MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Những điều bỏ ngỏ trong báo cáo thuyết minh về CPTPP của Chính phủ

Không có nhiều số liệu định lượng được trình bày dù phần tác động thuận lợi và thách thức khi tham gia CPTPP là vấn đề được quan tâm. Bên cạnh đó, mô hình đánh giá được sử dụng là mô hình tĩnh với tác động của một TPP không có Mỹ.

Sáng 02/11, tại nghị trường, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định phê chuẩn Hiệp định CPTPP cùng các văn kiện liên quan trong kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XIV. Sau đó, Phó thủ tướng - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh thừa ủy quyền của Thủ tướng đã trình bày báo cáo tóm tắt thuyết minh về Hiệp định CPTPP.

Tuy nhiên, không có nhiều số liệu định lượng được trình bày dù phần tác động thuận lợi và thách thức, chiếm tới quá nửa bản báo cáo, là điều được quan tâm. Chung quanh vấn đề này, báo Trí Thức Trẻ đã có cuộc trao đổi với bà Lê Thu Hà, Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, Phó Chủ tịch Nhóm nghị sĩ Việt Nam - Hoa Kỳ.

Những điều bỏ ngỏ trong báo cáo thuyết minh về CPTPP của Chính phủ - Ảnh 1.

Trong báo cáo tóm tắt thuyết minh trình bày trước Quốc hội, Chính phủ đã đưa ra một vài số liệu tăng trưởng tiềm năng khi tham gia CPTPP, nhưng chưa giải trình cụ thể về căn cứ tính toán trước khi có kết quả đó. Bà nghĩ như thế nào về vấn đề này?

Báo cáo của Chính phủ mới chỉ đề cập đến mức tăng trưởng GDP và xuất khẩu của Việt Nam tương ứng là 1,32% và 4,04% đến năm 2035, số việc làm tăng bình quân mỗi năm khoảng 20.000 - 26.000 và số người nghèo giảm 0,6 triệu theo tôi là chưa đủ tính thuyết phục. 

Trên thực tế, thách thức của CPTPP trên các lĩnh vực lao động, môi trường, sở hữu trí tuệ, các lĩnh vực kinh tế như thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ và đầu tư, tăng trưởng, thu ngân sách… là rất lớn.

Những điều bỏ ngỏ trong báo cáo thuyết minh về CPTPP của Chính phủ - Ảnh 2.

Báo cáo bổ sung của Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngày 1/11 có cung cấp thêm một số số liệu, tuy nhiên do thời gian nghiên cứu gấp và hạn chế của mô hình GTAP tĩnh, tác động theo thời gian không được tính đến, mặc dù trong thực tế, các tác động của một hiệp định có thể mạnh ở thời kỳ đầu và yếu đi sau đó. 

Các kết quả tính toán được mặc nhận khi so sánh với trường hợp không có CPTPP hoặc phân tích cho trường hợp TPP không có Hoa Kỳ, dựa trên số liệu chủ yếu trong thời gian 2011-2015.

Từ những điều trên, dưới góc nhìn của tôi, khi báo cáo không cập nhật đến hiện tại với các yếu tố tác động đến kinh tế - xã hội, môi trường thương mại toàn cầu, chủ nghĩa bảo hộ, xung đột thương mại … thì những con số trong đó chưa phản ánh đầy đủ, chính xác các tác động có thể xảy ra.

Theo bà, phần đánh giá tác động từ Hiệp định CPTPP của Chính phủ cần bổ sung những điều gì?

Chính phủ cần hoàn thiện báo cáo đánh giá Hiệp định CPTPP theo phương pháp định lượng trên tất cả các lĩnh vực. Đồng thời, nghiên cứu đề xuất hoàn thiện các chính sách hỗ trợ đối với một số đối tượng chịu ảnh hưởng, nhất là đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ nông dân nhằm giảm thiểu tác động rủi ro phát sinh khi Hiệp định có hiệu lực. 

Ngoài ra, báo cáo cũng cần bổ sung đánh giá tác động đa chiều với các đối tác khác nhau, các đối tác cùng tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do song phương, đa phương với Việt Nam đảm bảo lợi ích quốc gia của Việt Nam thi tham gia Hiệp định CPTPP.

