Những doanh nhân bất động sản tuổi Hợi lừng lẫy trên thương trường
Theo các chuyên gia phong thủy, người tuổi Hợi vốn mang nhiều phúc khí, gặp được nhiều may mắn và có khát vọng lớn về sự giàu sang, phú quý. Thành công đến với họ không quá khó khăn nhưng cũng không quá nhanh mà từ từ từng bước vững chắc.
Cũng theo các chuyên gia phong thuỷ, với người tuổi Hợi, trở nên thành đạt, giàu có nhìn chung có phần thuận lợi hơn một số con giáp khác. Riêng trên thị trường bất động sản, rất nhiều doanh nhân tuổi Hợi đã và đang để lại nhiều danh tiếng, tạo ra những dự án và sản phẩm giá trị.
Trong số này đáng kể như ông Nguyễn Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Coteccons; ông Tô Như Toàn - Chủ tịch HĐQT Văn Phú Invest; ông Đoàn Văn Bình, cũng sinh năm Tân Hợi 1971 và là Chủ tịch CEO Group; hai lãnh đạo cấp cao của CEN Land là Chủ tịch HĐQT Nguyễn Trung Vũ và TGĐ Nguyễn Thọ Tuyển đều sinh năm Hợi; bà Đặng Thị Hoàng Yến - Chủ tịch tập đoàn Tân Tạo; ông Vũ Văn Tiền - Chủ tịch Geleximco (cùng sinh năm 1959); ông Trần Bá Dương - Chủ tịch HĐQT tập đoàn Thaco...
Ông Nguyễn Bá Dương - Chủ tịch HĐQT Coteccons
Coteccons được coi là tổng thầu lớn, uy tín bậc nhất Việt Nam trong những năm gần đây. Không ít dự án thậm chí tăng giá vì có sự tham gia của Coteccons như một sự đảm bảo về uy tín, chất lượng. Công trình nổi bật nhất của Coteccons chính là tòa Landmark 81, một trong những công trình cao nhất thế giới, khẳng định trình độ năng lực thi công của doanh nghiệp.
Với những hợp đồng lớn dồn dập, doanh thu Coteccons những năm gần đây lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng, lợi nhuận hàng nghìn tỷ đồng. Chủ tịch Nguyễn Bá Dương hiện đang nắm giữ hơn 3,8 triệu cổ phiếu CTD, tương ứng giá trị 523 tỷ đồng.
Vào đầu tháng 4/2017 Công CP Xây dựng Coteccons (HOSE: CTD) đã ra thông báo về việc rót 100% vốn thành lập công ty con chuyên kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản có tên là Công ty TNHH Convestcons, thông tin vừa được tiết lộ tại cuộc họp báo của CTD.
Theo đó, vốn điều lệ của Convestcons dự kiến khoảng 26 tỷ đồng. Công ty được phân nhiệm vụ thực hiện kinh doanh trong 2 lĩnh vực chính là môi giới bất động sản (bao gồm tư vấn, môi giới, đấu giá BĐS, đấu giá quyền sử dụng đất) và kinh doanh BĐS (bao gồm kinh doanh BĐS, quyền sử dụng đất, thuộc chủ sở hữu hoặc đi thuê).
Trước đó, trao đổi với báo chí ông Nguyễn Bá Dương - Chủ tịch HĐQT CTD cũng đã "úp mở" kế hoạch "nhảy" vào lĩnh vực này. Theo ông Dương, CTD ngày xưa tới nay rất bảo thủ. Nhiều dự án mời gọi, CTD vẫn không làm. Cái mà CTD muốn làm là BĐS cơ hội. Nhiều chủ đầu tư đang cần tiền sẽ bán cho CTD với giá tốt nhất khi CTD xây dựng móng cho họ…
Ngoài ra, một số dự án khách sạn tại khu vực trung tâm TP.HCM cũng sẽ nằm trong tầm ngắm "thâu tóm" của CTD trong thời gian tới. Coteccons đã nhắm đến M&A một số công ty trong đó có cả công ty đang niêm yết, trong lĩnh vực liên quan đến hoạt động xây lắp, thâu tóm một số khu trung tâm thương mại ngay trung tâm TP.HCM.
Ông Tô Như Toàn, sinh năm 1971 - Chủ tịch Văn Phú Invest
Hình thành từ năm 2003 với tiền thân là Chi nhánh tại Hà Nội của Công ty Đầu tư Xây dựng và Kinh doanh nhà Quảng Ninh, đến nay Công ty Cổ phần Đầu tư Văn Phú - Invest có nhiều dự án lớn trong các lĩnh vực tư vấn đầu tư, kinh doanh, xây dựng và phát triển bất động sản, như: Khu đô thị mới Văn Phú tại Hà Đông, dự án Home City...
