Những dự án bất động sản "bánh vẽ" liên quan đến bà Phấn trong đại án Phạm Công Danh
Sau khi gây ra lỗ lũy hơn 6.000 tỷ đồng cho Trust Bank, bà Hứa Thị Phấn và nhóm Phú Mỹ không vực dậy mà còn đem ngân hàng này đi bán cho ông Phạm Công Danh. “Rước nợ vào thân”, ông Danh lại tiếp tục chiến dịch “rút ruột” Trust Bank để thực hiện thỏa thuận theo hợp đồng đã ký với nhóm Phú Mỹ.
- 03-08-2016Nguồn cơn nào đẩy đưa Phạm Công Danh đến bờ vực thẳm?
- 02-08-2016Phiên tòa chiều 02/8: Phạm Công Danh bức xúc khi bà Bích nói không biết cho Danh mượn tiền
- 02-08-2016Phạm Công Danh khẳng định có vay tiền của Trần Ngọc Bích
- 01-08-2016Sáng mai, Phạm Công Danh được gặp người nhà để bàn chuyện bán tài sản khắc phục hậu quả
Trong đó, phần lớn số tiền được bà Phấn "rút ruột" để chuyển vào các công ty con và đầu tư nhiều dự án BĐS tại TP.HCM, Long An, Bình Dương. Tuy nhiên, tất cả những dự án này đều là "bánh vẽ", đến nay đã có 2 dự án bị thu hồi, một số dự án chỉ là đất nông nghiệp chưa chuyển đổi.
Đất nông nghiệp chưa định giá được cầm cố giá cao
Theo điều tra, Ngân hàng Đại Tín ( Trust Bank ) được hình thành từ Ngân hàng TMCP Nông thôn Rạch Kiến. Tính đến ngày 31/12/2010 vốn điều lệ nhà băng này đạt 3.000 tỷ đồng, tổng tài sản đạt 19.762 tỷ đồng; lợi nhuận đạt 302 tỷ đồng.
Nhận thấy Trust Bank đang “ăn nên làm ra”, trong 2 năm 2009 – 2010, bà Hứa Thị Phấn (Chủ tịch HĐQT của Công ty cổ phần đầu tư phát triển Phú Mỹ) đã bỏ ra khoảng 2.000 tỷ đồng, nhờ người đứng tên mua lại 84,92% cổ phần để trở thành cổ đông lớn nhất hòng thâu tóm Trust Bank.
Những tưởng khi lên nắm quyền điều hành Trust Bank, bà Phấn sẽ đưa ngân hàng này phát triển mạnh hơn nữa. Nào ngờ, ngay sau khi “xưng vương”, bà Phấn lại sử dụng ảnh hưởng của mình, nhờ 29 đối tượng đứng tên giúp, vay của Trust Bank số tiền lên tới 3.581 tỷ đồng. Tài sản thế chấp cho khoản vay phần lớn là những khoảnh đất nông nghiệp tại huyện Nhà Bè, TP.HCM. Đáng chú ý nhất, trong lần vay mượn này, những khoảnh đất dùng để thế chấp nếu quy ra giá thị trường vào thời điểm ấy chỉ khoảng 0,3 – 1 triệu đồng/m2 nhưng lại được Trust Bank định giá lên tới 8 - 32 triệu đồng/m2.
Tuy nhiên, chẳng cần đợi tới lúc cơ quan có thẩm quyền cho phép, ngày 6/6/2012, nhóm Phú Mỹ và Thiên Thanh đã thống nhất, ký biên bản thỏa thuận chuyển nhượng 84,92% cổ phần của Trust Bank và các tài sản liên quan với giá 4.619,61 tỷ đồng. Tháng 2/2013, ông Phạm Công Danh chính thức trở thành Chủ tịch HĐQT Trust Bank (lúc này đã đổi tên thành Ngân hàng Xây dựng).
Theo những chứng cứ mà Luật sư Hà Hải (một trong những người tham gia bào chữa cho ông Phạm Công Danh) thu thập được thì từ ngày 28/12/2012 đến ngày 29/6/2013, ông Phạm Công Danh đã trả cho nhóm bà Hứa Thị Phấn số tiền hơn 3.600 tỷ đồng. Trong đó, số nợ gốc là hơn 3.500 tỷ đồng và tiền nợ lãi là gần 77 tỷ đồng.