Những điều bỏ ngỏ trong báo cáo thuyết minh về CPTPP của Chính phủ - Ảnh 3.

Thứ hai, qua thẩm tra của Ủy ban đối ngoại, 265 văn bản QPPL được tiến hành rà soát lần này mới chỉ là các văn bản QPPL được ban  hành ở trung ương, Chính phủ cần tiếp tục rà soát  các văn bản qui phạm pháp luật ban hành ở địa phương vì đây là nơi triển khai trực tiếp HĐ; cần xây dựnglộ trình chi tiết về việc sửa đổi, bổ sung luật và các văn bản hướng dẫn thi hành của Chính phủ để thực thi Hiệp định, đảm bảo khi hết thời hạn tạm hõan, các nghĩa vụ cam kết được thực thi một cách đầy đủ, không phát sinh tranh chấp, khiếu kiện.

Thứ ba, cần xác định thời gian nộp lưu chiểu sau khi hoàn thành bộ Hồ sơ; thông báo hiệu lực đảm bảo không gây ảnh hưởng đến kinh tế-xã hội do xung đột các qui định pháp luật; xây dựng đề án tuyền truyền, phổ biến đến các ngành, các cấp, doanh nghiệp và người dân trước khi thông báo Hiệp định có hiệu lực; có lộ trình đào tạo, chuẩn bị nguồn nhân lực có khả năng đáp ưng quá trình triển khai Hiệp định.

Những điều bỏ ngỏ trong báo cáo thuyết minh về CPTPP của Chính phủ - Ảnh 4.

Theo bà, những tác động động nào có thể nhìn thấy ngay khi Hiệp định CPTPP chinh thức có hiệu lực?

Hiệp định CPTPP sẽ có hiệu lực sau 60 ngày kể từ ngày mà ít nhất sáu nước ký kết của Hiệp định thông báo với Cơ quan lưu chiểu (New Zealand) bằng văn bản về việc hoàn thành các thủ tục pháp lý cần thiết của nước đó. Các thỏa thuận song phương cũng sẽ có hiệu lực cùng thời điểm với Hiệp định CPTPP. 

Theo tôi, tác động tổng thể có thể nhìn thấy sau 60 ngày thì chưa lớn, tuy nhiên, với các điều khoản áp dụng trực tiếp ngay khi thời điểm Hiệp định có hiệu lực như cắt giảm thuế quan chẳng hạn thì doanh nghiệp xuất nhập khẩu sẽ là đối tượng đầu tiên chịu sự tác động.

Những điều bỏ ngỏ trong báo cáo thuyết minh về CPTPP của Chính phủ - Ảnh 5.

Mặc dù, chúng ta vẫn nói rằng năng lực xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam đã được chuẩn bị từ năm 2005 khi tham gia WTO, nhưng tiêu chuẩn trong thương mại quốc tế ngày càng cao hơn và khắt khe hơn. Do vậy, có được lợi ích từ CPTPP hay không còn phụ thuộc rất lớn vào năng lực của doanh nghiệp. 

Theo tôi các doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu thông tin về Hiệp định CPTPP để nắm vững cam kết của Việt Nam và các thị trường đối tác quan tâm, đặc biệt là các thông tin về các ưu đãi thuế quan theo Hiệp định này đối với những mặt hàng ta đang có thế mạnh hoặc có nhiều tiềm năng xuất khẩu trong thời gian tới. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần thay đổi tư duy kinh doanh trong bối cảnh mới, lấy sức ép về cạnh tranh là động lực để đổi mới và phát triển. 

CPTPP chắc chắn sẽ mang lại cơ hội cho doanh nghiệp nào chủ động đáp ứng với những thay đổi về môi trường kinh doanh do quá trình hội nhập kinh tế quốc tế mang lại thông qua việc xây dựng và điều chỉnh kế hoạch kinh doanh cho giai đoạn trung và dài hạn nhằm thúc đẩy dòng chảy của hàng hóa vào các thị trường đối tác tiềm năng nêu trên. 

Cuối cùng, các doanh nghiệp cũng cần chủ động tìm hướng hợp tác với các thị trường đối tác nêu trên để thu hút mạnh mẽ đầu tư trực tiếp vào Việt Nam nhằm tận dụng hiệu quả nguồn vốn và việc chuyển giao công nghệ từ các tập đoàn lớn. Đồng thời, đây cũng chính là cơ hội tốt để các doanh nghiệp của ta tham gia sâu hơn nữa vào chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu.

Còn việc thu hút vốn FDI sẽ chưa nhìn thấy rõ. Với TPP12, thị trường Mỹ quá hấp dẫn, làm cho các nước ngoài khối TPP đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam để tận dụng xuất khẩu sang Mỹ. Với CPTPP, lợi thế từ xuất khẩu vào thị trường Mỹ không còn, vì vậy theo tôi mức độ hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài sẽ giảm đi.

Những điều bỏ ngỏ trong báo cáo thuyết minh về CPTPP của Chính phủ - Ảnh 6.

Bà đánh giá như thế nào về những thách thức khi tham gia CPTPP được đề cập trong báo cáo của Chính phủ?

Đã gần một năm kể từ thời điểm kết thúc đàm phán và ký kết Hiệp định CPTPP nhưng thời gian chuẩn bị để Quốc hội phê chuẩn Hiệp định rất gấp nên báo cáo sẽ không tránh khỏi những khiếm quyết khi thiếu đi những số liệu mang tính định lượng. Đó là lý do vì sao chúng ta có cảm giác báo cáo đưa ra nhiều mặt tích cực hơn là mặt khó khăn, thách thức.

Tuy nhiên, chúng ta không thể phủ nhận những lợi ích to lớn mà Hiệp định CPTPP mang lại như báo cáo đã trình bày. Tôi muốn nhấn mạnh thêm phần quan trọng khác chính là việc CPTPP giúp ta cải cách thể chế trong nước, tạo môi trường đầu tư - kinh doanh thông thoáng, minh bạch. Đây mới là các lợi ích mang tính lâu dài.

 Bên cạnh đó, Hiệp định có tính mở, khi có thêm nước khác tham gia thì lợi ích với Việt Nam cũng sẽ tăng lên. Là nước tham gia từ đầu thì Việt Nam sẽ có lợi thế hơn trong việc bảo vệ các lợi ích của mình.

Do vậy,mặc dù Báo cáo chưa đề cập hết những khó khăn nhưng đó chắc chắn là điều đã nằm trong lộ trình dự báo, ở những bước tiếp theo của quá trình triển khai thực thi Hiệp định sau khi Hiệp định được phê chuẩn. 

Kinh nghiệm quốc tế cũng như của Việt Nam trong 30 năm đổi mới, hội nhập vừa qua cho thấy, rủi ro và thách thức là có thể kiểm soát được nếu có sự thống nhất về nhận thức rủi ro và hành động để phòng chống rủi ro, vượt qua thách thức.

Những điều bỏ ngỏ trong báo cáo thuyết minh về CPTPP của Chính phủ - Ảnh 7.

Theo bà, việc Hoa Kỳ rút khỏi TPP ảnh hưởng như thế nào đến tiến trình hoàn tất các hiệp định thương mại tự do khu vực khác?

Hiện nay, có thể thấy Hoa Kỳ đang tỏ ra lo lắng trước sự trỗi dậy của Trung Quốc, do đó việc tạo sức ép thương mại là một trong những mục tiêu để kiềm chế Trung Quốc cũng như lấy lại vai trò của Hoa Kỳ. Hiệp định Hoa Kỳ - Mexico - Canada (USMCA) vừa được ký kết thay thế cho Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) ký  năm 1994 là một minh chứng cho thấy rõ điều này. 

Trong HĐ này Hoa Kỳ đã đưa thêm điều khoản cho phép một bên chấm dứt hiệp định này và thay thế bằng một thỏa thuận song phương nếu bên kia ký kết và thực thi  FTA với một nước có nền kinh tế phi thị trường.Theo qui định của HĐ này,một nước có nền kinh tế phi thị trường là nước bị ít nhất một bên coi là kinh tế phi thị trường theo các luật của bên đó về phòng vệ thương mại và là nước chưa có FTA với bất kỳ bên nào của HĐ.