Tổng diện tích đất Văn Phú - Invest tích lũy được để đầu tư bất động sản lên đến 236 ha, trong đó nhiều dự án có vị trí đắc địa ở trung tâm Hà Nội và TP.HCM.
Năm 2018, tổng tài sản của Văn Phú Invest (VPI) ghi nhận 4.397 tỷ đồng, tăng 660 tỷ so với hồi đầu năm. Vốn hóa công ty hiện đạt hơn 6.500 tỷ đồng. Trong đó, chủ tịch Tô Như Toàn hiện nắm giữ trực tiếp 25% cổ phần Văn Phú Invest, tương ứng giá trị hơn 1.600 tỷ đồng. Nếu tính cả cổ phiếu Tô Như Toàn tại THG Holdings. Tổng giá tài sản ước tính của ông Toàn đạt xấp xỉ 2.000 tỷ đồng.
Ông Đoàn Văn Bình, sinh năm Tân Hợi 1971 - Chủ tịch CEO Group
Hiện nay đây một tập đoàn lớn trong lĩnh vực Bất động sản tại Việt Nam. CEO Group hiện có khá nhiều dự án Bất động sản nghỉ dưỡng đẳng cấp 5 sao tại Phú Quốc, Vân Đồn…
Theo báo cáo KQKD năm 2018, CEO Group đạt doanh thu 2.387 tỷ đồng – tăng 30%; Lợi nhuận sau thuế 382 tỷ đồng – tăng 16% so với năm trước đó và cũng là con số kỷ lục từ trước tới nay. Trên sàn chứng khoán, vốn hóa CEO Group hiện lên tới hơn 2.000 tỷ đồng, trong đó Chủ tịch Đoàn Văn Bình nắm giữ trực tiếp 17,5% cổ phần, tương ứng giá trị 350 tỷ đồng.
Hai lãnh đạo tập đoàn CEN Land: Chủ tịch HĐQT Nguyễn Trung Vũ và TGĐ Nguyễn Thọ Tuyển
Cùng với Đất Xanh, CEN Land hiện là một trong những đơn vị phân phối bất động sản hàng đầu Việt Nam với doanh thu năm 2018 đạt 1.687 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 320 tỷ đồng và cũng là con số kỷ lục của doanh nghiệp.
CEN Land mới lên sàn chứng khoán vào tháng 9/2018 với mã chứng khoán CRE và nhân được sự quan tâm của nhiều quỹ lớn như Dragon Capital, VinaCapital. Vốn hóa thị trường CEN Land hiện đạt hơn 2.000 tỷ đồng. Công ty mẹ CEN Group hiện nắm giữ hơn 51% cổ phần CEN Land.
Bà Đặng Thị Hoàng Yến - Chủ tịch tập đoàn Tân Tạo
Cùng với em trai Đặng Thành Tâm, bà Đặng Thị Hoàng Yến từng là một trong nữ doanh nhân nổi tiếng giàu có bậc nhất thị trường chứng khoán.Bà Đặng Thị Hoàng Yến thành lập nên Tân Tạo từ năm 1993 và giữ chức Chủ tịch HĐQT công ty này kể từ năm 1996 tới nay.
Công ty này lên sàn năm 2006 với mức giá 54.000 đồng. ITA từng là một trong những bluechip có sức ảnh hưởng tới thị trường và bà chủ Tân Tạo cũng đã từng có 3 năm liền xuất hiện trong danh sách 10 người giàu nhất thị trường chứng khoán Việt Nam (2008-2010).
Tuy nhiên, trải qua nhiều thăng trầm, Tân Tạo gặp khó khăn trong vấn đề tài chính, thiếu hụt dòng tiền, nhiều dự án trì trệ triển khai, bị thu hồi… đến nay cổ phiếu ITA vẫn loay hoay quanh mức giá 3.000 đồng. Bà Đặng Thị Hoàng Yến cũng từng là Đại biểu Quốc hội, tuy nhiên đã bị bãi nhiệm vào tháng 5/2012. Sau thời điểm đó, bà Yến cũng xuất hiện ít dần trước truyền thông và vắng mặt đầy khó hiểu trong các cuộc họp cổ đông của Tân Tạo.
Ông Vũ Văn Tiền - Chủ tịch Geleximco
Ông Vũ Văn Tiền (biệt danh là Tiền “còi”) sinh ngày 10/5/1959 (Kỷ Hợi) tại huyện Tiền Hải, Tỉnh Thái Bình. Ông Tiền từng tốt nghiệp Kỹ sư Học viện Kỹ thuật Quân sự (1979 – 1984), Cử nhân kinh tế Đại học Kinh tế Quốc dân (1985 – 1989).
Trong quá trình công tác, ông Vũ Văn Tiền từng giữ chức Chủ tịch HĐQT của Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank). Theo quy định của Luật TCTD 2018 có hiệu lực từ 15/1/2018 thì chủ tịch, tổng giám đốc ngân hàng không được làm lãnh đạo ở các doanh nghiệp khác, ông Vũ Văn Tiền đã lựa chọn ‘ưu tiên’ doanh nghiệp thay vì ngân hàng. Được biết, ABBank khởi đầu là ngân hàng nông thôn với vốn điều lệ 1 tỉ đồng, 1 điểm giao dịch và 34 nhân viên. Tính đến 31/12/2018, tổng tài sản của ABBank đạt gần 90.214 tỉ đồng. Tổng lợi nhuận sau thuế đạt 791 tỉ đồng.
Hiện, ông Vũ Văn Tiền giữ chức Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc của CTCP Xuất nhập khẩu Tổng hợp Hà Nội (Tập đoàn Geleximco). Tập đoàn Geleximco thành lập ngày 9/1/1993 với vốn chủ sở hữu 3 tỉ đồng dưới hình thức là Công ty TNHH. Tính đến năm 2018, công ty hoạt động với mô hình CTCP với tổng tài sản trên 52.000 tỉ đồng và vốn chủ sở hữu 6.000 tỉ đồng. Bên cạnh đó, tập đoàn Geleximco đang nắm giữ cổ phần tại một số đơn vị như ABBank (12,99% vốn điều lệ), Chứng khoán An Bình (42,5%), Tập đoàn Công nghệ CMC (13,95%).
Ngoài ra, ông Vũ Văn Tiền còn giữ chức Chủ tịch HĐQT của CTCP Chứng khoán An Bình (ABS), CTCP Giấy An Hòa, CTCP Xi măng Thăng Long.
Tập đoàn Geleximco được biết là với những dự án bất động sản "khủng" như Khu đô thị Geleximco - Lê Trọng Tấn 135ha nằm trên địa bàn huyện Hoài Đức và quận Hà Đông. Hay dự án Thành phố giao lưu Geleximco. Bên cạnh đó, tập đoàn còn đang là chủ đầu tư nhiều dự án BĐS lớn khác như Dầu Khí – Geleximco tại Hoài Đức 192ha, tổng mức đầu tư 10.322 tỉ đồng; KĐT Đồng Trúc Ngọc Liệp tại Quốc Oai 250ha; KĐT Phú Mãn 461 ha, tổng mức đầu tư 6.465 tỉ đồng; KĐT sinh thái Đảo Vạn Cảnh tại Hạ Long…
Ông Trần Bá Dương - Chủ tịch HĐQT tập đoàn Trường Hải (Thaco) và cũng là Chủ tịch HĐQT công ty BĐS Đại Quang Minh
Kể về con đường lập nghiệp, ông chủ Trường Hải sinh năm 1960 tại Huế nói bản thân lớn lên trong thời bao cấp, cha mất sớm, mẹ bươn chải nuôi các anh em ăn học. "Tốt nghiệp Trường Đại học Bách khoa TP.HCM, tôi xin làm công nhân sửa chữa ô tô, công việc đầu tiên của tôi là vét mỡ bò. Sau đó, nhờ kiến thức trong nhà trường, tôi đưa ra dự án 'Chuyển đổi tay lái nghịch', dự án của tôi được Bộ GT-VT chấp nhận. Công ty giao cho tôi quản lý tổ sửa chữa lưu động, làm khoán, từ đó tôi có điều kiện tích lũy và phát huy khả năng của mình. Năm 1997 tôi xin nghỉ và thành lập xưởng sửa chữa của riêng mình" - ông chủ Thaco từng chia sẻ.
Hiện tại, Thaco có gần 415 triệu cổ phiếu, tương ứng với vốn điều lên gần 4.150 tỉ đồng. Với mức giá hiện tại, vốn hóa thị trường của Thaco đạt gần 2,8 tỉ USD. Ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Thaco cùng với vợ là những người trực tiếp và gián tiếp nắm giữ hơn 65% cổ phần doanh nghiệp này.
Cụ thể, vợ chồng ông Trần Bá Dương đang nắm giữ số cổ phiếu Thaco trị giá khoảng 1,8 tỉ USD. Con số này có thể còn tăng thêm nhiều nếu cổ phiếu Thaco lên sàn chứng khoán. Bên cạnh sản xuất ô tô, Ông Trần Bá Dương cũng tập trung phát triển lĩnh vực nông nghiệp, cụ thể là mảng máy nông nghiệp, bất động sản.