MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Những điểm nghẽn của nền kinh tế sẽ được giải quyết bằng cách nào?

Văn phòng Chính phủ đã có Thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Phiên họp lần thứ nhất Ban Chỉ đạo quốc gia về cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng.

Thông báo cho biết, giai đoạn 2018 - 2020, tình hình khu vực và thế giới tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp, tác động trực tiếp tới việc bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và thực hiện các mục tiêu cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng.

Đi đôi với thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế,Việt Nam cần tiếp tục xử lý thực chất những điểm nghẽn trong nền kinh tế thông qua việc tìm kiếm, khai thác các động lực tăng trưởng mới, trong đó nhấn mạnh vai trò các động lực về thể chế, chính sách, pháp luật, kinh tế tư nhân, hội nhập, cách mạng công nghệ 4.0 và động lực tăng trưởng nội tại từ các trung tâm phát triển, các đô thị, đầu tàu kinh tế của đất nước như: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng...

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương xác định nhiệm vụ cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng là trọng tâm ưu tiên hàng đầu trong điều hành để triển khai thực chất, hiệu quả hơn.

Việt Nam cần tạo đột phá trong nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, khi đó mới bảo đảm sự phát triển nhanh và bền vững.

Ngoài ra, Thủ tướng nhấn mạnh đến việc thực hiện nguyên tắc thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong tái cơ cấu. cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh hơn nữa.

Thủ tướng phân công Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ điều hành hoạt động Ban chỉ đạo nhằm đôn đốc, thúc đẩy tháo gỡ các vướng mắc cho các bộ, ngành, địa phương bảo đảm thực hiện thực chất cơ cấu lại nền kinh tế.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng sẽ chỉ đạo hoàn thiện Báo cáo "Sơ kết kết quả cơ cấu lại nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng giai đoạn 2016 - 2020" và Báo cáo "Khung chỉ tiêu giám sát, đánh giá quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng giai đoạn 2016 - 2020 và kết quả đánh giá thí điểm giai đoạn 2016 - 2017" của Bộ KHĐT tại Phiên họp này để trình Chính phủ thông qua trong Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9, chuẩn bị báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương khẩn trương, nghiêm túc triển khai các nhiệm vụ đã được giao tại Nghị quyết số 27 của Chính phủ bảo đảm thực chất, hiệu quả, đúng tiến độ. Trong đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp với các bộ, ngành, địa phương ban hành văn bản xử lý các vướng mắc liên quan trong quá trình xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.

Bộ Công Thương phải có cơ chế chính sách khuyến khích doanh nghiệp tư nhân lớn, đầu tư dài hạn, tạo dựng sản phẩm thương hiệu cạnh tranh trong nước và quốc tế, xây dựng và phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về công nghiệp hỗ trợ trong năm 2019…

Bộ NN&PTNT đẩy mạnh đổi mới phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông lâm trường quốc doanh theo Nghị quyết 30 của Bộ Chính trị, phát triển các mô hình chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn, đẩy mạnh công nghiệp chế biến.

Bộ LĐ-TB&XH tiếp tục nghiên cứu các giải pháp phát triển thị trường lao động, đánh giá tình trạng thất nghiệp, xử lý vấn đề lao động trên 35 tuổi, đặc biệt là lao động các khu công nghiệp, khu chế xuất, kiến nghị giải pháp xử lý…

T.Công

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên