MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giải mã cuộc đua thống trị đường sắt cao tốc giữa Trung Quốc và Nhật Bản

31-05-2021 - 10:27 AM | Tài chính quốc tế

Giải mã cuộc đua thống trị đường sắt cao tốc giữa Trung Quốc và Nhật Bản

Cả Nhật Bản và Trung Quốc đều đang chạy đua chế tạo loại tàu siêu nhanh, di chuyển khi lơ lửng phía trên đường ray, nhằm thống trị ngành công nghiệp đường sắt cao tốc toàn cầu.

Tàu đệm từ là tàu hỏa sử dụng nam châm điện để lướt trên mặt đường ray. Việc lơ lửng trong không khí giảm tới mức tối thiểu lực ma sát tác động lên con tàu, cho phép nó di chuyển với tốc độ nhanh hơn, êm hơn và tiết kiệm điện năng hơn. Một số đoàn tàu đệm từ đã được đưa vào khai thác thử nghiệm ở những tuyến đường ngắn.

Với những gì đang diễn ra, chúng ta không khó để nhận ra 2 nền kinh tế lớn nhất châu Á đang chạy đua để thống trị công nghệ này trên những tuyến đường dài. Hai dự án đang được phát triển ở Trung Quốc và Nhật Bản cũng sẽ là những cung đường sắt liên tỉnh đầu tiên trên thế giới sử dụng công nghệ tàu đệm từ.

Về phía Nhật Bản, họ đang phát triển dự án trị giá 9 nghìn tỷ Yên (86 tỷ USD) để nối liền Tokyo và Osaka vào năm 2037. Đây là dự án của Công ty Đường sắt miền Trung Nhật Bản. Về phần mình, Trung Quốc có dự án tàu đệm từ trị giá 15 tỷ USD, nối liền Thượng Hải với Ninh Ba. Tuy nhiên, sau nhiều lần bị trì hoãn, công trình này được dự báo sẽ đi vào hoạt động sớm nhất vào năm 2035. Chi phí đường sắt đệm từ của Nhật Bản đắt hơn do phải đào hầm xuyên núi và một số vùng nông thôn.

Giải mã cuộc đua thống trị đường sắt cao tốc giữa Trung Quốc và Nhật Bản - Ảnh 1.

Tàu đệm từ Trung Quốc.

Các chuyên gia đường sắt cho biết, nếu Nhật Bản và Trung Quốc có thể thành công trong việc khai thác các tuyến đường sắt cao tốc đường dài bằng tàu đệm từ, họ sẽ nắm trong tay cơ hội xuất khẩu công nghệ khổng lồ. Đây cũng sẽ là tương lai tiếp theo của tàu cao tốc. Theo nghiên cứu, thế giới sẽ dành 2.000 tỷ USD cho các dự án cơ sở hạ tầng đường sắt.

Christopher Hood, một giáo sư tại Đại học Cardiff – tác giả một cuốn sách về tàu cao tốc của Nhật Bản, nhấn mạnh: "Công nghệ tàu đệm từ có tiềm năng xuất khẩu rất lớn và là các dự án trọng điểm của cả Trung Quốc và Nhật Bản. Việc triển khai thành công trong nước sẽ chứng minh chúng có thể thành công khi xuất khẩu ở nước ngoài".

Người Nhật đã tạo ra những đoàn tàu cao tốc đầu tiên trên thế giới. Từ lâu, họ cũng chính là những nhà cung cấp hàng đầu cho các dự án đường sắt cao tốc trên toàn cầu. Cựu Thủ tướng Shinzo Abe từng coi xuất khẩu cơ sở hạ tầng, bao gồm đường sắt cao tốc, như một phần quan trọng của tăng trưởng kinh tế.

Tuy nhiên, trong thập kỷ qua, Nhật Bản đã gặp phải sự cạnh tranh mạnh mẽ của Trung Quốc. Bắc Kinh nổi tiếng với việc sẵn sàng cung cấp các giải pháp rẻ hơn. Năm 2015, các nhà thầu Nhật Bản đã thua Trung Quốc trong việc đấu thầu xây dựng tuyến đường sắt nối liền Jakarta tới Bandung, Tây Java, Indonesia. Sau đó người Nhật quay trở lại khi dự án chậm tiến độ.

Trong một bài báo được đăng tháng 7 năm ngoái trên tờ China Daily, Nhật Bản được nêu tên như là "đối thủ mạnh" trong việc phát triển tàu cao tốc của Trung Quốc. Tuy nhiên, tờ báo này cho rằng chính áp lực cạnh tranh từ Nhật Bản giúp Trung Quốc quyết tâm tạo ra những đột phá trong lĩnh vực tàu đệm từ để nắm giữ thị phần trong nước và quốc tế.

Giải mã cuộc đua thống trị đường sắt cao tốc giữa Trung Quốc và Nhật Bản - Ảnh 2.

Tàu đệm từ Nhật Bản.

Tuyến tàu đệm từ đường dài của Trung Quốc nối Trung tâm Tài chính Thượng Hải với Ninh Ba, chạy qua Hàng Châu. Nó nằm trong kế hoạch của Chính quyền tỉnh Chiết Giang nhằm cải thiện hệ thống đường sắt cao tốc của mình.

"Có cảm giác rằng, trong thế giới công nghệ, Nhật Bản đang ngày càng tụt hậu so với Trung Quốc. Vì vậy, nếu Nhật Bản có thể vượt trước với công nghệ tàu đệm từ, đó sẽ là một niềm tự hào dân tộc to lớn", Giáo sư Hood chia sẻ.

Năm 2016, Chính phủ của Thủ tướng Abe đã phê duyệt khoản vay 3.000 tỷ Yên để giúp Công ty Đường sắt miền Trung Nhật Bản phát triển tuyến tàu cao tốc có tên Chuo Shinkansen. Theo đó, thời điểm hoàn thành dự án được rút xuống năm 2037 so với năm 2045 như kế hoạch trước đó. Tuy nhiên, việc triển khai dự án vẫn phải đối mặt với thách thức, bao gồm cả sự lo ngại từ chính quyền các địa phương về ảnh hưởng tới môi trường.

Yuri Akahoshi, người phát ngôn Công ty Đường sắt miền Trung Nhật Bản, cho biết: "Chúng tôi đang nỗ lực hết sức để đưa tàu Chuo Shinkansen vào vận hành sớm nhất có thể". Công ty này đang thử nghiệm tàu trên tuyến đường sắt dài 43 km ở Yamanashi, nơi đoàn tàu thường xuyên đạt tốc độ hơn 500 km/h.

Một trong những thị trường mà đường sắt Nhật Bản hướng tới xuất khẩu công nghệ tàu đệm từ là Mỹ. Hiện tại, họ đang làm việc với các đối tác để đặt nền móng cho tuyến tàu cao tốc nối Washington D.C và New York. Giai đoạn đầu của dự án, dự kiến nối Washington với Baltimore, có giá khoảng 10 tỷ USD.

Theo Công ty Đường sắt miền Trung Nhật Bản, nếu được đưa vào khai thác, nó sẽ giảm thời gian di chuyển giữa các thành phố chính của Mỹ xuống 1 giờ so với 3 giờ như hiện tại. Điều đó đồng nghĩa với việc đi lại bằng tàu đệm từ sẽ nhanh hơn so với việc di chuyển bằng máy bay.

Tuy nhiên, những câu hỏi vẫn được đưa ra xung quanh tương lai của tàu đệm từ, nhất là khi chi phí xây dựng lên chúng thường cao gấp 3-4 lần so với các loại đường sắt cao tốc thông thường. Không nhiều quốc gia có đủ tiềm lực kinh tế để theo đuổi công nghệ này.

Linh Anh

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên