MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Những doanh nghiệp lên sàn với giá cao ngất ngưởng

VTVCab lên sàn giá 140.900 đồng/cp, mức giá từng kén chọn nhà đầu tư khi IPO. Cổ phiếu Yeah1 cũng từng cao nhất thị trường nhưng đang rơi về vùng đáy sau sự cố YouTube.IPH là cổ phiếu có mức giá chào sàn cao nhất 411.000 đồng/cp. Nhiều cổ phiếu rơi mạnh khi chào sàn giá cao nhưng cũng có cổ phiếu giữ được thị giá như FPT Online.

VTVCab lên sàn giá 140.900 đồng/cp

Hôm nay, Tổng công ty Truyền hình cáp Việt Nam (VTVCab -UPCoM: CAB) chính thức giao dịch trên hệ thống UPCoM với giá tham chiếu là 140.900 đồng/cp. Khối lượng đăng ký là 45,7 triệu cổ phiếu, tương đương với mức định giá gần 6.450 tỷ đồng.

Tháng 4 năm ngoái, VTVCab đã quyết định chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) hơn 42,2 triệu cổ phần, tương đương 47,84% vốn điều lệ sau cổ phần hóa với mức giá khởi điểm 140.900 đồng/cổ phần. Tuy nhiên, phiên đấu giá không được tổ chức do chỉ có 1 nhà đầu tư đăng ký.

VTVCab tiền thân là Trung tâm truyền hình Cáp MMDS thành lập năm 1995. Sau hơn 20 năm hoạt động, VTVcab có mạng truyền hình cáp phủ sóng rộng nhất gần 60 tỉnh, thành phố trên toàn quốc với số lượng thuê bao truyền hình trả tiền lớn nhất nước; số lượng chi nhánh, văn phòng đại diện, showroom lớn nhất nước.

Với vị thế đầu ngành truyền hình trả tiền cùng rào cản gia nhập ngành lớn, VTVCab có lý do cho việc định giá cao. Tuy nhiên, mức giá 140.900 đồng/cp thực tế đã làm nản lòng các nhà đầu tư khi IPO và có khả năng tiếp tục kén chọn nhà đầu tư khi lên sàn.

Những doanh nghiệp lên sàn với giá cao ngất ngưởng - Ảnh 1.

Mức giá 140.900 đồng/cp từng làm nản lòng các nhà đầu tư khi IPO.

Sau IPO thất bại, VTVCab đã thực hiện bán cổ phần thành công cho người lao động với tổng khối lượng 664.800 cổ phiếu và chính thức chuyển đổi thành công ty cổ phần từ 30/6/2018. Hiện nay, Đài truyền hình Việt Nam vẫn nắm giữ hơn 45 triệu cổ phần, tương đương 98,55% vốn.

Hoạt động kinh doanh trong 6 tháng đầu năm ghi nhận doanh thu thuần 1.073 tỷ và lãi 14,4 tỷ đồng, lần lượt giảm 7% và 33% so với cùng kỳ 2018. So với kế hoạch cả năm, VTVCab mới thực hiện 23% chỉ tiêu lợi nhuận. Dù vậy, kết quả trên vẫn giúp doanh nghiệp thoát lỗ lũy kế với con số lợi nhuận chưa phân phối là gần 1 tỷ đồng.

Ngoài VTVCab, một số đơn vị khác cũng từng có mức giá chào sàn ấn tượng như Yeah1, Mắt kính Sài Gòn, In và Phát hành biểu mẫu Thống kê… Đây đều là những đơn vị có ngành nghề kinh doanh đặc thù nhưng không phải công ty nào cũng giữ được thị giá cao.

"Bé hạt tiêu" IPH đang giữ kỷ lục chào sàn

Công ty TNHH MTV In và Phát hành biểu mẫu Thống kê (UPCoM: IPH) cũng gây chú ý khi chào sàn ngày 3/7 với mức giá kỷ lục 411.000 đồng mỗi cổ phần.

Tiền thân của IPH là Phòng phát hành trực thuộc văn phòng Tổng cục thống kê, thành lập tháng 4/1976. Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) bắt đầu tiếp nhận IPH vào tháng 10/2016. Công ty có vốn điều lệ hơn 2,05 tỷ đồng, tương ứng 205.495 cổ phần.

Trong đợt IPO mới đây vào 15/5, toàn bộ 138.231 cổ phần IPH đã được các nhà đầu tư mua hết với giá trúng bình quân tới 410.960 cổ phần, gấp 15 lần mức giá khởi điểm, thậm chí giá cao nhất còn lên đến 526.800 đồng/cp. Tuy nhiên, do có nhà đầu tư bỏ cọc nên IPH chỉ bán được 38.432 cổ phiếu.

Hoạt động kinh doanh của IPH khá ảm đạm khi doanh thu và lợi nhuận liên tục giảm. Thậm chí năm 2018, công ty chỉ có doanh thu 4 tỷ và báo lỗ 268 triệu đồng và chính thức lỗ lũy kế cũng 268 triệu đồng. Cho năm 2019, công ty đặt kế hoạch doanh thu tăng lên 10 tỷ đồng, thoát lỗ và không chia cổ tức.

Những doanh nghiệp lên sàn với giá cao ngất ngưởng - Ảnh 2.

Dù vốn nhỏ và kinh doanh ảm đạm nhưng IPH có điểm nhấn đầu tư ở mảnh đất vàng 828m2 tại số 47-55 ngõ 54 Nguyễn Chí Thanh, quận Đống Đa, Hà Nội. Công ty dự kiến di dời nhà xưởng khỏi khu đất này và sẽ xin cơ quan chức năng cải tạo, xây dựng lại làm trụ sở, văn phòng và kinh doanh dịch vụ theo ngành nghề trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

Tình cảnh bỏ cọc khi IPO có vẻ tiếp diễn khi cổ phiếu lập tức giảm sàn trong ngày giao dịch đầu tiên và tiếp tục đi xuống mức 185.000 đồng/cp. Tổng khối lượng khớp lệnh từ khi lên sàn là 300 đơn vị.

Những doanh nghiệp lên sàn với giá cao ngất ngưởng - Ảnh 3.

Diễn biến giá IPH. Nguồn: VnDirect.

Yeah1 lao dốc sau khi gặp sự cố

Ngày 26/6/2018, Tập đoàn Yeah1 (HoSE: YEG) chính thức đưa hơn 27 triệu cổ phiếu niêm yết trên HoSE với giá tham chiếu 250.000 đồng/cp, cao nhất tại thời điểm niêm yết. Yeah1 nhanh chóng tăng trần và đạt đỉnh 343.000 đồng/cp (28/6), trở thành cổ phiếu có thị giá cao nhất lúc bấy giờ.

Tuy nhiên, những lo ngại về mức định giá quá cao cùng những dấu hỏi về giao dịch cổ phiếu lòng vòng, tính bền vững của hoạt động kinh doanh đã khiến cổ phiếu “hạ nhiệt” và đi ngang vùng 250.000 đồng/cp, trước khi biến cố lớn xảy ra.

Những doanh nghiệp lên sàn với giá cao ngất ngưởng - Ảnh 4.

Diễn biến giá YEG. Nguồn: VnDirect.

Thông tin Youtube tuyên bố chấm dứt Thỏa thuận lưu trữ nội dung với Yeah1 đã khiến ông trùm ngành truyền thông rơi vào khủng hoảng toàn diện. Riêng cổ phiếu lao dốc từ vùng 250.000 đồng/cp về 61.700 đồng/cp (5/9), tương đương mất hơn 75% giá trị vốn hóa.

Hoạt động kinh doanh của Yeah1 cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Năm 2018, công ty vẫn tăng trưởng nhanh với lợi nhuận kỷ lục 163 tỷ đồng. Nhưng bước sang nửa đầu năm 2019, Yeah1 buộc phải trích lập dự phòng lớn cùng nhiều chi phí gia tăng nên thua lỗ hơn 102 tỷ đồng.

Những doanh nghiệp lên sàn với giá cao ngất ngưởng - Ảnh 5.

