MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Những cổ phiếu tăng sốc – giảm sâu năm 2020, để lại nhiều cảm xúc cho nhà đầu tư

Những cổ phiếu tăng sốc – giảm sâu năm 2020, để lại nhiều cảm xúc cho nhà đầu tư

Có những cổ phiếu đã tăng sốc, đã giảm sâu, hoặc có những cổ phiếu tăng sốc rồi lại giảm sâu khiến nhà đầu tư "dở khóc dở cười".

Năm 2020 thị trường chứng khoán đã chứng kiến khá nhiều thăng trầm của nhiều mã chứng khoán, trong đó có những "cú sốc" cả về tốc độ tăng giá cũng như giảm sâu của các cổ phiếu khiến không ít các nhà đầu tư dở khóc dở cười.

Hàng loạt cái tên được nhắc đến, trong đó không thiếu những "ông lớn" như Sabeco (SAB), Becamex (BCM), PV Gas (GAS), Thế giới di động (MWG), Masan Meatlifes (MML), LDG, Vincom Retail (VRE), Petrolimex (PLX), PND của Dầu khí Nam Định. Kể cả loạt cổ phiếu ngân hàng như SHB, BID, HDB, ACB hay TCB...

Điểm nhấn từ doanh nghiệp ngành bia

Năm 2020 được xem là năm khó khăn kép đối với các doanh nghiệp ngành bia khi Nghị định 100 về quy định khi uống rượu bia khi lái xe, đồng thời là các lệnh giãn cách, cấm tụ tập đông người do tác động của dịch bệnh Covid-19. Do vậy, việc cổ phiếu ngành bia giảm, kết quả kinh doanh giảm sút là kịch bản đã được các nhà đầu tư dự đoán từ sớm.

Tuy nhiên, năm 2020 lại có rất nhiều doanh nghiệp ngành bia để lại dấu ấn trên thị trường. Đơn cử như việc Bia Sài Gòn Sông Tiền (SST) tạo nên cú sốc về cổ tức khi quyết định chi trả cổ tức bằng tiền tỷ lệ 347,6% cho cổ đông. Danh sách cổ đông đã được chốt vào ngày 15/9/2020. Đây cũng là đơn vị luôn nằm trong TOP những doanh nghiệp đạt EPS "khủng" hàng năm.

Xét về "cú sốc" giá cổ phiếu ngành bia năm 2020, nhà đầu tư chắc cũng chưa quên cảm xúc đối với cổ phiếu SAB của Tổng Công ty Bia rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco). Đang là một trong số những cổ phiếu có thị giá cao nhất từ đầu năm 2020, ở mức trên 220.000 đồng/cổ phiếu, bất chấp tác dụng của Nghị định 100, SAB vẫn giữ được vùng giá tốt đến hết tháng 1/2020.

Tuy nhiên, từ đầu tháng 2/2020 SAB bắt đầu giảm mạnh, và xuống dưới 115.000 đồng/cổ phiếu (đóng cửa phiên giao dịch ngày 24/3/2020) – đây cũng là thời điểm then chốt khi Việt Nam đang căng mình phòng chống dịch bệnh Civid-19, người người đều lo sợ, hạn chế tối đa việc tụ tập nơi đông người trước khi lệnh giãn cách xã hội được áp dụng.

Ngay sau đó, nhiều biện pháp ứng cứu thị trường được các doanh nghiệp, lãnh đạo công ty và Nhà nước đưa ra, cùng với đà ổn định chung của thị trường, cổ phiếu SAB cũng bứt phá tăng trở lại, về trên 200.000 đồng/cổ phiếu và giữ vùng giá cao trong nhiều tháng trở lại đây. Hiện SAB đóng cửa phiên giao dịch cuối cùng năm 2020 ở mức 195.000 đồng/cổ phiếu.

Những cổ phiếu tăng sốc – giảm sâu năm 2020, để lại nhiều cảm xúc cho nhà đầu tư - Ảnh 1.

Diễn biến giá cổ phiếu SAB trong 1 năm gần đây.

Kết quả kinh doanh của Sabeco cũng không giảm sút quá sâu với 20.096 tỷ đồng doanh thu 9 tháng đầu năm 2020, giảm 28,7% còn lợi nhuận sau thuế giảm 20% xuống còn 3.403 tỷ đồng – vượt 4,6% chỉ tiêu lợi nhuận được giao cho cả năm.