Tuy nhiên, nhóm bà Hứa Thị Phấn đã cố ý không bàn giao 24,56ha đất dự án Nhà Bè, và 9ha đất quận 2, TP.HCM cho nhóm Thiên Thanh mà lại đồng ý ủy quyền cho VNCB được toàn quyền xử lý tài sản. Điều đáng chú ý, gần như toàn bộ các khu đất này là đất nông nghiệp, chưa chuyển đổi mục đích sử dụng. Tại phiên toà ngày 3/8, khi Toà hỏi bà Phấn có biết các mảnh đất nông nghiệp đó giá bao nhiêu tiền không thì bà Phấn trả lời không đánh giá được vì còn phải tùy thuộc vào vị trí.
Không chỉ thế, bà Phấn và nhóm Phú Mỹ còn cố ý không thực hiện cam kết thu hồi các khoản nợ gần 10.000 tỷ đồng của nhóm Phương Trang phát sinh từ trước năm 2012 khi ông Hoàng Văn Toàn và nhóm Phú Mỹ quản lý điều hành Trust Bank.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, từ năm 2012 Công ty CP Đầu tư Phương Trang đã mang hàng chục khu đất rải rác từ Đà Nẳng vào TP.HCM và các tỉnh miền Tây để vay tiền đầu tư dự án. Tổng số tài sản này trị giá hơn 14.500 tỷ đồng, ngân hàng đã thẩm định và hạn mức có thể cho Phương Trang vay là hơn 9.000 tỷ đồng.
Ban đầu, CB báo cáo dư nợ là gần 9.500 tỷ đồng cộng thêm lãi là 17.000 tỷ đồng. Tuy nhiên khi cơ quan điều tra làm việc, đối chiếu thống kê và xác nhận con số chính xác mà nhóm Phương Trang nhận là 3.436 tỷ đồng. Đây là số tiền của 47 khoản vay và một khoản mua bán trái phiếu của Công ty CP đầu tư Phương Trang.
Những dự án "bánh vẽ" dưới bàn tay ma thuật của bà Phấn
Dưới thời của mình, vào tháng 1/2008, bà Phấn đã mua căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch, Quận 1, TP.HCM của ông Nguyễn Xuân Lai với giá 21.762,3 cây vàng SJC. Tháng 10/2008, bà Phấn bán lại căn nhà này cho Công ty Cổ phần Địa ốc Lam Giang (Công ty con do bà Phấn lập ra) với giá 25.000 cây vàng SJC.
Năm 2012, bà Phấn lại bán tiếp tài sản trên cho bên mua là Ngân hàng Đại Tín với giá là 1.260 tỷ đồng.
Hiển nhiên sẽ khó tránh khỏi những hoài nghi về nhiều hành vi bất thường của bà Phấn! Bởi lẽ, qua hợp đồng mua, bán nhà thì giá trị quyền sử dụng đất được nâng lên đến hơn 2 tỉ đồng/m2; trong khi, giá đất (trọn đường) Phạm Ngọc Thạch, Quận 1 là 37,4 triệu đồng/m2 (theo Quyết định số 82/2011/QĐ-UBND ngày 18/12/2011 của UBND TP.HCM).
Không những vậy, bà Phấn cùng “chân rết” còn chiếm hữu thêm các căn nhà số 10 Lý Tự Trọng, 426 Nguyễn Thị Minh Khai hay nhà số 1 – 3 – 5 Cao Xuân Dục, Quận 8, TP.HCM.
Theo những tài liệu chúng tôi tìm hiểu, trong vụ trọng án này, bà Phấn còn cố tình "giữ" hơn 1,1 nghìn tỷ đồng dùng để đầu tư vào 3 công ty con khác do bà Phấn lập nên.
Mục đích của hành vi này là để phát triển và đầu tư các dự án BĐS tại nhiều địa phương khác nhau, cụ thể: Dự án Phú Mỹ Garden II tại Long An; Dự án chung cư Star City và Co-Co City tại TP.HCM; và dự án Khu công nghiệp Tân Đông Hiệp B tại Bình Dương.