MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Những con số về các ngân hàng trên phố Wall phản ánh gì về sức khỏe kinh tế Mỹ?

25-07-2020 - 13:49 PM | Tài chính quốc tế

Sự hoảng loạn đã được làm xoa dịu, các cú sốc kinh tế đang dần phục hồi. Nhưng sự nghi ngại vẫn còn đó.

Những tác động đầu tiên của virus corona với thị trường tài chính và hệ thống ngân hàng của Mỹ được khắc họa bằng hai chữ "hoảng loạn". Khi các công ty đổ xô tích lũy tiền mặt để sống sót khi lệnh phong tỏa bị áp đặt, họ đã vội vàng bán cổ phiếu và rút sạch hạn mức tín dụng. Những trader đã làm quá tải thị trường với khối lượng giao dịch kỷ lục. Lượng khoản vay được giải ngân tăng vọt. Các nhà quản lý rủi ro điên cuồng cố gắng tính toán các khoản lỗ tiềm năng từ các khoản cho vay.

Tất cả điều này đã được phản ánh trong báo cáo tài chính quý I mà các ngân hàng lớn công bố giữa tháng Tư. Lợi nhuận khổng lồ từ mảng tự doanh đã giúp đẩy mạnh doanh thu của mảng ngân hàng đầu tư. Nhưng điểm mấu chốt là các ngân hàng thương mại phải dành ra 1 lượng vốn để dự phòng rủi ro nợ xấu.

Những con số về các ngân hàng trên phố Wall phản ánh gì về sức khỏe kinh tế Mỹ? - Ảnh 1.

Các khoản dự phòng rủi ro của các ngân hàng đang cao hơn bao giờ hết, trong khi lợi nhuận có xu hướng giảm (Nguồn: The Economist)

Tác động thứ hai ít hỗn loạn hơn, vì sự hỗ trợ của chính phủ đã giúp xoa dịu tâm lý. Tháng 3, Mỹ đã thông qua dự luật tăng trợ cấp thất nghiệp, thiết lập một chương trình cho vay đối với các doanh nghiệp nhỏ và cho phép Cục Dự trữ Liên bang tăng mua trái phiếu doanh nghiệp. Điều này dường như đã bảo vệ các công ty và hộ gia đình khỏi phần lớn thiệt hại, và đã khôi phục trật tự cho thị trường tài chính. Nhưng những khó khăn trong tương lai vẫn còn đó. Những động lực này thể hiện rõ trong báo cáo quý II của Citigroup, Goldman Sachs, JPMorgan Chase và Wells Fargo, bốn ngân hàng lớn nhất của Mỹ.

Khi thị trường trái phiếu bắt đầu hoạt động trơn tru trở lại, các công ty đổ xô bán ra chứng khoán. Ở Mỹ, các công ty đã phát hành hơn 2 triệu USD trái phiếu và cổ phiếu, tăng gần 50% so với đầu năm. Các nhà giao dịch vẫn tất bật: doanh thu giao dịch tăng 70%, lên mức cao nhất mọi thời đại là 26,9 tỷ USD.

Các ngân hàng thương mại đang chuẩn bị cho tác động của cuộc khủng hoảng, nhưng nó vẫn chưa đến. Mặc dù 17,8 triệu người Mỹ đã thất nghiệp vào cuối tháng 6, nhưng rất ít người bị vỡ nợ, nhờ gói kích thích tiêu dùng và trợ cấp thất nghiệp, và các ngân hàng sẵn sàng trì hoãn thanh toán bằng thẻ tín dụng và thế chấp.

Số nợ vào diện khoanh nợ tại bốn ngân hàng đã tăng chỉ từ 22% lên 4,9 tỷ USD trong quý hai, tăng từ 3,9 tỷ USD trong cùng kỳ năm 2019. Ngược lại, 29,5 tỷ USD được dành làm khoản dự phòng cho các khoản lỗ dự kiến, so với chỉ 3,9 tỷ USD trong cùng quý năm 2019.