Nếu nhìn ra thì mục đích của Hoa Kỳ khi đưa ra điều khoản này là nhằm ngăn chặn Trung Quốc (vốn đang bị coi là kinh tế phi thị trường) có thể tiến hành đàm phán FTAvới Canada và Mexico để từ đó đưa hàng hóa vào thị trường Hoa Kỳ trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ đang tiếp tục leo thang.

Những điều bỏ ngỏ trong báo cáo thuyết minh về CPTPP của Chính phủ - Ảnh 8.

Trung Quốc cũng nhận thức rất rõ điều này nên với việc Hoa Kỳ rút khỏi TPP, Trung Quốc đã tích cực thúc đẩy đàm phán để sớm tiến tới ký kết Hiệp định đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP). Trước đó, RCEP với sự tham gia của Trung Quốc được coi là có ít triển vọng hơn so với TPP với sự tham gia của Hoa Kỳ. 

Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng tích cực đẩy nhanh sáng kiến "Vành đai và Con đường" (BRI); thúc đẩy hợp tác Mê Công - Lan Thương; đề xuất sáng kiến xây dựng khuôn khổ hợp tác tiểu vùng mới "4+1", thúc đẩy cơ chế hợp tác "3+X"; nâng cấp Hiệp định thương mại tự do (FTA) với Singapore, Niu Di-lân, Chi lê; cơ bản kết thúc đàm phán FTA với Liên minh kinh tế Á-Âu, thúc đẩy đàm phán FTA với Israen, Pakistan và Na uy.

Bà có nghĩ đến khả năng Hoa Kỳ tham gia vào CPTPP?

Trong buổi họp với các thượng nghị sĩ và thống đốc bang ngày 13/4, Tổng thống Donald Trump bất ngờ tuyên bố xem xét việc tái gia nhập đàm phán TPP. Tuy nhiên, sau đó, ông  không đề cập lại vấn đề này. Vấn đề ở đây là lợi ích. 

Ông Trump là người có đầu óc và tư duy thực dụng của một nhà kinh tế và dường như ít coi trọng các yếu tố chính trị, địa chính trị trong các quyết định của mình như người tiền nhiệm Barack Obama nên sẽ chỉ quyết định khi nào có lợi ích.

Những điều bỏ ngỏ trong báo cáo thuyết minh về CPTPP của Chính phủ - Ảnh 9.

Vì cậy, trước mắt và trung hạn, tôi cho rằng, khả năng Hoa Kỳ đặt vấn đề  tham gia lại CPTPP là không cao. Chính sách "đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại" của Tổng thống Mỹ đã hướng ông đến những ưu tiên đẩy mạnh và tận dụng triệt để đàm phán song phương nhằm đạt lợi ích tối đa. 

Có thể thấy rõ một trong những mục tiêu quan trọng của chính quyền Trump thời gian qua là nhằm sắp xếp lại chuỗi cung ứng toàn cầu, đưa các khâu sản xuất quan trọng từ nước ngoài trở lại Mỹ. 

Đồng thời, thông qua các FTA song phương, Mỹ hướng tới điều chỉnh quan hệ kinh tế thương mại giữa các đối tác của Mỹ với Trung Quốc theo hướng siết lại các quy định, luật chơi, thu hẹp lợi ích kinh tế của Trung Quốc trong các quan hệ song phương và đa phương, qua đó tạo lập "mặt trận chung" nhằm cô lập trung quốc, trươc hết về mặt kinh tế, tạo thêm lợi thế trong cuộc chiến thương mại Mỹ Trung nhiều khả năng còn kéo dài.

Tuy nhiên, không loại trừ khả năng này trong dài hạn, khi nền kinh tế Mỹ đã duy trì được đà tăng trưởng ổn định và đặc biệt trong bối cảnh căng thẳng thương mại với Trung Quốc đang gia tăng, việc gia nhập CPTPP có thể hạn chế ảnh hưởng về kinh tế của Trung Quốc và gây sức ép buộc Bắc Kinh thực thi các cải cách kinh tế; việc đàm phán RCEP cũng đang tiến triển thuận lợi với nhiều lợi thế thuộc về Trung Quốc.

An Bình - Hoàng Ly
Thắng Ngọc
7pm
Theo Trí Thức Trẻ03/11/2018

Anh Bình, Hoàng Ly

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên