Những điều ít biết về ngân hàng số 1 Việt Nam
Năm nay 2017 vừa tròn 60 năm thành lập BIDV. Qua 3 lần đổi tên và chuyển đổi mô hình hoạt động, BIDV đã để lại nhiều dấu ấn cùng sự phát triển của đất nước.
Thành lập ngày 26/4/1957, BIDV khởi nguồn với tên gọi Ngân hàng Kiến thiết Việt Nam, trực thuộc Bộ Tài chính. Qua hơn 20 năm phát triển, ngân hàng vào năm 1981 đổi tên thành Ngân hàng đầu tư và Xây dựng Việt Nam trực thuộc Ngân hàng Nhà nước. Đến năm 1990, đổi tên tiếp thành Ngân hàng đầu tư và phát triển Việt Nam và đến năm 1994 chuyển đổi mô hình hoạt động theo mô hình của ngân hàng thương mại.
Tháng 5/2012, BIDV thực hiện cổ phần hóa, chuyển đổi thành Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam, sau đó tháng 1/2014 niêm yết cổ phiếu trên Sở giao dịch chứng khoán Tp. Hồ Chí Minh với mã BID. Kết thúc năm 2016, BIDV vươn lên dẫn đầu hệ thống về tổng tài sản, doanh thu và lợi nhuận thuần cùng hàng loạt các “nhất” khác được thế giới công nhận.
Vốn cấp phát xây dựng nhiều công trình lịch sử
Ra đời năm 1957, trong hoàn cảnh cả nước đang tích cực hoàn thành thời kỳ khôi phục và phục hồi kinh tế để chuyển sang giai đoạn phát triển kinh tế có kế hoạch, xây dựng những tiền đề ban đầu của chủ nghĩa xã hội, Ngân hàng Kiến thiết Việt Nam đã có những đóng góp quan trọng trong việc quản lý vốn cấp phát kiến thiết cơ bản, hạ thấp giá thành công trình, thực hiện tiết kiệm, tích luỹ vốn cho nhà nước…
Nhiều công trình lớn, có ý nghĩa đặc biệt đối với đời sống sản xuất của nhân dân miền Bắc khi đó đã được xây dựng nên từ những đồng vốn cấp phát của Ngân hàng Kiến Thiết như: Hệ thống đại Thuỷ Nông Bắc Hưng Hải; Góp phần phục hồi và xây dựng các hầm lò mỏ than ở Quảng Ninh, Bắc Thái; Nhà máy Xi măng Hải phòng, những tuyến đường sắt huyết mạch...; Góp phần dựng xây lại Nhà máy nhiệt điện Yên Phụ, Uông Bí, Vinh; Xây dựng Đài phát thanh Mễ Trì rồi các trường Đại học Bách khoa, Kinh tế - Kế hoạch, Đại học Thuỷ Lợi...
Ngân hàng Kiến thiết Việt Nam cũng cung ứng vốn cấp phát để kiến thiết những cơ sở công nghiệp, những công trình xây dựng cơ bản phục vụ quốc kế, dân sinh và góp phần làm thay đổi diện mạo nền kinh tế miền Bắc như khu công nghiệp Cao - Xà - Lá (Thượng Đình - Hà Nội), Khu công nghiệp Việt Trì, Khu gang thép Thái Nguyên; Các nhà máy Thuỷ điện Thác Bà, Bản Thạch (Thanh Hoá), Khuổi Sao (Lạng Sơn), Nà Sa (Cao Bằng), nhiệt điện Phả Lại, Ninh Bình, đường dây điện cao thế 110 KV Việt Trì - Đông Anh, Đông Anh – Thái Nguyên,…
Qua đồng vốn cấp phát của Ngân hàng Kiến thiết, các nhà máy phục vụ phát triển kinh tế nông nghiệp như Phân Lân Văn Điển, Phân đạm Hà Bắc, Supe phốt phát Lâm Thao, Hệ thống Thuỷ Nông Nam Hà gồm 6 trạm bơm lớn Cổ Đam, Cốc Thành, Hữu Bị, Vĩnh Trị, Như Trái, Nham Tràng... đã ra đời cùng với các nhà máy mới như đường Vạn Điểm, Nhà máy bóng đèn Phích nước Rạng Đông, Nhà máy Trung quy mô (Công cụ số I), Nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo, các nhà máy dệt 8/3, 10/10... Cầu Hàm Rồng, đoạn đường sắt Vinh – Hàm rồng, Các trường đại học Giao thông Vận Tải, Bách Khoa, Đài tiếng nói dân tộc khu Tây Bắc...
Sau giải phóng, Ngân hàng Kiến thiết đã cùng nhân dân cả nước khôi phục và hàn gắn vết thương chiến tranh, tiếp quản, cải tạo và xây dựng các cơ sở kinh tế ở miền Nam, xây dựng các công trình quốc kế dân sinh mới trên nền đổ nát của chiến tranh. Hàng loạt công trình mới được mọc lên trên một nửa đất nước vừa được giải phóng: các rừng cây cao su, cà phê mới ở Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và Quảng Trị; Hồ thuỷ lợi Dầu Tiếng (Tây Ninh), Phú Ninh (Quảng Nam),… Khu công nghiệp Dầu khí Vũng Tàu, các công ty chè, cà phê, cao su ở Tây Nguyên,... các nhà máy điện Đa Nhim, xi măng Hà Tiên,...
Ngân hàng Kiến thiết cũng đã cung ứng vốn cho các công trình công nghiệp, nông nghiệp, giao thông vận tải, công trình phúc lợi và đặc biệt ưu tiên vốn cho những công trình trọng điểm, then chốt của nền kinh tế quốc dân, góp phần đưa vào sử dụng 358 công trình lớn trên hạn ngạch. Trong đó có những công trình quan trọng như: Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đài truyền hình Việt Nam, 3 tổ máy của nhà máy nhiệt điện Phả Lại, 2 Nhà máy xi măng Bỉm Sơn và Hoàng Thạch, Nhà máy sửa chữa tàu biển Phà Rừng, Nhà máy cơ khí đóng tàu Hạ Long, Hồ Thuỷ lợi Kẻ Gỗ (Hà Tĩnh), các nhà máy sợi Nha Trang, Hà Nội, Nhà máy giấy Vĩnh Phú, Nhà máy đường La Ngà, Cầu Chương Dương,...
Sau khi đổi tên thành Ngân hàng Đầu tư và Phát triển năm 1990, BIDV đã đi đầu hệ thống trong việc huy động vốn bằng tiền đồng và ngoại tệ, không chỉ trong nước mà còn nước ngoài. Ngân hàng tranh thủ tối đa nguồn vốn nước ngoài thông qua nhiều hình thức vay vốn khác nhau như vay thương mại, vay hợp vốn, vay qua các hạn mức thanh toán, vay theo các hiệp định thương mại, vay hợp vốn dài hạn, vay tài trợ xuất nhập khẩu, đồng tài trợ và bảo lãnh...
Đến năm 2000, nhờ nguồn vốn huy động dồi dào, BIDV đã tập trung đầu tư cho những chương trình lớn, những dự án trọng điểm, các ngành then chốt của nền kinh tế như: Ngành điện lực, Bưu chính viễn thông, Các khu công nghiệp... với doanh số cho vay đạt 35.000 tỷ.
Lập hàng loạt ngân hàng, công ty liên doanh với nước ngoài, xử lý ngân hàng yếu kém và nhận sáp nhập
Là ngân hàng đi đầu trong việc thành lập ngân hàng liên doanh với nước ngoài để phục vụ phát triển kinh tế đất nước. Tháng 5/1992 ngân hàng liên doanh VID PUBLIC được thành lập, có Hội sở chính tại Hà nội và các chi nhánh ở TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, đây là ngân hàng liên doanh sớm nhất ở Việt Nam.
Ngày 22/6/1999, BIDV phối hợp với Ngân hàng Ngoại thương Lào thành lập Ngân hàng liên doanh Lào - Việt. Đến năm 2006, ngân hàng Liên doanh Việt –Nga ra đời.
Ngoài ra BIDV còn tham gia thành lập các liên doanh Bảo hiểm Lào -Việt (năm 2008), Công ty quản lý quỹ đầu tư BVIM (với Hoa Kỳ năm 2006), Công ty địa ốc BIDV Tower (với Singapore năm 2005), Công ty quản lý quỹ đầu tư tại Hồng Kông và thiết lập hiện diện tại Cộng hoà Séc; Liên doanh bảo hiểm nhân thọ BIDV Metlife...
Ngân hàng cũng thành lập hiện diện thương mại tại 06 quốc gia – vũng lãnh thổ: Lào, Campuchia, Myanmar, Cộng hòa Séc, Cộng hoà LB Nga và Đài Loan.
Trong công tác hỗ trợ hệ thống xử lý các yếu kém, năm 1998, thực hiện chỉ thị của Chính phủ và của Thống đốc NHNN về việc xử lý tài sản thế chấp, cầm cố và thu hồi nợ vay của Ngân hàng TMCP Nam Đô, Ban xử lý nợ Nam Đô của BIDV đã được thành lập và tích cực thu hồi nợ, xử lý tài sản của Ngân hàng TMCP Nam Đô.
Năm 2015, BIDV nhận sáp nhập ngân hàng MHB với khoản lỗ lũy kế từ ngân hàng này chuyển sang hơn 500 tỷ đồng.
Hiện tại, ngân hàng có 6 công ty con và 7 công ty liên kết trong hầu khắp các lĩnh vực tài chính từ bảo hiểm, xử lý nợ, chứng khoán, cho thuê tài chính, quản lý quỹ cho đến …cho thuê máy bay.
Tăng trưởng không ngừng
Từ chỗ chỉ có 11 chi nhánh và 200 cán bộ khi mới thành lập, trải qua nhiều giai đoạn phát triển thăng trầm, sát nhập, chia tách, BIDV đã tiến một bước dài trong quá trình phát triển. Đến cuối năm 2016, ngân hàng ngày đã có hơn 1.000 điểm giao dịch, chi nhánh và hơn 25.000 nhân sự.
BIDV luôn duy trì tốc độ tăng trưởng cao, an tòan và hiệu quả, giai đoạn 2006 – 2010, Tổng tài sản tăng bình quân hơn 25%/năm, huy động vốn tăng bình quân 24%/năm, dư nợ tín dụng tăng bình quân 25%/năm và lợi nhuận trước thuế tăng bình quân 45%/năm.
Giai đoạn 2011 – 2016, ngân hàng này tiếp tục duy trì mức tăng trưởng mạnh hai chữ số mỗi năm với các chỉ tiêu tài chính quan trọng. Kết thúc năm 2016, BIDV ghi nhận tổng tài sản vượt 1 triệu tỷ đồng – chiếm 14% tổng tài sản toàn hệ thống, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh gần 17.000 tỷ đồng – cao hơn khoảng 26% so với ngân hàng có lợi nhuận thuần vị trí thứ 2 là VietinBank.
Ở thời điểm hiện tại ngân hàng có vốn điều lệ hơn 34 nghìn tỷ, vốn chủ sở hữu hơn 44 nghìn tỷ. Tỷ lệ sở hữu của Nhà nước tại BIDV là 95,28%.
Không chỉ là định chế tài chính hàng đầu, BIDV còn được các tổ chức quốc tế uy tín công nhận đứng đầu về bán lẻ, tư vấn phát hành trái phiếu, cung cấp dịch vụ ngoại hối, dịch vụ thẻ...
Trí Thức Trẻ