Liệu cuộc khủng hoảng sẽ khiến các ngân hàng thua lỗ lớn? Một cách suy nghĩ đơn giản về những gì sẽ xảy ra tiếp theo là chia các tổ chức thành ba phần: mảng ngân hàng đầu tư mà đã hoạt động rất tốt cho đến nay; dự phòng cho vay – thứ đặc biệt tốn kém; và còn lại là nhóm "khác" như mảng quản lý tài sản. Phần "khác" của các ngân hàng lớn nhìn chung khá ổn định. Nếu các khoản dự phòng rủi ro cho vay và doanh thu từ ngân hàng đầu tư đều không thay đổi trong năm, thu nhập ròng sẽ giảm trung bình chỉ 1% đối với cả Citi, JPMorgan và Wells.

Do đó, số phận lợi nhuận của các ngân hàng dường như phụ thuộc vào số phận của hoạt động kinh doanh ngân hàng đầu tư và các khoản dự phòng. Doanh thu ngân hàng đầu tư sẽ tăng trưởng chậm lại. Khối lượng giao dịch đã giảm trong tháng 6 và đầu tháng 7 từ mức cao trong tháng 3 và tháng 4. Jamie Dimon, giám đốc điều hành của JPMorgan, cho rằng doanh thu giao dịch sẽ "bình thường hóa" hoặc thậm chí giảm xuống dưới mức bình thường vào cuối năm nay.

Khó có thể biết được sự dự liệu trên là đúng hay sai. Chúng dựa trên một số giả định liên kết chặt chẽ với nhau. Một là về diễn biến của dịch bệnh, hai là sự tiến hóa của virus ảnh hưởng như thế nào đến thất nghiệp và tăng trưởng kinh tế. Và không thể thiếu các giả định về ảnh hưởng của các kích thích tài khóa, và cách người tiêu dùng cũng như doanh nghiệp phản ứng với chúng.

Nền kinh tế Mỹ được dự báo đến tận cuối năm 2021 cũng chưa thể hồi phục để bằng với mức thời điểm cuối năm 2019. Tỷ lệ thất nghiệp dự kiến sẽ duy trì ở mức hai con số cho đến cuối năm nay, trước khi giảm dần. Nhưng các ông chủ ngân hàng nhấn mạnh rằng sự không chắc chắn đang bao trùm lên mọi thứ. "Chúng ta đang ở trong một môi trường hoàn toàn không thể đoán trước được", theo ông Michael Corbat, giám đốc điều hành của Citi, cho biết. "Trong 1 cuộc suy thoái kinh tế thông thường, các khoản nợ tăng lên, các khoản phí tăng lên, giá nhà đi xuống, thu nhập đi xuống, tiết kiệm đi xuống. Nhưng lần này các mối quan hệ thông thường không còn chính xác nữa. Ngay cả khi thất nghiệp tăng vọt thì thu nhập vẫn tăng lên."

Nếu các khoản doanh thu từ ngân hàng đầu tư giảm và các ngân hàng tiếp tục phải tăng dự phòng, các khoản lỗ có thể xuất hiện trong quý thứ ba. Nhưng một kịch bản tích cực khác có thể xảy ra: các biện pháp kích thích của chính phủ tiếp tục giúp giảm nợ, và cuối cùng các ngân hàng có lượng vốn dự phòng cao chót vót. Đó sẽ là tin tức tốt lành đối với các cổ đông. Ngay cả khi chỉ số s&p 500 đã phục hồi, giá cổ phiếu ngân hàng vẫn thấp hơn một phần ba so với đầu năm. Nhưng với số trường hợp nhiễm covid-19 tăng lên, điều đó dường như ngày càng khó xảy ra.

Theo The Economist

Mỹ Linh

Tổ Quốc

Trở lên trên