MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Những cuộc phỏng vấn đầu vào "khó nhằn" của Amazon, chỉ một ý kiến cũng đủ đánh trượt các ứng viên

20-04-2018 - 09:42 AM | Sống

Làm việc tại một trong những doanh nghiệp nổi tiếng nhất toàn cầu như Amazon hẳn phải là một niềm tự hào. Nhưng đằng sau hào nhoáng của cái tên đó là sự cạnh tranh khốc liệt và những ngày làm việc cật lực đến 15 tiếng.

Theo cuốn sách bestseller năm 2013 "The everything Store", trong những ngày đầu làm việc ở Amazon, đừng bao giờ nói về sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống nếu như ứng viên không muốn tự loại mình khỏi cuộc chơi.

Amazon đặc biệt nổi tiếng về văn hóa làm việc "đẩy con người tới các giới hạn". Trong một tít báo năm 2015 của tờ New York Times, người ta đã gọi công ty này là "nơi làm việc bầm dập." 

Trả lời tạp chí Times về những tuần làm việc hơn 80 tiếng, một cựu nhân viên của Amazon cho hay: "Có một câu nói đùa ở công ty chúng tôi là, muốn đạt được sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống thì công việc phải đặt lên hàng đầu, cuộc sống chỉ là thứ yếu và nỗ lực cân bằng hai thứ đó là xếp hạng cuối cùng". 

Những cuộc phỏng vấn đầu vào khó nhằn của Amazon, chỉ một ý kiến cũng đủ đánh trượt các ứng viên - Ảnh 1.

Những nhân viên của Amazon từng tiết lộ đây là môi trường làm việc khắc nghiệt.

Amazon đã nhanh chóng đáp trả tờ Times bằng một bài đăng trên trang Medium, ám chỉ rằng các phòng viên của tạp chí Time đã đưa ra những câu chuyện sai sự thật và "xuyên tạc" về công ty.

Trước đó, tạp chí Business Insider cũng có bài viết về vấn đề này: Có hàng trăm review trên trang đánh giá việc làm Glassdoor cho biết họ bị thiếu hụt sự cân bằng công việc – cuộc sống trong thời gian làm việc tại Amazon.

Một người đang là quản lí khu vực ở Haslet, tiểu bang Texas viết: "Đó là những giờ làm việc căng thẳng. Hãy chuẩn bị tinh thần làm việc ít nhất 12 tiếng mỗi ngày và số giờ làm việc có thể lên đến 15- 16 giờ mỗi ngày trong nhiều tháng liền. Quản lí cấp cao sẽ chẳng quan tâm đến sự cân bằng công việc – cuộc sống của bạn và liên tục yêu cầu làm thêm giờ."

Tuy nhiên, một số nhân viên khác lại đánh giá cao sự cân bằng công việc – cuộc sống mà họ được hưởng khi làm việc tại Amazon. Một chuyên viên tư vấn bán hàng lâu năm ở Charleston, tiểu bang Carolina cho biết: "Trong tất cả các tổ chức và trong các vị trí mà tôi đã từng đảm nhiệm trong nhiều năm trước đây, Amazon là công ty tạo ra được sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống".

Trong khi đó, một nghiên cứu năm 2015 được công bố trên tạp chí Corporate Finance và tạp chí Wall Street đã chỉ ra Amazon có chỉ số cân bằng công việc – cuộc sống của nhân viên ở mức thấp hơn nhiều tập đoàn công nghệ khác, dựa vào các đánh giá trên trang Glassdoor.

Trước đây, Bezos cũng đã đề cập đến chủ đề sự cân bằng công việc – cuộc sống. Trên trang công nghệ Tech Crunch, ông nói ông thích cụm từ sự "hài hòa công việc – cuộc sống" hơn là "sự cân bằng công việc – cuộc sống", với ngụ ý rằng "cân bằng cuộc sống cần rất nhiều sự đánh đổi".

Trong cuộc phỏng vấn với Thrive Global, Bezos từng nói rằng: "Nếu tôi hạnh phúc với công việc của mình, tôi sẽ có một gia đình hạnh phúc và là một người chồng, người cha tốt. Khi gia đình tôi hạnh phúc, tôi sẽ tràn đầy năng lượng để quay trở lại làm việc, sẽ trở thành một nhân viên tốt, một đồng nghiệp tốt".

Tuy nhiên, những năm gần đây Amazon cũng như những công ty công nghệ ở thung lũng Silicon đã bắt đầu nhận ra sự bất hợp lý trong thời gian làm việc và yêu cầu cần phải thay đổi của thời đại công nghệ cao. Như phóng viên Steve Kovach của tờ Business Insider từng bình luận rằng, thung lũng Sillicon bắt đầu nhận ra vấn đề làm việc quá sức.

Arianna Huffington, Tổng biên tập tờ Huffington Post, CEO của tập đoàn công nghệ Thrive Global và thành viên hội đồng quản trị của Uber, trong cuộc họp toàn công ty Uber đã phát biểu rằng nhân viên không cần phải làm việc mọi lúc mọi nơi. Bà nói thêm: "Khi bạn làm việc quá nhiều, bạn sẽ kiệt sức, bạn bị phân tâm và không còn khả năng sáng tạo như lúc bạn được nghỉ ngơi điều độ".

Hoài Thu

Business Insider

Trở lên trên