MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Những dấu chấm lặng trong năm 2022: Từ Parkson sang chảnh 1 thời hay Baemin năng động, sáng tạo đều đã "bay màu" tại Việt Nam

17-12-2023 - 12:21 PM | Doanh nghiệp

Sức mua giảm, khó khăn trong cạnh tranh và thua lỗ nhiều năm là những nguyên nhân chung khiến nhiều thương hiệu nước ngoài đình đám phải dừng bước tại thị trường Việt Nam sau một số năm gia nhập. Trong đó có những cái tên quen thuộc như Parkson (trung tâm thương mại) hay Baemin (dịch vụ giao đồ ăn).

PARKSON - biểu tượng trung tâm thương mại sang chảnh một thời, rời thị trường Việt Nam sau 18 năm hoạt động

Trung tuần tháng 4, Công ty TNHH Parkson Retail Asia - PRA (niêm yết tại sàn chứng khoán Singapore), đơn vị sở hữu 100% vốn của Công ty TNHH Parkson Việt Nam (Parkson Vietnam Co Ltd), công bố thông tin tiến hành nộp đơn phá sản tự nguyện lên tòa án tại TPHCM vào ngày 28/4.

PRA là công ty con của tập đoàn bán lẻ Parkson Holdings Bhd (Malaysia), với tỷ lệ sở hữu 67,96%.

Trong một báo cáo của PRA cho Sở Giao dịch Chứng khoán Singapore, công ty này cho biết, Parkson Việt Nam có lịch sử hoạt động thua lỗ nhiều năm. Những khoản lỗ ngày càng tăng trong bối cảnh kinh doanh đầy thách thức do hậu quả của đại dịch Covid-19.

Parkson Holdings cũng nhắc đến thách thức từ việc không được hỗ trợ về vấn đề mặt bằng, phải đóng cửa vì dịch, cũng như khó khăn về thuế đất.

Tập đoàn đánh giá việc Parkson tiếp tục kinh doanh tại Việt Nam là không khả thi về mặt thương mại. Việc nộp đơn đăng ký phá sản (từ 28/4) sẽ mang lại lợi ích cao nhất cho Parkson Việt Nam. Điều này đồng nghĩa với sự chấm dứt hoạt động của hệ thống TTTM từng một thời là biểu tượng bán lẻ sang chảnh với những thương hiệu đắt đỏ, nổi tiếng.

Parkson tham gia vào thị trường Việt Nam từ năm 2005 và trở thành một trong những siêu thị bán lẻ hàng hiệu quốc tế đầu tiên tại đây.

Trong 8 năm tiếp theo, Parkson đã phát triển thành một trong những chuỗi bán lẻ có quy mô lớn nhất cả nước, đáp ứng nhu cầu mua sắm, làm đẹp của giới nhà giàu tại hai đô thị lớn là TP HCM và Hà Nội thời điểm đó chưa có nhiều trung tâm thương mại cao cấp.

Đến năm 2012, Parkson có 8 trung tâm thương mại (TTTM) bao gồm 5 TTTM sở hữu là Hùng Vương, Flemington, Long Biên, Viet Tower, Landmark và 3 TTTM thuê lại để quản lý là Saigon Tourist, Paragon và C.T. Ngoài ra, Parkson còn có một TTTM tại Hải Phòng.

Năm 2013, Parkson công bố sẽ tiếp nhận 2 trung tâm thương mại nữa tại TP HCM dưới dạng hợp đồng quản lý là Parkson Cantavil (quận 2) và Parkson Leman (nằm trên đường Nguyễn Đình Chiểu, quận 3).

Giai đoạn khó khăn của Parkson rõ nét từ năm 2015. Với tổng cộng 4 TTTM bị đóng cửa trong vòng 4 năm, Parkson đã cho thấy dấu hiệu đuối sức trong cuộc chạy đua giành thị phần bán lẻ khi mà ngày càng có nhiều đối thủ "ngoại" xâm nhập và những đối thủ "nội" trong nước mạnh lên.

Nhiều nhà quan sát nhận định, thời điểm Parkson mới ra đời, họ chỉ cạnh tranh với Diamond mà khi đó Diamond còn rất nhỏ và Parkson được xem là duy nhất. Nhưng 10 năm sau, nhiều TTTM lớn, hiện đại, quy mô ra đời khiến Parkson dần trở nên lạc hậu.

Về không gian mua sắm, cách thiết kế của các TTTM ra đời sau hiện đại, tinh tế hơn so với Parkson, hàng hóa cũng phong phú hơn so với Parkson.

Những đối thủ vào sau như Crescent Mall, Lotte, Aeon... đều đánh vào nhu cầu sử dụng dịch vụ nhiều hơn của nhóm khách hàng có thu nhập trung bình và thấp. Từ việc tích hợp khu vui chơi, rạp chiếu film và ăn uống trong khu mua sắm khiến sức mua được cải thiện và mở rộng được nhóm khách hàng hơn so với chỉ nhắm vào một nhóm đối tượng như Parkson.

Bản thân Parkson không có sự thay đổi từ phong cách đến phương pháp kinh doanh. Họ giữ nguyên mô hình kinh doanh nhắm vào giới thu nhập cao, ít có các hoạt động hướng tới giới thu nhập trung bình hoặc khách hàng tiềm năng ở những đối tượng khác.

Việc chậm đổi mới đã khiến khách hàng dần quay lưng với Parkson, doanh thu tụt giảm nghiêm trọng và tình trạng thua lỗ kéo dài trong những năm qua.

Ứng dụng BAEMIN chính thức ngừng hoạt động tại thị trường Việt Nam từ 0h ngày 8/12/2023

Baemin là ứng dụng giao đồ ăn của startup kỳ lân Woowa Brothers - công ty giao thực phẩm có giá trị tỷ đô với nền tảng giao đồ ăn Baedal Minjok, hiện chiếm hơn 50% thị phần tại xứ kim chi. 

Tháng 6/2019, kỳ lân này ra mắt ứng dụng giao đồ ăn Baemin tại Việt Nam, hoạt động đầu tiên tại thị trường TP.HCM. Xuất hiện khá muộn so với nhiều tên tuổi giao đồ ăn và giao nhận khác, nhưng BAEMIN đã tạo được ấn tượng tốt và thu hút sự chú ý đáng kể với “đội quân xanh mint” phủ xanh đường phố, những thiết kế với phông chữ đặc trưng và ấn tượng, cũng như những hình tượng nhân vật đại diện thương hiệu như Mèo Mập đáng yêu và Shipperman mũ xanh dí dỏm.

Ngay từ đầu, BAEMIN xác định sử dụng chiến lược “vết dầu loang”. Cụ thể, hãng sẽ dồn sức “đánh chiếm” từng quận trung tâm trong TP.HCM và chỉ mở rộng ra các tỉnh thành khác khi đã nắm chắc địa bàn. Đây được đánh giá là chiến lược khôn ngoan bởi sẽ vượt qua được một bất lợi rất lớn về số lượng tài xế lúc ban đầu, đồng thời giúp xây dựng hình ảnh một cách vững vàng.

Nhìn lại từ ngày đầu tham gia thị trường cho tới khi chào tạm biệt, có thể thấy hình ảnh của BAEMIN được “viral” hoàn toàn tự nhiên và thông minh. Marketing sáng tạo, gần gũi và tạo được dấu ấn riêng biệt là điểm mạnh của thương hiệu này. 

Tuy nhiên kinh tế khó khăn, cộng với thị trường cạnh tranh khốc liệt là những lý do (được tuyên bố) khiến thương hiệu này phải rút khỏi Việt Nam khép lại gần 5 năm gia nhập thị trường.

Tính đến năm vừa qua, theo thống kê của Momentum Works, Grab chiếm 45% thị phần giao đồ ăn tại Việt Nam, tiếp đến là ShopeeFood chiếm 41%, riêng Baemin chỉ giữ khoảng 12% thị phần.

Nhiều người tiêu dùng cho biết mặc dù rất có thiện cảm với Baemin, nhưng nguyên nhân chủ yếu khiến họ cản trở dùng dịch vụ là vì ít có chương trình khuyến mãi so với các đối thủ lớn khác.

Theo Trọng Nghĩa

An ninh tiền tệ

Trở lên trên