Những “con sóng ngầm” thâu tóm dự án của các đại gia bất động sản
Năm 2019 tiếp tục ghi nhận hoạt động chuyển nhượng, thâu tóm dự án BĐS diễn ra sôi động nhằm mở rộng quỹ đất của các đại gia địa ốc. Trong số đó, không ít những thương vụ chỉ là sang tay trong nội bộ.
Xu hướng săn quỹ đất ở các vùng đất mới
Cùng với sự phát triển rầm rộ của các độ thị vệ tinh xung quanh 2 TP lớn là Hà Nội và TP.HCM trong một hai năm qua, thị trường BĐS những vùng đất mới bắt đầu trỗi dậy với xu hướng dòng tiền đổ vào đầu tư đất nền và BĐS du lịch ven biển.
Đây cũng là lúc các đại gia địa ốc liên tục có những hoạt động thâu tóm quỹ đất mới bằng các hình thức đấu giá, đấu thầu hoặc M&A lại các công ty địa phương sở hữu sẵn dự án từ trước. Chẳng hạn mới đây là trường hợp của Công ty CP Đầu tư kinh doanh bất động sản Hà An thuộc Đất Xanh đã vượt qua 5 đại gia khác và chi hơn 3.000 tỷ để thâu tóm quỹ đất 92ha tại Đồng Nai. Ngoài ra, Đất Xanh còn thâu tóm thêm 2 dự án BĐS khác ở Bình Dương nhưng giá trị thương vụ không được tiết lộ.
Nhiều thương vụ khác cũng đã âm thầm sang tay thời gian qua. Hồi đầu năm Novaland cũng đã thâu tóm thành công quỹ đất khoảng 100ha tại Bà Rịa – Vũng Tàu từ một đại gia BĐS khác; Phú Mỹ Hưng – một tên tuổi lớn trong làng BĐS những năm gần đây cũng liên tục mở rộng thêm quỹ đất từ các thương vụ M&A, lần này không phải tại TP.HCM mà nhà phát triển này Bắc tiến khi đầu tư chiến lược vào Bắc Ninh.
Phú Mỹ Hưng đã thâu tóm dự án Khu đô thị sinh thái Hồng Hạc - Xuân Lâm quy mô khoảng 198ha từ công ty công đoàn của Vietinbank sau khi 2 cổ đông lớn nắm 30% thoái vốn khỏi dự án là Hateco (25%) và Handico 36 (5%). Nhà phát triển nay mới đây cũng đã công bố đầu tư vào Hòa Bình thông qua công ty con là Phú Hưng Khang và mua lại 99% cổ phần Công ty Đầu tư San Nam Hoà Bình, với tham vọng phát triển đô thị Phú Mỹ Hưng thứ 2 quy mô 450ha ở Hòa Bình. Trước đó để chuẩn bị tài chính Phú Mỹ Hưng đã vay 400 triệu USD từ nhóm ngân hàng Đài Loan, Trung Quốc và Hồng Kông và 75 triệu USD từ IFC.
Nhộn nhịp sang tay "đất vàng" ở Hà Nội và Tp.HCM
Tại thị trường TP.HCM, hoạt động M&A dự án BĐS cũng diễn ra khá sôi động từ nhiều "ông lớn". Tháng 5/2019, thông qua công ty con, Keppel Land mua lại 3 khu đất, tổng diện tích 6,2ha, thuộc huyện Nhà Bè, TP.HCM của Công ty CP địa ốc Phú Long, thương vụ này đem lại cho Phú Long khoảng trên 1.300 tỷ. Keppel Land dự tính xây khu tổ hợp khoảng 2.400 căn hộ cao cấp.
Một ông lớn khác là CapitaLand cũng đã chính thức sở hữu dự án OneHub Saigon vào danh mục đầu tư tại Việt Nam. Đây là khu phức hợp văn phòng thương mại, công nghiệp và vận tải rộng 12ha nằm ở lối vào Khu công nghệ cao Sài Gòn, tiếp giáp Xa Lộ Hà Nội.
