MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Những doanh nghiệp có lợi nhuận tăng ‘phi mã’

16-03-2019 - 08:44 AM | Doanh nghiệp

2 trong số 5 công ty đứng đầu về tăng trưởng lợi nhuận chủ yếu nhờ hoạt động M&A trong năm 2018.

Theo thống kê của Bộ phận phân tích CTCP Chứng khoán SSI (HoSE: SSI) – SSI Retail Research, trong số các doanh nghiệp niêm yết vốn hóa trên 3.000 tỷ đồng tại HoSE và trên 1.000 tỷ đồng tại HNX, có 10 công ty lợi nhuận tăng "bằng lần" trong năm 2018.

Dẫn đầu danh sách là CTCP Vinhomes (HOSE: VHM). Công ty ghi nhận doanh thu thuần 38.806 tỷ đồng, tăng 1,5 lần so với năm trước và lợi nhuận ròng 14.754 tỷ đồng, tăng 8,4 lần.

Sự đột biến trong kết quả kinh doanh đến từ việc sáp nhập trước khi niêm yết trong năm 2018. Vinhomes tiền thân là CTCP Phát triển Đô thị Nam Hà Nội với vốn điều lệ 2.000 tỷ đồng, thông qua việc chào bán cổ phần riêng lẻ, trả cổ tức bằng cổ phần và nhận sáp nhập CTCP Đầu tư Xây dựng Tân Liên Phát cùng CTCP Kinh doanh và Quản lý Bất động sản Vinhomes, Vinhomes đã nâng vốn điều lệ lên 28.365 tỷ đồng.

Tính đến cuối 2018, tổng tài sản Vinhomes đạt 117.808 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu 48.119 tỷ đồng, tăng lần lượt là 130% và 375% so với năm 2017.

Những doanh nghiệp có lợi nhuận tăng ‘phi mã’ - Ảnh 1.

Nguồn: SSI Retail Research

Một doanh nghiệp khác cũng ghi nhận lợi nhuận tăng cao nhờ M&A là CTCP Bột giặt và Hóa chất Đức Giang (HNX: DGC). Đơn vị này ghi nhận doanh thu thuần gấp 9,6 lần, đạt 6.062 tỷ đồng. Lợi nhuận ròng hơn 880 tỷ đồng, tăng 5,8 lần so với 2017, đứng thứ 3 trong danh sách.

Năm qua, DGC đã sáp nhập CTCP Hóa chất Đức Giang - Lào Cai (DGL), thông qua việc phát hành gần 57,8 triệu cổ phiếu hoán đổi.

CTCP Chứng khoán MB (HNX: MBS) đứng thứ 2 trong top tăng trưởng lợi nhuận năm qua. Lợi nhuận ròng của MBS tăng 6,4 lần đạt hơn 177 tỷ đồng nhờ hoạt động tự doanh và môi giới chứng khoán khởi sắc.

Xếp thứ 4 trong danh sách là đại diện duy nhất của nhóm dầu khí, Tổng CTCP Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí (HoSE: PVD). Doanh nghiệp này ghi nhận doanh thu và lợi nhuận ròng lần lượt 5.503 tỷ đồng và 163 tỷ đồng trong 2018, tăng 41% và 359%.

Kết quả này nhờ quý IV/2018, hiệu suất sử dụng giàn khoan tự nâng cải thiện (85% năm 2018 so với 74% năm 2017) với đơn giá bình quân tương đương năm trước. Công ty thu hồi một phần công nợ quá hạn từ PVEP, thay đổi thời gian khấu hao của các giàn khoan biển PVDrilling II, III, IV từ 20 năm lên 35 năm và được hoàn nhập một phần quỹ khoa học công nghệ.

Những doanh nghiệp có lợi nhuận tăng ‘phi mã’ - Ảnh 2.

Lợi nhuận PVD tăng 359% trong 2018. Nguồn: PVD

Top 10 tăng trưởng lợi nhuận có 2 đại diện của lĩnh vực thủy sản là CTCP Nam Việt (HOSE: ANV), đứng thứ 5 và CTCP Vĩnh Hoàn (HOSE: VHC), xếp thứ 9.

Với Nam Việt, doanh nghiệp này ghi nhận doanh thu thuần tăng 40% lên 4.118 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế công ty mẹ 600 tỷ đồng, gấp hơn 4 lần 2017 và vượt 140% kế hoạch 2018.

Trong khi đó, Vĩnh Hoàn đạt doanh thu thuần 9.323 tỷ đồng, tăng 14%. Lợi nhuận ròng 1.452 tỷ đồng, tăng 140% và gấp 2,3 lần kế hoạch. EPS ở mức 15.585 đồng.

Lĩnh vực thủy sản khởi sắc năm qua với những con số kỷ lục là nguyên nhân giúp Nam Việt và Vĩnh Hoàn có kết quả trên. Sản lượng thủy sản năm 2018 đạt 7,74 triệu tấn, tăng 7,2% so với 2017, cao nhất lịch sử. Trong đó, sản lượng khai thác đạt 3,59 triệu tấn, tăng 6 %; sản lượng nuôi trồng đạt 4,15 triệu tấn, tăng 8,3%. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2018 cũng thiết lập mốc kỷ lục 9 tỷ USD, tăng 8,4% so với 2017.

Những doanh nghiệp có lợi nhuận tăng ‘phi mã’ - Ảnh 3.

Sản lượng thủy sản năm 2018 đạt 7,74 triệu tấn, tăng 7,2% so với 2017, cao nhất lịch sử. Nguồn: VnEconomy

CTCP Gemadept (HOSE: GMD) góp mặt ở vị trí thứ 6 với lợi nhuận kỷ lục nhờ chuyển nhượng 51% và 49% vốn tại CJ - Gemadept Logistics Holdings và CJ - Gemadept Shipping Holdings. Riêng quý I/2018, thương vụ này giúp Gemadept đạt 1.460 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, gấp 13 lần cùng kỳ 2017. Cả năm 2018, Gemadept lãi ròng gần 1.900 tỷ đồng, tăng 2,2 lần so với năm trước

Vị trí tiếp theo thuộc về Tập đoàn Hà Đô (HOSE: HDG) và Ngân hàng TMCP Á Châu (HNX: ACB). Nhờ mảng năng lượng và xây lắp duy trì ổn định, trong khi bất động sản và khách sạn tăng trưởng, Hà Đô báo lãi ròng 2018 gấp 2,75 lần cùng kỳ, đạt 751,5 tỷ đồng.

Với ACB, nhà băng này mang về lợi nhuận ròng 5.137 tỷ đồng, tăng 1,4 lần so với năm trước. Động lực chính tạo tăng trưởng của ACB đến từ thu nhập hoạt động khác cao gấp đôi, đạt 1.815 tỷ đồng. Trong đó, lãi từ thu hồi khoản nợ nhóm G6 hơn 1.610 tỷ đồng.

Những doanh nghiệp có lợi nhuận tăng ‘phi mã’ - Ảnh 4.

Lãi từ thu hồi khoản nợ nhóm G6 hơn 1.610 tỷ đồng. Nguồn: Vietnambiz

Đứng cuối top 10 là doanh nghiệp mới niêm yết mới trong 2018, CTCP Tập đoàn Yeah1 (HOSE: YEG). Công ty này ghi nhận lợi nhuận ròng 180 tỷ đồng, tăng 1,2 lần so với 2017.

Thời gian qua, sau khi có thông tin một số đơn vị thuộc tập đoàn này sẽ ngừng hợp đồng lưu trữ nội dung với Youtube vào cuối tháng 3, cổ phiếu YEG đã có 9 phiên giảm sàn liên tiếp và đang dừng ở giá 127.700 đồng, mất 47% giá trị.

Theo Yeah1, mảng kinh doanh Youtube AdSense đóng góp khoảng một triệu USD, tương ứng khoảng 13% lợi nhuận sau thuế trong năm trước. Mới đây, công ty cũng đã đạt được thỏa thuận bán lại 100% cổ phần tại Công ty ScaleLab, LLC - một đơn vị bị ngừng hợp đồng với Youtube, cho các chủ sở hữu trước đây. Tuy nhiên, cổ phiếu YEG vẫn đang trong đà giảm.

Theo Lê Hải

Người đồng hành

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên