Những điều thú vị về cách Trung Quốc kiểm soát xã hội
Cùng với việc ủng hộ thị trường tự do, các nhà lãnh đạo Trung Quốc khéo léo khơi dậy chủ nghĩa dân tộc gắn với sự tự hào về văn hóa truyền thống và sự thôi thúc đất nước đứng lên. Chủ nghĩa yêu nước được chính trị hóa nhằm củng cố vị trí lãnh đạo của Đảng và bảo vệ chế độ với lý do đó là điều tốt nhất trước hỗn loạn.
Không phải là Đảng viên, James Ni vẫn rất ổn. Ông là doanh nhân cực kỳ giàu có, sở hữu công ty Mlily – đối tác chính thức cung cấp gối nệm cho câu lạc bộ bóng đá Manchester United của Anh. Mục tiêu của ông là biến Mlily trở thành thương hiệu toàn cầu.
Lớn lên trong một thành phố nhỏ của tỉnh Giang Tô, ông Ni trưởng thành trong quá trình chuyển đổi kinh tế không tưởng của Trung Quốc. Vào năm 1975 khi ông sinh ra, doanh nghiệp tư nhân thậm chí còn không hợp pháp. Khi Nhà nước cởi mở với khối tư nhân, các doanh nhân đối mặt với những rào cản dai dẳng mà vẫn tồn tại đến ngày nay.
"Đương nhiên có nhiều thứ không công bằng", ông Ni nói. "Các công ty Nhà nước có lợi thế. Ai có quan hệ thì có lợi thế. Nhưng trong môi trường phát triển và mở rộng này thì bất cứ ai cũng có thể tìm ra con đường riêng cho mình".
Doanh nghiệp tư nhân thậm chí còn không hợp pháp khi ông James Ni ra đời vào năm 1975. Ngày nay ông sở hữu công ty nệm của riêng mình.
Ngày nay, ông Ni ước tính tài sản cá nhân của mình lên đến 400 triệu USD. Không giống như nhiều ông chủ Trung Quốc làm thân với chính quyền địa phương để có lợi thế, ông Ni giữ khoảng cách với giới quan chức vì theo đuổi triết lý "kinh doanh nên chỉ là kinh doanh".
Nhìn vào lịch sử Trung Quốc, việc nước này ủng hộ doanh nhân là điều đáng chú ý, khi Nho giáo truyền thống nhượng bộ với những thương gia tìm kiếm lợi nhuận. Để theo kịp phương Tây, Đảng ủng hộ cơ chế thị trường và các tư tưởng tư bản. Tuy nhiên, đó không phải là mục đích cuối cùng họ theo đuổi, mà những tư tưởng trên chỉ là phương tiện để đạt được quyền lực và sự giàu có cho quốc gia.
Các nhà lãnh đạo Đảng luôn lo lắng doanh nghiệp tư nhân phát triển thành lực lượng kinh tế độc lập. Một số học giả phương Tây dự đoán chủ nghĩa tư bản có thể là "ngựa gỗ thành Tơ-roa (Troia)" cho dân chủ hóa. Tuy vậy, ông Ni từ chối tham gia Đảng, ông yêu nước nồng nhiệt, yêu Trung Quốc và tin rằng trên hết các lãnh đạo mong muốn điều tốt nhất cho đất nước.
"Đất nước này là quê hương của tôi", ông nói. "Chừng nào tôi còn sống trên đất này, tôi sẽ vẫn thoải mái và tự trọng. Đó là điều quan trọng với tôi".
Ông Ni cho biết chính quyền địa phương không can thiệp vào việc kinh doanh của ông vì ông tuân thủ đúng quy định, tạo việc làm cho khoảng 3.000 người và đóng thuế đáng kể.
Các nhà lãnh đạo hợp pháp hóa một số doanh nghiệp tư nhân năm 1979 và tạo ra một bước chuyển lịch sử năm 2001 bằng cách chấp nhận nhà tư bản trở thành Đảng viên.
"Cho phép doanh nhân gia nhập Đảng thực sự củng cố mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau giữa Đảng – Nhà nước và kinh tế tư nhân", Kellee Tsai, Trưởng khoa Khoa học Xã hội và Nhân văn tại Đại học Khoa học và Công nghệ Hồng Kông (Hong Kong University of Science and Technology) cho biết.
Ngay cả thế, những quy luật cạnh tranh vẫn ưu ái doanh nghiệp Nhà nước. Cụ thể, doanh nghiệp đầu tiên của ông Ni bán phần mềm thất bại. Ông tham gia vào thị trường chăn ga gối nệm sau khi thấy gối cao su non có giá cao trong cửa hàng trưng bày. Nhưng khi các công ty được Nhà nước chống lưng dễ dàng tiếp cận các khoản vay ngân hàng, thì ông Ni - một doanh nhân không có lịch sử tín dụng - đã bị từ chối.
Thay vì vay ngân hàng, ông huy động 500.000 Nhân dân tệ, tức khoảng 60.000$ vào thời điểm đó – năm 2003. Đây là tiền đầu tư từ bạn bè và gia đình, hơn một nửa số đó đến từ một người anh em họ. Những mạng lưới tin cậy là trung tâm của khu vực kinh tế "xám" (kinh tế phi chính thức) khổng lồ, vận hành bên ngoài cấu trúc ngân hàng truyền thống và cung cấp động cơ đầu tư cho khối tư nhân.
Công ty ông Ni được lập ra ở Nam Thông, một thành phố thuộc tỉnh Giang Tô. Khi mới thành lập, cán bộ địa phương bắt đầu chú ý. Tuy vậy, ông Ni cho biết họ không hề can thiệp vì ông tuân thủ đúng quy định, tạo việc làm cho khoảng 3.000 người và đóng thuế đáng kể. Những đóng góp này giúp các quan chức thăng tiến trong sự nghiệp do đạt được các mục tiêu sản xuất đề ra.
Ngay cả khi Đảng nhúng tay xuống thì đôi lúc vẫn có cơ hội để đẩy ngược lại. 4 năm trước, Phó Chủ tịch công ty ông Ni thông báo rằng chính phủ muốn công ty thành lập một đơn vị đảng trong Mlily.
"Tôi nói không", ông nhớ lại. "Đó chỉ là vài quan chức tầm trung cố gắng làm hài lòng cấp trên. Nó không phải mệnh lệnh từ Chủ tịch Tập Cận Bình".
Tuy nhiên, có những dấu hiệu cho thấy không gian phản kháng dưới thời ông Tập có thể thu hẹp lại. Những tháng gần đây, các học giả, blogger cánh tả và quan chức chính quyền công khai tán thành việc Nhà nước chủ trương xa rời các chính sách của thị trường tự do. Ông Tập cố gắng trấn an khối doanh nghiệp tư nhân bằng cách ca ngợi sự đóng góp của họ đối với sự phát triển thần kỳ của kinh tế Trung Quốc. Nhưng chủ trương lớn hơn của ông là ưu ái doanh nghiệp Nhà nước.
"Ngày nay, Trung Quốc có bộ máy quan liêu lớn nhất trong lịch sử, với khả năng xâm phạm bất cứ thứ gì", ông William C.Kirby, một giáo sư nghiên cứu Trung Quốc ở Havard cho biết. "Nó không chỉ là vấn đề ý thức hệ. Cực kỳ nhiều các nhóm lợi ích không thích cạnh tranh".
Ông Tập tìm đến Jack Ma, Chủ tịch của Alibaba, để có thêm hướng dẫn. Jack Ma là người giàu nhất Trung Quốc và là nhân vật có vẻ được ngưỡng mộ trong giới doanh nhân. Gần đây, ông Tập đăng ký một chương trình của trường kinh doanh do ông Ma thành lập, trường này hướng đến nuôi dưỡng thế hệ doanh nhân tương lai của Trung Quốc.
Ông Ma phát biểu công khai về mối quan hệ kéo – đẩy giữa doanh nghiệp tư và chính phủ trong nhiều năm. Tuy vậy, chỉ có một điều trong những lời khuyên dành cho doanh nhân của ông Ma được ông Tập dường như khắc cốt ghi tâm: "Yêu đi. Nhưng đừng cưới".
Qua thời gian, Hua Yijia cảm nhận được sức hút của Trung Quốc. Cảm giác đó khiến cô ngạc nhiên.
Sống ở Boston, cô Hua được hưởng giáo dục tinh hoa của Hoa Kỳ. Cô có công việc tư vấn và thậm chí dự tính nộp đơn xin quốc tịch Mỹ. Cô yêu nhạc Jazz và văn hóa đại chúng Mỹ. Nhưng sau hơn một thập kỷ rời khỏi Trung Quốc, cô quyết định trở về vào năm 2007.
Một phần là do cơ hội: triển vọng công việc ở hãng tư vấn tại Bắc Kinh. Một phần khác là do vỡ mộng: Cô chứng kiến những bạn gốc Hoa của mình chạm "trần tre" trong các doanh nghiệp Mỹ, ngay cả khi sự nghiệp của họ có vẻ đang cất cánh ("trần tre" – "bamboo ceiling" là thuật ngữ được tác giả Jane Hyun sử dụng, đề cập đến những thực hành trong doanh nghiệp khiến người châu Á, đặc biệt là người Trung Quốc, không đạt được mức lương cao hơn hoặc không có được công việc tốt hơn ở Hoa Kỳ). Một phần nữa là điều gì đó sâu sắc hơn: khát khao giúp đất nước theo kịp phương Tây và tái kết nối với cội nguồn Trung Quốc.
Cô Hua 44 tuổi, hiện là đối tác của một công ty đầu tư mạo hiểm và có con gái đang học tiểu học. Trường tiểu học dạy cho cô bé nhiều bài thơ Đường, các bài học thư pháp và tham quan những di tích cổ xưa. "Con bé cần biết nó đến từ đâu", cô Hua nói.
Tuyên truyền của Đảng trên một bảng điện tử lớn: “Người dân có niềm tin. Quốc gia có hy vọng. Nhà nước có sức mạnh”.
Được tiếp cận với dân chủ tự do, thế hệ của cô Hua được cho rằng sẽ yêu cầu điều đó tại quê nhà. Tầng lớp sinh viên trung lưu đổ vào các trường đại học ở Hoa Kỳ và châu Âu như con đường hứa hẹn nhất đến với danh vọng và của cải. Một số nhà phân tích phương Tây dự đoán họ sẽ quay lại Trung Quốc và trở thành lực lượng cho thay đổi chính trị.
Giống như nhiều bậc phụ huynh trung lưu khác, cô Hua lo ngại về sự đàn áp và chủ nghĩa duy vật phổ biến trong xã hội Trung Quốc. Nhiều người trong số các bậc cha mẹ này nói rằng họ muốn con cái họ trước hết phải thấy mình là người Trung Quốc. Con cái cần hiểu về cội nguồn Trung Quốc là một xã hội nông nghiệp và cảm thấy tự hào về sự kiên cường của người dân Trung Quốc qua nhiều thập kỷ đói nghèo và xung đột.
Chủ nghĩa yêu nước chảy xuyên suốt nhiều thế kỷ trong lịch sử nước này, giúp đất nước đoàn kết trong những thời kỳ khó khăn. Gần đây, nó hòa trộn vào niềm tự hào về một di sản văn hóa của nền văn minh Trung Quốc – một đất nước phẫn nộ sâu sắc trước sự lăng nhục của các thế lực ngoại bang trong thời kỳ thuộc địa. Đó là sự pha trộn mà Đảng khéo léo thao túng để gợi lên cảm giác Trung Quốc cần phải đứng lên.
Một số nhà phân tích lập luận rằng thành công của Trung Quốc là do sự kiên cường của người dân hơn là nhờ Đảng và chính sách. Các nhà lãnh đạo thành thạo trong việc định hình một chủ nghĩa dân tộc bị chính trị hóa, nhằm củng cố vị trí lãnh đạo của Đảng và bảo vệ mô hình độc đoán với lý do đó là sự bảo vệ tốt nhất trước những hỗn loạn.
"Chủ nghĩa dân tộc ở Trung Quốc ràng buộc người dân với Nhà nước, không phải người dân với người dân", Minxin Pei, một giáo sư nghiên cứu về chính quyền ở Đại học Claremont McKenna cho biết.
Hua Yijia, người thứ hai từ bên phải, đã học tập tại Hoa Kỳ, nhưng trở về quê nhà một phần vì muốn kết nối lại với cội rễ Trung Hoa.
Ông Tập khôi phục văn hóa truyền thống một cách có lựa chọn. Các chuyên gia cho rằng đây điều này nhằm mục đích khiến người dân có gì đó để tự hào. Tuy nhiên, cách tiếp cận này từng chịu không ít mỉa mai trong lịch sử. Những người cấp tiếp lật đổ triều đại nhà Thanh và sau đó là Mao Trạch Đông và những người cộng sản từng đổ lỗi cho truyền thống Trung Hoa khiến đất nước tụt hậu.
Ý thức hệ cộng sản từ lâu đã mất sức hấp dẫn với công chúng. Vì vậy, ông Tập dựa vào truyền thống để củng cố lý tưởng rằng đất nước cần một nhà lãnh đạo mạnh mẽ giúp ngăn chặn các hỗn loạn và bảo vệ đất nước khỏi thế lực ngoại bang. Nhiều người lo ngại ông Tập có thể dẫn dắt Trung Quốc đến một giai đoạn cô lập mới.
"Mở cửa và học tập từ phương Tây không phải là điều gì mất mặt", Zhu Dake - học giả và nhà phê bình văn hóa ở Thượng Hải cho biết. "Văn hóa Trung Quốc không phải là văn hóa khép kín, và sự vĩ đại của chúng ta không phải do chúng ta hoàn toàn tạo ra. Thật không may, đây chỉ là quan điểm của thiểu số".
Tòa chung cư của cô Hua nhìn ra công viên Chaoyang ở trung tâm Bắc Kinh. Vây quanh tòa nhà là nhiều áp phích tuyên truyền, bao gồm nhiều màn hình ca ngợi giá trị của "con người chủ nghĩa xã hội" như "lòng yêu nước" và "sự trung thực". Cô chia sẻ mối lo ngại rằng gần như không thể chỉ trích đất nước mà không bị dán nhãn không yêu nước. Cô cũng không thoải mái với việc thắt chặt kiểm duyệt và kiểm soát thông tin.
"Tôi là một công dân Trung Quốc", cô nói. "Không có nghĩa là tôi nghĩ mọi thứ của Trung Quốc đều tuyệt vời".
Nhưng dù có bất bình, cô vẫn tin xã hội đang đi đúng hướng và cô bằng lòng chờ đợi. "Hai bước tiến lên, một bước lùi", cô nói.
Cô Hua bắt đầu những chuyến đi đưa con gái đến những vùng nghèo của Trung Quốc, chỉ cho cô bé thấy những bất bình đẳng to lớn còn tồn tại, ngay cả trong thời đại thanh toán di động hay ô tô tự lái. Cô hy vọng con gái sẽ được sống trong một Trung Quốc khoan dung hơn và mở cửa hơn với thế giới.
Điều đó không có nghĩa cô muốn Trung Quốc phải giống phương Tây.
"Tôi hy vọng con gái tôi có cơ hội tiếp xúc với thế giới và những nền văn hóa khác", cô chia sẻ. "Nhưng con bé được sinh ra ở Trung Quốc. Nó lớn lên ở đây. Nó luôn cần hiểu nó là ai và là người Trung Quốc thì có ý nghĩa như thế nào, kể từ khi còn nhỏ".