MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Những đầu tàu ASEAN (K1): Đuổi theo những con hổ

14-08-2017 - 12:19 PM | Tài chính quốc tế

Cùng chia sẻ khu vực địa lý ở Đông Nam Á, nhưng một số nước trong khu vực như Singapore, Thái Lan, Malaysia và Indonesia lại có nền sản xuất vượt trội hơn những nước khác. Điều gì là “bí quyết” thành công của họ?

Với GDP danh nghĩa năm 2017 ước tính đạt 344,84 tỷ USD và thu nhập bình quân đầu người đạt 10.756 USD, Malaysia hiện là nền kinh tế lớn thứ 3 ASEAN và cũng là nước có thu nhập bình quân đầu người đứng thứ 3 trong khu vực. Trong thực tế, nếu tính theo sức mua tương đương, GDP Malaysia ước tính đạt tới 913,59 tỷ USD trong năm nay, và thu nhập bình quân đầu người 28.490 USD. Mục tiêu cụ thể Trong định hướng phát triển kinh tế của mình, Malaysia nhắm tới các thị trường xuất khẩu là các nước trong khu vực ASEAN và các nước phát triển như Nhật Bản, Hoa Kỳ và châu Âu.

Trong những năm 1970, Malaysia bắt đầu bắt chước theo 4 nền kinh tế được mệnh danh những “con hổ châu Á” (Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Công và Singapore) và cam kết sẽ chuyển từ phụ thuộc vào khai thác mỏ và nông nghiệp sang nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào sản xuất.

Năm 1991, cựu Thủ tướng Malaysia Mahathir bin Mohamad vạch ra Tầm nhìn 2020, trong đó Malaysia sẽ trở thành nước công nghiệp hóa tự cung tự cấp vào năm 2020. Tan Sri Nor Mohamed, một bộ trưởng cho biết Malaysia có thể gia nhập các nước phát triển vào năm 2018. Để làm được điều này, chính phủ Malaysia đã đề ra những biện pháp và mục tiêu cụ thể. Giai đoạn trước năm 1970 là những năm đầu sau khi giành độc lập. Nhìn chung các chính sách kinh tế của Malaysia giai đoạn này mang tính bảo hộ nhiều hơn là mở cửa, chủ yếu hướng nội. Chính phủ đã sử dụng hệ thống bảo hộ thuế quan làm công cụ khuyến khích khu vực chế tạo, nhưng nền kinh tế chủ yếu vẫn dựa vào khai thác mỏ và nông nghiệp.

Từ năm 1970, chính phủ bắt đầu khuyến khích các ngành xuất khẩu có ưu thế về điều kiện tự nhiên như cao su, dầu cọ, gỗ, dầu khí. Ngoài ra, nước này cũng chú trọng phát triển các ngành thâm dụng lao động như dệt may và giày dép. Bên cạnh đó Malaysia thực hiện chính sách bảo hộ mậu dịch đối với các ngành công nghiệp non trẻ, sau này trở thành những sản phẩm xuất khẩu mũi nhọn như máy giặt, máy lạnh, tivi…


Tháp đôi Petronas, biểu tượng thành tựu kinh tế Malaysia.

Tháp đôi Petronas, biểu tượng thành tựu kinh tế Malaysia.

Tự do hóa thương mại Để khuyến khích đầu tư và đẩy mạnh xuất khẩu trong giai đoạn này, chính phủ Malaysia đã sử dụng một số biện pháp: Cho phép áp dụng chế độ khấu hao nhanh đối với các công ty xuất khẩu chiếm từ 20% giá trị sản lượng trở lên; áp dụng chính sách miễn, giảm thuế đầu vào sản xuất và thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các công ty sản xuất và kinh doanh xuất khẩu; đẩy mạnh thành lập các khu chế xuất để khuyến khích thu hút đầu tư nước ngoài; đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, xây dựng hệ thống kho hàng miễn phí tại những khu vực có quy mô sản xuất hàng xuất khẩu lớn; áp dụng chính sách bảo lãnh vay và cho vay với lãi suất ưu đãi hỗ trợ sản xuất và kinh doanh xuất khẩu; thực hiện các biện pháp thu hút đầu tư nước ngoài nhằm thu hút vốn, công nghệ và liên kết thương hiệu để phát triển khả năng sản xuất hàng xuất khẩu, đồng thời từng bước tạo lập uy tín và xây dựng thương hiệu các sản phẩm sản xuất trong nước ra thị trường thế giới; áp dụng chính sách bảo hộ mậu dịch đối với các ngành công nghiệp non trẻ thông qua công cụ thuế quan, hạn chế nhập khẩu sản phẩm làm nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất các sản phẩm công nghiệp chế tạo...