Những cổ phiếu tăng sốc – giảm sâu năm 2020, để lại nhiều cảm xúc cho nhà đầu tư - Ảnh 2.

YEG – cổ phiếu để lại nhiều cảm xúc trong 3 năm liền

Một trong những cổ phiếu để lại nhiều cảm xúc cho nhà đầu tư là YEG của Tập đoàn Yeah1 – với dòng cảm xúc xuyên suốt từ năm 2018 sang đến năm 2020.

Nhìn lại trước đó, tháng 6/2018 Yeah1 đưa gần 27,4 triệu cổ phiếu lên niêm yết trên HoSE với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên 250.000 đồng/cổ phiếu – tạo nên một "hiện tượng về giá" của các cổ phiếu lên sàn. Thậm chí YEG còn lên cao nhất gần 350.000 đồng/cổ phiếu trước khi giảm. Tuy vậy YEG vẫn giữ được mức giá cao trên 200.000 đồng/cổ phiếu trong nhiều tháng sau đó trước khi "dính" vụ liên quan youtube.

Sau những thông tin bất lợi, YEG giảm sâu, mất luôn cả mốc 50.000 đồng/cổ phiếu, thậm chí về quanh vùng 37-38.000 đồng/cổ phiếu hồi cuối tháng 12/2019 bất chấp các nỗ lực cứu vãn của doanh nghiệp. Cùng với giá cổ phiếu giảm, là kinh doanh thua lỗ do trước đó phần lớn doanh thu và lợi nhuận của Yeah1 đến từ youtube.

YEG tăng mạnh từ những ngày đầu tháng 2/2020, đánh dấu bằng những chuỗi mấy phiên tăng trần liên tiếp, lên mức 83.000 đồng/cổ phiếu – hơn gấp đôi thời điểm đầu năm 2020. Tuy nhiên ngay sau đó, YEG ghi nhận những chuỗi giảm sàn, đưa giá về quanh mức 50.000 đồng/cổ phiếu. Hiện YEG đóng cửa phiên giao dịch cuối cùng năm 2020 ở mức 46.000 đồng/cổ phiếu.

Những cổ phiếu tăng sốc – giảm sâu năm 2020, để lại nhiều cảm xúc cho nhà đầu tư - Ảnh 3.

Diễn biến giá cổ phiếu YEG trong 1 năm gần đây.

Những tăng/giảm biên độ lớn trong những năm gần đây đã đưa cổ phiếu YEG thành một trong những cổ phiếu giàu cảm xúc đối với nhà đầu tư nhất trên thị trường.

Kết quả kinh doanh, doanh thu 9 tháng đầu năm 2020 đạt 869 tỷ đồng, giảm 14% so với cùng kỳ. Còn lợi nhuận sau thuế đạt 15,7 tỷ đồng, tăng mạnh so với số lỗ hơn 213 tỷ đồng ghi nhận cùng kỳ năm 2019.

Những cổ phiếu tăng sốc – giảm sâu năm 2020, để lại nhiều cảm xúc cho nhà đầu tư - Ảnh 4.

Cổ phiếu MWG của Thế Giới di động từng giảm gần 50% so với thời điểm đầu năm

Một trong những cổ phiếu được nhiều nhà đầu tư quan tâm nữa là MWG của Thế giới di động. Mở cửa phiên giao dịch đầu năm 2020 ở mức 112.400 đồng/cổ phiếu, MWG cũng chịu tác động chung của thị trường do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Bắt đầu giảm từ tháng 2 và đến cuối tháng 3/2020 MWG mất mốc 60.000 đồng/cổ phiếu – về sát vùng 58.000 đồng/cổ phiếu – tương ứng tỷ lệ giảm khoảng 48% so với thời điểm đầu năm.

Tuy nhiên mức giá giảm này nhanh chóng được khôi phục từ từ, và hiện MWG đóng cửa phiên giao dịch cuối cùng năm 2020 ở mức 118.900 đồng/cổ phiếu – hồi phục hoàn toàn giá trị đã "mất" trong năm.

Những cổ phiếu tăng sốc – giảm sâu năm 2020, để lại nhiều cảm xúc cho nhà đầu tư - Ảnh 5.

Diễn biến giá cổ phiếu MWG trong 1 năm gần đây.

Kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2020, doanh thu vẫn đạt mức tăng trưởng 6%, lên 81.352 tỷ đồng. Còn lợi nhuận sau thuế xấp xỉ bằng cùng kỳ, đạt 2.978 tỷ đồng – mới hoàn thành gần 63% chỉ tiêu lợi nhuận được giao cho cả năm.

Những cổ phiếu tăng sốc – giảm sâu năm 2020, để lại nhiều cảm xúc cho nhà đầu tư - Ảnh 6.

Cổ phiếu ngành dầu khí cùng chu kỳ biến động giá

Cổ phiếu ngành dầu khí cũng có nhiều biến động năm 2020. Điển hình trong số đó, GAS của Tổng công ty khí Việt Nam (PV Gas) cũng từng giảm 43% từ đầu năm 2020. Số liệu cụ thể, từ mức giá 89.300 đồng hồi đầu năm 2020, GAS đã có lúc giảm xuống vùng giá 51.400 đồng/cổ phiếu (đóng cửa phiên giao dịch ngày 23/3/2020, tương ứng mức giảm khoảng 43%.

Nguyên nhân chủ yếu, giai đoạn này thị trường bắt đầu chịu tác động mạnh từ dịch bệnh, giá dầu thế giới giảm sâu. Tuy vậy giá cổ phiếu GAS đã nhanh chóng phục hồi, một phần đến từ nguyên nhân tích cực của kết quả kinh doanh khi những quý đầu năm công ty vẫn lãi lớn. Tính đến hết năm 2020 cổ phiếu GAS đã phục hồi về vùng giá 87.000 đồng/cổ phiếu.

Cụ thể, doanh thu 9 tháng đầu năm 2020 giảm 16%, xuống còn 48.625 tỷ đồng còn lợi nhuận sau thuế giảm 31%, xuống còn 6.247 tỷ đồng. Dù doanh thu và lợi nhuận giảm sút, nhưng vẫn nằm trong dự liệu của công ty. Kết quả ghi nhận kết thúc 9 tháng đầu năm, PV Gas đã hoàn thành 94% chỉ tiêu lợi nhuận được giao cho cả năm.

Những cổ phiếu tăng sốc – giảm sâu năm 2020, để lại nhiều cảm xúc cho nhà đầu tư - Ảnh 7.

Cổ phiếu PLX của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cũng có chu kỳ giảm/tăng như GAS. Mở đầu năm ở mức giá gần 52.200 đồng/cổ phiếu, PLX giảm xuống xấp xỉ 33.700 đồng/cổ phiếu vào giữa tháng 3/2020, tương ứng tỷ lệ giảm khoảng 35%. Tuy nhiên ngay sau đó PLX đã phục hồi và đóng cửa phiên giao dịch cuối cùng năm 2020 ở mức 54.900 đồng/cổ phiếu.

Những cổ phiếu tăng sốc – giảm sâu năm 2020, để lại nhiều cảm xúc cho nhà đầu tư - Ảnh 8.

Diễn biến giá cổ phiếu PLX trong 1 năm gần đây.

Ngành dầu khí còn có nhiều cái tên đáng nhắc tới. Trong số đó có PND của Dầu khí Nam Định. Từ vùng giá 12.000 đồng/cổ phiếu, PND (ngày 22/10/2020) bất ngờ giảm sâu về 2.100 đồng/cổ phiếu chỉ trong vòng mấy phiên giao dịch. Rồi ngay sau đó là những chuỗi tăng trần, lên 20.000 đồng/cổ phiếu (22/12/2020) và sau đó giảm lại, về mức 9.200 đồng/cổ phiếu (đóng cửa phiên giao dịch cuối cùng năm 2020). "Sóng" của PND chỉ trong vòng vài tháng.

Những cổ phiếu tăng sốc – giảm sâu năm 2020, để lại nhiều cảm xúc cho nhà đầu tư - Ảnh 9.

Diễn biến giá cổ phiếu PND trong 1 năm gần đây.

Nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng để lại nhiều ấn tượng

Nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng cũng có nhiều biến động trong năm 2020 vừa qua, phần lớn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 lên toàn thị trường trong giai đoạn đầu năm – và phần bứt phá những tháng cuối năm.

Cổ phiếu HDB của Ngân hàng TMCP Phát triển Việt Nam đã giảm từ mức trên 18.000 đồng/cổ phiếu xuống sát vùng mệnh giá, ở mức 10.500 đồng/cổ phiếu – tương ứng mức giảm khoảng 42% chỉ trong vòng chưa đến 2 tháng – cũng là thời điểm thị trường chịu tác động mạnh nhất trước các thông tin liên tiếp về dịch bệnh.

Tuy nhiên HDB nhanh chóng phục hồi khi tâm lý nhà đầu tư được trấn an. Đà tăng của HDB tiếp diễn và giá đóng cửa phiên giao dịch cuối cùng của năm 2020 đã ở mức 23.750 đồng/cổ phiếu – hơn gấp đôi mức giá lúc giảm sâu.

Cuối năm 2020 vừa qua HDB cũng đã phát hành hơn 338 triệu cổ phiếu trả cổ tức cho cổ đông, tăng vốn điều lệ kên trên 16.000 tỷ đồng. Kết quả kinh doanh cũng thuận lợi khi quý 3 lãi sau thuế 1.178 tỷ đồng, nâng tổng LNST 9 tháng đầu năm 2020 lên 3.500 tỷ đồng, tăng 26,6% so với cùng kỳ năm trước đó.

Những cổ phiếu tăng sốc – giảm sâu năm 2020, để lại nhiều cảm xúc cho nhà đầu tư - Ảnh 10.

BID của Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam cũng có chu kỳ tăng/giảm như HDB. Mở cửa phiên giao dịch đầu năm 2020 ở mức giá gần 45.400 đồng/cổ phiếu, BID nhanh chóng tăng mạnh lên 54.580 đồng/cổ phiếu 1 tháng sau đó, tương ứng mức tăng hơn 20%.

BID bắt đầu đà giảm mạnh nhất từ tháng 3/2020, về mức giá 30.200 đồng/cổ phiếu vào cuối tháng 3/2020 – tương ứng mức giảm 32% trong vòng 1 tháng. Sau đó BID mới phục hồi dần, tuy vậy vẫn chưa thể về vùng giá hồi đầu năm. Hiện BID đóng cửa phiên giao dịch cuối cùng năm 2020 ở mức 47.900 đồng/cổ phiếu.

Những cổ phiếu tăng sốc – giảm sâu năm 2020, để lại nhiều cảm xúc cho nhà đầu tư - Ảnh 11.

Diễn biến giá

Những ngày cuối năm 2020, một thông tin tích cực của việc giá cổ phiếu BID tăng mạnh là việc Ngân hàng sẽ chốt danh sách cổ đông trả cổ tức bằng tiền cho cổ đông, tỷ lệ 8%. Danh sách cổ đông chốt vào ngày 4/1/2021. Bên cạnh đó, dù ảnh hưởng của dịch bệnh, nhưng kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2020 vẫn xấp xỉ với cùng kỳ, đạt 5.667 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, trong đó lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt 5.500 tỷ đồng.

Những cổ phiếu tăng sốc – giảm sâu năm 2020, để lại nhiều cảm xúc cho nhà đầu tư - Ảnh 12.

VCB của Vietcombank mở cửa phiên giao dịch đầu năm 2020 ở mức 89.500 đồng/cổ phiếu, và tăng lên mức 93.700 đồng/cổ phiếu vào ngày 17/1/2020. Sau đó VCB chững lại và bắt đầu giảm từ đầu tháng 3/2020 khi thị trường bị tác động chung. VCB nhanh chóng mất mốc 60.000 đồng/cổ phiếu, về thấp nhất ở vùng 56.700 đồng/cổ phiếu.

Những cổ phiếu tăng sốc – giảm sâu năm 2020, để lại nhiều cảm xúc cho nhà đầu tư - Ảnh 13.

Diễn biến giá cổ phiếu VCB trong 1 năm gần đây.

Tuy nhiên, cũng như phần lớn các cổ phiếu khác giai đoạn này, sau khi tâm lý nhà đầu tư được trấn an, thị trường ổn định nhanh chóng, VCB tăng trở lại ngay sau đó và đóng cửa phiên giao dịch cuối cùng của năm ở mức 97.900 đồng/cổ phiếu vùng giá cao nhất trong năm vừa qua. Kết quả kinh doanh của Vietcombank cũng báo lãi 12.794 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2020, giảm 9,6% so với cùng kỳ.

Những cổ phiếu tăng sốc – giảm sâu năm 2020, để lại nhiều cảm xúc cho nhà đầu tư - Ảnh 14.

TTA của Trường Thành Group để lại dấu ấn năm 2020

Trường Thành Group – doanh nghiệp trong ngành năng lượng tái tạo chính thức đưa 135 triệu cổ phiếu lên niêm yết trên HoSE với mã chứng khoán TTA. Giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên 18.000 đồng/cổ phiếu.

Ngay khi lên sàn, TTA có 2 phiên tăng kịch trần liên tiếp, đưa giá cổ phiếu cao nhất lên 23.700 đồng/cổ phiếu (đóng cửa phiên giao dịch ngày 22/9/2020). Đáng chú ý, ngay phiên đầu lên sàn, đã có 5,5 triệu cổ phiếu TTA khớp lệnh. Thanh khoản 2 phiên tiếp đó cũng rất cao với gần 5,4 triệu và 2,1 triệu cổ phiếu khớp lệnh, chưa kể đến 2,5 triệu cổ phiếu giao dịch thỏa thuận.

Sau những phiên đầu "hưng phấn, TTA có 3 phiên giảm sàn liên tiếp và đà giảm tiếp tục, đưa cổ phiếu về mức 15.100 đồng/cổ phiếu. Vùng giá thấp dưới 16.000 đồng/cổ phiếu được duy trì hơn 1 tháng, đầu tháng 12/2020 TTA bắt đầu tăng trở lại, về cùng giá 19.700 đồng/cổ phiếu vào cuối năm 2020.

Cổ phiếu TTA để lại nhiều cảm xúc với nhà đầu tư không chỉ ở biến động giá, mà còn nữa, đây là cổ phiếu có thanh khoản cao, mỗi phiên hàng triệu cổ phiếu khớp lệnh. Kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2020 cũng khả quan khi doanh thu đạt 315 tỷ đồng, tăng 74% so với cùng kỳ còn lợi nhuận sau thuế đạt gần 104 tỷ đồng, tăng gần 54% so với lợi nhuận đạt được 9 tháng đầu năm 2019.

Những cổ phiếu tăng sốc – giảm sâu năm 2020, để lại nhiều cảm xúc cho nhà đầu tư - Ảnh 15.

Diễn biến giá cổ phiếu TTA từ khi lên sàn.

"Sóng" của cổ phiếu ABS

Một cổ phiếu ngành nông nghiệp cũng để lại nhiều điều "dở khóc dở cười" cho nhà đầu tư là ABS của Nông nghiệp Bình Thuận. Doanh nghiệp đưa cổ phiếu lên niêm yết trên HoSE và giao dịch phiên đầu tiên vào 18/3/2020 với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên 10.800 đồng/cổ phiếu.

ABS gây "sốc" với chuỗi 16 phiên tăng trần liên tiếp ngay sau khi lên sàn, đưa cổ phiếu tăng hơn gấp 3 lần, lên 35.200 đồng/cổ phiếu (giá chưa điều chỉnh). Tuy nhiên vừa chạm đỉnh, ABS lập tức quay ngược, lao dốc với 10 phiên giảm sàn liên tiếp, và đà giảm vẫn tiếp diễn, đưa giá cổ phiếu xuống dưới mệnh giá – dưới xuất phát điểm.

Cuối tháng 11/2020 cổ phiếu ABS lại một lần nữa khiến nhà đầu tư chú ý khi liên tục tăng mạnh bắt đầu từ phiên tăng trần ngày 25/11. Đến nay sau hơn 1 tháng ABS đã tăng gần gấp 3 lên 23.500 đồng/cổ phiếu. Còn đóng cửa phiên giao dịch cuối cùng năm 2020 ở mức 20.100 đồng/cổ phiếu. ABS cũng có lẽ là cổ phiếu điển hình nhất của việc "tăng sốc - giảm sâu" trong năm 2020.

Những cổ phiếu tăng sốc – giảm sâu năm 2020, để lại nhiều cảm xúc cho nhà đầu tư - Ảnh 16.

Cổ phiếu ngành hàng không

Cổ phiếu VTR của CTCP Du lịch và tiếp thị giao thông vận tải Việt Nam (Vietravel Airlines) được các nhà đầu tư chú ý khi giữa bối cảnh khó khăn của ngành hàng không do ảnh hưởng của dịch bênh, công ty vẫn kiên quyết định đưa máy bay cất cánh.

Nhìn lại năm 2019, Vietravel Airlines đưa 12,6 triệu cổ phiếu lên giao dịch trên Upcom với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên 40.000 đồng/cổ phiếu. VTR đã từng "tạo sóng" trong năm 2020 khi ngay phiên thứ 4 sau khi chào sàn đã tăng lên ngưỡng 85.000 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm các nhà đầu tư ồ ạt chốt lãi, VTR từ sắc tím chuyển sang màu đỏ, giá cổ phiếu giảm sâu về vùng giá 44-45.000 đồng/cổ phiếu vào cuối tháng 11.

