Những dự án giao thông trọng điểm khánh thành dịp 2/9
Nhân dịp Quốc khánh 2/9, nhiều dự án giao thông trọng điểm trên cả nước được khánh thành, đưa vào hoạt động phục vụ người dân.
- 01-09-2023Nghiên cứu mở rộng tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương - Mỹ Thuận
- 01-09-2023Du lịch thu về hơn 482.000 tỷ đồng trong 8 tháng
- 01-09-2023Bộ Tài chính 'né' trách nhiệm xây dựng giá điện
Cao tốc quốc lộ 45 - Nghi Sơn (Thanh Hóa)
Cao tốc quốc lộ 45 - Nghi Sơn dài 43 km đi qua huyện Nông Cống, thị xã Nghi Sơn, có tổng mức đầu tư hơn 5.530 tỷ đồng, khởi công từ tháng 7/2021. Dự án được chuyển đổi từ phương thức đầu tư đối tác công tư (PPP) sang đầu tư công.
Điểm đầu cao tốc giao với đường Nghi Sơn - Thọ Xuân, nối tiếp với đường cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45 tại xã Tân Phúc, huyện Nông Cống và điểm cuối là nút giao với đường Nghi Sơn - Bãi Trành, kết nối với đường cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu tại xã Tân Trường, thị xã Nghi Sơn.
Giai đoạn 1 của dự án xây dựng mặt đường 4 làn xe không có làn dừng khẩn cấp, nền đường rộng 17m, vận tốc thiết kế 80km/h; giai đoạn hoàn chỉnh xây dựng theo quy mô 6 làn xe, nền đường rộng 32,25m, vận tốc thiết kế 120km/h. Trên tuyến có cầu vượt hồ Yên Mỹ dài 995m, là cây cầu lớn nhất của dự án.
Dự án này sẽ kết nối với cao tốc Mai Sơn - quốc lộ 45 (Ninh Bình - Thanh Hóa) tại nút giao Tân Phúc (Nông Cống).
Cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu
Dự án cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu dài 50 km, trong đó đoạn qua Thanh Hóa 6,5 km và Nghệ An 43,5 km. Điểm đầu tại Nghi Sơn, kết nối với cao tốc quốc lộ 45 - Nghi Sơn và điểm cuối tại xã Diễn Tháp (Diễn Châu, Nghệ An), thuộc nút giao nối với cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 7.290 tỷ đồng, trong đó tổng giá trị xây lắp khoảng 4.400 tỷ đồng.
Đoạn cao tốc này được xây dựng 4 làn xe, nền đường 17 m, vận tốc thiết kế 80 km/h, không có làn dừng khẩn cấp. Giai đoạn hoàn chỉnh sẽ có 6 làn xe, nền đường 32,25 m, vận tốc thiết kế 100-120 km/h.
Trên toàn tuyến có 1 hầm Trường Vinh dài 450m, xây dựng cả 2 ống hầm cho giai đoạn hoàn chỉnh; 23 cầu, trong đó 14 cầu trên tuyến chính, 8 cầu trên các tuyến đường ngang và 1 cầu trong nút giao liên thông.
Khi hoàn thành, công trình sẽ rút ngắn thời gian từ Thanh Hóa đi Nghệ An từ 3 giờ còn 1,5 giờ. Đi từ Hà Nội đến Diễn Châu (Nghệ An) sẽ chỉ mất 3,5 giờ, thay vì khoảng 5 giờ như hiện nay.
Cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2
UBND thành phố Hà Nội tổ chức lễ khánh thành dự án đầu tư xây dựng cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 vào ngày 30/8, chào mừng kỷ niệm 78 năm ngày Quốc khánh (2/9/1945 - 2/9/2023) và 69 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2023).
Dự án cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 được khởi công xây dựng từ tháng 1/2021 do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội làm chủ đầu tư. Cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 nằm phía hạ lưu sông Hồng, song song với cầu giai đoạn 1, với hình dáng tương tự cầu giai đoạn 1. Dự án nhằm hoàn thiện toàn bộ đường vành đai 2 của thành phố Hà Nội, tăng cường khả năng lưu thông giữa hai bên bờ sông Hồng, đáp ứng nhu cầu vận tải giữa trung tâm Thủ đô với khu vực phía Bắc và Đông Bắc thành phố.
Tổng chiều dài cầu và đường dẫn khoảng 3.473m. Điểm đầu giao với đường Nguyễn Khoái và đường Minh Khai (quận Hai Bà Trưng), điểm cuối giao với đường Long Biên - Thạch Bàn, đường Cổ Linh (quận Long Biên). Đây là cây cầu rộng nhất Hà Nội với 8 làn xe ô tô (40 m). Mặt cắt ngang cầu là 19,25m (4 làn xe). Chiều cao tĩnh không là 11m, khẩu độ thông thuyền lớn hơn 85 m.
Cầu Vĩnh Phú
Cầu Vĩnh Phú bắc qua sông Lô nối 2 tỉnh Vĩnh Phúc - Phú Thọ được thông xe vào ngày 31/8 để chào đón dịp Quốc khánh 2/9.
Đây là một trong những công trình trọng điểm của tỉnh Vĩnh Phúc, được khởi công xây dựng từ tháng 12/2021, với tổng mức đầu tư hơn 540 tỷ đồng. Dự án có điểm đầu cầu phía thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ kết nối với đường Trần Phú, giao với đê hữu sông Lô và kết thúc tại điểm giao với đê tả sông Lô, xã Đức Bác, huyện Sông Lô, với tổng chiều dài hơn 509m. Trong đó, cầu chính dài 290m, cầu dẫn phía tỉnh Phú Thọ dài 70,75m, cầu dẫn phía tỉnh Vĩnh Phúc dài khoảng 148,8m. Cầu được thiết kế đảm bảo 4 làn xe cơ giới, bề rộng mặt cầu chính 19m, bề rộng đường dẫn 16,5m.
Dự án khi hoàn thành sẽ đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân bên bờ sông, rút ngắn thời gian lưu thông, đảm bảo an toàn giao thông, kết nối giao thương, phát triển kinh tế của vùng.
Cầu Long Kiểng
Dự án được huyện Nhà Bè được UBND TP.HCM phê duyệt từ năm 2001. Công trình dài 318m, đường dẫn hai đầu 661m, tổng vốn đầu tư 589 tỉ đồng. Đến năm 2007, dự án mới giải phóng mặt bằng được một số hộ dân trong giai đoạn 1.
Hơn 10 năm sau, tháng 8/2018, cầu Long Kiểng mới được khởi công và dự kiến hoàn thành vào cuối tháng 11/2019. Sau đó dự án lại vướng mặt bằng.
Tháng 9/2022, UBND huyện Nhà Bè mới giao toàn bộ mặt bằng cho chủ đầu tư (Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM - Ban giao thông).
Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM sẽ tổ chức thông xe cầu Long Kiểng (huyện Nhà Bè) vào sáng 6/9.
Cầu Phật Tích - Đại Đồng Thành
Công trình khởi công từ tháng 1/2018 và chính thức hợp long vào ngày 30/6/2022.
Cầu có điểm đầu thuộc địa phận xã Cảnh Hưng, huyện Tiên Du, Bắc Ninh, điểm cuối thuộc địa phận xã Đại Đồng Thành, thị xã Thuận Thành, Bắc Ninh.
Dự án có tổng mức đầu tư gần 2.000 tỷ đồng, có tổng chiều dài hơn 1,5km, rộng 22,5m, với kiến trúc 5 nhịp vòm cao từ 40m tới 67m. Điểm nhấn nổi bật của cầu là vòm thép cao tới 87m, được xem là cầu có vòm thép cao nhất Việt Nam cho đến hiện tại.
Khi hoàn thiện và thông xe vào ngày 2/9, cầu sẽ góp phần hình thành mạng lưới giao thông khép kín giữa khu vực Bắc sông Đuống và Nam sông Đuống của tỉnh Bắc Ninh. Đồng thời giúp kết nối vùng với các tỉnh đồng bằng sông Hồng và phụ cận như: Hà Nội, Bắc Giang, Thái Nguyên, Hưng Yên, Hải Dương qua Quốc lộ 1, Quốc lộ 38, Quốc lộ 5, Quốc lộ 17 và các tuyến Tỉnh lộ 276, 287… góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội của Bắc Ninh và các tỉnh lân cận.
VTC News