Bài 2: “Làm bán dẫn” không thể thiếu công nghiệp phụ trợ
Để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, thị trường nhân lực và sản xuất bán dẫn phải được xây dựng song song, gắn đào tạo, nghiên cứu R&D với sản xuất.
Cần đánh giá đúng lợi thế
Là chuyên gia đầu ngành của Liên bang Nga và thế giới về vật lý, công nghệ Plasma, Giáo sư, Viện sỹ Nguyễn Quốc Sỹ - Viện Hàn lâm Khoa học điện Liên Bang Nga, Chủ tịch Viện công nghệ VinIT chia sẻ: Nền tảng khoa học của ngành bán dẫn là khoa học vật liệu, vật lý chất rắn, điện tử, là hệ thống nghiên cứu và phát triển (R&D) chuyên sâu chất bán dẫn và thiết kế chip vi mạch. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, mỗi nước có hướng đi, cách đi riêng.
Nếu chỉ nhập công nghệ, máy móc về gia công thì Việt Nam chưa thể có ngành công nghiệp bán dẫn . Cũng không nên ảo tưởng, là chúng ta có nhiều thế mạnh, tiềm lực to lớn…, có thể đi tắt đón đầu, nhanh chóng xây dựng ngành công nghiệp bán dẫn.
Thực tế, đang có các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đặt cơ sở sản xuất vi mạch tại Việt Nam nhưng công nghệ, máy móc, trang thiết bị, mô hình tổ chức quản lý là của họ đem tới. Chúng ta chỉ tham gia ở giai đoạn cuối của quy trình sản xuất là kiểm thử và đóng gói. Thực tế cũng không có công nghệ lõi, công nghệ nền, với các phát minh, sáng chế làm nền tảng để có thể cạnh tranh và đi cùng với các nước trên thế giới trong lĩnh vực này.
“ Chúng ta phải có một thị trường nhân lực về ngành bán dẫn nói riêng và các ngành công nghệ cao nói chung khi xây dựng các ngành công nghiệp mới như ngành công nghiệp bán dẫn. Trong đó hệ thống đào tạo, hệ thống nghiên cứu R&D và sản xuất cần được gắn kết chặt chẽ với nhau và phải được cụ thể hóa ngay từ trong quá trình xây dựng chính sách ”- Giáo sư, Viện sỹ Nguyễn Quốc Sỹ nhấn mạnh.
Ông cũng cảnh báo vấn đề chuẩn bị nhân lực của các ngành công nghiệp công nghệ cao, trong đó có ngành công nghiệp bán dẫn, là không thể đào tạo một cách đại trà, đưa ra mục tiêu đào tạo hàng chục, thậm chí hàng trăm nghìn cán bộ, chuyên gia, khi mà Việt Nam thiếu các yếu tố: Cán bộ giảng viên; cơ sở vật chất phòng thí nghiệm, trang thiết bị; tài liệu giáo trình... Với đào tạo nhân lực các ngành công nghệ cao, vấn đề quan trọng nhất là chất lượng. Nếu không đáp ứng được các tiêu chí về chất lượng, thì đào tạo ra sẽ là sự lãng phí lớn nguồn lực của đất nước, xã hội.
Nhiều người cho rằng, Việt Nam có tiềm năng về đất hiếm (đứng thứ hai thế giới với trữ lượng 22 triệu tấn) thì có thể xây dựng ngành công nghiệp bán dẫn một cách nhanh chóng. Thực tế không phải vậy. Đất hiếm là nguyên liệu để sản xuất nhiều loại chất bán dẫn, nhưng đòi hỏi đầu tư bài bản và nhiều công nghệ khác nhau (cái mà Việt Nam đang không có) để chế tạo, tinh chế. Ngành công nghiệp đất hiếm cũng ảnh hưởng lớn tới môi trường. Đất hiếm không phải là điều kiện tiên quyết để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn.
“ Mỹ không có đất hiếm mà vẫn đứng đầu thế giới về ngành công nghiệp bán dẫn. Đài Loan (Trung Quốc) không có đất hiếm, nhưng với sự trợ giúp về công nghệ của Mỹ, cũng đang dẫn đầu thế giới về sản xuất chất bán dẫn và gia công chip công nghệ tiên tiến nhất hiện nay. ” - Giáo sư, Viện sỹ Nguyễn Quốc Sỹ nêu ví dụ.
Về lợi thế lực lượng lao động trẻ, Việt Nam mới chỉ có lực lượng lao động trẻ về độ tuổi, chứ không phải lực lượng lao động trẻ có chuyên môn sâu. Tuy nhiên, theo Ngân hàng Thế giới (WB), trong 15 năm nữa, Việt Nam cũng sẽ mất ưu thế này, trong khi việc xây dựng ngành công nghiệp bán dẫn, nếu thành công, cũng cần 30-50 năm, theo kinh nghiệm của các nước.
Hiện nay, Việt Nam có khoảng 6.000 cán bộ chuyên gia thiết kế vi mạch được đào tạo từ các viện, trường và tập đoàn trong nhiều năm qua. Số lượng này rõ ràng không đáp ứng được nhu cầu của thị trường, nhưng cũng cần được bổ sung và đào tạo lại, hỗ trợ và trang bị thêm các chương trình thiết kế hiện đại cho các sản phẩm vi mạch có giá trị và hàm lượng công nghệ cao, đáp ứng đòi hỏi của thị trường, như các chip điện tử cao cấp cho điện thoại, máy tính, hệ thống AI...
Công nghiệp phụ trợ giữ vai trò quan trọng
Xây dựng ngành công nghiệp bán dẫn không chỉ có thiết kế hay sản xuất chất bán dẫn… mà có nhiều công đoạn khác, liên quan tới các ngành công nghiệp phụ trợ.
Giáo sư, Viện sỹ Nguyễn Quốc Sỹ phân tích, ngành công nghiệp bán dẫn cũng như nhiều ngành công nghiệp công nghệ cao khác, đều cần có công nghiệp phụ trợ. Công nghiệp phụ trợ cho bán dẫn ở đây phải hiểu là tập hợp các ngành công nghệ, có tác dụng hỗ trợ và tham gia từ nghiên cứu, thiết kế tới gia công, chế tạo chuỗi các sản phẩm bán dẫn và vi điện tử.
Công nghiệp bán dẫn không chỉ là sản xuất các chất bán dẫn, các tấm wafer và các chip điện tử. Ngay cả để làm được các sản phẩm này, cũng cần các ngành công nghiệp phụ trợ với các sản phẩm vô cùng quan trọng cho công nghiệp bán dẫn.
Trong đó, phải kể đến các hệ thống cơ khí chính xác, các hệ thống máy CNC, hệ thống điều khiển tự động trong các dây chuyền chế tạo chất bán dẫn, các máy quang khắc chế tạo vi mạch, các hệ thống máy móc và công nghệ làm sạch chất bán dẫn, các hệ thống bốc bay, lắng đọng pha hơi khí..., thậm chí cả các hệ thống tạo chất nền, lưới bóng... Ngành công nghiệp bán dẫn vì vậy cần tới hàng chục công nghiệp phụ trợ khác nhau và đều thuộc lĩnh vực công nghệ cao . Muốn xây dựng công nghiệp bán dẫn, chắc chắn phải xây dựng các ngành công nghiệp phụ trợ.
Theo Giáo sư, Viện sỹ Nguyễn Quốc Sỹ, trong Dự thảo Chiến lược, Đề án phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, phải có danh mục các ngành công nghiệp phụ trợ cần phát triển và xây dựng song hành, thậm chí đi trước một bước so với công nghiệp bán dẫn. Nếu không, sẽ phải phụ thuộc rất nhiều vào nước ngoài.
Điều này làm chúng ta không những mất đi nguồn thu lớn, mà còn bỏ lỡ thời cơ để phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ và không chủ động được quy trình công nghệ, sản xuất các sản phẩm bán dẫn.
“ Theo dõi quá trình đầu tư xây dựng sản xuất của Intel và Samsung tại Việt Nam, có thể thấy, chúng ta đã bỏ lỡ nhiều cơ hội khai thác tối đa tiềm lực sản xuất của các tập đoàn lớn, do ngành công nghiệp phụ trợ còn yếu kém, không đáp ứng được đòi hỏi sản xuất của Intel và Samsung” - Giáo sư, Viện sỹ Nguyễn Quốc Sỹ thẳng thắn nhận định và cho biết thêm, từ nhiều năm nay, Samsung phải huy động các đơn vị của Hàn Quốc cung cấp các sản phẩm công nghiệp phụ trợ cho các chu trình công nghệ bán dẫn và vi mạch tại các nhà máy ở Việt Nam.
Các doanh nghiệp muốn tham gia vào chuỗi cung ứng cho công nghiệp bán dẫn, bên cạnh năng lực về công nghệ, cũng cần phải được trang bị các hệ thống máy móc tinh vi và hiện đại nhất. Trong tương lai gần, chúng ta chưa thể chế tạo được các hệ thống máy móc này mà phải nhập khẩu. Mặc dù vậy, Việt Nam vẫn phải gấp rút xây dựng ngành công nghiệp phụ trợ để có thể nắm thế chủ động trong sản xuất và cải tiến công nghệ. Việc này cũng cần sự hợp tác sâu rộng với các đối tác chiến lược, mới có thể thành công.
Công thương