Bước sang năm 2020, giai đoạn cuối tháng 3 cổ phiếu ngành hàng không, ngành du lịch là một trong những nhóm ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ Covid-19, tuy nhiên lúc đó kế hoạch bay của Vietravel Airlines vẫn còn chưa hoàn tất, thế nhưng cổ phiếu VTR vẫn giảm nhịp về dưới 40.000 đồng/cổ phiếu và mất luôn mốc 30.000 đồng/cổ phiếu vào ngày 27/7/2020.

Hiện VRT đã hoàn tất thủ tục đưa máy bay cất cánh, những đồn đoán về nguyên nhân, mục đích của việc doanh nghiệp hoạt động bay giữa mùa dịch vẫn còn đó, nhưng cổ phiếu VTR đã tăng trở lại, đóng cửa phiên giao dịch cuối cùng năm 2020 ở mức 38.500 đồng/cổ phiếu.

Những cổ phiếu tăng sốc – giảm sâu năm 2020, để lại nhiều cảm xúc cho nhà đầu tư - Ảnh 17.

Diễn biến giá cổ phiếu VTR trong 1 năm gần đây.

"Hành trang" hiện tại của Vietravel là số lỗ 73,6 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2020, trong khi cùng kỳ lãi sau thuế 54 tỷ đồng. Số lỗ này cũng đã "lấy đi" hết số lãi lũy kế công ty đã tích lũy, Vietravel Airlines ghi nhận còn khoản lãi chưa phân phối đến 30/9/2020 chưa đến 2 tỷ đồng.

Những cổ phiếu ngành hàng không khác cũng có giai đoạn giảm mạnh trước khi tăng giá trở lại như ACV của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam, NCT của Noibai Cargo, AST của Dịch vụ hàng không Taseco...

Năm 2020 đầy cảm xúc của HAN

Năm 2020 cũng là năm có nhiều cảm xúc đối với các nhà đầu tư quan tâm đến cổ phiếu HAN của Tổng công ty Xây dựng Hà Nội – CTCP (Han Corp). Đang giao dịch quanh vùng giá 6.000 đến 8.000 đồng từ đầu năm 2020 với thanh khoản gần như không có, HAN biến động từ giữa tháng 6/2020, tăng lên trên mệnh giá. Tuy vậy, cũng chỉ được một số phiên, tình trạng không có thanh khoản lại xuất hiện, thậm chí về lại dưới ngưỡng mệnh giá.

HAN bắt đầu tăng mạnh từ giữa tháng 10/2020, từ 12.000 đồng/cổ phiếu lên đến 27.500 đồng/cổ phiếu (đóng cửa phiên giao dịch ngày 7/12/2020) – tương ứng mức tăng hơn gấp đôi chỉ trong vòng hơn 1 tháng. Thanh khoản cổ phiếu cũng cải thiện với hàng chục ngàn, thậm chí hàng trăm ngàn cổ phiếu khớp lệnh mỗi phiên.

Tuy nhiên, ngay sau đó HAN có chuỗi 6 phiên giảm sàn liên tiếp, đưa cổ phiếu về lại vùng giá trước khi tăng. Hiện HAN đóng cửa phiên giao dịch cuối cùng năm 2020 ở mức 11.900 đồng/cổ phiếu.

Những cổ phiếu tăng sốc – giảm sâu năm 2020, để lại nhiều cảm xúc cho nhà đầu tư - Ảnh 18.

Diễn biến giá cổ phiếu HAN trong 1 năm gần đây.

Điểm nhấn trong giai đoạn HAN tăng giá là thông tin Bộ Xây dựng đưa 139 triệu cổ phiếu ra bán đấu giá với giá khởi điểm 19.930 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên phiên đấu giá được thông báo không tổ chức do không có nhà đầu tư đăng ký tham dự.

Những cổ phiếu tăng sốc – giảm sâu năm 2020, để lại nhiều cảm xúc cho nhà đầu tư - Ảnh 19.

Khép lại năm 2020

Khép lại năm 2020 với nhiều diễn biến của thị trường chứng khoán, năm 2021 mở ra với nhiều phiên giao dịch sôi động từ những ngày đầu năm, hứa hẹn một năm với nhiều cảm xúc cho nhà đầu tư.

Thạch Lâm

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên