Những cổ phiếu tăng, giảm mạnh nhất năm 2022
Thị trường chứng khoán năm 2022 ghi nhận nhiều cổ phiếu có biến động lớn. Ảnh Gia Huy.
Với những biến động mạnh, thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2022 đã đem đến cho nhà đầu tư nhiều cảm xúc thăng trầm hiếm có trong lịch sử.
2022 là một năm thăng trầm khó quên của thị trường chứng khoán Việt Nam với nhiều cung bậc cảm xúc đan xen. Đóng cửa năm, VN-Index dừng ở mức 1.007,09 điểm, giảm tới hơn 491 điểm, tương ứng giảm 32,78% trong năm 2022 (từ giá đóng cửa phiên 31/12/2021 là 1.498,28 điểm).
Trong năm qua, sắc đỏ tràn ngập trên thị trường chứng khoán Việt Nam khi có đến 9 tháng VN-Index giảm điểm và chỉ ghi nhận 3 tháng tăng điểm. Chỉ số chính có thời điểm chạm mức đáy sâu nhất là 873,78 điểm trong phiên 16/11. Vào thời điểm xuống đáy, VN-Index còn đứng đầu tất cả các bảng xếp hạng giảm mạnh nhất thế giới trong toàn bộ các khung thời gian phổ biến như ngày, tuần, tháng, 3 tháng, 6 tháng, từ đầu năm và một năm. Nhìn chung, 2022 là năm VN-Index có nhiều phiên tăng/giảm từ 2% trở lên nhất kể từ năm 2009.
Với biên độ dao động rất mạnh của chỉ số VN-Index, không có gì lạ khi thị trường chứng khoán ghi nhận những cổ phiếu biến động lớn, lên tới cả chục lần, mang đến niềm vui lớn nhưng cũng có lúc là nỗi buồn xót xa đối với nhiều nhà đầu tư trên sàn.
Về chiều tăng, SJC của CTCP Sông Đà 1.01 là mã biến động mạnh nhất khi tăng 411%, từ 3.500 đồng lên 17.900 đồng. Trong thời gian gần đây, thanh khoản trung bình đạt hơn 120.000 đơn vị/phiên, trong khi trước đó chỉ dao động quanh mức 50.000 đơn vị mỗi phiên.
CTCP Sông Đà 1.01 được thành lập trên cơ sở Xí nghiệp Sông Đà 1.01 (tiền thân là Đội xây dựng số 1) thuộc CTCP Xây dựng Sông Đà 1. Công ty này hoạt động chính trong lĩnh vực xây lắp và kinh doanh bất động sản với vốn điều lệ hiện ở mức 72,2 tỷ đồng, trong đó ông Phạm Khánh Phương đang nắm giữ 24,26%VĐL còn bà Vũ Thị Thúy sở hữu 23,53%VĐL.
Theo sau là NWT của CTCP Vận tải Newway (NWT) khi tăng 300% từ 2.500 đồng lên mức 10.000 đồng. Dù vậy, NWT thường chỉ biến động một phiên mỗi tháng, thậm chí có giai đoạn 4 tháng liên tục không khớp lệnh cổ phiếu nào, đến giữa tháng 7, cổ phiếu này mới rục rịch tăng giá. Phiên gần nhất NWT ghi nhận có lệnh sang tay thành công là cách đây bốn tháng, với chỉ 100 cổ phiếu.
Tiếp đến là mã SAP của CTCP In Sách giáo khoa tại Tp.Hồ Chí Minh khi tăng 299% từ 8.900 đồng/CP lên mức 35.500 đồng/CP. Ngoài ra còn có EPC (284%), SSF (281%), HPM (261%), XMD (253%), VLA (233%), DDH (210%).
Dù không nằm trong top 10 cổ phiếu tăng mạnh nhất năm, song XDH của CTCP Đầu tư Xây dựng dân dụng Hà Nội cũng là mã đáng chú ý. Theo đó tính đến phiên 27/12, biên độ tăng của mã này là hơn 575%, từ 4.680 đồng lên 31.600 đồng. Dù vậy, trong 2 phiên cuối năm cổ phiếu này lại liên tục giảm sàn về vùng 16.200 đồng/CP.
Hướng ngược lại, trong danh sách 10 cổ phiếu giảm mạnh nhất thị trường chứng khoán năm nay đã có đến có 6 mã liên quan đến những cựu lãnh đạo doanh nghiệp đã bị bắt với cáo buộc thao túng thị trường chứng khoán gồm ART, KLF (-89%), AMD (-87%) liên quan cựu chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết; LDP (-86%), VKC (-87%) liên quan cựu chủ tịch Louis Holdings Đỗ Thành Nhân và TVB (-85%) liên quan đến cựu chủ tịch Chứng khoán Trí Việt Phạm Thanh Tùng.
Trong đó, ART của Công ty Chứng khoán BOS là cổ phiếu có mức giảm sâu nhất thị trường chứng khoán khi mất đến 92%, từ 16.300 đồng còn 1.300 đồng. Đà giảm của ART được kích hoạt khi ông Trịnh Văn Quyết bị bắt vào cuối tháng 3. Đến cuối tháng 11, cổ phiếu này bị đình chỉ giao dịch vì không khắc phục được các vi phạm về công bố thông tin.
Danh sách giảm sâu còn có TBH của Tổng Công ty Bách Hóa khi mất 93%, từ 97.000 đồng còn 6.500 đồng; IBC của CTCP Đầu tư Apax Holdings khi giảm 87,4%, về quanh vùng 2.600 đồng, đặc biệt mã này còn nhận được chú ý bởi chuỗi giảm hết biên độ 26 phiên liên tục từ đầu tháng 11.
Bên cạnh những mã tăng/giảm mạnh thì cũng có không ít cổ phiếu để lại nhiều xúc cảm đáng nhớ, điển hình như cổ phiếu của Tập đoàn đầu tư địa ốc No Va (NVL) và CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt (PDR) với vài lần giải cứu.
Đây cũng là hai mã vốn hóa lớn duy nhất nằm trong danh sách 50 cổ phiếu giảm mạnh nhất thị trường chứng khoán khi lần lượt sụt 84% và 81%, hiện giao dịch quanh vùng 14.600 đồng và 13.400 đồng. Hai cổ phiếu này cùng trải qua đợt điều chỉnh mạnh nhất trong lịch sử niêm yết với hàng chục phiên giảm sàn và mất thanh khoản liên tiếp hồi tháng 11.
Ngoài ra, hơn 165 triệu cổ phiếu được sang tay tương đương 54,1% tổng lượng cổ phiếu lưu hành của doanh nghiệp bất động sản có tiếng tại miền Bắc - CTCP Đầu tư Hải Phát (HPX) trong phiên 30/11 cũng là điểm nhấn năm 2022. HPX đã vượt mặt những “tên tuổi” như FLC, NVL, DIG, GEX, ROS qua đó xác lập kỷ lục về khối lượng giao dịch trong một phiên của chứng khoán Việt Nam.
Nhà đầu tư