Trong khi đó, tập đoàn Hà Đô cũng đã thâu tóm thành công khu đất 2,6ha trên đường Phạm Văn Đồng (Q.Thủ Đức TP.HCM) từ Công ty Lương thực.
Tại Hà Nội, những khu đất vàng cũng được chuyển nhượng nhộn nhịp ở các dự án. Đơn cử như 2 khu đất có diện tích 3,8ha tại Khu đô thị Gia Lâm được chuyển nhượng cho cho Công ty TNHH Bất động sản Minh Tân Hà Nội; 2 khu đất tại Khu đô thị Tây Mỗ - Đại Mỗ lần lượt có diện tích là 3,15ha và 3,32ha được chuyển nhượng cho Công ty cổ phần HBI và Công ty TNHH Bất động sản Phương Đông Hà Nội.
Tháng 7 vừa qua, HĐQT Công ty cổ phần Sông Đà 1.01 ban hành Nghị quyết số 08/2019/NQ-HĐQT về việc thống nhất chuyển nhượng Dự án Eco Green Tower - số 1 Giáp Nhị (quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho Công ty TNHH Thương mại và Đầu tư bất động sản Bình Minh, thuộc Tập đoàn Viễn Đông.
Hay mới đây, Công ty Phú Điền cũng đã thâu tóm một phần Dự án CT-01 và CT-03 nằm trong dự án dọc trục đường Tây Thăng Long, với giá trị thương vụ này ước tính trên 795 tỷ và 374 tỷ…
Những thương vụ sang tay nội bộ
Bên cạnh những thương vụ đổi chủ dự án thì thị trường còn ghi nhận những cuộc sang tay dự án chỉ với mục đích tái cấu trúc, bởi bản chất hệ thống các công ty bán và mua đều nằm trong nhóm công ty cùng một chủ.
Mới đây, tòa chung cư Summit Building trên đường Trần Duy Hưng cũng đã được chuyển nhượng lại cho Công ty cổ phần Veracity. Tòa nhà cao 35 tầng có tổng mức đầu tư khoảng 800 tỷ, được giới thạo tin cho rằng chỉ là động thái tái cấu trúc dự án.
Hay một thương vụ khác vừa diễn ra, đó là Netland bán một phần dự án cho Danh Khôi Holdings tại Bà Rịa – Vũng Tàu. Bản chất thì hai công ty này đều thuộc hệ thống các công ty mà ông Lê Thống Nhất hiện đang là chủ tịch HĐQT và sở hữu phần lớn cổ phần.
Một thương vụ khác là khu đất vàng tứ giác Bến Thành (Spirit of Saigon) cũng vừa chính thức đổi chủ. Tuy nhiên về bản chất thì dự án này vẫn của Bitexco, bởi chủ đầu tư mới là Công ty TNHH Saigon Glory (đây là công ty con do Bitexco sở hữu).
Theo ông Phan Xuân Cần, Chủ tịch SohoVietnam – đơn vị đã tư vấn nhiều thương vụ M&A thành công, nhận định hiện nay mục tiêu thâu tóm dự án của các đại gia BĐS có tiềm lực khá rõ ràng. Họ không còn "găm đất" mà sẵn sàng liên kết hợp tác phát triển thành những dự án tầm cỡ. Đó là điểm khác biệt giữa hoạt động M&A trước đây và bây giờ.
Những thương vụ thâu tóm dự án BĐS thời gian gần đây diễn ra khá âm thầm, các bên liên quan thường không muốn tiết lộ các thông tin chi tiết liên quan đến giao dịch, bởi họ muốn hạn chế mức độ ảnh hưởng đến quá trình, chiến lược đầu tư dự án của mình. Vì thế, thị trường gần đây luôn có những "con sóng ngầm" diễn ra âm thầm.