn 508 tỷ đồng bất chấp tác động tiêu cực của dịch bệnh.
Một trong những "cú trượt" điển hình khác cần phải kể đến là cổ phiếu HNG của Nông nghiệp Hoàng Anh Gia Lai - HAGL Agrico hay TCH của CTCP Đầu tư dịch vụ tài chính Hoàng Huy.
Với TCH, ngày 5/10/2016, mã này chào sàn HOSE với giá 15.000 đồng/cổ phiếu. Đến năm 2020, trong bối cảnh thị trường chứng khoán giảm mạnh bởi dịch COVID-19 thì giá TCH lại lập đỉnh lịch sử với 44.750 đồng/CP trong phiên 17/2. Nhưng cũng kể từ sau thời điểm đó, cổ phiếu này lao dốc dù là bluechip nằm trong nhóm VN30 cùng doanh thu liên tục đạt mức tăng trưởng 2 con số. Đặc biệt, trong năm 2021, nhiều cổ đông của TCH vẫn phải chịu lỗ và "kẹp hàng" ở vùng giá 4X dù cho các cổ phiếu khác “ăn bằng lần” và VN-Index liên tục thiết lập các kỷ lục mới. Chốt phiên 18/8/2021, TCH giao dịch tại mức 19.000 đồng/CP.
Tương tự, trong khi thị trường chứng khoán đang ghi nhận đà phục hồi sau đợt điều chỉnh mạnh tháng 7, thị giá cổ phiếu HNG lại liên tục dò đáy, hiện đã giảm về quanh vùng 7.000 đồng/cổ phiếu. Đặc biệt, vùng giá hiện tại của HNG cũng là mức đáy 3,5 năm gần nhất và chỉ còn cách đáy lịch sử khoảng 29% (mức 5.400 đồng/CP ngày 19/9/2016). Nếu so với mức đỉnh 18.770 đồng/CP ngày 8/7/2019, thị giá HNG hiện đã bốc hơi hơn 62% giá trị.
Nhà đầu tư