MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Những dòng tweet của ông Trump, nỗi ám ảnh của Phố Wall

09-04-2018 - 16:47 PM | Tài chính quốc tế

Biến động Phố Wall tuần qua đã làm giảm uy tín của ông Trump với tư cách một Tổng thống có lợi cho chứng khoán...

Từng tự hào rằng thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm mạnh sau khi ông lên cầm quyền, Tổng thống Mỹ Donald Trump giờ đây liên tục khiến giới đầu tư hoảng sợ bằng những dòng trạng thái (tweet) mà ông đưa lên mạng xã hội Twitter.

Tuần trước, những động thái của ông Trump trong vấn đề thương mại với Trung Quốc đã khiến Phố Wall chao đảo. Chỉ số S&P 500 đã kết thúc tuần giao dịch với mức điểm thấp hơn 1,4% so với đầu tuần. Trong vòng 5 ngày giao dịch, thì có tới 4 phiên Phố Wall biến động trên 1%, khiến chỉ số đo lường sự trồi sụt của thị trường CBOE Volatility Index vọt qua mốc 20 điểm, gần gấp đôi mức trung bình của 1 năm qua.

Tất cả những biến động này đã làm suy giảm uy tín của ông Trump với tư cách một vị Tổng thống có lợi cho chứng khoán.

Hãng tin Bloomberg cho biết, thành quả tăng điểm của chứng khoán Mỹ kể từ khi ông Trump lên cầm quyền đã tụt xuống vị trí thứ 8 trong tương quan so sánh với các đời Tổng thống Mỹ khác kể từ năm 1900 đến nay.

Những dòng tweet của ông Trump, nỗi ám ảnh của Phố Wall - Ảnh 1.

8 mức tăng điểm lớn nhất của chứng khoán Mỹ trong 444 ngày cầm quyền đầu tiên của các Tổng thống Mỹ từ năm 1900 - Nguồn: Bloomberg.

Những động thái của ông Trump "đang khiến nhiều nhà đầu tư kiệt sức" - nhà quản lý danh mục Henry Peabody thuộc Eaton Vance Management nói với Bloomberg. "Kiểu làm việc này chắc chắn là quá đặc biệt".

Không chỉ về thương mại với Trung Quốc, trước đây ông Trump đã từng khiến chứng khoán Mỹ rung lắc bằng những dòng tweet về các vấn đề khác, chẳng hạn về kích thước nút bấm hạt nhân của ông so với của Triều Tiên, hay số phận của Hiệp định Tự do mậu dịch Bắc Mỹ (NAFTA). Mặc dù vậy, những vấn đề này đều nhanh chóng trôi đi trong năm đầu tiên cầm quyền của ông Trump, khi chính quyền ông đưa ra được những chính sách thân thiện với kinh doanh khiến thị trường yên tâm hơn.

Giờ đây, Nhà Trắng đang theo đuổi những biện pháp mà Phố Wall không dành nhiều sự ủng hộ. Chẳng hạn, vào hôm thứ Sáu, Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Steven Mnuchin thừa nhận có "một mức độ rủi ro nhất định" về việc tranh chấp thương mại Mỹ-Trung có thể bùng lên thành một cuộc chiến tranh thương mại tổng lực - một điều mà chắc chắn các nhà đầu tư không muốn chứng kiến.

"Từ góc nhìn thị trường, chính quyền Trump lúc đầu mang lại hàng loạt tin tốt. Thuế giảm, chính sách thân thiện với tăng trưởng, chi tiêu công tăng… tất cả đều là tin vui. Còn các cuộc đàm phán thương mại căng thẳng thì sao? Đó là một dạng thông điệp trái tai hơn", nhà quản lý danh mục cấp cao Kevin Caron thuộc Washington Crossing Advisors phát biểu.

Trong năm đầu tiên ông Trump cầm quyền, chỉ số Dow Jones tăng 32% - mức tăng mạnh thứ ba của chứng khoán Mỹ trong năm cầm quyền đầu tiên của một Tổng thống Mỹ trong hơn 100 năm qua. Tuy nhiên, đợt biến động chứng khoán Mỹ từ đầu năm đến nay đã khiến ông Trump tụt dần trong xếp hạng này, xuống sau cả các Tổng thống Barack Obama, Bill Clinton và George H. W. Bush.

Ảnh hưởng của ông Trump đối với chứng khoán Mỹ được thể hiện rõ trong tuần trước. Ngay phiên giao dịch ngày thứ Hai, chứng khoán Mỹ sụt 2,2% sau khi ông đăng dòng tweet chỉ trích công ty bán lẻ trực tuyến Amazon.com. Giới đầu tư còn hoảng hốt khi Mỹ và Trung Quốc lần lượt áp thuế lên 50 tỷ USD hàng hóa của nhau.

Ba ngày sau đó, chứng khoán Mỹ tăng hơn 30%, khi các quan chức Nhà Trắng trấn an thị trường rằng mâu thuẫn thương mại Mỹ-Trung sẽ được giải quyết thông qua đàm phán. Tuy nhiên, sau khi ông Trump bất ngờ dọa đánh thuế thêm 100 tỷ USD hàng Trung Quốc vào cuối ngày thứ Năm, chứng khoán Mỹ lao dốc trở lại trong phiên ngày thứ Sáu.

"Chắc chắn là Tổng thống đang làm gia tăng mức độ biến động của thị trường bằng những dòng tweet và tuyên bố của ông ấy", ông Joe Kinahan, chiến lược gia trưởng thị trường thuộc TD Ameritrade, nhận định.

Những dòng tweet của ông Trump ám ảnh thị trường tuần qua đến nỗi, báo cáo việc làm do Bộ Lao động Mỹ công bố - vốn là một tâm điểm chú ý - chỉ nhận được mức độ quan tâm không đáng kể vào ngày thứ Sáu. Báo cáo này cho thấy số lượng việc làm mới trong khu vực phi nông nghiệp của Mỹ tăng chậm hơn so với dự báo. Tuy nhiên, các nhà đầu tư cho rằng điều này sẽ không ngăn Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tiếp tục nâng lãi suất cơ bản đồng USD với tốc độ từ tốn.

Thay vào đó, toàn bộ sự chú ý của giới đầu tư tiếp tục hướng vào các tín hiệu chính sách từ Nhà Trắng. Cũng giống như đã làm vào đầu tuần, Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia Nhà Trắng, ông Larry Kudlow vào hôm thứ Sáu tiếp tục xoa dịu thị trường rằng mâu thuẫn thương mại có thể được giải quyết bằng đàm phán. Tuy nhiên, xét tới mức độ giảm điểm của thị trường, có thể thấy những lời trấn an ông Kudlow đã không còn nhiều tác dụng.

"Vấn đề đối với các nhà đầu tư là không có bất kỳ một sự nhất quán nào trong các thông điệp. Chúng tôi chẳng thể biết nên kỳ vọng điều gì tiếp theo", ông Ian Winer, Giám đốc phụ trách đầu tư cổ phiếu thuộc Wedbush Securities, phát biểu.

Theo Bình Minh

VnEconomy

Trở lên trên