Yeah1 là một tập đoàn truyền thông đa phương tiện, hoạt động trong cả kênh truyền thống và kỹ thuật số. Công ty cũng đặt mục tiêu trở thành kỳ lân (startup tỷ đô) thứ 2 của Việt Nam sau VNG Corporation trong 3 năm niêm yết. Tuy nhiên, sự cố YouTube đã làm thay đổi đường hướng kinh doanh, giấc mộng kỳ lân của Yeah1 theo đó cũng phải gác lại để tập trung vào tái cấu trúc bộ máy nhân sự, dòng tiền, kinh doanh.

FPT Online giữ được thị giá cao

CTCP Dịch vụ trực tuyến FPT (FPT Online -UPCoM: FOC) bắt đầu đưa 14 triệu cổ phiếu lên sàn từ 10/12/2018 với giá tham chiếu 110.000 đồng/cp. Đến nay, thị giá của FOC vẫn được duy trì ở mức cao 129.000 đồng/cp.

Những doanh nghiệp lên sàn với giá cao ngất ngưởng - Ảnh 6.

Diễn biến giá FOC. Nguồn: VnDirect.

FPT Online là doanh nghiệp thành lập năm 2007, hoạt động trong lĩnh vực quảng cáo trực tuyến, game online, âm nhạc trực tuyến, mạng xã hội và dịch vụ SMS… Các sản phẩm dịch vụ số của công ty bao gồm triển khai truyền thông cho khách hàng trên các trang VNExpress.net, Ngoisao.net, Ione.net...

Hoạt động kinh doanh của FPT Online đang đi ngang với tăng trưởng thấp, nhiều tiền mặt nhưng không biết đầu tư vào đâu. Năm 2018, lợi nhuận công ty tăng nhẹ lên 252 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm 2019, công ty báo lãi 110 tỷ đồng, tăng 2% so với cùng kỳ và hoàn thành 43% chỉ tiêu năm.

Với lợi nhuận đều đặn, FPT Online là đơn vị có mức chi trả cổ tức rất cao trên thị trường. Tỷ lệ chia cổ tức năm 2018 là 130% bằng tiền và công ty cũng mới tạm ứng cổ tức đợt 1/2019 tỷ lệ 100% bằng tiền.

"Đại gia" mắt kính Sài Gòn giảm hơn 60%

CTCP Mắt kính Sài Gòn (SaiGonOptic -UPCoM: SOV) cũng gây bất ngờ khi quyết định mang 1,9 triệu cổ phiếu lên sàn từ 10/7 với giá tham chiếu 91.000 đồng/cp. Mức định giá cho doanh nghiệp mắt kính lớn nhất TP HCM theo đó khoảng 174 tỷ đồng.

SaiGonOptic tiền thân là Xí nghiệp Mắt kính Sài Gòn được thành lập năm 1979. Công ty chỉ có 3 địa điểm kinh doanh nhưng chiếm đến 65% thị phần tại TP HCM, vượt trội cả về thị phần và máy móc thiết bị so với các công ty cùng ngành.

Năm 2018, SaiGonOptic ghi nhận doanh thu thuần tăng nhẹ lên 46 tỷ đồng. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế giảm gần 16% xuống 4,6 tỷ đồng. Giá trị sổ sách mỗi cổ phần chỉ đạt 12.272 đồng. Kế hoạch năm 2019, doanh nghiệp đặt chỉ tiêu doanh thu thuần tăng nhẹ 47 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đi ngang ở mức 4,64 tỷ đồng.

Với mức giá 91.000 đồng/cp, cổ phiếu SOV cũng không được đón nhận tích cực. Cổ phiếu giảm điểm trong phiên chào sàn rồi, sau đó đạt đỉnh 107.000 đồng/cp trước khi lao dốc về 35.000 đồng/cp với thanh khoản rất thấp.

Những doanh nghiệp lên sàn với giá cao ngất ngưởng - Ảnh 7.

Diễn biến giá SOV. Nguồn: VnDirect.

Theo Huy Lê

Người đồng hành

Trở lên trên