MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Những con số giật mình về khoản chi nghìn tỷ dành cho các tổ chức tổ chức chính trị xã hội

Nguồn lực xã hội được rót vào các tổ chức công chiếm tới 1,7% GDP của cả nước, tức là tương đương hơn 71.000 tỷ đồng.

Theo Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VERP), ngân sách Trung ương dự toán dành cho Trung ương hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và năm tổ chức chính trị - xã hội trong năm 2014 là 1.261 tỷ đồng. So với thời điểm năm 2006, khoản ngân sách này tăng hơn gấp đôi (từ 532,5 tỷ đồng).

Chi cho hội bằng dự toán chi cho các Bộ đầu ngành

Trong đó, bốn tổ chức chính trị - xã hội nhận được phân bổ ngân sách (dự toán) nhiều nhất trong năm 2014 là Hội Nông dân Việt Nam (401,45 tỷ đồng), Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (359,96 tỷ đồng), Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (270,32 tỷ đồng), và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (154,88 tỷ đồng).

Đặc biệt, chi phí do ngân sách nhà nước để hỗ trợ các tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp cấp Trung ương tăng mạnh trong giai đoạn 2006 - 2014.

Cụ thể, nếu khoản ngân sách dành cho nhóm này năm 2004 là 248,88 tỷ đồng, thì nó đã tăng gần gấp bốn lần và đạt đỉnh vào năm 2010 với 936,59 tỷ đồng; dự toán đạt 638,6 tỷ đồng vào năm 2014.

Như vậy, tổng số tiền ngân sách hỗ trợ cho Trung ương Hội của các tổ chức quần chúng công trong giai đoạn 2006 - 2014 tăng từ 781,3 tỷ đồng (2006) lên 1.899,7 tỷ đồng (dự toán 2014), chiếm khoảng 1,1% dự toán tổng chi ngân sách Trung ương cho các bộ, cơ quan Trung ương trong năm 2014.

Đáng chú ý, đây là khoản tiền tương đương với mức dự toán chi cho Bộ Kế hoạch - Đầu tư (1.873 tỷ đồng), bộ Khoa học - Công nghệ (1.768 tỷ đồng), và Bộ Công thương (1.916 tỷ đồng). Trong năm quyết toán 2012, tổng số tiền này là 2.196 tỷ đồng.

Hàng chục nghìn tỷ đồng được rót vào mỗi năm

Tuy nhiên, theo tính toán của VEPR về tổng chi phí kinh tế của xã hội dành cho các tổ chức quần chúng công, bao gồm cả tài sản và các khoản chi cho nguồn nhân lực, thì con số ngân sách và nguồn lực được rót vào lớn hơn gấp nhiều lần.

Cụ thể, ước lượng giá trị kinh tế của khối tài sản bất động sản của các tổ chức quần chúng công trên cả nước, bao gồm cả trung ương và địa phương là 205,82 nghìn tỷ đồng.

Ngoài ra, một trong những nguồn lực lớn nhất mà các tổ chức quần chúng công sử dụng là các khoản chi cho nguồn nhân lực. Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê (2012), tính đến năm 2012, cả nước có 246.144 người làm việc cho 34.378 cơ sở của tổ chức chính trị, đoàn thể, xã hội được nhà nước đãi ngộ theo chế độ.

Số cán bộ, công chức làm việc cho các tổ chức chính trị, đoàn thể, xã hội được nhà nước trả lương chiếm 7,2% nhân lực làm việc cho nhà nước và 1,1% tổng lực lượng lao động xã hội. Con số này chưa bao gồm số cán bộ không chuyên trách ở cấp xã, phường, thôn, xóm.

Tuy nhiên, theo Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội (2014), toàn quốc có khoảng 229.592 cán bộ không chuyên trách ở cấp xã, trong đó trung bình có ít nhất 7 chức vụ không chuyên trách trên tối thiểu 18 chức danh không chuyên trách (tỷ lệ 40%).

Như vậy, ước tính có khoảng 91.837 cán bộ không chuyên trách hoạt động trong các tổ chức quần chúng công cấp cơ sở. Như vậy, tổng số người hoạt động trong lĩnh vực tổ chức quần chúng công (có biên chế và không có biên chế), ước tính vào khoảng 337.981 người.

Theo đó, VEPR tính toán với kịch bản trung bình, tổng chi phí kinh tế của xã hội cho các tổ chức quần chúng công là 52.688,91 tỷ đồng, và kịch bản thấp là 45.670,59 tỷ đồng. Với kịch bản khả quan, tổng chi phí kinh tế của xã hội cho các tổ chức quần chúng công năm 2014 ước bằng 1,7% GDP của cả nước, tức là tương đương 71.151,40 tỷ đồng.

A.Ngọc

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên