Những địa phương nào được đầu tư, mở rộng sân bay trong năm 2022?
TP Hồ Chí Minh, Quảng Bình, Quảng Trị, Điện Biên và Bà Rịa - Vũng Tàu là những địa phương được đầu tư xây dựng và mở rộng sân bay năm 2022
- 30-01-2022Singapore, Nhật Bản và Hàn Quốc, đâu là quốc gia "mạnh tay" đầu tư vào Việt Nam nhất kể từ đầu năm?
- 30-01-2022Việt Nam là 1 trong 10 đối tác thương mại hàng đầu của Mỹ năm 2021
Thành phố Hồ Chí Minh
Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, nhà ga hành khách T3 sân bay Tân Sơn Nhất sẽ được xây dựng, là công trình phụ trợ đồng bộ, phục vụ khai thác nội địa tại sân bay Tân Sơn Nhất.
Dự kiến nhà ga này sẽ đi vào khai thác kể từ năm 2024 với công suất 20 triệu hành khách/năm. Được biết, dự án sử dụng bằng nguồn vốn hợp pháp của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - ACV (không sử dụng vốn ngân sách Nhà nước). Nhà ga hành khách T3 có tổng vốn đầu tư khoảng 10.990 tỷ đồng, có thời hạn hoạt động 50 năm kể từ ngày có quyết định giao đất, cho thuê đất.
Quảng Trị
Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư dự án theo phương thức PPP tại Quyết định số 2148/QĐ-TTg ngày 20/12/2021.
UBND tỉnh Quảng Trị cho biết tổng mức đầu tư của dự án là 5.822,9 tỷ đồng. Dự kiến dự án thực hiện trong 50 năm, trong đó giai đoạn chuẩn bị dự án và đầu tư xây dựng từ năm 2021 - 2024 (thời gian thực hiện đầu tư xây dựng 22 tháng kể từ ngày ký hợp đồng). Thời gian vận hành, thu phí hoàn vốn là 47 năm 4 tháng.
Trong đó, giai đoạn 1 là 2.913,6 tỷ đồng, bao gồm vốn do nhà đầu tư huy động là 2.680,5 tỷ đồng và vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ để thực hiện giải phóng mặt bằng, tái định cư là 233,103 tỷ đồng.
Quảng Trị là sân bay thứ hai trên cả nước được đầu tư theo hình thức PPP, sau sân bay quốc tế Vân Đồn.
Giai đoạn 2 là 2.909,3 tỷ đồng, bao gồm vốn nhà đầu tư là 2.829,6 tỷ đồng và vốn ngân sách Nhà nước là 79,7 tỷ đồng. Địa điểm thực hiện dự án tại các xã Gio Quang, Gio Hải và Gio Mai, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị.
Điện Biên
Ngày 27/3/2021, Thủ tướng chấp thuận chủ trương đầu tư dự án mở rộng sân bay Điện Biên - sân bay duy nhất trong 6 tỉnh biên giới Tây Bắc của Việt Nam.
Sân bay Điện Biên được khôi phục từ sân bay Mường Thanh do người Pháp xây dựng. Hiện nay sân bay Điện Biên có 1 đường băng dài 1.830m, rộng 30m. Sân bay được đưa vào sử dụng từ năm 1994, hệ thống trang thiết bị giản đơn, sân đỗ tàu bay có 3 vị trí đỗ, nhà ga hành khách được xây dựng năm 2004 có công suất 300.000 khách/năm.
Dự án mở rộng sân bay Điện Biên có tổng mức đầu tư hơn 1.467 tỉ đồng từ nguồn vốn của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - ACV. Chi phí giải phóng mặt bằng có tổng mức đầu tư 1.555 tỉ đồng từ nguồn ngân sách của tỉnh Điện Biên.
Mục tiêu của dự án là nâng cấp hạ tầng sân bay, đáp ứng khai thác được các máy bay Airbus A320, A321 và tương đương, thay vì chỉ khai thác các máy bay nhỏ như trước đó. Đồng thời nâng cấp nhà ga hành khách hiện hữu từ 300.000 hành khách/năm lên 500.000 khách/năm. Dự kiến, dự án nâng cấp sân bay Điện Biên sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác vào quý 3/2023.
Côn Đảo
Năm 2021, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch cảng hàng không (sân bay) Côn Đảo giai đoạn đến năm 2030, nhằm nâng công suất sân bay này từ 400.000 khách như hiện nay lên 2 triệu khách/năm.
Sân bay Côn Đảo nằm tại huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có chức năng là sân bay nội địa, dùng chung dân dụng và quân sự. Sân bay này được nâng cấp từ 3C lên cấp 4C (theo mã tiêu chuẩn của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế - ICAO) và sân bay quân sự cấp II.
Sân bay Côn Đảo nằm tại huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có chức năng là sân bay nội địa, dùng chung dân dụng và quân sự.
Hiện sân bay Côn Đảo chỉ khai thác ban ngày với năng lực phục vụ 400.000 hành khách/năm. Theo quy hoạch được duyệt, đến năm 2025 công suất sân bay Côn Đảo đạt 500.000 khách/năm. Tuy nhiên, trong điều chỉnh quy hoạch lần này, công suất sân bay Côn Đảo được nâng lên 2 triệu hành khách/năm và 4.400 tấn hàng hóa/năm.
Tổng nhu cầu sử dụng đất của sân bay Côn Đảo khoảng 181,745 ha gồm 104,604 ha diện tích đất sân bay hiện hữu và diện tích đất bổ sung khoảng 76,908 ha. Trong đó dành 32,266 ha dự trữ kéo dài đường băng khi có nhu cầu
Quảng Bình
Nhà ga hành khách T2 – Cảng hàng không Đồng Hới cũng được thúc đẩy triển khai dự án trong năm nay. Theo đó, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam dự kiến xây dựng nhà ga hành khách T2 – Cảng hàng không Đồng Hới với công suất khai thác 3 triệu hành khách/năm.
Tổng mức đầu tư 1.222 tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư 100%. ACV đề xuất thực hiện dự án xây dựng Nhà ga hành khách T2 với diện tích đất sử dụng khoảng 20,920 ha. Trong đó, nhà ga hành khách T2 có diện tích 1,136 ha, sân đỗ ô tô trước nhà ga T2 và các công trình phụ trợ 19,784 ha.