MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Những dự án giao thông lớn ở phía Nam đang ở giai đoạn nào?

Những dự án giao thông lớn ở phía Nam đang ở giai đoạn nào?

Cao tốc Biên hoà - Vũng Tàu, cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, đường Vành đai 3 TP.HCM... đang được đẩy nhanh thủ tục để có thể khởi công vào năm 2023.

Đầu tiên là dự án Vành đai 3 TP.HCM đi qua Bình Dương, Đồng Nai, Long An và TP.HCM, chiều dài khoảng 76 km, với 4 làn xe cao tốc hạn chế; tốc độ tiết kế 80km/h, bề rộng mặt đường là 19,75 m.

Dự án phân chia thành 8 dự án thành phần, tách riêng phần giải phóng mặt bằng và phần xây dựng triển khai độc lập theo địa giới hành chính giữa các địa phương, thực hiện theo hình thức đầu tư công.

Sơ bộ tổng mức đầu tư là 75.378 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 2021-2025 là 61.056 tỷ đồng. Giai đoạn 2026-2030, dự án cần khoảng 14.322 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương bố trí 7.361 tỷ đồng, ngân sách TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An bố trí 6.961 tỷ đồng.

 Những dự án giao thông lớn ở phía Nam đang ở giai đoạn nào? - Ảnh 1.

Các địa phương đang rất quyết tâm để khởi công dự án vào năm 2023. Ảnh: Hồ Trang

Mới đây, ngày 19/5, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Vũ Hồng Thanh cùng đoàn công tác đã khảo sát dự án Vành đai 3 TP.HCM. Qua đó, để thấy được nhu cầu giao thông vận tải, liên kết vùng giữa các địa phương mà dự án đi qua là hết sức cấp bách.

"Việc đầu tư Vành đai 3 là hết sức cần thiết và sớm khởi công, bởi hiện nay di chuyển mất quá nhiều thời gian", ông Thanh nói và cho biết đoàn sẽ báo cáo Quốc hội, trình dự án để có thể sớm triển khai.

Tuy nhiên, đi khảo sát tại các nút giao, qua các địa phương, ông Thanh cho rằng, để triển khai tuyến đường này là rất phức tạp, chi phí lớn và công tác tái định cư cho người dân. Đồng thời, các địa phương cũng phải tính đến phương án đảm bảo sự thống nhất của dự án.

Hiện, công tác giải phóng mặt bằng cũng đang là vấn đề cấp bách. Riêng chỉ có Long An là thuận lợi bởi phần lớn dự án đi qua đất nông nghiệp, còn lại các địa phương đi qua khu dân cư rất nhiều. Các địa phương cũng đang gấp rút đẩy nhanh tiến độ dự án để kịp Chính phủ xem xét sau đó trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 3, khai mạc cuối tháng 5/2022.

Để bảo đảm đưa dự án cơ bản hoàn thành cuối năm 2025 và hoàn thiện vào năm 2026, TP.HCM và các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và Long An thống nhất đề xuất 4 nhóm cơ chế đặc thù để Quốc hội cho phép áp dụng cho dự án, gồm: Nguồn vốn đầu tư (ngân sách trung ương, ngân sách địa phương) và thu hồi vốn đầu tư; tổ chức thực hiện dự án; cơ chế chỉ định thầu và khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường để thực hiện dự án.

Sắp tới, TP.HCM sẽ tổ chức hội nghị về công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng để triển khai dự án với sự tham dự của cả hệ thống chính trị nhằm chỉ đạo sâu sát, thống nhất cơ chế phối hợp, quyết tâm khởi công dự án vào quý IV/2023. Đồng thời, các địa phương cũng lập các ban chỉ đạo điều hành thực hiện giải quyết ngay các vấn đề phát sinh cần tháo gỡ, triển khai kế hoạch khai thác, phát triển quỹ đất, đô thị dọc 2 bên tuyến đường.

 Những dự án giao thông lớn ở phía Nam đang ở giai đoạn nào? - Ảnh 2.

Cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng sẽ được phân chia thành 4 dự án thành phần. Ảnh: Lê An

Trong khi đó, khảo sát tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, ông Thanh nhấn mạnh, các đơn vị thực hiện dự án và các địa phương có tuyến cao tốc đi qua cần phải lên kế hoạch để dự phòng vấn đề nguồn cát. Đồng thời, cần lên phương án sẵn sàng cho công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư tránh tình trạng khiếu nại, khiếu kiện. Khi Quốc hội chấp thuận chủ trương đầu tư thì dự án có thể triển khai được ngay.

Cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng có chiều dài hơn 188 km, trong đó đoạn tuyến qua tỉnh An Giang là 56,7 km, TP Cần Thơ là 37,7km, tỉnh Hậu Giang là 37,7km và tỉnh Sóc Trăng là 56,1km.

Theo thiết kế, giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư dự kiến trên 44.690 tỷ đồng, quy mô bốn làn xe, bố trí làn xe dừng khẩn cấp không liên tục. Theo ước tính, nhu cầu sử dụng đất của dự án khoảng 1.205ha với khoảng 1.200 hộ dân bị ảnh hưởng. Trong đó, diện tích đất trồng lúa khoảng 860 ha.

Đơn vị tư vấn kiến nghị chia dự án thành 4 dự án thành phần. Trong đó, dự án thành phần 1 với chiều dài khoảng 57,2 km (qua tỉnh An Giang và TP. Cần Thơ), tổng mức đầu tư khoảng 13.799 tỷ đồng. Dự án thành phần 2 với chiều dài khoảng 37,2 km (qua TP. Cần Thơ), tổng mức đầu tư khoảng 9.845 tỷ đồng. Dự án thành phần 3 với chiều dài khoảng 36,9 km (qua tỉnh Hậu Giang), tổng mức đầu tư khoảng 9.927 tỷ đồng. Dự án thành phần 4 với chiều dài khoảng 56,9 km (qua tỉnh Hậu Giang và Sóc Trăng), tổng mức đầu tư khoảng 11.120 tỷ đồng.

 Những dự án giao thông lớn ở phía Nam đang ở giai đoạn nào? - Ảnh 3.

Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu có tổng mức đầu tư khoảng 18.000 tỷ đồng. Ảnh: UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

Còn đối với cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, giai đoạn 1, có chiều dài 53,7 km, đi qua địa bàn Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu. Dự án có điểm đầu kết nối với tuyến tránh quốc lộ 1 đoạn qua TP. Biên Hòa (Đồng Nai) và điểm cuối tại đường giao với QL56 (Bà Rịa - Vũng Tàu). Dự án được đề xuất khởi công trong năm 2023 và cơ bản hoàn thành trong năm 2025.

Sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương, Bộ GTVT đã trình Thủ tướng báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án (giai đoạn 1) để tổ chức thẩm định, trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư. Dự kiến, tổng mức đầu tư khoảng 18.000 tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước để đầu tư thực hiện dự án.

Khi hoàn thành, tuyến cao tốc này sẽ đáp ứng nhu cầu vận tải và giảm tải cho QL51 hiện hữu. Đây cũng là tuyến huyết mạch cho mạng lưới kết nối giao thông giữa vùng tam giác kinh tế phát triển bậc nhất của cả nước là TP.HCM, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu.

Hiện, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu yêu cầu các đơn vị liên quan phải chuẩn bị các phương án để thực hiện tốt việc giải phóng mặt bằng và xây dựng các khu tái định cư cho dự án.

Theo Đình Nguyên

Nhà Đầu Tư

Trở lên trên