Những con số gây sốc về Evergrande: Đang nợ người mua nhà 1,6 triệu căn hộ, còn 800 dự án dang dở, ép cả nhân viên hãy cho công ty vay tiền
Đầu năm nay, khi lâm vào cảnh cạn kiệt tiền mặt, "chúa nợ" Evergrande đã quay sang cầu cứu chính các nhân viên của mình với 1 thông điệp cứng rắn: nếu muốn nhận được trọn vẹn tiền thưởng của năm nay, hãy cho công ty vay tiền.
- 20-09-2021Dow Jones rơi mạnh, hơn 500 điểm bị thổi bay do ảnh hưởng từ "quả bom nợ" Evergrande của Trung Quốc
- 20-09-2021'Chúa nợ' tỷ đô Evergrande bắt đầu trả nợ cho khoảng 70.000 người
- 20-09-2021Lao dốc theo Evergrande: Một cổ phiếu bất động sản giảm 87% chỉ trong 2 giờ, bị ngừng giao dịch
Hãy lựa chọn: cho công ty vay tiền hay sẽ bị cắt thưởng?
Ông lớn bất động sản Trung Quốc Evergrande hiện đang nợ 300 tỷ USD và còn đang nợ người mua nhà khoảng 1,6 triệu căn hộ. Ngoài ra tập đoàn này còn mang nợ đối với hàng chục nghìn nhân viên, theo New York Times.
Đầu năm nay, khi "chúa nợ" Evergrande lâm vào cảnh cạn kiệt tiền mặt, tập đoàn đã quay sang cầu cứu chính các nhân viên của mình với 1 thông điệp cứng rắn: nếu muốn nhận được trọn vẹn tiền thưởng của năm nay, hãy cho công ty vay tiền.
Công ty đã bắt đầu ép nhân viên cho vay từ đầu tháng 4. Khoảng 70-80% nhân viên trên khắp Trung Quốc đã nhận được yêu cầu cho công ty vay tiền, nếu từ chối thì sẽ bị giảm lương thưởng và hạ mức đánh giá thành tích.
Một số nhân viên đã xoay xở huy động tiền từ bạn bè và người thân để cung cấp cho tập đoàn khoản vay ngắn hạn. Một số thậm chí đi vay tiền ngân hàng. Các khoản vay được đóng gói thành các sản phẩm quản lý tài sản (WMP – một công cụ đầu tư có đặc tính nổi bật nhất là mức lãi suất rất cao nhưng đi kèm với đó cũng là rủi ro lớn). Và, đến tháng này, Evergrande đột ngột ngừng trả nợ cho họ.
Giờ thì hàng trăm nhân viên Evergrande cũng rơi vào cảnh ngộ khốn khổ giống như những người mua nhà đang bấn loạn vì không đòi được tiền từ Evergrande. Tuần trước họ đã tụ tập bên ngoài nhiều văn phòng của Evergrande trên khắp Trung Quốc để tổ chức biểu tình.
Từng là công ty bất động sản thuộc hàng lớn nhất nước, Evergrande giờ đây trở thành công ty nợ nhiều nhất Trung Quốc. Danh sách các chủ nợ của Evergrande rất dài. Đó là các ngân hàng, nhà cung ứng, nhà đầu tư nước ngoài. Đó là những người đã mua nhà tại các dự án của Evergrande và giờ thì họ không biết bao giờ căn hộ của mình mới hoàn thành. Tổng cộng giá trị các khoản nợ lên tới hơn 300 tỷ USD.
Evergrande đang đối mặt với hàng loạt vụ kiện từ các chủ nợ và đã chứng kiến giá cổ phiếu giảm hơn 80% kể từ đầu năm đến nay.
Các nhà quản lý lo ngại rằng sự sụp đổ của 1 công ty có quy mô quá lớn như Evergrande sẽ khiến toàn bộ hệ thống tài chính Trung Quốc rung chuyển. Cho đến hiện tại, Bắc Kinh vẫn chưa có bất cứ động thái nào cho thấy sẽ có 1 gói giải cứu dành cho Evergrande. Rất có thể Trung Quốc đang muốn dạy cho các tập đoàn vay nợ vô tội vạ 1 bài học.
Tuy nhiên, New York Times nhận định những cuộc biểu tình khá kích động của người mua nhà – và giờ là cả các nhân viên Evergrande – có thể khiến câu chuyện thay đổi.
Người biểu tình bên ngoài trụ sở Evergrande ở Thâm Quyến. Ảnh: Noel Celis/Agence France-Presse — Getty Images.
Ước tính Evergrande đang nợ gần 1,6 triệu căn hộ và có thể nợ tiền hàng chục nghìn nhân viên. Nhiều người cho biết họ đang dần cảm thấy mất kiên nhẫn.
"Chúng tôi không còn nhiều thời gian", Jin Cheng, 1 nhân viên Evergrande ở thành phố Hefei cho biết. Theo yêu cầu của cấp trên, cô đã đầu tư khoảng 62.000 USD vào quỹ đầu tư của tập đoàn là Evergrande Wealth. Khi trên mạng Internet ở Trung Quốc rộ lên tin đồn Evergrande sẽ vỡ nợ trong tháng này, Jin và một số đồng nghiệp đã tham gia biểu tình.
Ở thành phố Thâm Quyến, người mua nhà và nhân viên Evergrande tụ tập bên ngoài trụ sở tập đoàn và yêu cầu Evergrande hãy trả lại số tiền mà họ đã phải dành rất nhiều "mồ hôi nước mắt" mới kiếm được.
Evergrande từ chối bình luận về những rắc rối đang gặp phải, nhưng có cảnh báo rằng tập đoàn đang đứng trước áp lực tài chính "khủng khiếp" và đã thuê các chuyên gia về tái cấu trúc tư vấn để quyết định tương lai sẽ ra sao.
Đến thứ 7 tuần trước, Evergrande Wealth thông báo trong một bài đăng trên tài khoản Wechat của mình rằng các nhà đầu tư chọn phương thức thanh toán nợ bằng bất động sản giảm giá thay vì tiền mặt có thể bắt đầu liên hệ với bộ phận này để biết thêm chi tiết.
Trong nỗ lực hướng các nhà đầu tư khỏi việc trả nợ bằng tiền mặt, công ty đang đẩy mạnh chiết khấu đối với các tài sản bất động sản. Các nhà đầu tư có thể đầu tư vào các đơn vị nhà ở với mức chiết khấu 28%, bất động sản văn phòng với mức chiết khấu 46%, và các cửa hàng hay bãi để xe ở mức 52%.
Đối với tùy chọn tiền mặt, các nhà đầu tư có thể chọn được trả 10% gốc và lãi mỗi quý trong hai năm rưỡi.
Gió đã đổi chiều
Bình thường thì câu chuyện sẽ không diễn ra theo cách này.
Trong suốt hơn 2 thập kỷ, Evergrande luôn giữ vững ngôi vị tập đoàn bất động sản lớn nhất Trung Quốc, hái ra tiền từ cơn sốt bất động sản ở quy mô mà thế giới chưa từng chứng kiến. Thành công từ bất động sản giúp Evergrande tự tin mở rộng ra những lĩnh vực mới: nước đóng chai, thể thao chuyên nghiệp và cả xe điện.
Các ngân hàng và nhà đầu tư vui vẻ rót tiền vào Evergrande, đặt cược vào tầng lớp trung lưu đang tăng trưởng vượt trội của Trung Quốc và nhu cầu về nhà ở dường như vô tận của họ.
Kiềm chế cơn sốt bất động sản vẫn là mục tiêu mà Trung Quốc hướng đến từ nhiều năm nay. Nhưng mãi đến gần đây, chính phủ Trung Quốc mới thực sự hành động, quyết buộc các công ty bất động sản phải giảm nợ.
Ý tưởng là giảm cho vay bất động sản trong hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, trong quá trình đó, những nhà phát triển như Evergrande bị tước đi số tiền cần để hoàn thành các dự án còn dang dở, khiến nhiều gia đình dù đã trả đủ tiền nhà nhưng giờ vẫn chưa nhận được nhà.
"Hệ thống tài chính Trung Quốc thực sự rất phức tạp và khi những sự việc như thế này xảy ra, bạn sẽ nhận thấy tác động lên xã hội là không nhỏ. Nếu như Evergrande biến mất vào ngày mai, đó sẽ là 1 sự kiện gây chấn động xã hội", Jennifer James, 1 nhà quản lý quỹ, nói.
Evergrande đã cố gắng bán nhiều mảng trong đế chế khổng lồ để huy động vốn mới, nhưng tuần trước tập đoàn cho biết "không thể chắc chắn" quá trình đó có suôn sẻ hay không.
Cuối tháng 8, các lãnh đạo của Evergrande bị triệu tập tới cuộc họp với các nhà quản lý. Cơ quan giám sát hệ thống ngân hàng và bảo hiểm yêu cầu Evergrande phải giải quyết ngay tình trạng nợ nần để duy trì sự ổn định của thị trường tài chính.
Mối quan ngại lớn nhất của giới chức là những căn hộ chưa hoàn thành. Evergrande có gần 800 dự án đang trong quá trình xây dựng, rải khắp hơn 200 thành phố. Theo ước tính của Barclays, có 1,6 triệu căn hộ đã được người mua thanh toán xong tiền nhưng chưa giao nhà.
Wesley Zhang và gia đình nằm trong số hàng trăm nghìn gia đình vẫn đang chờ nhận nhà và giờ thì họ chỉ còn cách hi vọng Evergrande sẽ không thất hứa. "Chúng tôi đang rất lo lắng, cảm thấy mình giống như những con kiến đang bò trên chảo nóng vậy. Chúng tôi không biết phải làm gì nữa". Khoản đầu tư 124.000 USD của anh hoàn toàn có thể biến thành số 0 tròn trĩnh.
Tham khảo New York Times