MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Những điều cần biết về bê bối rò rỉ thông tin khiến Facebook điên đảo

21-03-2018 - 21:03 PM | Tài chính quốc tế

Cùng với gã khổng lồ công nghệ, Cambridge Analytica là trung tâm của những tranh cãi xung quanh việc thu thập và sử dụng dữ liệu cá nhân trên Facebook khiến cả thế giới phẫn nộ.

Vì đâu nên nỗi?

Bê bối chính thức bùng lên sau khi truyền thông vào cuộc về sự việc 50 triệu tài khoản Facebook bị Cambridge Analytica (CA) khai thác bất hợp pháp để phục vụ cho chiến dịch tranh cử của ứng viên Tổng thống đảng Cộng hòa Donald Trump. Thậm chí, kênh Tin tức 4 của Anh còn đăng những đoạn video được quay lén cho thấy Alexander Nix, CEO của CA, khoe khoang về việc sử dụng gái mại dâm, đưa hối lộ và tung thông tin sai lệch để giúp các ứng viên đối tác của họ giành chiến thắng trong các cuộc bầu cử trên toàn thế giới.

Trong vai một gia đình giàu có ở Sri Lanka đang xây dựng vị thế chính trị, phóng viên của kênh Tin tức 4 đã tìm gặp Nix để nghe ông ta tư vấn về cách giành ưu thế. Ngay sau loạt bài phóng sự điều tra kéo dài 3 kỳ của kênh Tin tức 4, CA đã lên tiếng phủ nhận những liên quan. Thậm chí, họ còn cáo buộc phóng viên gài bẫy công ty và nhấn mạnh CEO Nix không thực sự nghiêm túc khi nói về sự việc. Tuy nhiên, Nix cũng đã bị CA sa thải ngay trong ngày 20/3.

Bê bối phơi bày trước ánh sáng

Phóng sự điều tra của kênh Tin tức 4 đã được hai tờ New York Times và tờ The Observer điều tra chuyên sâu. Hai tờ báo của Mỹ và Anh phát hiện dữ liệu cá nhân của hàng chục triệu tài khoản Facebook đã được chuyển giao bất hợp pháp cho CA.

Những điều cần biết về bê bối rò rỉ thông tin khiến Facebook điên đảo - Ảnh 1.

Alexander Nix, CEO của Cambridge Analytica.

Theo đó, nhà nghiên cứu Aleksandr Kogan và công ty nghiên cứu có tên Global Science Research của ông ta đã tạo ra ứng dụng Facebook có tên là "This is your digital life" (đây là cuộc sống số của bạn) vào năm 2014. Khi người dùng sử dụng ứng dụng này để làm trắc nghiệm tâm lý, dữ liệu cá nhân của họ bị thu thập. Dữ liệu cá nhân từ bạn bè trên Facebook của họ cũng được ghi nhận. Điều này hợp pháp với quy định của Facebook.

Có khoảng 250.000 người sử dụng ứng dụng này, kéo theo khoảng 50 triệu tài khoản Facebook bị thu thập. Tuy nhiên, chuyện sẽ chẳng có gì nếu Kogan không chuyển những thông tin này cho Cambridge Analytica. Chính từ những dữ liệu này, Cambridge Analytica đã tạo ra các giải pháp để tác động tới cuộc đua vào Nhà Trắng.

Christopher Wylie, người tiết lộ thông tin cho hai tờ báo, nhấn mạnh, Cambridge Analytica đã sử dụng dữ liệu để đưa những thông tin có lợi cho ông Donald Trump tiếp cận 50 triệu tài khoản này. Tuy nhiên, phía công ty khẳng định họ không dùng nó để phục vụ chiến dịch chạy đua vào Nhà Trắng của ông Trump.

Phản ứng gây thất vọng của Facebook

Dù biết thông tin nhưng hành động của Facebook là không dứt khoát và mạnh mẽ để ngăn chặn hậu quả. Năm 2015, Facebook cấm ứng dụng của Kogan khi cho rằng ông này lừa dối và vi phạm các chính sách về dữ liệu của công ty. Facebook cũng yêu cầu ông Kogan và các bên liên quan, bao gồm cả Cambridge Analytica, hủy bỏ những dữ liệu họ thu thập trái phép. Tuy nhiên, chúng không hề bị hủy dù Cambridge Analytica khẳng định điều ngược lại.

Những điều cần biết về bê bối rò rỉ thông tin khiến Facebook điên đảo - Ảnh 2.Ông chủ Facebook vẫn chưa lên tiếng về vụ bê bối.

Trong một tuyên bố ngày 20/3, Facebook cho biết toàn thể công ty đang bị xúc phạm trước hành động lừa dối. Facebook nhắc lại cam kết bảo vệ thông tin của người dùng và sẽ có mọi động thái cần thiết để ngăn chặn những sự cố. Thậm chí, gã khổng lồ mạng xã hội còn khẳng định các nhà lãnh đạo sẽ làm việc nỗ lực để tìm ra sự thật.

Dù Giám đốc điều hành Mark Zuckerberg và COO Sheryl Sandberg chưa chính thức lên tiếng nhưng công ty khẳng định họ sẽ hợp tác và chia sẻ thông tin với các ủy ban điều tra của Quốc hội về vụ việc.

Vấn đề nằm ở đâu?

Vụ việc thu hút sự chú ý của cả thế giới bởi cách dữ liệu cá nhân của người dùng bị thu thập và lợi dụng. Thông tin của người dùng đã được Cambridge Analytica sử dụng để hỗ trợ các chiến dịch chính trị, đáng chú ý nhất là cuộc đua vào Nhà Trắng của ông Trump và cuộc trưng cầu dân ý đưa Anh tới quyết định rời xa Liên minh châu Âu (Brexit).

Dù phía Cambridge Analytica liên tục bác bỏ các cáo buộc nhưng trong phóng sự điều tra của kênh Tin tức 4, CEO Nix của nó tuyên bố nhiều lần gặp ông Trump và công ty này đóng vai trò chủ yếu trong các chiến dịch vận động tranh cử của ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa năm 2016 trên mạng xã hội Facebook.

Những điều cần biết về bê bối rò rỉ thông tin khiến Facebook điên đảo - Ảnh 3.

Christopher Wylie, người tiết lộ thông tin về vụ bê bối mới nhất của Facebook.

"Chúng tôi tiến hành mọi nghiên cứu, mọi số liệu, mọi phân tích và đặt ra tất cả các mục tiêu. Chúng tôi chịu trách nhiệm cho toàn chiến dịch vận động tranh cử kỹ thuật số, truyền hình và dữ liệu của chúng tôi đóng góp mạnh mẽ vào tất cả các chiến lược", Nix khoe khoang.

Tuy nhiên, trả lời CNBN, ông Reince Priebus, cựu tham mưu trưởng Nhà Trắng, nhấn mạnh không thể xác định tính chính xác trong tuyên bố của CEO Cambridge Analytica và cũng khó có thể xác định ảnh hưởng của nó tới cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ.

Điều gì tiếp theo?

Các Thượng nghị sĩ Mỹ đã yêu cầu ông chủ Facebook xuất hiện trước Quốc hội để giải thích về cách mạng xã hội khổng lồ này bảo vệ người dùng. Trong khi đó, tại Anh, Zuckerberg cũng đã được triệu tập bởi một Ủy ban Nghị viện nhằm giải thích về sự "thất bại thảm khốc" của họ trước các nhà lập pháp.

Người đứng đầu Nghị viện châu Âu cũng tuyên bố sẽ tiến hành một cuộc điều tra nhằm xác định xem dữ liệu người dùng có thực sự bị lạm dụng.

Alexander Nix, CEO của Cambridge Analytica, đã chính thức bị cách chức sau phóng sự gây bão. Phía công ty cũng phủ nhận mọi sự liên quan trong chuỗi bài điều tra của kênh Tin tức 4 với hoạt động của công ty. Phía Cambridge Analytica cũng tuyên bố điều tra đầy đủ và độc lập về những cáo buộc.

Linh Anh

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên