Những “điểm nghẽn” của Thủ đô Hà Nội cần được khắc phục
Vị thế kinh tế có xu hướng giảm dần so với các tỉnh, thành trong vùng Đồng bằng sông Hồng, đó là một trong những “điểm nghẽn” của Thủ đô Hà Nội.
- 25-02-2024Bài 2: “Làm bán dẫn” không thể thiếu công nghiệp phụ trợ
- 25-02-2024‘Nóng bỏng tay’ vé máy bay sau Tết; đề xuất tăng lương hưu từ 1/7
- 25-02-2024Bắc Giang sẽ có thêm khu công nghiệp hơn 1.800 tỷ đồng
Chưa hình thành rõ các ngành kinh tế mũi nhọn
Phát biểu tại phiên họp thẩm định quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức vào ngày 23/2, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Thủ đô Hà Nội là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn cả nước về kinh tế, văn hoá, khoa học, giáo dục... là động lực phát triển quan trọng đối với sự phát triển của vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước.
Hà Nội cũng là thành phố đông dân thứ 2 cả nước với cơ cấu dân số trẻ có chất lượng cao, ít bị ảnh hưởng của thời tiết cực đoan nhất trong vùng Đồng bằng sông Hồng; vị trí đầu mối giao thông thuận lợi về phát triển giao thông đa dạng và kết nối với các tỉnh, thành phố của vùng Đồng bằng sông Hồng, các tỉnh phía Bắc, cả nước và quốc tế; là địa bàn có nhiều di sản văn hóa, lịch sử phong phú, đa dạng nhất của quốc gia.
Tuy nhiên, bên cạnh những lợi thế, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng chỉ ra những khó khăn, thách thức và “điểm nghẽn” của Thủ đô cần giải quyết như: Vị thế kinh tế của Hà Nội có xu hướng giảm dần so với các tỉnh, thành phố trong vùng Đồng bằng sông Hồng. Cụ thể, năm 2022, GRDP Hà Nội chiếm 42,2% vùng Đồng bằng sông Hồng, nhưng tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2023 chỉ đạt 6,27%, đứng thứ 9/11 trong vùng Đồng bằng sông Hồng. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm, chưa hình thành rõ rệt các ngành kinh tế mũi nhọn, hiệu quả cao.
Hà Nội còn nhiều tồn tại về phát triển hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội như: Giao thông, điện, năng lượng, thông tin, truyền thông, cấp, thoát, nước, thủy lợi, giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa, xã hội.
"Ba vấn đề lớn là tắc nghẽn giao thông, ô nhiễm môi trường và ngập lụt. Các tuyến giao thông thuộc hế thống hạ tầng khung vẫn chưa được hình thành đồng bộ, đặc biệt thiếu các trục xuyên tâm Bắc Nam và Đông Tây. Việc xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao còn thiếu sự đồng bộ, liên thông, liên kết, chưa phát huy được tiềm năng" - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thông tin.
Kết nối giữa Hà Nội với các tỉnh Đồng bằng sông Hồng, đặc biệt các tỉnh tiểu vùng phía Nam, còn chưa đồng bộ và chưa phát triển đúng mức. Hà Nội mới phát triển được 2/8 trục hướng tâm đã được xác định trong quy hoạch. Các nút giao thông vào Thủ đô thường xuyên ùn tắc. Là thành phố không có biển, Hà Nội gặp hạn chế trong cạnh tranh về phát triển dịch vụ, logistics, ảnh hưởng đến độ mở nền kinh tế .
Quy mô dân số Hà Nội đã vượt mức dự báo do tăng dân số cơ học, việc giãn dân khỏi nội đô là không khả thi, tạo áp lực rất lớn đến hạ tầng và chất lượng sống của người dân. Địa hình bị chia cắt bởi hệ thống sông, ngòi; có nền địa chất yếu tạo ra thách thức đến sự phát triển các công trình ngầm, nhất là phát triển không gian ngầm.
Từ những thách thức trên, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh: “Muốn phát triển vững mạnh, thành phố Hà Nội cần xác định rõ được những tiềm năng riêng có, các thế mạnh khác biệt và nổi trội; đặc biệt trong bản quy hoạch cần phải có cách tiếp cận mới, tư duy mới, mở rộng tầm nhìn phát triển và đưa ra lộ trình thực hiện rõ ràng. Phát triển phải có trọng tâm, trọng điểm; dựa trên liên kết vùng để tạo hiệu ứng lan tỏa thúc đẩy kinh tế và tương xứng với vị trí, cực tăng trưởng phát triển của vùng và cả nước”.
Xác định ngành, lĩnh vực ưu tiên
Trên cơ sở phân tích trên, để giúp thành phố Hà Nội có bản quy hoạch chất lượng cao nhất, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị các thành viên, ủy viên phản biện Hội đồng thẩm định và đại biểu cho ý kiến tập trung vào một số yếu tố. Trong đó có việc xác định các ngành, lĩnh vực kinh tế ưu tiên và định hướng, giải pháp phát triển các ngành, lĩnh vực đó.
Liên quan đến vấn đề này, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, việc phát triển kinh tế không cần phải tập trung vào nhiều ngành mà tập trung vào một số ngành có yếu tố nổi trội, lan tỏa và tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế. Ví dụ: Bắc Kinh (Trung Quốc) tập trung phát triển tài chính, văn hoá, công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI); Băng Cốc (Thái Lan) tập trung vào thế mạnh của họ là thương mại, du lịch và y tế…
Hà Nội có tập trung vào các ngành sản xuất chip, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI) hiện đang là xu thế của thế giới và đang có tiềm năng của Hà Nội.
"Hay là các vấn đề định hướng phát triển các ngành kinh tế công nghiệp xanh, kinh tế số, công nghiệp văn hóa, kinh tế tri thức, kinh tế tuần hoàn, kinh tế đô thị... cũng là thế mạnh, lợi thế của Hà Nội” – Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thông tin, đồng thời đề nghị Hội đồng thẩm định: Xem xét cơ cấu, tỷ trọng phát triển công nghiệp còn khiêm tốn, chiếm khoảng 24%, không tạo động lực cho Hà Nội phát triển; xem xét việc lựa chọn các ngành mũi nhọn phát triển phải dựa trên cơ sở phát huy thế mạnh và phù hợp thực tiễn và hướng tới tương xứng với các thủ đô các nước xung quanh, mang tầm quốc tế.
Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề nghị, thành viên hội đồng thẩm định, xem xét, cho ý kiến về định hướng tổ chức không gian phát triển của Thủ đô. Cụ thể, xem xét, cho ý kiến về: 5 trục động lực phát triển, đặc biệt là trục Sông Hồng, với định hướng dịch chuyển các cơ quan hành chính của Hà Nội sang phía bắc sông Hồng; Việc phân chia và phát triển các tiểu vùng kinh tế đã dựa trên cơ sở mối liên kết, liên hệ theo đặc điểm, địa hình, văn hóa và tính chất phát triển của các lãnh thổ hay chưa; Các khu vực khuyến khích phát triển và các khu vực hạn chế phát triển; Các cực tăng trưởng giữ vai trò là trung tâm.
Vấn đề về phát triển mạnh hơn nữa sản xuất công nghiệp tại khu vực thuộc Hà Tây cũ, tạo điều kiện đẩy nhanh đô thị hóa tại khu vực này, giảm sức ép cho khu vực các quận nội thành hiện hữu…
Tại phiên họp thẩm định Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, 31/31 thành viên hội đồng thẩm định Quy hoạch đã bỏ phiếu thông qua hồ sơ quy hoạch Thủ đô, trong đó, 4 phiếu đồng ý thông qua không cần chỉnh sửa, bổ sung, chiếm 12,9% tổng số phiếu; 27 phiếu đồng ý thông qua nhưng phải sửa đổi, bổ sung, chiếm 87,1% tổng số phiếu. |
Công Thương