Từ năm 1990 đến nay, để hiện thực hóa mục tiêu trở thành nước công nghiệp năm 2020, chính phủ Malaysia đã từng bước thực hiện tự do hóa thương mại kết hợp với thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm công nghiệp chế tạo. Chính phủ đã thúc đẩy tự do thương mại bằng việc cắt giảm thuế quan theo lộ trình quy định của khu vực mậu dịch tự do ASEAN hoàn thành năm 2003, đồng thời giảm dần các mặt hàng áp dụng biện pháp hạn chế nhập khẩu về số lượng.

Để thúc đẩy xuất khẩu, chính phủ cho thành lập các trung tâm xúc tiến thương mại với nhiệm vụ hỗ trợ các công ty xuất khẩu mở rộng và đa dạng hóa thị trường. Chính phủ cũng đẩy mạnh hoạt động tư vấn và hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là đội ngũ cán bộ làm công tác marketing và yêu cầu chuyên môn kỹ thuật về thiết kế sản phẩm, đàm phán và ký kết hợp đồng ngoại thương.

Chính phủ Malaysia rất tích cực trong việc tổ chức, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các kỳ hội chợ, triển lãm quốc tế trong và ngoài nước; hỗ trợ các công ty trong việc thanh toán các hợp đồng ngoại thương thông qua việc ký kết các hiệp định hợp tác giữa Ngân hàng Trung ương Malaysia với ngân hàng trung ương nước ngoài. Nâng cao chuỗi giá trị Trong giai đoạn này chính phủ Malaysia đã chú trọng đến việc nâng cao giá trị gia tăng trong ngành sản xuất của đất nước.

Cụ thể, Malaysia hướng tới tăng năng suất bằng cách cải thiện quản lý lao động và thúc đẩy các ngành sản xuất thâm dụng vốn. Chính phủ đặc biệt chú trọng đến sự phát triển của các ngành công nghiệp sản xuất có giá trị gia tăng cao bằng cách thúc đẩy đầu tư vào các công ty sản xuất những sản phẩm có giá trị gia tăng, sử dụng lao động có tay nghề cao, thân thiện với môi trường và có thể cung cấp các liên kết cho ngành sản xuất. Chẳng hạn, nhà nước thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp thức ăn chăn nuôi như một tiền đề thúc đẩy ngành chăn nuôi. Để thúc đẩy các ngành công nghiệp sản xuất có giá trị gia tăng cao, chính phủ đã thực hiện 3 biện pháp chính: (1) Các công ty đa quốc gia phải cam kết gia tăng tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm của mình đạt 50% vào năm thứ 3 hoạt động nếu muốn ở lại trong danh sách ưu tiên của chính phủ.

(2) Thành lập các trung tâm ươm tạo để hỗ trợ hoạt động phát triển kinh doanh. (3) Ưu tiên thành lập các khu công nghiệp chuyên biệt hơn là các khu công nghiệp tổng quát để phục vụ cho các ngành công nghiệp ưu tiên như sản xuất đồ mộc và hàng dệt may, da giày... Trong các ngành giá trị gia tăng cao, Malaysia đặc biệt chú ý phát triển ngành điện tử. Để phát triển ngành này, Malaysia đã tạo nhiều ưu đãi cho các nhà đầu tư Nhật Bản - nhà khổng lồ về công nghiệp điện tử. Chẳng hạn Luật Đầu tư sửa đổi năm 2003 đã tháo gỡ các quy định về hạn chế sự tham gia góp vốn của các công ty nước ngoài trong các ngành công nghiệp; cải cách hành chính công theo khuyến nghị từ Nhật Bản; tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành điện tử bằng cách hỗ trợ các công ty trong nước bằng nhiều hình thức để hợp tác với các công ty nước ngoài như Tập đoàn Matshushita của Nhật Bản...

Đến nay hàng điện tử chiếm trên 50% kim ngạch xuất khẩu của Malaysia, trong đó sản phẩm điện tử chuyên dùng chiếm gần 50%, linh kiện điện tử 40%, sản phẩm điện tử dân dụng chỉ chiếm 10%.(còn tiếp)

Theo Vinh Trang

Sài Gòn Đầu tư Tài chính

Trở lên trên