Những dự án nối mạch nguồn kinh tế Tây Nguyên
Với những nỗ lực của các cấp, các ngành, các dự án đầu tư công ở khu vực Tây Nguyên đã có sự cải thiện mạnh mẽ kể từ cuối năm 2023, nhất là trong lĩnh vực giao thông.
- 07-02-2024Xuất nhập khẩu có tín hiệu khởi sắc, thu ngân sách tăng 13,24%
- 06-02-2024Dịp Tết, chuyến bay bị hủy, delay thì hãng bay bồi thường bao nhiêu? Con số thật bất ngờ!
- 06-02-2024Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang: Dồn tổng lực, mở "đợt cao điểm của cao điểm" để gỡ “thẻ vàng” IUU
Ngay cả những dự án gặp nhiều khó khăn nhất, cũng có sự đột phá về tiến độ, để các địa phương ở khu vực này có thêm những cung đường mới, những cây cầu mới, kết nối những mạch nguồn kinh tế, khơi dậy tiềm năng phát triển trong năm 2024 và những năm tiếp theo.
Đường giao thông liên huyện Chư Sê-Chư Pưh- Chư Prông, tỉnh Gia Lai dài hơn 32 km, như một dải lụa vắt ngang những nương, rẫy, suối, rừng, nối Quốc lộ 25, Quốc lộ 14, qua nhiều xã, thị trấn của 2 huyện Chư Pưh, Chư Sê, tới các xã khó khăn của huyện biên giới Chư Prong. Đường mới được hoàn thành, chưa thể tìm thấy trên bản đồ, nhưng thực tế đã bon bon xe, hàng, nông sản lưu thông.
Ông Mai Thế Chiến, thôn Hợp Hòa, xã Ia Drăng, huyện Chư Prông cho biết, ông cảm nhận rõ thế nào là “khổ tận cam lai”. Con đường từng có nguy cơ phải trả vốn vì chậm tiến độ kéo dài, lại kịp bứt tốc để hoàn thành trước thềm năm mới, đem lại cơ hội phát triển lớn cho người dân trong khu vực.
“Trước đây việc đi lại của chúng tôi rất vất vả. Từ nhà đi tới xã Ia Gar hoặc Ia Mer thì phải vòng qua nhiều con đường khác nhau, nắng thì bụi mưa thì sình lầy. Con đường này hoàn thành đưa vào sử dụng thì rất thuận lợi cho bà con nông dân trong việc tiêu thụ nông sản, tạo điều kiện cho nông sản của bà con được mua tại nhà mà giá lại được nâng lên” - ông Mai Thế Chiến nói.
Cùng với những dự án giao thông quan trọng đã hoàn thành trong năm 2023, khu vực Tây Nguyên cũng có thêm nhiều dự án sắp hoàn thành, hoặc đang thi công hoặc được mở mới. Một trong số đó là tuyến giao thông kết nối các xã Ia Mlá, Đất Bằng, Phú Cần tới thị trấn Phú Túc, Huyện Krông Pa tỉnh Gia Lai, dài hơn 8km, vốn đầu tư 90 tỷ đồng. Theo ông Hồ Văn Thảo, Chủ tịch UBND huyện Krông Pa, tuyến đường này đã hoàn thành gần 100% khối lượng thi công và sẽ phát huy hiệu quả rất rõ rệt, thúc đẩy cả nông nghiệp và giao thương.
“Con đường này đi qua một vùng hơn 1.000 ha đất sản xuất cho nên khi đầu tư tuyến đường này thì người dân rất phấn khởi. Trước đây tuyến đường này để đi hết phải mất 2 tiếng rưỡi và chỉ xe máy đi được. Sau khi đầu tư tuyến đường này thì toàn bộ hàng nông sản và lưu thông hàng hóa giữa Phú Túc, Ia M’lá và Phú Cần sẽ được lưu thông thuận lợi” - ông Hồ Văn Thảo cho biết thêm.
Cùng với những cung đường nối những vùng quê, hệ thống giao thông đô thị ở Tây Nguyên cũng được quan tâm đầu tư đáng kể. Như ở Lâm Đồng, ngoài dự án mở rộng đèo Prenn nối thành phố Đà Lạt với huyện Đức Trọng mới hoàn thành, còn có gần chục dự án trong nội ô Đà Lạt đang được triển khai. Ở Đăk Lăk, tuyến đại lộ Đông Tây (đường Nguyễn Chí Thanh) nối sân bay Buôn Ma Thuột với trung tâm thành phố đã chính thức đưa vào sử dụng; Tỉnh lộ 1 nối Buôn Ma Thuột với huyện Buôn Đôn đang được nâng cấp.
Dự án giao thông nối Quốc lộ 26 - Quốc lộ 14 - Tỉnh lộ 8 và Dự án mở rộng đường Giải Phóng, thành phố Buôn Ma Thuột cũng đã được triển khai. Thị trấn Plei Kần của huyện biên giới Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum cũng đang chuyển mình mạnh mẽ với Dự án cụm giao thông phía Nam thị trấn, tổng vốn đầu tư hơn 320 tỷ đồng.
Theo chị Phạm Thị Thủy, người dân thị trấn, hệ thống giao thông này không chỉ giúp người dân ở phía Nam thị trấn đến vùng trung tâm thuận tiên hơn mà còn mở ra các cơ hội kinh doanh, thúc đẩy thị trấn Plei Kần đến gần hơn với mục tiêu trở thành thị xã.
“Dân ở đây rất vui mừng vì có tuyến đường này. Tuyến này rất đẹp, thông thương, đi lại thì gần với trung tâm thị trấn, để khi thị trân lên thị xã thì sẽ đẹp hơn, làm ăn buôn bán thì cũng thuận lợi hơn” - chị Phạm Thị Thủy nói.
Nếu như những dự án giao thông trăm tỷ đang khơi dậy tiềm năng liên huyện, liên xã thì những dự án giao thông nghìn tỷ đang giúp các tỉnh Tây Nguyên dần hình thành những hành lang kinh tế có ý nghĩa chiến lược. Có ý nghĩa đặc biệt trong số đó là Dự án cao tốc Buôn Ma Thuột-Khánh Hòa, tổng vốn đầu tư gần 22.000 tỷ đồng.
Theo quy hoạch đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050, cao tốc này sẽ là huyết mạch giao thông để hình thành một trong 5 hành lang kinh tế của khu vực Tây Nguyên, với chức năng được ưu tiên là dịch vụ, du lịch và vận chuyển hàng hóa. Được khởi công từ tháng 6 năm 2023, nay cao tốc Buôn Ma Thuột-Khánh Hòa đã nên hình nên dạng.
Ông Đặng Thọ Dần, Phó Trưởng Phòng điều hành giao thông, Ban quản lý các Dự án Giao thông và Nông nghiệp Phát triển Nông thôn tỉnh Đắk Lắk cho biết, dự án này đang được thi công khẩn trương: “Hiện nay, sau khi có mặt bằng thì các nhà thầu đã tập trung gấp rút triển khai san ủi xây dựng đường công vụ nội bộ trên tuyến phụ vụ thi công xây dựng dự án. Như gói số 1 thì 100% đã có đường phục vụ xây dựng. Còn gói 2 thì cũng đã xong được trên 70%. Gói 3 cũng đã cơ bản thông tuyến và đang được nhà thầu triển khai rầm rộ”.
2023 là năm các tỉnh Tây Nguyên đều gặp khó khăn lớn trong triển khai các dự án đầu tư công, nhưng công tác này đã được cải thiện trong những tháng cuối năm và càng cải thiện rõ rệt hơn khi bước sang năm mới 2024, nhất là đối với các dự án giao thông. Các dự án giao thông nội vùng, các dự án có tính chất liên vùng được triển khai mạnh mẽ, đang từng bước kết nối các mạch nguồn kinh tế của mỗi tỉnh, của khu vực và của cả Miền Trung-Tây Nguyên, tạo thêm sức đẩy để phát triển kinh tế xã hội.
VOV